Rollo May – Học thuyết nhân cách cá tính

Rollo May 
1. Tiểu sử Rollo May

Rollo May sinh ngày 21 tháng 4 năm 1909 tại Ada, Tiểu bang Ohio. Tuổi thơ của ông thật ra không hoàn toàn dễ chịu: Cha mẹ của ông không có một cuộc sống hòa thuận và họ dã li dị. Ông có một bà chị gái đã trải qua một cuộc khủng hoảng tâm thần, sau đó bị điên.

Sau một khoảng thời gian ngắn ngủi học ở Đại học Michgan (ông bị yêu cầu buộc thôi học vì liên hệ với một tờ báo sinh viên có nội dung cực đoan), vì thế ông phải học tại Đại học Oberlin ở Ohio và đã học xong chương trình cử nhân ở đó.

Sau khi tốt nghiệp, ông đến Hy Lạp, ở đó ông dạy tiếng Anh tại Đại học Anatolia được 3 năm. Trong thời gian này, ông trải qua một thời gian sống như một nghệ sĩ lang thang và đã có thời gian nghiên cứu ngắn ngủi với Alfred Adler.

Khi ông quay trở lại Hoa Kỳ, ông đăng ký vào Chủng Viện Thần học Hợp nhất và trở thành bạn thân với giáo sư của mình tên là Paul Tillich, một nhà thần học theo thuyết Hiện sinh, người đã có một ảnh hưởng rất lớn lên tư duy của Rollo May. Ông nhận được cử nhân thần học năm 1938.

Sau đó Rollo May bị bệnh lao và phải điều trị trong một bệnh viện nội trú khoảng 3 năm. Đây cũng chính là thời gian đã thay đổi hẳn cuộc đời của ông. Ông đã đối diện với cái chết thật gần gũi. Ông giết thời gian nhàn rỗi qua việc đọc sách. Trong sách ông đọc được có cả những tác phẩm viết bởi Soren Kierkegaard, một tác giả Đan Mạch chuyên viết về mảng đề tài tôn giáo. Kierkegaard là người đã có những ảnh hưởng rất lớn đến phong trào chủ nghĩa Hiện sinh, đồng thời cũng là người đã tạo ra những nguồn cảm hứng cho học thuyết của Rollo May.

Ông đã đến học phân tích tâm lý tại Học viện White, ở đó ông đã làm quen với những nhân vật quan trọng trong làng tâm lý như Harry Stack Sullivan và Erich Fromm. Cuối cùng ông đến học ở trường Đại học ColumbiaNew York và năm 1949 ông đã học xong chương trình tâm lý lâm sàng, đây là học vị đầu tiên mà trường này cấp cho ông.

Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, ông bắt đầu đi dạy tại những trường đại học danh tiếng. Năm 1958, ông cùng với Ernest Angel và Henri Ellenberger biên tập cuốn Hiện Diện (Existence) nhằm giới thiệu tâm lý Hiện sinh cho Hoa Kỳ. Ông trải qua những năm cuối cùng của mình tại Tiburon, Tiểu bang California cho tới lúc ông qua đời vào tháng 10 năm 1994.

2. Học thuyết của Rollo May

Rollo May là nhà tâm lý Hiện sinh nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ. Phần nhiều những tư duy của ông có thể hiểu được qua những tác phẩm về chủ nghĩa Hiện sinh đã được phổ biến rộng rãi. Có một sự chia sẻ gối đầu rất lớn giữa những ý tưởng của ông và với Ludwig Binswanger. Tuy nhiên ông có vẻ tách ra khỏi dòng chảy chung, vì ông chịu ảnh hưởng bởi các học thuyết nhân văn Hoa Kỳ nhiều hơn là từ những học giả Châu Âu. Nhất là việc ông đã cố gắng trong việc đem tâm lý Hiện sinh đến gần với những nhánh tâm lý học khác, trong đó đáng kể nhất là nhánh tâm lý theo trường phái Freudians.

Rollo May sử dụng một số thuật ngữ trong học thuyết Hiện sinh truyền thống có vẻ hơi khác một chút, đồng thời sáng tạo thêm một số thuật ngữ mới cho những khái niệm hiện sinh cũ. Ví dụ khái niệm định mệnh được hiểu như là sự phối hợp của 2 khái niệm: bị ném vào và sụp đổ. Đây là một khái niệm cho thấy cuộc đời của con người đã được quyết định từ những nguyên liệu thô, được sử dụng trong những công trình kế hoạch để tạo nên chúng ta. Một khái niệm khác là can đảm được thay thế cho khái niệm truyền thống sống trung thực với chính mình có nghĩa can đảm đối diện với những lo lắng của chính mình và chế ngự chúng.

Ông là nhà tâm lý Hiện sinh duy nhất đã bàn về những giai đoạn phát triển (tuy không sâu nặng như các thời kỳ trong học thuyết của Freud), tuy nhiên điều này cho thấy ông đã nói qua về sự phát triển:

1. Thời kỳ thơ ngây: Là thời kỳ tiền–cái tôi, tiền–bản thân–ý thức, là giai đoạn trẻ sơ sinh. Đây là giai đoạn tiền–ý thức đạo đức. Trẻ em không xấu mà không tốt. Giống như thú vật hoang đã giết các con thú yếu hơn vì nhu cầu sinh tồn, các em bé ở thời kỳ ngây thơ thường phải làm tất cả những gì như các loài như thú vật để sinh tồn. Tuy nhiên các em có một hệ những khát khao thúc đẩy mong đạt được những nhu cầu của mình.

2. Thời kỳ nổi loạn: Là thời kỳ bao gồm cả giai đoạn thiếu nhi đến tuổi dậy thì. Đây là giai đoạn phát triển cái tôi và ý thức bản thân qua những thái độ đối nghịch lại với người lớn. Ở tuổi thiếu nhi, các em sẽ nói: Không. Nhưng vào tuổi dậy thì các em sẽ nói: Nhất định không. Những cá nhân nhỏ tuổi này nổi loạn vì muốn có được tự do, nhưng hoàn toàn chưa hiểu được những trách nhiệm đi kèm với sự tự do của mình. Các em xin tiền và muốn được tiêu xài theo ý của mình. Các em kỳ vọng ở mẹ phải đáp ứng cho mình. Các em sẽ có thái độ giận dỗi nếu cha mẹ không phát tiền. Nhiều em sẽ gây sức ép bằng việc dọa bố mẹ sẽ nghỉ học.

3. Thời kỳ chung: Là giai đoạn phát triển cái tôi bình thường của người lớn, họ thường tuân thủ những giá trị truyền thống và khá đơn điệu tẻ nhạt. Họ bắt đầu học tập về những trách nhiệm cá nhân nhưng nghĩ rằng trách nhiệm cá nhân ấy đòi hỏi quá nhiều từ nơi họ. Vì thế họ có xu hướng tị nạn trong những xu hướng phục tùng vào những giá trị truyền thống đã có sẵn từ trước.

4. Thời kỳ sáng tạo: Là người lớn thật sự, đây là giai đoạn phát triển những giá trị hiện sinh, thể hiện qua trạng thái trưởng thành vượt qua giai đoạn phát triển cái tôi và đạt trạng thái nhận ra mình. Họ là những cá nhân bắt đầu chấp nhận định mệnh của mình, bắt đầu chấp nhận khó khăn từ đời sống thực tế một cách có can đảm.

Đây là học thuyết giai đoạn phát triển không có nhiều ảnh hưởng ngành Tâm lý so với những học thuyết phát triển tâm lý trước đó. Nhiều người lý luận rằng một em bé có thể đạt được những giai đoạn phát triển khác nhau như giai đoạn thơ ngây, bình thường, hay sáng tạo, tùy thuộc vào tư chất của em bé và tùy thuộc vào hoàn cảnh sống của em. Hoặc ta có thể thấy nhiều người lớn vẫn có những thái độ chống đối, nổi loạn hoặc ngây thơ như trẻ em. Tuy nhiên có những liên hệ thường thấy ở một độ tuổi chung và những đặc tính của lứa tuổi đó. Ví dụ khi so sánh một em bé 2 tuổi và một em 15 tuổi, ta thấy khuynh hướng nổi loạn ở em bé 15 tuổi là rất rõ.

Mặt khác Rollo May rất hứng thú với trạng thái lo lắng của một cá nhân như các nhà học thuyết hiện sinh khác. Cuốn sách đầu tiên của ông có tên: Ý Nghĩa Của Lo Lắng, dựa trên luận án tiến sĩ của ông, một phần lớn xây dựng trên những ý tưởng của Kierkegaard. Định nghĩa của ông về lo lắng như sau: Cảm giác sợ đến từ một tác nhân gây sợ, ảnh hưởng đe dọa lên một số giá trị mà một cá nhân cho là quan trọng đối với sự hiện diện của chính bản thân họ như một chủ thể. Mặc dù đây không phải là khái niệm thuần túy của chủ nghĩa hiện sinh, khái niệm định nghĩa về lo lắng của ông đã bao gồm sợ hãi về cái chết hay trạng thái không tồn tại. Sau đó ông trích dẫn lời của Kierkegaard về khái niệm lo lắng như sau: Lo lắng là hiện tượng tự do bị chóng mặt.

3. Tình yêu và ý chí

Nhiều ý tưởng của Rollo May tìm thấy trong tác phẩm Tình yêu và Ý Chí của ông, một cố gắng mà ông gửi gắm nhiều tâm huyết thiết tha trong việc đem thuyết Hiện sinh và trường phái tâm lý Freudian lại gần nhau, trong đó ông quay trở lại với khái niệm động cơ. Cấu trúc khái niệm động cơ ban đầu của ông là khái niệm các vị thần. Theo ông đây là toàn bộ hệ thống có chức năng điều khiển tất cả những động cơ của con người, vốn rất khác nhau ơ nơi từng cá nhân một. Trong hệ thống các vị thần này bao gồm một bộ sưu tập những vị thần nhỏ đại diện cho tất cả những động cơ khác nhau cùng hiện diện nơi một con người.

Khái niệm những vị thần nhỏ đến từ tiếng Hy Lạp. Tiếng Anh gọi là demon, có nghĩa là quỷ, với những điều gán ghép rất tiêu cực. Nhưng theo Rollo May thì nguyên gốc tiếng Hy Lạp daimons có cả tốt và xấu. Các vị thần nhỏ chi phối mọi nhu cầu từ rất thấp như thức ăn và tình dục, cho đến những nhu cầu phức tạp cao hơn như tình yêu. Ông cho rằng daimons là tất cả những động lực có tác động lên những nhu cầu của con người. Theo ông chúng ta trở thành vật sở hữu của các vị thần. Khi cán cân quân bình giữa các vị thần nhỏ bị khuấy động, lúc ấy con người sẽ trở thành độc ác và điều này rất có hại. Đây là khái niệm khung khuôn mẫu đề tài trong học thuyết của Binswanger hay khái niệm chiến lược đối phó trong học thuyết của Horney.

Với Rollo May, một trong những vị thần quan trọng nhất là vị thần Tình Yêu, theo thần thoại Hy Lạp thì Eros là vị thần tình yêu có hình dáng một chàng trai trẻ cường tráng. Sau đó Eros biến hình thành một sinh thể nhỏ bé rất hay phá rối gọi là Cupid. Theo Rollo May, tình yêu là nhu cầu mình được trở thành hợp nhất một chủ thể với một cá nhân khác và ông đã nhắc về những câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp qua lời nhà viết kịch Aristophanes (448–380 trước Công Nguyên): Ngày xưa con người là những sinh vật có 4 chân, 4 tay, 2 đầu. Khi ấy con người lúc đó trở nên quá cao ngạo, các vị thần đã tách đôi họ làm hai phần nam và nữ và bị nguyền rủa rằng chúng ta sẽ khao khát mãi mãi đó là cả đời phải đi tìm một nửa bị mất của mình.

Như thế, giống như mọi vị thần khác, vị thần Tình Yêu (Eros) là một vị thần tốt đẹp. Chính vị thần này đã khiến chúng ta khao khát nhu cầu tình yêu. Vì Eros là thần tốt nên khi tình yêu lành mạnh, con người luôn thể hiện những đặc tính tốt đẹp thân thiện.
Một khái niệm quan trọng trong học thuyết của Rollo May là ý chí: Đó là khả năng tổ chức của mỗi con người chúng ta cần có để đạt được một mục đích nào đó. Khái niệm này cho thấy ý chí gần như đồng nghĩa với cái tôi và là cơ năng khiến chúng ta đương đầu và thử nghiệm thực tế. Ý chí sử dụng nguồn năng lượng của riêng nó chứ không cần đến năng lượng vật chất đến từ sinh lý (do cơ thể cung cấp) – và vì thế ý chí là cái tôi thuộc địa hạt tâm lý. Nhiều người cho rằng khái niệm ý chí của Rollo May cũng tượng tự như khái niệm ý chí trong học thuyết của Otto Rank. Rollo May tin rằng ý chí cũng là một vị thần và vì thế có thể sẽ bột phát và làm chủ con người chúng ta.

Một định nghĩa khác của ý chí là: Khả năng biến ước mơ trở thành hiện thực. Ước mơ là những trí tưởng tượng thành đạt về những khả năng có thể xảy ra và được điều khiển bởi nhiều những vị thần nhỏ. Nhiều mơ ước của chúng ta đến từ thần Tình Yêu, nhưng phải có tác động của ý chí mới trở thành hiện thực được. Theo Rollo May chúng ta có thể nhìn thấy 3 loại nhân cách đến từ việc chúng ta có nhiều ước mơ hay ít ước mơ. Chúng ta sẽ liên hệ với thần Tính Yêu về những ước mơ của mình và đối thoại với ý chí về những ước mơ ấy.

4. Vài tuýp nhân cách theo Rollo May

Rollo May không đặt tên cho những nhân cách của con người chúng ta, vì đó là cách phân loại sắp xếp các cá tính vốn không hợp với tiêu chí của thuyết Hiện sinh. Kể cả những ước mơ cũng không thể gộp lại làm thành một hệ thống những chủng loại. Dẫu vậy Rollo May đã sử dụng một số thuật ngữ mô tả về những nhân cách dựa vào tỉ lệ ước mơ nhiều hay ít:

Những người hoàn toàn nghiêm cẩn: Là những người 100% chỉ có ý chí và chẳng hề có một chút tình yêu nào cả. Họ là những người có một khả năng tự kỷ luật rất cao và có thể biến mọi chuyện trở thành hiện thực. Họ không có những ước mơ để thực hiện. Họ là những người buộc mọi việc phải cầu toàn hoàn hảo, nhưng họ là người trống rỗng và khô khan.

Những người trẻ con: Họ là người 100% mơ ước nhưng không có một chút ý chí nào. Họ là người có quá nhiều ước mơ và đam mê nhưng chẳng có phép kỷ luật cho bản thân nào để bắt tay vào thực hiện những giấc mơ và đam mê của mình và như thế họ trở thành những con người lệ thuộc và phục tùng. Họ yêu, nhưng tình yêu của họ có rất nhiều ý nghĩa đến độ thái quá (trường hợp của Romeo và Juliett).

Những người sáng tạo: Rollo May đề cử rằng, chúng ta nên khôn ngoan trong việc nuôi dưỡng một vị trí cân bằng giữa hai thái cực nhân cách: Theo ông, nhiệm vụ của con người là hãy tạo ra sự hòa hợp giữa tình yêu và ý chí. Đây là một ý tưởng không mới mẻ với những học giả khác và đã được Otto Rank đề cập đến khi ông so sánh về khái niệm sự chết (nhu cầu của chúng ta được liên kết với người khác và để giải thoát khỏi những điều chúng ta sợ hãi từ cuộc sống) khái niệm sống (bao gồm nhu cầu dược độc lập tự do và nỗi lo sợ bởi trạng thái cô đơn). Và còn có những học thuyết khác thường hay so sánh: hai thái cực cộng đồng và cá nhân, giữa tập thể và tự chủ, giữa tình cảm và chủ động, giữa cộng tác và đạt thành tích.

5. Thế giới chuyện thần thoại

Cuốn sách cuối cùng của May có tựa đề: Tiếng Gào Vì Thần Thoại, ông đã chỉ ra rằng một vấn đề lớn với thế kỷ XX là nhân loại đã đánh mất những giá trị truyền thống của cha ông mình. Tất cả những giá trị mới mẻ khác nhau đã dẫn chúng ta đến những nghi kỵ và ngờ vực về sự mâu thuẫn của hệ giá trị cũ và mới. Giống như Nietzsche đã chỉ ra rằng: Thượng Đế đã chết (ông coi như Ngài đã vĩnh viễn ra đi vì con người không còn cần đến Thượng Đế nữa, vì thế mọi điều đã cho phép xảy ra một cách hỗn loạn vô tổ chức!)

Rollo May nói rằng chúng ta phái kiến tạo cho mình những hệ giá trị trên bình diện cá nhân. Điều này nói vẫn dễ hơn làm. Vì thế chúng ta cần giúp đỡ, không phải bởi chúng ta bị thúc ép, mà là được mời gọi để chúng ta sử dụng những giá trị ấy theo nguyện vọng của chính chúng ta.

Đi vào thế giới thần thoại, những câu chuyện sẽ giúp chúng ta thuyết phục về cuộc đời của chính chúng ta và chính những chuyện thần thoại ấy sẽ là những câu chuyện có tính hướng dẫn cuộc đời. Thế giới thần thoại gần giống như những nguyên mẫu trong học thuyết của Carl Jung, nhưng chúng có thể đến từ cõi vô thức và từ cõi ý thức. Những giá trị thần thoại có thể là di sản chung của tập thể mà cũng có thể là rất cá nhân: Một ví dụ đơn giản là đã có bao nhiêu người trên thế giới đã sống cuộc đời của họ dựa vào Kinh Thánh. Ở Việt Nam vẫn có tục hái lá cây ngày đầu năm để xem quẻ bói đầu nằm (hái lộc)…

Những câu chuyện như Romeo và Juliet, Tấm Cám, Thạch Sánh Lý Thông, Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, Những Tên Cướp Biển Vùng Vịnh Caribê, hoặc là Siêu nhân Và Harry Potter…Đấy chính là những câu chuyện phản ánh và xây dựng từ những chất liệu ta vẫn bắt gặp ngay giữa đời thường. Nhiều câu chuyện cung cấp những ước mơ, cả những tấm gương thiện và ác, siêng năng chăm chỉ và lười biếng, tốt và xấu, tình yêu và ý chí.

6. Thảo luận

Ý tưởng của Rollo May tuy nghe có vẻ hay, nhưng áp dụng thế giới thần thoại vào hiện thực có vẻ xa cách với hiện sinh – vốn tập trung vào hiện thực sống động của đời sống. Nhiều nhà hiện sinh học tin rằng khả năng đối diện với cuộc đời là cần thiết. Các cá nhân cần bảo đảm được tính năng thực tế chứ không phải chỉ dựa vào thần thoại và truyền thuyết. Nếu cứ như theo Rollo May, trong lăng kính thuyết Hiện sinh, chúng ta sẽ là một thế giới đại đồng, bao gồm những con người đầu hàng, sống dựa vào những giá trị truyền thống một cách thụ động và sống không thật với chính mình!

Đây là một đề tài thú vị sẽ được tương lai quyết định xem đúng hay sai?

Tác giả: Nguyễn Thơ Sinh
Previous Post
Next Post