Jean Piaget |
Jean Piaget sinh tại Neuchâtel , Switzerland , vào ngày 9 tháng 8 năm 1896. Cha của ông, Athur Piaget, là một giáo sư văn học trung cổ có một niềm đam mê hứng thú với lịch sử địa phương. Mẹ ông, Rebecca Jackson, là một phụ nữ thông minh và năng động, nhưng con trai bà đã nghĩ rằng mẹ mình hơi bị thần kinh, một ấn tượng mà ông cho rằng đã thôi thúc ông có hứng thú với tâm lý học. Tuy nhiên ông tiết lộ là không thích phần bệnh lý học trong ngành Tâm lý. Là con trai cả, vì thế ông có khuynh hướng độc lập và rất yêu thích thiên nhiên, nhất là trong việc sưu tập vỏ ốc. Ông đăng tải một bài viết năm ông lên 10 tuổi, một bài luận dài trên trang giấy kể chuyện ông quan sát một con chim sẻ bị bệnh bạch tạng.
Lên trung học, ông bắt đầu in rất nhiều bài về đề tài mà ông thích nhất, đó là động vật thân mềm. Ông rất vui vì được nhận vào một chân làm việc phụ cho giám đốc viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên. Những nghiên cứu của ông trở thành nổi tiếng trong giới học sinh Châu Âu yêu thích động vật thân mềm. Người ta tưởng ông lúc ấy đã là một người lớn tuổi khi đọc những bài viết của ông. Những kinh nghiệm sớm có về lĩnh vực khoa học đã ngăn không để ông bị cuốn hút vào ma lực của môn triết lý.
Cuối thời kỳ tuổi dậy thì, ông vấp phải một khủng hoảng về niềm tin. Ông được khuyến khích bởi người mẹ nên tham dự các buổi học giáo lý nhưng ông nghĩ rằng những thảo luận tranh cãi của tôn giáo có vẻ rất ấu trĩ. Nghiên cứu về những nhà triết lý và những áp dụng trong lôgíc học xem ra chẳng giúp ích gì nhiều cho ông. Vì thế ông tự thuyết phục mình rằng, phải đi tìm một giải thích về kiến thức qua hướng sinh học. Cuối cùng, môn triết lý đã chẳng giúp ích gì cho ông được, thế là Jean Piaget đã tìm đến với tâm lý học.
Sau trung học, ông ghi danh vào Đại học Neuchâtel. Liên tục nghiên cứu và viết lách, ông phát bệnh và phải dọn lên miền núi một năm để tịnh dưỡng. Khi quay trở lại Neuchâtel, ông quyết định viết về học thuyết của mình. Một điểm căn bản trở thành trung tâm của toàn bộ công trình nghiên cứu của ông: Các sinh thể trong đời sống (hữu cơ, tâm thần, xã hội) luôn có sự hiện diện đặc tính tổng thể. Tuy một sinh thể có những bộ phận tách biệt nhưng chúng được tổ chức sắp xếp có tác động lên những bộ phận khác, như một cơ quan thống nhất. Nguyên lý này đã tạo nên nền tảng cơ sở về triết lý học thuyết cấu trúc, như vẫn được gọi là cấu trúc tổng thể hay còn được gọi là học thuyết hình thái, học thuyết hệ thống.
Năm 1918, Piaget nhận bằng tiến sĩ khoa học từ trường Đại học Neuchâtel. Ông làm việc 1 năm tại phòng thí nghiệm tâm lý ở Zyrich và tại phòng khám tâm thần nổi tiếng của Bleuler. Trong thời gian này, ông được giới thiệu về những công trình nghiên cứu của Freud, Jung và các nhà tâm lý lão thành khác. Năm 1919, ông giảng dạy tâm lý và triết lý tại Sorbonne ở Paris . Ở đây ông gặp rồi làm quen với Simon (tác giả của công trình Simon–Binet fame) và cùng thí nghiệm chung về mảng trắc nghiệm trí thông minh. Ông không quan tâm lắm về chuyện đúng hay sai của các kiểu trắc nghiệm từ thông minh và bắt đầu phỏng vấn các đối tượng nghiên cứu của mình là các em nam ở trường học, thay vì sử dụng các kỹ năng phỏng vấn thần kinh mà ông đã học trước đó một năm. Nói khác đi, ông đã hỏi trực tiếp xem trẻ em đã lý luận như thế nào?
Năm 1921, bài viết báo cáo đầu tiên của ông về tâm lý trí thông minh được phát hành trên tạp chí tâm lý bằng tiếng Pháp Journal de Psychologie.
Cùng trong năm, ông nhận một vị trí tại học viện Institut J. J. Rousseau ở Geneva . Ở đây ông bắt đầu cùng với những sinh viên của mình làm nghiên cứu về cách các em học sinh cấp tiểu học lý luận. Cuộc nghiên cứu này đã giúp ông viết 5 cuốn sách đầu tiên về tâm lý trẻ em. Mặc dù ông cho rằng công trình này chỉ là những bước khởi đầu, ông rất ngạc nhiên bởi phản ứng mạnh mẽ của giới tâm lý rất tích cực về công trình của mình.
Năm 1923, ông cưới một trong những đồng nghiệp là học trò của mình, cô Valentine Châtenay. Năm 1925, đứa con gái đầu lòng của họ ra đời, năm 1927, cô con gái thứ hai sinh ra. Năm 1931, cậu con trai duy nhất của họ chào đời. Ngay lập tức những đứa con đã trở thành đối tượng nghiên cứu của ông bố và bà mẹ. Công cuộc nghiên cứu này lại cung cấp tư liệu cho 3 cuốn sách mới của ông.
Năm 1929, Piaget bắt đầu làm việc với cương vị giám đốc Vụ văn phòng Quốc tế Giáo dục, có liên hệ với tổ chức UNESCO. Ông cũng nghiên cứu trên qui mô lớn với A. Szeminska, E. Meyer và đặc biệt là với Barbel Inhelder, người đã trở thành một đồng nghiệp đắc lực của ông. Piaget là người được chú ý nhiều bởi vì ảnh hưởng đặc biệt của ông trong việc đem phụ nữ đến với tâm lý thực nghiệm. Một số lớn công trình này đã không được thế giới biết đến mãi cho đến khi Chiến tranh thế giới lần II chấm dứt.
Năm 1940, ông trở thành Chủ tịch tâm lý Thực nghiệm, giám đốc phòng thí nghiệm tâm lý và là chủ tịch Hội Tâm lý Thụy Sĩ. Năm 1942, ông giảng nhiều bài ở tại đại học Pháp (Collège de France), trong thời gian Đức quốc xã đang chiếm đóng nước Pháp. Những bài giảng này đã trở thành tâm lý về trí thông minh. Khi chiến tranh chấm dứt, ông được giao nhiệm vụ chủ tịch ủy ban UNESCO Thụy Sĩ.
Cũng trong thời gian này, ông nhận được nhiều học vị danh dự. Ông nhận được một bằng tốt nghiệp danh dự của trường Đại học Harvard năm 1936, của trường Đại học Sorbonne năm 1946, trường Đại học Brussels , trường Dại học Brazil năm 1949. Năm 1949 và năm 1950, ông cho in tuyển tập của mình: Giới Thiệu Về Nguồn Gốc Kiến Thức Di Truyền.
Năm 1952, ông trở thành giáo sư của trường Đại học Sorbonne. Năm 1955, ông xây dựng Trung tâm Quốc tế về nguồn gốc kiến thức, ông giữ chức vụ giám đốc điều hành cho đến cuối đời. Năm 1956, ông lập ra Ban Khoa học của Đại học Geneva .
Ông tiếp tục làm việc về học thuyết Phổ thông cho cấu trúc và bắt đầu kết hợp công trình nghiên cứu giữa tâm lý và sinh vật thêm nhiều năm sau nữa. Ông tiếp tục phục vụ xã hội với chức vụ đại diện Thụy Sĩ ở UNESCO. Cho đến cuối đời mình, ông đã viết hơn 60 cuốn sách và hàng trăm bài tham luận. Ông qua đời tại Geneva vào ngày 16 tháng 9 năm 1980 và là một trong những nhà tâm lý có ảnh hưởng rất lớn ở thế kỷ XX của toàn nhân loại.
2. Học thuyết của Jean Piaget
Jean Piaget bắt đầu cuộc đời sự nghiệp của mình như một nhà sinh vật học, đặc biệt là nhà động vật thân mềm, những đam mê khoa học và lịch sử khoa học đã lôi cuốn ông ra khỏi những liên hệ với ốc và sò. Khi ông đắm mình vào quá trình hình thành tư tưởng ông càng bị cuốn hút bởi những đam mê ấy nhiều hơn, nhất là về quá trình phát triển tư duy nơi người. Ông gọi đó nguồn gốc của kiến thức. Từ đó ông chuyên tâm nghiên cứu về sự phát triển của kiến thức nơi người.
Ông phát hiện ra rằng tất cả các em nhỏ có một số kỹ năng liên hệ về các vật thể xung quanh chúng. Đây là những kỹ năng tương đối đơn giản, những kỹ năng thuộc hệ cảm giác–vận động có chức năng điều khiển các em bé trong quá trình khám phá về môi trường các em đã sống trong đó. Đây cũng chính là cách các em tiếp thu những kiến thức về thế giới và xây dựng những kỹ năng khám phá. Những kỹ năng này ông gọi là những phản ứng hướng dẫn có tính tổ chức.
Ví dụ, một em bé sơ sinh biết cách nắm lấy món đồ chơi lắc chuông và lập tức đưa lên miệng, đây là kỹ năng hướng dẫn giúp em đưa món đồ chơi lên miệng vì trong thời gian này bé liên hệ với thế giới vẫn chủ yếu qua cái miệng (bú và khóc). Khi bé nhìn thấy cái vòng đeo tay của mẹ, bé sẽ dễ dàng thực hiện việc chuyển đổi kỹ năng đưa lên miệng khi nhận ra trong môi trường có vật thể mới. Thế là bé bỏ món đồ chơi và chú ý đến chiếc vòng. Quá trình bỏ món đồ chơi và chú ý đến cái vòng của mẹ được ông coi là khái niệm tiếp thu kiến thức, được hiểu như việc tiếp cận một vật thể mới vào hệ thống kỹ năng cũ.
Khi em bé tiếp cận với một vật thể mới chẳng hạn, ví dụ như một con gấu bông nhỏ, em bé sẽ sử dụng hệ thống kỹ năng với lấy con gấu và đưa lên miệng. Tất nhiên vì em bé còn lạ với con gấu bông nên bé có vẻ vụng về và như thế bé cần phát triển để hoàn thiện kỹ năng với lấy, đưa con gấu lên miệng. Có thể bé sẽ nhiễu nước dãi và khá vất vả nhưng bé sẽ cố gắng. Quá trình này ông gọi là quá trình điều chỉnh, nhất là khi bé đang điều chỉnh kỹ năng cầm nắm để với tay lấy con gấu và đưa lên miệng cho quen.
Tiếp thu kiến thức và điều chỉnh kỹ năng là hai bước của quá trình thích ứng, những từ ngữ này của Piaget thật ra chỉ là một quá trình đơn giản mà ta thường gọi là học (bắt chước) cách làm. Piaget tin rằng quá trình học tập của một sinh thể rộng lớn hơn như quá trình học tập nhìn thấy ở các nhà hành vi học Hoa Kỳ vẫn nhắm đến. Ông tin rằng quá trình học hỏi là một quá trình căn bản có liên hệ đến sinh học. Theo ông bàn tay chúng ta điều chỉnh với viên đá khi ta muốn nắm chúng, trong khi đó đất bùn nhão tiếp nhận bàn tay con người.
Tiếp thu kiến thức và điều chỉnh kỹ năng làm việc theo mô hình quả lắc, quăng liên tục nhằm kích thích và hoàn thiện hiểu biết của chúng ta về môi trường và hướng dẫn chúng ta những khả năng để xử lý môi trường. Piaget tin rằng quá trình này xảy ra từ sự cân bằng giữa cấu trúc cơ thể, tâm trí và môi trường, trong một mức độ kết hợp gắn bó giữa những đại lượng này. Tiếp thu kiến thức và điều chỉnh kỹ năng cho phép cơ thể xây dựng những kỹ năng phấn đấu nhằm đạt mục tiêu thành công trong thế giới này. Đây là trạng thái mà ông gọi là trạng thái cân bằng.
Khi ông nghiên cứu nơi các trẻ em, ông nhận ra rằng có những thời điểm khi quá trình tiếp thu kiến thức hoạt động chủ yếu của em bé. Và những lúc quá trình điều chỉnh kỹ năng hoạt động nổi cộm của em bé. Ông nhận thấy có cả những giai đoạn quân bình giữa hai hoạt động vừa nêu trên. Ông cho rằng thời điểm của những hoạt động này diễn ra đều nhau ở những em bé về thời điểm phát triển và về loại hình của những hoạt động này. Từ đó ông thu thập đầy đủ dữ liệu để thiết kế một biểu đồ phát triển nhận thức nơi các em bé. Những khám phá này đã có một giá trị cống hiến rất lớn và lâu dài đối với tâm lý học.
3. Các thời kỳ phát triển
1. Thời kỳ cảm giác–vận động: Đây là thời kỳ đầu tiên, từ lúc em bé vừa mới chào đời đến lúc em 2 tuổi. Trong thời gian này các em sử dụng chủ yếu chức năng cảm giác và vận động như hai kỹ năng căn bản để liên hệ với thế giới. Trong khoảng từ 1 đến 4 tháng, trẻ chủ yếu phản ứng theo mô hình vòng tròn thuần khiết là phản ứng vô thức với những thao tác tương tự, vòng tròn xoay quanh vòng tròn. Trẻ mút ngón tay của mình và có cảm giác thích thú nên cứ tiếp tục mút. Hoặc bé sẽ thổi bong bóng nước bọt, thấy hay hay và bé tiếp tục thổi tiếp. Từ 4 đến 12 tháng tuổi: trẻ phát triển đến giai đoạn phản ứng vòng tròn cấp hai, có những dấu hiệu thao tác liên hệ với thế giới bên ngoài một cách có chủ ý. Ví dụ bé bóp vào một con vịt nhựa có gắn còi, khi con vịt kêu, bé cảm thấy thích và tiếp tục bóp mãi, ở đó bé đã thiết lập được một khám phá và có khả năng kéo dài duy trì trạng thái hứng thú đem đến từ một vật thể. Vào lúc này những vấn đề khác bắt đầu xuất hiện, bé biết nhột và nhận ra đã có người cù léc bé. Bé lúc này chưa phát triển ra khái niệm tồn tại vĩnh viễn của một vật thể. Một trạng thái vật thể chỉ tồn tại khi em nhìn thấy vật thể ấy. Trẻ em vào thời điểm này chưa có khả năng nhớ và như thế một vật thể được lấy ra khỏi tầm mắt của bé, giá trị tồn tại của vật ấy sẽ biến mất. Trẻ sau 1 tuổi mới bắt đầu nhớ và đi tìm những vật mà em không nhìn thấy.
Khoảng 12 đến 24 tháng, em bé đạt đến giai đoạn phản ứng vòng tròn cấp 3. Em có xu hướng biến các sự kiện thú vị xảy ra và kéo dài lâu hơn, nhất là việc bé khám phá ra những trò vui mới hấp dẫn. Khi trẻ lấy muỗng gõ vào bàn, vào tường, hay gõ vào gối bông và phát hiện ra những âm thanh khác nhau. Và đây là thời điểm bé rất hứng thú trong việc khám phá thế giới xung quanh. Khoảng chừng 1 tuổi rưỡi, trẻ bắt đầu phát triển cho thấy sự xuất hiện của những phản ứng thần kinh. Trẻ có thể nhớ và bắt chước những sự kiện xảy ra trước đó cả giờ. Trẻ có thể sử dụng những kết hợp tâm thần để có những thao tác mang tính tổ chức như xếp các món đồ chơi ngay ngắn thẳng hàng. Trẻ bắt đầu biết giả vờ. Nhiều trẻ đã bắt đầu biết chăm sóc cho búp bê (như nói chuyện, tắm cho búp bê, hoặc ru búp bê ngủ) thay vì trước đó bé chỉ ném búp bê như một vật thể vô thức.
2. Thời kỳ tiền điều khiển: Là giai đoạn phát triển trong khoảng từ 2 đến 7 tuổi, lúc này trẻ đã có khá nhiều những dấu hiệu tổ chức tâm thần và có khả năng nói dối, giả vờ và đã có những bước ngắn trong việc sử dụng những ký hiệu biểu tượng. Biểu tượng là những đối tượng đại diện cho một đối tượng khác. Một bức vẽ con chó, một chữ viết (chó), một câu nói, hay một tiếng sủa có thể cho em bé biết đấy là một con chó. Ngôn ngữ được sử dụng như một kênh chính, nhưng những vật dụng biểu tượng vẫn là điều không thể thiếu được. Ví dụ như quân cờ là cục kẹo, tờ giấy gấp đôi lại là mái nhà, hộp diêm là cái tủ và chiếc dép là con trâu… Bằng cách sử dụng biểu tượng và điều khiển các biểu tượng, các em thật ra đang tư duy, một khả năng mà các trẻ sơ sinh không có được: khi khái niệm vật thể có thật chưa hiện diện.
Bên cạnh quá trình biểu tượng hóa, lúc này các em đã có một khái niệm tương đối định hình về thời gian như quá khứ và tương lai: Khi trẻ khóc, bạn nói: Nín đi, chút nữa ba sẽ cho kẹo. Hay là: Ngủ xong ba cho con chơi. Hoặc là: Con có nhớ mình bị té lúc nào không? Những câu nói mang khái niệm thời gian này sẽ được bé xử lý một cách tương đối có hiệu quả.
Một đặc tính của trẻ trong lúc này là rất tập trung về mình, các em sẽ nhìn vào thế giới qua một lăng kính duy nhất lăng kính của riêng em. Bé nhìn vào bức tranh và bé nghĩ rằng bạn cũng sẽ nhìn thấy những gì bé nhìn thấy. Vì thế bạn sẽ chẳng thể nào hiểu được vì sao bé rất thích làm theo ý mình. Đơn giản là bé nghĩ rằng cách bé làm là cách đúng nhất. Vậy, lần sau thấy bé làm sai, hãy thông cảm cho bé, vì lúc ấy bé vẫn nghĩ rằng mình làm đúng. Cái gì bé nhìn thấy cũng đều có ý nghĩa là chúng được tạo nên là vì bé. Nên bé ứng xử như thể bé luôn đòi hỏi. Nói khác đi, bé tin mình là cái rốn của vũ trụ.
Piaget làm một thí nghiệm tìm hiểu về hiện tượng gọi nghiên cứu hình núi. Ông đặt các em bé trước một rặng núi có hình đơn giản rồi ngồi bên cạnh dãy núi này. Sau đó ông hỏi các bé chọn 1 trong số 4 bức tranh núi ông đã chỉ, các em còn quá bé, sẽ nói về tranh em nhìn thấy, còn các em lớn hơn sẽ nói đúng bức tranh mà Piaget đã chọn.
Tương tự, các em trước thời điểm này tập trung vào một khía cạnh hoặc chỉ đối thoại duy nhất về một vấn đề. Chẳng hạn các em sẽ không hiểu khi ta nói: Cha của con là chồng của mẹ. Hoặc các em sẽ nói: Ba cháu không làm việc ở miền Nam mà ba cháu làm việc ở Sài Gòn. Khi được hỏi con ăn cơm hay con ăn kẹo, trẻ sẽ trả lời: Con ăn cơm! Điều gì đến trước sẽ ở lại trong bé.
Có lẽ một thí nghiệm quan trọng nhất về khả năng suy nghĩ tập trung của bé trong thời gian tiền điều khiển là thí nghiệm cho thấy trẻ em thời kỳ này chưa có khả năng ổn định về thể tích chất lỏng. Khi đổ sữa từ một cái ly dài vào một cái ly tròn, trẻ sẽ nghĩ là sữa trong ly dài sẽ nhiều hơn trong ly tròn, dù thể tích lượng sữa là không đôi. Trẻ bị lừa bởi cấu tạo kiểu dáng của ly và chỉ khi nào trẻ có khả năng tách thế giới ra khỏi cái nhìn qua lăng kính trung tâm của mình, em sẽ bước qua một giai đoạn khác.
3. Khả năng điều hành cụ thể: Phát triển ở độ tuổi 7 đến 11. Đây là lúc bé có khả năng xử lý một cách hợp lý theo mô hình người lớn vẫn xử lý những vấn đề: Lúc này trẻ không chỉ sử dụng biểu tượng như những đại diện của các đối tượng khác nhau, song trẻ có khả năng điều tiết, tổ chức và sắp xếp những biểu tượng này một cách hợp lý. Khi được xem hình con chó lớn và con chó bé, trẻ sẽ có liên tưởng con chó lớn sẽ khỏe hơn con chó bé. Tuy thế các liên hệ xử lý này vẫn chỉ được diễn ra trong bối cảnh tình huống cụ thể.
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu quá trình mở rộng cái nhìn. Vào 6 đến 7 tuổi, nhiều bé đã bắt đầu có khái niệm ổn định và phân biệt về giá trị thực của các con số, chiều dài, thể tích chất lỏng và mật độ dày thưa, trẻ có khả năng nhận ra khối lượng không thay đổi mặc dù sự trình bày của khối lượng có khác. Ví dụ một sợi chỉ được kéo thẳng hay để nằm theo một vòng tròn gấp lại nhưng trẻ vẫn nhận ra chiều dài của sợi chỉ là không đổi. Nhưng trước đó, trẻ chưa phát triển vào giai đoạn này sẽ tin là sợi chỉ kéo căng là sợi chỉ dài hơn. Hoặc 2 chiếc đũa có chiều dài bằng nhau, xếp gần nhau sẽ không có sự chênh lệch, nhưng nếu tách chúng ra, tùy theo hướng xếp cao thấp, trẻ vào giai đoạn trước sẽ tin rằng có một chiếc sẽ dài hơn. Nhưng trẻ giai đoạn này sẽ nhận ra hai chiếc đũa bằng nhau.
Trẻ em trong giai đoạn biết điều hành cụ thể sẽ hiểu ngay là không có sự thay đổi về khối lượng qua sự thay đổi kết cấu. Hơn nữa, trẻ bây giờ đã có khả năng nhận ra rằng sự thay đổi về kết cấu vẫn giữ nguyên khối lượng vì em luôn giữ trong đầu khối lượng nguyên thủy. Khi vật chất được chia cắt ra thành nhiều phần nhỏ hơn, trẻ có khả năng nhìn thấy nếu gộp chúng lại, ta sẽ có khối lượng ban đầu. Đây là quá trình quay ngược về ban đầu. Ví dụ, ta bẻ một khối đất sét ra làm nhiều mảnh, trẻ biết khi vo lại, ta sẽ có một lượng đất sét bằng lượng đất sét lúc ban đầu.
Lên 9 đến 10 tuổi, khả năng ổn định diện tích đã đạt được. Khi đặt 4 miếng giấy màu vàng có khổ 1cm vuông lên 1 một miếng giấy đỏ có diện tích 8cm vuông. Khi di chuyển thay đổi vị trí 4 miếng giấy vàng trên mặt tờ giấy đỏ, các em sẽ nhận ra rằng diện tích giấy vàng chiếm trên mặt tờ giấy đỏ là bằng nhau.
Tưởng là một nhiệm vụ đơn giản, nhưng đây là những phạm trù rất phức tạp với thế giới trẻ thơ và có thể được coi là những cột mốc lịch sử quan trọng. Một điều thú vị nhất là khi ta hỏi một người lớn: Một tạ sắt và 1 tạ bông gòn, tạ nào nặng hơn? Sẽ có nhiều người trả lời là tạ sắt sẽ nặng hơn đấy. Họ đúng hay sai? Nếu bạn còn nhớ định luật vật lý về lực đẩy Archimedes, bạn sẽ biết câu trả lời của họ là đúng hay sai.
Trẻ trong thời gian này bắt đầu học cách phân loại theo nhóm và sắp xếp các đại lượng theo mô hình chuỗi. Đây là hai kỹ năng cho phép trẻ có thể ứng dụng kỹ năng lôgíc vào những liên hệ xung quanh. Kỹ năng phân loại theo nhóm cho phép trẻ em biết một tập hợp có thể là một bộ phận của một hệ thống lớn hơn. Kỹ năng sắp xếp theo mô hình chuỗi cho phép các em biết tạo ra những trật tự giá trị của các đại lượng từ cao đến thấp.
Bây giờ trẻ em bắt đầu có khái niệm một hệ thống sẽ là một phần của một hệ thống khác. Trẻ em trong giai đoạn trước sẽ sắp xếp các thứ tự theo kích thước nhanh chóng nhưng dễ lẫn lộn. Còn trẻ em trong giai đoạn này có thể thực hiện nhiệm vụ này một cách chuẩn hơn rất nhiều. Vì số học thực ra chính là kết hợp căn bản giữa phân loại và sắp xếp theo trật tự. Vì thế vào độ tuổi này trẻ bắt đầu sẵn sàng để đến trường vì đã có những nền tảng kỹ năng cần thiết.
4. Điều hành định hình: Ở độ tuổi 12, giai đoạn này trẻ bắt đầu có khả năng xử lý các vấn đề với tính năng trừu tượng. Nhất là những so sánh liên tưởng qua nhiều nhịp cầu. Ví dụ như A cao hơn B, B thấp hơn C, vậy C sẽ cao hay thấp so với A? Các trẻ em thời kỳ trước sẽ mất phương hướng khi tiếp cận loại vấn đề này, nhưng trẻ ở giai đoạn này có thể tìm ra phương hướng. Và các em sẽ nói: Không đủ dữ kiện để kết luận.
Vào tuổi 12, trẻ bắt đầu bước vào thế giới điều hành định hình, trẻ càng lúc càng có lối tư duy gần gũi với người lớn vốn đòi hỏi phải có kỹ năng phân tích lý luận, sử dụng những khái niệm nhịp cầu và trừu tượng, thay vì hiểu mọi sự theo nghĩa đen chứ không phải theo nghĩa bóng. Chúng ta thương gọi quá trình tư duy này là tư duy có tính giả thuyết.
Nhiều vấn đề của trẻ em trước thời kỳ này phải vật lộn để xử lý thì các em ở thời kỳ này thường không quá vất vả trong việc xử lý những vấn đề ấy. Nếu phải nói dối thì trẻ em trong thời gian này nói dối thuyết phục hơn rất nhiều.
Thời gian này các em sẽ tìm hiểu một sự kiện cẩn thận và có tính hệ thống. Ví dụ khi ta hỏi: Này, cậu hãy mô tả một quả lắc di chuyển xem nào? Cậu bé 16 tuổi rất có thể sẽ nói: Có nhiều cách lắm. Và cậu ta sẽ giải thích: Quả lắc sẽ di chuyển tùy thuộc vào độ dài của dây treo và độ nặng của quả lắc:
a. Dây treo dài – quả lắc nặng.
b. Dây treo ngắn – quả lắc nặng.
c. Dây treo dài – quả lắc nhẹ.
d. Dây treo ngắn – quả lắc nhẹ.
Và không cần phải làm thí nghiệm, cậu bé vẫn biết rằng dây dài quả nặng sẽ di chuyển nhanh hơn dây treo ngắn. Cậu bé sẽ nhìn sự việc qua 4 khái niệm:
– Kết hợp: Độ dài của dây treo và trọng lượng của quả lắc có ảnh hưởng đến quá trình dao động của quả lắc.
– Phân cách: Độ dài của dây treo và sức nặng của quả lắc không có ảnh hưởng gì cả.
– Ngụ ý: Nếu có thay đổi độ dài dây treo, hay thay đổi sức nặng của quả lắc sẽ có tác động lên dao động quả lắc. Đây là lối tư duy có tính giả thuyết, nếu A là nguyên nhân, ta sẽ có những kết quả B.
– Không đồng nhất: Nếu có sự thay đổi về độ dài dây treo và sự thay đổi trọng lượng quả lắc sẽ không ảnh hưởng gì đến dao động của quả lắc. Đây là quá trình tư duy nhằm gạt bỏ một giả thuyết.
Từ những tính toán thật nhanh và có hệ thống chi tiết, cá nhân trong giai đoạn phát triển này có thể gộp lại những khả năng có thể xảy ra. Nếu chúng ta có một đề nghị: Có thể là do độ dài dây treo hay trọng lượng quả lắc, họ sẽ có 4 lối xử lý:
– Tính năng: Có thể là chỉ tại dây leo hay chỉ tại vì trọng lượng quả lắc (cả hai cái).
– Phủ định: Chẳng tại vì dây treo và chẳng phải vì trọng lượng quả lắc (không cái nào cả).
– Có ảnh hưởng hỗ tương: Có thể không phải vì riêng sợi dây, hoặc cũng không phải tại riêng sức nặng của quả lắc (một trong 2 cái).
– Có liên hệ: Sợi dây có tác động lên quả lắc và quả lắc có tác động lên sợi dây (cái nọ tác động lên cái kia).
Người đạt được phát triển điều hành bình thường sẽ hiểu rằng áp dụng có liên hệ lên với ảnh hưởng hỗ tương sẽ trở thành phủ định. Và khi áp dụng có ảnh hưởng hỗ tương lên phủ định, chúng ta sẽ có khái niệm có liên hệ. Hay phủ định của tính năng sẽ có kết quả phủ định và phủ định của có liên hệ sẽ trở thành có ảnh hưởng hỗ tương. Nói chung đây là một phạm trù trừu tượng phức tạp và không phải cá nhân nào cũng phát triển đến mức này. Hoặc tuy phát triển đến giai đoạn này, nhưng vì tính phức tạp của khu vực trừu tượng, nhiều người trong chúng ta rất hiếm khi sử dụng chúng.
Theo Jean, nhiều nền văn hóa không có khái niệm trừu tượng và vì thế lý luận trừu tượng không phải là một khái niêm có tính toàn cầu.
4. Kết luận
Jean Piaget là người đã đưa trí thông minh vào tâm lý và tất nhiên đây là một đại lượng có những ảnh hưởng quyết định rất lớn đến nhân cách của con người. Nhất là trong vấn đề con người thường có xu hướng muốn điều khiển những người xung quanh. Đơn giản là ta vẫn thấy cá nhân A đối xử với cá nhân B rất khác với cách anh ta đối xử với cá nhân C, chỉ đơn giản là có sự khác biệt về trí thông minh giữa B và C. Sự thực, cách chúng ta tiếp cận một em bé và cách chúng ta tiếp cận một người lớn là hai cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau.
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh