Kể từ khi Charles Darwin (1809–1882) giới thiệu thuyết Tiến hóa, chúng ta, kể cả chính ông đều bắt đầu suy nghĩ thật sâu về những hành vi có tính xã hội của chúng ta như cảm xúc, thái độ và những giá trị tinh thần khác. Phải chăng đây là những sản phẩm của quá trình tiến hóa? Nếu ta nhìn vào cơ thể của mình và hiểu được những vận hành của nó qua lăng kính sinh học, ta sẽ thấy mình là những sinh vật đã phát triển hoàn thiện hơn các động vật khác trong tiến trình tiến hóa.
Vậy những sản phẩm văn hóa tinh thần do con người tạo ra hôm nay liệu sẽ thay đổi hoặc thúc đẩy chúng ta tiến hóa nhiều hơn nữa hay không?
Nhà kiến thức học E. O. Wilson là người đầu tiên đã hệ thống hóa ý tưởng hành vi xã hội có thể được giải thích dựa trên thuyết tiến hóa và ông đã gọi học thuyết của mình là Học thuyết Sinh xã hội. Ban đầu học thuyết của ông chỉ gây được sự chú ý với các nhà sinh vật và đã có nhiều điều gây tranh luận. Khi các nhà xã hội học và các nhà tâm lý bị kéo vào thì những tranh luận bắt đầu tăng mạnh lên.
Dạo ấy ngành xã hội học chú trọng đến phạm trù cấu trúc–chức năng, bao gồm một số kiến thức có liên hệ từ chủ nghĩa Marxit và xu hướng đấu tranh bình đẳng cho phụ nữ. Trong khi đó tâm lý được các nhà hành vi học áp dụng các thuyết. Học tập, cộng với sự bắt đầu phát triển của nhánh tâm lý Nhân văn học. Vì thế sự xuất hiện của ý tưởng cho rằng con người đã chịu ảnh hưởng lớn từ quá trình tiến hóa sinh vật là điều xem ra không thể không đối diện với những chất vấn nảy lửa.
Theo thời gian, học thuyết Sinh xã hội của Wilson bắt đầu được nhiều nhà sinh vật học, các nhà tâm lý và các nhà nhân chủng học ủng hộ. Chỉ có ngành Xã hội học xem ra không chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết này.
2. Bản năng
Ta hãy bắt đầu quan sát những hành vi mang tính bản năng nhìn thấy ở nơi các động vật. Lấy ví dụ những con cá hồi, hàng năm chúng hành hương trở về nơi chúng sinh ra để sinh sản và rồi chết ngay tại nơi đã sinh ra chúng. Trứng của chúng nở và những chú cá hồi con sẽ bơi xuôi ra biển sống. Và khi cơ thể chúng đánh thức những con cá hồi này lại vượt thác ghềnh để trở về với cội nguồn chúng đã được sinh ra. Thực hiện y nguyên những hành vi mà thế hệ cha mẹ chúng đã làm. Hoặc từng đàn chim di cư theo mùa bay xa nửa vòng trái đất. Những con cóc tận tụy nghiến răng. Những con cọp cái bỏ đi thật xa để thách thức những con cọp đực đầy bản lĩnh có dám đi theo trước nghi thức giao hợp có thể xảy ra. Bức tranh hành vi bản năng của thú vật vô cùng sống động. Chúng có được ai dạy không? Phải chăng thầy dạy của chúng chính là bản năng được cài đặt từ bên trong.
Những nhà nghiên cứu hành vi thú vật học khi nghiên cứu các hành vi của thú vật trong đời sống hoang dã như Konard Lorenz đã giới thiệu một mô hình thủy học mô tả cách vận hành của bản năng trong đó những năng lượng được chuyển tải khi tiếp cận với môi trường qua van xả là cái vòi nước. Ông nghĩ rằng chúng ta có một khoản năng lượng nhất định cho hệ bản năng đặc trưng, giống như một bể chứa nước. ông tin rằng những cơ năng thần kinh cho phép những năng lượng này thoát ra khi có những kích thích cần thiết, như qua van xả vòi nước. Ngoài ra còn có những cơ năng sâu hơn, thuộc hệ thần kinh, hệ vận động và tuyến nội tiết, đã chuyển tải những năng lượng ấy trở thành những hành vi cố định. Tất nhiên mô hình bể chứa nước không được sắc bén lắm khi diễn đạt khái niệm quá trình xử lý thông tin, nhưng dù sao đấy cũng là một cố gắng giải thích trong thời điểm đó.
Có 2 khả năng cho thấy sự liên hệ khác biệt giữa thú vật với con người:
(1) Có nhiều hành vi, không được thấy ở tất cả các loài, chứng minh cho thấy khả năng tự thăng tiến bản thân, đi tìm địa vị và những quyền lực ở dạng sơ khởi nhất, tập trung vào những khả năng hung bạo. Đây là những bản năng chủ động.
(2) Có những xu hướng hành vi tìm thấy nơi một số ít hơn những động vật như khả năng chăm sóc cho những đồng loại của mình, nhận ra qua cử chỉ như mẹ chăm sóc cho con cái. Đây là bản năng tình cảm.
3. Quá trình tiến hóa
Giải thích những cơ bản của quá trình tiến hóa tương đối đơn giản. Trước tiên, tất cả những thú vật có xu hướng sinh sản quá nhiều. Nhiều loại sinh ra cả hàng ngàn đứa con trong suốt cuộc đời của mình (cá, tôm, cua). Nhưng dân số của một loài thú vật thường có xu hướng ổn định giữa những thế hệ, tất nhiên là rất nhiều trong số những đứa con ấy đã không vượt qua được thử thách đầu tiên khắc nghiệt nhất của cuộc đời.
Thứ hai, ta thấy có tương đối nhiều dạng biến thể trong cùng một loài. Rất nhiều biến thể này có nguồn gốc di truyền được truyền từ thế hệ cha mẹ sang cho thế hệ con cái. Chứa đựng trong những biến thể ấy là những đặc tính đã giúp các cá nhân sống sót và sinh sản, kể cả những đặc tính kìm hãm sự phát triển chúng lại.
Khi phân tích đối chiếu hai ý tưởng trên, ta có khái niệm chọn lọc tự nhiên: Thiên nhiên ủng hộ sự tiếp nối sinh sản những đặc tính thuận lợi và không khuyến khích những đặc tính không có lợi của một loài. Khi những thế hệ có dạng biến thể tiếp tục sinh sản, thông qua kết hợp giao phối và đột biến, cùng với điều kiện hạn chế các nguồn cung cấp sự sống (thức ăn và địa hạt), quá trình tiến hóa vẫn tiếp tục phát triển để chọn ra những thế hệ có nhiều đặc tính ưu việt nhất.
Một nhà sinh xã hội học, David Barash, nêu ra câu hỏi rằng chúng ta sẽ căn cứ vào đâu để có những hiểu biết về nguồn gốc quá trình tiến hóa có thể xảy ra? Tại sao đường mía lại mềm và ngọt? Tại sao chúng ta hấp dẫn bởi vị ngọt của đường. Một giả thuyết cho rằng tổ tiên của chúng ta thường ăn trái cây như là nguồn dinh dưỡng chính của mình. Và trái cây chỉ giàu dinh dưỡng nhất khi đã chín mùi, chứa đựng lượng đường cao nhất. Nhiều loài có tổ tiên ăn trái cây sẽ rất thích vị ngọt của đường. Kết quả là đường ngọt cung cấp nhiều năng lượng sẽ dẫn đến cơ thể khỏe mạnh hơn, hấp dẫn hơn với những đối tác bạn tình. Những thế hệ cha mẹ này sẽ sinh sản ra những thế hệ con cháu thích ăn đường. Điều này trả lời câu hỏi hóc búa vì đâu thúng ta có những hành vi có động cơ thúc đẩy ăn đường. Một câu hỏi khác là những hành vi thích ăn đường ấy đã giúp tổ tiên chúng ta sống sót và sinh sản bằng cách nào?
Một điểm giải thích được đưa ra là cuộc sống hôm nay chúng ta đã chế tạo ra đường kết tinh, vốn là một phần trong chế độ ẩm thực rất xa lạ đối với cha ông của chúng ta, song là sản phẩm mà chúng ta để lại cho con cháu (tiếp nối truyền thống thích ăn đường từ cha ông). Tuy nhiên sự hấp dẫn của chúng ta với đường ngọt ngày hôm nay không còn phục vụ cho nhu cầu sinh tồn và sinh sản nữa.
Văn hóa phát triển nhanh hơn rất nhiều so với quá trình tiến hóa. Phải mất hàng triệu năm tổ tiên chúng ta mới phát triển được khả năng tiêu hóa đường một cách khỏe mạnh, nhưng chỉ cần một ngàn năm để làm suy giảm khả năng ấy nơi con cháu. Đời sống hiện tại đường ngọt đang được khuyến cáo như là một đối thủ đáng ngại của sức khỏe con người, nhất là đường được coi là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì và bệnh tiểu đường.
4. Sự hấp dẫn
Hãy quan sát sự lựa chọn bạn tình nơi những sinh vật. Một điều hiển nhiên là con người có cảm giác thu hút hấp dẫn đối với một vài người nhiều hơn những cá nhân khác. Các nhà sinh xã hội học có cùng một giải thích cho câu hỏi này, vẫn dựa trên câu hỏi ban đầu: Tại sự đường nếm có vị ngọt? Chúng ta thường có những hấp dẫn tình dục với người có đặc tính nhằm tăng khả năng di truyền thành công nhất, nghĩa là người ấy sẽ cho chúng ta cơ hội có nhiều những đứa con khỏe mạnh, sống lâu, để tiếp tục sự nghiệp di truyền của chúng ta.
Chúng ta có thể tìm thấy những người hấp dẫn trong dáng dấp khỏe mạnh và ngược lại, có cả những người không khỏe mạnh nhưng vẫn hấp dẫn. Chẳng hạn như một cơ thể cân đối là hiện thân của vẻ đẹp và những dị tật là biểu hiện cho những điều kìm hãm cảm xúc muốn được gần gũi. Một số lớn trong chúng ta nhìn thấy sự hấp dẫn nơi sức mạnh, sự khỏe khoắn và những nét mạnh bạo tự tin. Tuy nhiên một số trong chúng ta tìm thấy sự hấp dẫn trong sự trung bình, không quá cao, quá gầy, quá thấp, quá mập. Và một điều dễ hiểu là nàng Bạch Tuyết, anh chàng gù Nhà thờ Đức Bà Quasimodo luôn luôn là những thái cực đại diện cho những giá trị hấp dẫn và không hấp dẫn.
Có lúc chúng ta hấp dẫn về một người bởi những lý do rất vô lý, song đây chỉ là những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như một cái răng khểnh hay một con mắt hiếng. Tuy nhiên phần đông phụ nữ vẫn thường quen với những anh chàng to lớn, vai thẳng, lưng rộng, cầm vuông. Nhiều chàng trai muốn có bạn gái nhỏ hơn mình, mềm mại hơn, tròn trịa và đầy những nét nữ tính.
Những sự khác biệt này đến từ hai phái trống và mái (đực – cái) được nhiều học giả coi là khái niệm lưỡng đối hình thái. Đây là khái niệm dẫn đến chọn lựa tính dục dựa trên nền tảng hấp dẫn. Những khác biệt về chức năng tuy nho nhỏ giữa hai phái có thể trở thành những khác biệt lớn lao sau nhiều thế hệ. Chẳng hạn như các loài chim mái thường không sặc sỡ như chim trống. Màu lông sặc sỡ của chim trống không hấp dẫn chim mái vì nét đẹp mà vì khả năng bảo vệ của các con chim trống trong việc đánh lạc hướng những thú săn nguy hiểm khi chim mái rất cần đến.
Con người tuy tính chất lưỡng đối hình thái không quá chênh lệch nhưng một chàng trai khi nhìn vào một cô gái sẽ ý thức rất sâu sắc về sự khác biệt cũng như một lực hút hấp dẫn khó giải thích nhưng định hình rất rõ.
Quá trình lưỡng đối hình thái không chỉ thể hiện qua nét mặt và vóc dáng. Sự khác biệt còn thể hiện qua hành vi nữa. David Barash đã viết: Đàn ông thường được điểm cao nhờ khả năng tiếp thị ga lăng, trong khi đó phụ nữ có nét hấp dẫn nhờ thái độ chống lại tiếp thị kín đáo. Phụ nữ thường đầu tư rất lớn vào tất cả những cơ hội xây dựng một quan hệ: vì họ chỉ có số lượng con cái nhất định (trong khi đó đàn ông – theo lý thuyết là có thể có rất nhiều con nếu như anh ta muốn và có khả năng chinh phục). Ngoài ra phụ nữ còn lo lắng đến quá trình mang thai, đau đớn, nguy hiểm khi sinh con, nhu cầu dinh dưỡng, nuôi con, nên hành vi chọn lựa bạn tình của phụ nữ thường cẩn thận hơn ở nam giới rất nhiều. Trong khi đó đàn ông có nhiều tự do và rất ít trách nhiệm trong những quan hệ giao hợp. Ví dụ điển hình nhất là ở loài ếch nhái, nhiệm vụ của chúng chỉ tưới tinh dịch lên đám trứng và xem như bổn phận gây giống nòi của chúng đã kết thúc.
Vì thế phụ nữ thường tỏ ra rất kỹ lưỡng về chuyện ai sẽ là người mà chị ta sẽ xây dựng những quan hệ. Họ thường rất nhạy cảm đối với những biểu hiện một chàng trai sẽ có những đóng góp nghiêm túc vào thiên chức sinh tồn di truyền. Đó là lý do tại sao nhiều loại động vật con mái chọn những đối tác lớn hơn, khỏe hơn mình, nhất là nhiều con cái (mái) chỉ chọn những con đực (trống) thắng cuộc như thấy ở một số loại tuần lộc và những loại thú vật có sừng.
Có thú vật đòi hỏi nhiều điều kiện hơn sức mạnh mà còn cần đến khả năng cung cấp thức ăn của con đực. Điều này nhìn thấy khá rõ ở động vật trong thời gian cho con bú tương đối dài, như ở nơi con người chẳng hạn. Đó là lý do tại sao các nhà sinh xã hội tin rằng nam giới nhắm tới nét trẻ trung khỏe mạnh như những nét hấp dẫn sinh lý, ngược lại phụ nữ thường nhắm đến những đàn ông chững chạc, điềm đạm, thành công. Vì thế việc tặng hoa, mời đi ăn cơm và tặng quà chính là sản phẩm của văn minh văn hóa mà còn có cả những giá trị thông điệp sinh sản di truyền khác nữa.
Hơn nữa các nhà sinh xã hội còn cho rằng phụ nữ thường chọn những người đàn ông trưởng thành vì anh ta chứng tỏ được mình là người có nhân cách an toàn, so với các chàng trai trẻ thường có biểu hiện của sự mạo hiểm xốc nổi. Một điểm khác biệt giữa hai phái là phụ nữ có xu hướng chấp nhận chia chung người chồng với các phụ nữ khác, ngược hẳn với đàn ông là họ không thể chấp nhận được tình trạng chia chung một bà vợ với những người đàn ông khác.
Và đây là điều khá khôi hài khi có ai đó đã nói rằng: Đàn bà mới thật sự biết được đâu là đứa con ruột của mình? Phải chăng vì thế mà đàn ông không muốn chia vợ với người khác (?) Phụ nữ thà chia chung chồng còn hơn là có nhiều chồng vì họ là người biết tính toán và cân nhắc: thà nhập vào nhóm các bà vợ đi theo một người chồng thành công, còn hơn là liên lụy với nhiều người đàn ông thất bại. Vì thế hiện tượng đa thê chiếm tỷ lệ rất lớn trong những vụ đa hôn. Hiện nay xã hội đa phu còn tồn tại ở một số nước như Tây Tạng, Toda ở Ấn Độ, bộ lạc Yobura và ở châu Phi. Song tất cả đều được thực hiện ở gia đình khi chồng chết, người phụ nữ sẽ lấy anh em ruột trong một gia đình.
Ngược lại ở một hướng khác đàn ông thường khó chấp nhận tình trạng ngoại tình hơn phụ nữ. Phụ nữ biết rõ con ruột của mình như đã nhắc ở phần trên, còn đàn ông thường không biết chân tướng của sự thật và hoài nghi những đứa con của mình. Vì thế xã hội truyền thống cái nhìn đối với phụ nữ ngoại tình vẫn lên án nặng hơn với người đàn ông. Và xét ở bình diện thói quen, chúng ta vẫn có nhiều người đàn ông với xu hướng muốn có nhiều con để tiếp tục sự nghiệp di truyền của họ. Nhiều nền văn hóa với phong tục làm dâu như một phương cách quản lý người phụ nữ, tránh trường hợp những đứa cháu nội của họ không có liên hệ huyết thống thực sự.
Với nhiều xã hội thì chuyện yêu đương lãng mạn có phần cởi mở hơn nhiều nền văn hóa khác. Nhiều nền văn hóa chuyện không động phòng được sẽ là nguyên nhân có thể dẫn đến ly dị hay li thân. Ở văn hóa phương Tây, trường hợp vô sinh và yếu sinh lý thường là nguyên nhân dẫn đến ly dị. Hẳn nhiên chuyện ấy xuất phát từ lý do sinh sản hay lý do thỏa mãn tình dục hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra.
Dĩ nhiên, có những giới hạn nhất định khi chúng ta cố gắng so sánh và kết luận về sự giống nhau giữa các hành vi của thú vật và con người, (hoặc so sánh giữa các loài vật với nhau), nhất là những hành vi tính dục. Con người là một sinh vật có nhu cầu tính dục rất cao. Nhiều loại động vật giới hạn hoạt động tính dục trong một khuôn khổ thời gian hạn hẹp, trong khi đó con người có thể thực hiện các thao tác tình dục trong bất cứ lúc nào khi điều kiện thuận tiện cho phép. Vì sao chúng ta lại có những hành vi và nhu cầu như thế? Phải chăng vì con người có một thời gian phát triển quá lâu trong thời gian thơ ấu, vì thế cấu tạo gia đình là điều cần thiết và khi các thành viên trong gia đình ở gần nhau mãi, một nhu cầu mới sẽ được nảy sinh, đó là nhu cầu tính dục đặc trưng: giao hợp không duy nhất vì mục đích sinh sản mà chỉ vì mục đích sống gần gũi với nhau trong một mái nhà.
5. Trẻ con
Mô hình gia đình đem người lớn lại gần với trẻ con hơn, dẫn đến việc trẻ em hấp dẫn người lớn và người lớn hấp dẫn trẻ con. Không chỉ ở nơi con người các trẻ sơ sinh mới đẹp và dễ thương, mà ngay cả cách chúng ta nhìn một chú vịt con, chú dế nhỏ, con chó bé, con gà mới nở như cuộn tơ vàng óng, tất cả đều rất đẹp. Theo các nhà sinh xã hội thì đây là một cơ năng đặc biệt có nhiệm vụ lớn trong quá trình tiến hóa, con người luôn hấp dẫn bởi những đứa con xinh đẹp của mình.
Trẻ sơ sinh, chính các em cũng bị hấp dẫn bởi những thứ khác. Konard Lorenz đã chứng minh một hiện tượng rất quan trọng. Ông cho rằng các trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng của vật đầu tiên mà chúng nhìn thấy. Thí nghiệm nơi các con ngỗng mới nở từ trứng, khi chúng nhìn thấy vật di chuyển trong 2 ngày đầu tiên của cuộc đời và tin rằng đấy là mẹ của chúng. Và trong thí nghiệm của mình, đàn ngỗng con đã đi theo ông khắp nơi vì chúng tin ông là mẹ của chúng. Quá trình này ông gọi là in dấu. Nơi trẻ em, bé sẽ học về người mẹ qua đôi mắt, giọng nói và cách bồng nựng vuốt ve, mùi mồ hôi…
Những chú ngỗng con kia đã phản ứng với những vật thể có kích thích hình ảnh, nhất là những hình ảnh có kích thước lớn và di chuyển. Con người không có khả năng di chuyển theo vật thể này nên các em bé phải vận dụng đến những tín hiệu hấp dẫn khác để thu hút mẹ của em bằng một nụ cười không có răng mà cha mẹ các em hoàn toàn bị hấp dẫn bởi nụ cười ấy.
Các nhà sinh xã hội cho rằng các bà mẹ có xu hướng chăm sóc con cái cẩn thận và chu đáo nhiều hơn các ông bố. Các bà mẹ lớn tuổi càng thăm sóc con mình tốt hơn vì họ nghĩ rằng họ không còn nhiều cơ hội để sinh con và nuôi con nữa. Tương tự ta có thể hiểu được vì sao các em bé con một, hoặc trong gia đình có ít anh em thường được cha mẹ chiều chuộng nhiều hơn. Ngoài ra chúng ta thường lo lắng nhiều hơn đối với những đứa con đã lớn của mình (vì chúng đã chứng tỏ có khả năng chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp tục duy trì sinh sản). Và con người luôn tỏ ra có những quan tâm đặc biệt đến chuyện con cái họ có quan hệ tình cảm với một người nào đó. Chúng ta có thói quen chọn bạn đời cho con cái của mình để tìm ra một đối tượng có thể chăm sóc bảo vệ cho con cái chúng ta.
6. Giúp đỡ
Quan tâm là một hành vi mang tính giúp đỡ, một hoạt động liên hệ đến những quan hệ có sự xuất hiện của trẻ em, cha mẹ, vợ chồng và những quan hệ tình cảm gần gũi khác nơi con người. Tuy nhiên mức độ quan tâm sẽ giảm đi khi quan hệ huyết thống càng có ít liên đới như quan hệ anh em họ, chú bác, hàng xóm, bạn bè cơ quan. Song, quan tâm đến nhau là một đặc tính cơ bản nhất của con người. Câu tục ngữ lá lành đùm lá rách là một ví dụ rất điển hình.
Một loại hành vi quan tâm thật sự là những hành vi mang tính bầy đàn. Một số loài thú vật có nhu cầu được sống gần nhau rất cao và những tình huống nguy hiểm sẽ khiến chúng càng gần sát nhau hơn. Điều này tương đối dễ hiểu khi xích lại gần nhau, chúng sẽ càng giảm cơ hội bị tấn công bởi các loại thú lớn hơn. Nơi con người, có lúc ta muốn chạy trốn đồng loại của mình nhưng phần nhiều chúng ta vẫn liên hệ với người khác trên nhiều bình diện khác nhau.
Một dạng quan tâm khác gọi là sự quan tâm cùng có lợi. Chẳng hạn như ví dụ loài chó sói sống thành đàn trong đồng cỏ khi nhìn thấy một con báo sẽ vội vàng tru lên để cảnh báo cho cả đàn, mặc dù hành vi tru lên của nó sẽ thu hút sự chú ý của con báo.
Hành vi mang tính bầy đàn và quan tâm cùng có lợi có cách vận hành tương tự như chọn lọc dựa trên quan hệ huyết thống: cung cấp một mô hình gần gũi đặc biệt: một chút giảm sút trong khả năng sinh tồn của mình sẽ giúp quân bình lại cơ hội sinh tồn của các thành viên có chung huyết thống. Và từ đó người ta sẽ dễ nhận ra câu tục ngữ: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Nhiều động vật còn biết (dựa trên nền tảng bản năng) sự hy sinh của chúng bây giờ sẽ được đền đáp bởi những thành viên khác trong tương lai.
Robert Trivers đã cho rằng con người thường có những hình thái phát triển tinh vi của hiện tượng quan tâm cùng có lợi cao cấp hơn thú vật. Chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh cho bất cứ ai đó nếu ta hiểu người đó cũng sẽ hy sinh ngược lại cho chúng ta, hoặc ít nhất là những đầu tư dựa trên nền tảng hai bên cùng có lợi. Tất nhiên người đầu tư phải có kỹ năng để chọn đúng đối tượng và trao niềm tin.
Những nhà di truyền học chỉ ra rằng, nếu như có những hệ gien nào đó quyết định đến xu hướng giúp đỡ lẫn nhau, tất nhiên cũng sẽ có những hệ gien khuyến khích con người lợi dụng người khác và quên đi trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Và những kẻ lừa đảo là một hiện tượng mang tính hoàn cầu, bắt gặp trong mọi loài khác nhau. Nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh được rằng những hiện tượng tha hóa, không có mặc cảm, gạt bỏ tất cả những nguyên tắc công bằng thường thấy xảy ra khá phổ thông nơi tất cả các hệ thống xã hội nơi con người.
Thật ra mức độ thật thà và gian lận không thể hoàn hoàn toàn tuyệt đối 100% mà có những thay đổi nhất định tùy theo mỗi người. Chúng ta không cổ xúy và nhất là thường bài xích hành vi gian dối, tuy chúng ta lại thường dễ mắc phải hành vi nói dối khi điều kiện thuận lợi xảy ra. Chúng ta có mặc cảm khi mình nói dối. Tuy nhiên một phần rất lớn năng lượng của con người dược sử dụng vào việc nói dối hoặc tính toán xem khả năng thành công hay thất bại mỗi khi ta nói dối.
7. Hành vi gây hấn
Giống nhiều khái niệm trong tâm lý xã hội, hành vi gây hấn có nhiều định nghĩa và có những giá trị khác nhau. Nhiều giá trị gây hấn được coi như những đức tính tốt như gặp ở các môi trường quân đội, thể thao, vận động viên, người tiếp thị, quảng cáo, người làm kinh tế, nhưng phần nhiều chúng ta coi gây hấn như những đại diện tinh thần bệnh hoạn, tiêu cực, tham lam, thấp hèn.
Tất nhiên con người là một sinh vật luôn đứng giữa những hai hệ giá trị gây hấn tích cực lành mạnh và gây hấn ích kỷ biến thái. Chúng ta cần đến cả hai giá trị này để thăng tiến bản thân. Mô hình gây hấn tích cực ta gọi là chủ động vốn giúp chúng ta thăng tiến, trong khi gây hấn thụ động ta gọi là bạo lực và có khuynh hướng biến con người trở thành một đối tượng mà xã hội né tránh.
Mặc dù đời sống của động vật có vẻ rất dã man, chúng ta cần cảnh giác tránh ngộ nhận quá trình săn mồi vì đấy là quá trình giết những con thú khác vì nhu cầu thức ăn, vì nhu cầu đời sống sinh tồn. Thực ra hành vi đi săn của loài ăn thịt như loài cọp có chức năng tương tự như hành vi của loài thú ăn cỏ như nai và bò – thuần túy là tìm nguồn dinh dưỡng. Ví dụ như mèo bắt chuột? Tại sao ta ủng hộ chúng? Vì thế con người thường không có một cảm xúc nhất quán về những khái niệm gây hấn. Chúng ta có thói quen não thức thường đánh giá về gây hấn dựa trên những giá trị nhu cầu lợi/hại khác nhau.
Hành vi gây hấn tồn tại nhằm đảm bảo được quá trình tồn tại của một loài, nhất là trong bối cảnh những nguồn thức ăn có giới hạn khan hiếm. Các loài vật vì thế phải cạnh tranh với những nguồn cung cấp giới hạn để tiếp tục sinh tồn và sinh sản. Hơn nữa các loại động vật không chỉ tranh giành với những chủng loại khác, mà chúng còn cạnh tranh bên trong cùng chủng loại. Không khí để thở có thể là vô hạn, nhưng thức ăn, nơi làm tổ, nguồn nước uống và những cơ hội tìm bạn tình là có giới hạn, vì thế các loại phải tự kiểm soát và điều tiết không trở nên rơi vào tình trạng lạm phát dân số.
Chọn lựa bạn tình là một quá trình diễn ra đòi hỏi kỹ năng gây hấn lớn nhất trong các loài động vật có vú, nhất là nơi các giống vật con đực. Tất nhiên các con cái sẽ rất cẩn thận vì quá trình mang thai cần đến rất nhiều cố gắng. Vì thời gian mang thai kéo dài nhiều tháng nên chúng cần nhiều năng lượng. Mang thai khiến con cái chậm chạp và có thể bị tấn công, nguy hiểm khi sinh con, rồi phải vất vả để nuôi con, vì thế chúng cần chọn một bạn tình thật kỹ. Vì giống cái cẩn thận trong chọn lựa nên giống đực phải thể hiện bản lĩnh. Con đực sẽ chứng minh khả năng phục vụ nhu cầu sinh tồn của con cái và cả nhu cầu sinh tồn của mình. Tất nhiên những hành vi này không phải do ý thức hoặc học tập được mà đây là những hành vi được điều khiển bằng một dụng cụ ta gọi là bản năng.
Quá trình gây hấn trong bối cảnh tính dục được điều khiển bởi nội kích tố nam testosterone. Trong thí nghiệm, khi chích loại kích tố nam này vào các con chuột cái, ta nhận thấy khả năng kìm hãm hành vi gây hấn nơi chúng giảm hẳn. Các con chuột cái sẽ dễ nổi xung hơn. Nếu chấm dứt testosterone nơi chuột đực bằng cách thiến chúng, khả năng kìm hãm hành vi gây hấn của chúng sẽ tăng lên. Các con chuột đực sẽ mất đi khả năng nổi xung của mình. Cần chú ý rằng kích tố nam testosterone không gây ra trạng thái nổi xung nhưng tiết tố này chỉ làm giảm khả năng kìm hãm trạng thái nổi xung.
Nhiều loại động vật có giống cái rất hung dữ như loại lợn guinea và một số loại động vật trong thời gian nuôi con (vì để bảo vệ con của chúng). Các nhà sinh xã hội chỉ ra rằng nơi con người, các hành vi nổi xung thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn là ở nữ giới. Những tội phạm có tỷ lệ là nam giới cao hơn. Tuy nhiên dạo gần đây, do ảnh hưởng và đóng góp của phụ nữ vào khắp mọi ngõ ngách đời sống, những con số thống kê vì thế đã thay đổi. Chúng ta càng ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành tội phạm. Và thời gian sẽ trả lời cho chúng ta biết xem, kích tố nam testosterone có thật sự là đại lượng duy nhất ảnh hưởng đến tính hung hăng nơi con người? Hay còn có những đại lượng khác đến từ ảnh hưởng của kinh tế xã hội mà chúng ta phải chờ đợi.
Tuy nhiên chúng ta thấy sự hiện diện của gây hấn rất rõ rệt nơi nam giới. Ví dụ cầu thủ Zidane của đội tuyển Pháp đã húc đầu vào ngực của cầu thủ Marco Materazzi đội tuyển Ý vào phút thứ 110 của trận chung kết World Cúp 2006. Đây là một bằng chứng cho thấy trạng thái nổi xung đã bất chấp tất cả các hậu quả tiêu cực khác. Ngay cả đây là trận đấu tạm biệt khán giả hâm mộ môn bóng tròn mà Zidane có thể sử dụng để xây dựng hình ảnh đẹp của mình.
Ta thấy những cuộc tranh hùng nơi các con đực giành các con cái thường không gay gắt và nguy hiểm, mà thường là những hành vi mang tính nghi thức nhằm trình bày những khả năng của con đực. Chúng thường cung cấp cho nhau những cơ hội rút lui bằng tín hiệu đầu hàng, càng kéo căng quá trình nổi xung sẽ không có lợi cho cả hai phe. Điển hình nơi loài rắn hổ mang, chúng chiến đấu bằng tín hiệu chứ không bằng cách cắn mổ nhau.
Lãnh địa và hệ thống địa vị cai trị, vốn là hai khái niệm được nhận ra trong bối cảnh nổi xung của động vật nhiều nhất. Các động vật thường tuân thủ theo qui định này một cách nghiêm túc trên tinh thần tôn trọng tự giác chứ không phải do cạnh tranh, trừ phi những điều kiện thuận lợi xảy ra có tác động can thiệp lên những cân bằng lãnh địa và hệ thống địa vị cai trị, ví dụ con đầu đàn chết sẽ có một con khác khỏe nhất đàn sẽ lên thay thế.
Thiếu thốn thức ăn xem ra cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến nổi xung. Southwick đã làm thí nghiệm nơi loài khỉ Rheus tại sở thú ở London và phát hiện ra rằng khi giảm 25% lượng thức ăn, các chú khỉ này sẽ giảm thái độ nổi xung. Khi giảm 50% lượng thức ăn, các chú khỉ này sẽ bỏ hẳn thái độ nổi xung. Và những khám phá này tìm thấy tương tự ở những bộ lạc người nguyên thủy còn sót lại trên hành tinh chúng ta. Phải chăng có nhiều năng lượng sẽ dẫn đến tình trạng nổi xung. Hay muốn nổi xung phải có đầy đủ năng lượng.
8. Nổi xung nơi con người
Vậy tại sao có quá nhiều nổi xung nơi con người? Một trong những khả năng có thể xảy ra là sự thiếu thốn những khả năng kiềm chế. Các nhà sinh xã hội tin rằng những động vật không được trang bị khả năng nổi xung thường có khuynh hướng phát triển khả năng tín hiệu đầu hàng. Trong buổi đầu, con người là một trong những động vật phát triển theo xu hướng này. Tuy nhiên chúng ta vì có trí thông minh nên đã chế tạo ra nhiều sản phẩm kỹ thuật.
Khoa học kỹ thuật có những mặt mạnh và cả những mặt tiêu cực của nó. Khoa học kỹ thuật tiến hóa nhanh hơn tốc độ tiến hóa sinh học của con người. Khoa học do con người tạo ra đã cung cấp cho họ những cơ hội sống dẫn đến giảm khả năng kiềm hãm tính dễ nổi xung của mình. Vì quá quen với tiện nghi do khoa học đem lại, con người dần dần mất đi tính kiên nhẫn (một dạng khả năng kiềm chế nổi xung). Chẳng hạn máy xay sinh tố sẽ nhanh hơn giã hoa quả bằng cối rồi vắt bằng tay. Chính máy sinh tố đã biến con người trở nên mất kiên nhẫn. Khi máy xay sinh tố bị hư, chúng ta sẽ rơi vào một trạng thái bối rối lúc ta cần xay một nắm rau má – đến lúc đó ta mới thật sự nhận ra khả năng kiềm chế của mình là rất kém.
Một vấn đề khác, đời sống của con người không chỉ là thế giới vật chất mà còn là thế giới biểu tượng nữa. Các con sư tử chỉ nổi giận trong thời điểm điều kiện tức thời rất hiện sinh. Con người nổi giận về những sự kiện trong quá khứ hay ở tương lai, hay từ những sự kiện không ăn nhập gì đến chúng ta. Tương tự, sư tử chỉ nổi giận khi chúng bị quấy rối về mặt sinh lý, ngoài ra chúng không nổi giận khi chúng bị chê là miệng bị hôi hay lười biếng. Chỉ có con người mới có khả năng giận dữ cả về mặt sinh lý, giá trị vật chất và tinh thần.
Một con sư tử giận dữ khi đối diện với tình huống liên quan trực tiếp đến nó. Con người giận dữ về những chuyện liên quan đến ngôi nhà, chiếc xe máy, cộng đồng, đất nước, tôn giáo và những chuyện không liên quan đến mình. Chúng ta bất bình với những hành vi tội phạm ngoài xã hội, hay giận dữ vu vơ vô căn cứ với các đề tài liên quan một cách rất gián tiếp. Chúng ta mở rộng khái niệm cái tôi của mình ra nhiều lĩnh vực khác nhau lớn hơn và hiện diện bên ngoài chính con người chúng ta, vươn xa hơn đến những người thân cùng với những đại lượng mang giá trị tinh thần. Ví dụ như ta sẽ bất bình nếu như có ai đó đốt trường học, báng bổ đền chùa, xả rác, ăn nói tục tằn thô lỗ nơi công cộng…
Nếu như tính nổi xung là những nét cơ bản mang tính bản năng của con người, chúng ta có thể tin rằng những trạng thái nổi xung này có liên hệ đến với những kích thích mang tính dấu hiệu. Hai cá nhân A và B cùng muốn sở hữu một đối tượng giá trị C. Tất nhiên là giá trị C không thể chia cắt. Một trong hai người A hoặc B sẽ là người khó chịu vì không thể sở hữu giá trị C được kết luận là hành vi nhằm đạt được mục đích của con người khi bị cản lại sẽ dẫn đến trạng thái bức xúc. Kế đến là trạng thái nổi xung.
Các hình thái của bức xúc có thể rất đa dạng. Ta có thể nổi cáu khi một hành vi bình thường đang diễn ra bỗng bị chặn lại, hoặc ta có thể nổi cáu khi thời hạn mục đích đã ấn định trước nhưng bị ngưng lại, hoặc kéo giãn ra ngoài dự tính. Ví dụ như khi công việc bị cản trở, bị thay đổi kế hoạch vào giờ chót, bị người khác chen lấn ngang vào một hàng dài đang đợi, bị người khác thất hẹn… Nhìn chung, chúng ta là những sinh vật không có khả năng uyển chuyển cao và khả năng kiên nhẫn rất kém.
Tuy nhiên nhiều người sẽ cẩn thận và trạng thái nổi xung được kiểm soát một cách có ý thức. Nhiều phạm trù khác ngoài trạng thái bức xúc có thể dẫn đến trạng thái nổi xung. Chẳng hạn như một vận động viên quyền anh sẽ cố gắng hơn nữa vì giải thưởng? Hay trạng thái bức xúc có thể dẫn đến những trạng thái cảm xúc tinh thần khác. Chẳng hạn như một cô sinh viên có bức xúc vì hành vi chấm bài thiếu công bằng của một giảng viên đã trở nên trầm uất, chán nản, suy sụp. Như Fromm đã nói: Nổi xung và bức xúc xảy ra do chính từ cách nhìn của mỗi người chúng ta. Theo ông thì bức xúc là những lần kinh nghiệm đối diện với những tình huống thiếu công bằng hay những dấu hiệu mình bị từ chối và đó là nguyên nhân dẫn đến nổi giận.
9. Sinh xã hội học đối chiếu với văn hóa
Nhiều nhà tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học và những học giả khác rất cảnh giác về những giải thích của tâm lý xã hội, dù một số trong những giải thích này nhiều lúc nghe có vẻ tương đối thuyết phục từ các nhà sinh xã hội học. Trong những giải thích của nhánh này, chúng ta có những giải thích tương tự liên hệ đến phạm trù văn hóa. Tựu trung lại, phát triển văn hóa có lối vận hành gần giống như nguyên lý của quá trình tiến hóa vậy.
Có nhiều cách tiếp cận và xử lý một nhiệm vụ, tùy thuộc vào điều kiện phát triển vật chất của một môi trường và những phát triển văn hóa, nhiều người cho rằng có một cách thực hiện một nhiệm vụ tốt hơn những cách khác. Các nền văn hóa khác nhau luôn có những cách xử lý rất khác nhau. Nhiều người chủ trương rằng mỗi cách xử lý có những ưu điểm của nó. Vì thế họ không tin rằng sẽ có những cách làm tốt hơn. Vì mọi sự xung quanh đời sống chỉ có những giá trị tương đối, vận dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể của một nền văn hóa đặc trưng riêng biệt trong cuộc sống. Một điểm đáng chú ý là quá trình truyền đạt lại những cách làm từ thế hệ trước không là quá trình thụ động, mà là một quá trình mà các thế hệ sau phải cố gắng học tập.
Để một nền văn hóa có thể tồn tại, văn hóa phải dạy được những thành quả nhất định. Văn hóa chỉ có thể tiếp tục phát triển khi nó cung cấp cho con người những phương pháp tích cực trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên tinh thần một cách có hiệu quả. Vì thế các thành viên trong một nền văn hóa phải học tập qua nhiều lối tiếp cận lành mạnh hơn và nên kiềm chế những hành vi gây hấn như các nhà sinh xã hội đã giải thích.
Tất nhiên các thành viên trong một nền văn hóa cần nỗ lực học hỏi những cách xử thế giao tiếp để đạt được một mức độ hợp tác nhất định, thông qua việc học hỏi những hành vi mang tính xây dựng, tương trợ, cùng có lợi, áp dụng vào các mối quan hệ xã hội, nhằm bảo đảm duy trì được những cân bằng trong việc cùng nhau sử dụng những nguồn tài nguyên chung một cách công bằng và có trách nhiệm. Một nền văn hóa muốn tồn tại, cần thúc đẩy các thành viên của mình phải có ý thức duy trì một tỷ lệ dân sổ ổn định liên tục, nhanh quá hay chậm quá đều có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Những ổn định này có thể đạt được thông qua những kênh xây dựng gia đình và những mô hình sinh sản kế hoạch hóa có trật tự và lành mạnh mà các nhà sinh xã hội đã giải thích.
Nếu một xã hội muốn tồn tại, bao gồm tất cả những mô hình xã hội đang hiện diện cho đến thời điểm này cần phải tuân thủ những qui định và chức năng vận hành theo mô hình di truyền được chứng minh trong quá trình tiến hóa. Và vì giá trị của học tập được đánh giá là có tính năng uyển chuyển thích ứng nhất đối với mô hình tiến hóa. Hơn nữa học hỏi cho phép con người tiến bộ chủ động nhanh hơn để thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới. Vì thế văn hóa sẽ có thể thay thế yếu tố di truyền. Và văn hóa tóm lại vẫn là một quá trình tiến hóa, một hướng tiến hóa phi vật chất và chủ yếu nhắm vào đời sống giá trị tinh thần.
Vậy chúng ta có bản năng hay không? Nếu như bản năng được định nghĩa là những phản xạ tự động giống như những liên hệ nối kết, có lẽ chúng ta sẽ không có bản năng như thú vật. Có thể bản năng ấy của chúng ta đã bị mất trong quá trình tiến hóa. Nhưng nếu định nghĩa bản năng như xu hướng phát triển tư duy văn hóa được cài đặt bẩm sinh rất riêng trong mỗi chúng ta về những hành vi tinh thần trong một điều kiện môi trường nhất định – có lẽ chúng ta đang có những bản năng tinh thần này. Và điểm quan trọng then chốt về sự khác biệt giữa loài người và loài vật ở chỗ: Chúng ta có thể từ chối những hành vi mang tính bản năng. Chúng ta giao hợp không còn vì nhu cầu sinh sản. Chúng ta kiêng ăn để giảm cân đến độ gầy còm vì tiêu chuẩn cái đẹp đã bị các nhà thời trang chi phối. Giống như việc chúng ta có thể từ chối những hành vi mà chúng ta đã từng lệ thuộc. Ví dụ một chàng trai nghiện xì ke sẽ có thể cai nghiện hoặc một cô gái bán dâm có thể mạnh dạn nói với mình rằng: Tôi sẽ bỏ hẳn đời sống bia ôm và mại dâm để trở về với đời sông có nhân phẩm của mình. Mặc dù những ngày tháng trước mặt họ là những thử thách rất lớn và rất nhiều trong số họ sẽ làm được.
Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh