Tư tưởng không muốn thua kém ai cũng là một động lực tích cực thúc đẩy con người phấn đấu vươn lên tạo dựng cho mình một vị trí, tên tuổi trong xã hội để thông qua đó mà đề cao sĩ diện của mình. Tư tưởng đó nếu đạt được bằng chính nỗ lực và tài năng thật sự thì chính là đã biết đề cao sĩ diện, thể diện của mình; nhưng nếu đó là người không có năng lực mà lại cố làm ra vẻ, cố tìm mọi cách để đề cao sĩ diện của mình thì thiên hạ coi đó là thói sĩ diện hão.
Giữ sĩ diện, thể diện cho mình là để không đánh mất mình; còn nếu không biết giữ thể diện thì sẽ trở thành kẻ vô sỉ, không được người khác tôn kính, ngưỡng mộ và yêu mến. Người biết giữ thể diện chính là người tự biết mình, hiểu mình trước hết và dù phải sống trong hoàn cảnh gian khó, thiếu thốn đến mức nào thì họ vẫn đề cao thể diện bản thân theo phương châm: “đói cho sạch, rách cho thơm”. Còn như giữ sĩ diện, thể diện mà không tự biết khả năng, sức lực của mình đến đâu để rồi cứ làm những việc “cao không tới, thấp không thông” hoặc “lực bất tòng tâm” thì rốt cuộc cũng chỉ khiến cho đời người chuốc lấy những phiền não, khổ ải.
Thói sĩ diện hão thường đồng hành với sự giả tạo, khoe mẽ, hợm hĩnh, bảo thủ, giấu dốt, phù phiếm, lãng phí, là một đặc trưng phổ biến của xã hội tiểu nông. Những triệu chứng biểu hiện của thói sĩ diện hão trong xã hội là muôn hình, muôn vẻ. Thí dụ có biết bao gia đình nông dân nghèo túng thực sự, nhưng vẫn sẵn sàng vay mượn để mua sắm chi dùng cho những việc cưới xin, ma chay, giỗ tết sao cho bằng thiên hạ rồi sau đó phải kéo cày trả nợ, vất vả suốt đời. Vì thói sĩ diện hão mà có những thanh niên thường làm ra vẻ ta đây và thường có những hành vi “ngựa non háu đá” đua đòi, manh động để rồi chuốc lấy những kết cục đáng buồn.
Cũng vì thói sĩ diện hão mà người ta khi ăn uống với bạn bè hay ở nơi công cộng thường để thừa thức ăn, nước uống ở bát đĩa, cốc chén để tỏ ra ta đây no đủ, lịch sự, mặc dù bản thân có khi vẫn còn đói, còn khát. Trong trường hợp này người ta thường biện bạch rằng kẻ ăn sạch đĩa, uống cạn cốc là kẻ hạ lưu nghèo hèn, không phải hạng sang trọng quý phái. Nhưng họ đã không biết rằng người Đức, người Anh, người Nhật và nhiều người dân các nước văn minh khác họ đâu có phải là những hạng hạ lưu nghèo hèn mà khi ăn uống là họ ăn bằng hết, uống bằng sạch. Thói sĩ diện hão cũng đã làm cho không ít người phải gồng mình, cúi mình trả giá để tìm kiếm cái danh, cái chức rồi để biến mình thành loại người “hữu danh vô thực”. Người làm lãnh đạo có thói sĩ diện hão thường hay ra oai, ra uy, khệnh khạng, quan cách, gia trưởng, hách dịch, bảo thủ giấu dốt, sợ nói ra điều mình chưa biết, chưa hiểu thì mất thể diện, uy tín giảm sút.
Người có thói sĩ diện hão nếu có một chút chức quyền nhỏ nhoi hoặc được tham dự vào những công việc lớn lao thì thường tìm cách phô trương khoe mẽ cho bạn bè, bà con họ hàng thân thích biết vị trí, vai trò của mình là quan trọng. Hạng người này thường tỏ ra ta đây biết đủ chuyện trong nước, thế giới và cũng hay bóng gió khoe mình là bà con, người nhà, thân hữu với ông to, bà lớn nào đó theo kiểu “thấy người sang bắt quàng làm họ”.
Tâm lý “con gà ganh nhau tiếng gáy” và “trưởng giả học làm sang”, thích cho thiên hạ khen nịnh là tâm lý đặc trưng chung của những người có thói sĩ diện hão. Từ tâm lý đó, người có thói sĩ diện hão thường tìm mọi cách thức, kể cả các thủ đoạn hạ lưu, hèn kém để đạt được mục tiêu của mình. Đây cũng là một thực tế giải thích vì sao trong xã hội ta hiện nay có không ít người giàu về tiền của, tài sản dư thừa mà nhân cách vẫn không thể sang trọng, cao quý.
Sự cao quý, sang trọng về nhân cách không đánh giá ở số lượng tài khoản ngân phiếu và ở tiện nghi, đồ dùng đắt tiền mà nó được đánh giá ở trình độ văn hóa, lối sống văn minh và ở sự cống hiến trí tuệ và tài năng cho xã hội, được xã hội tôn vinh trọng thị. Giàu có kiểu trọc phú, trưởng giả thì chỉ gợi cho thiên hạ nhớ đến câu nói của người Châu Âu ở thời kỳ phong kiến mạt vận và thời kỳ ban đầu của chủ nghĩa tư bản: đằng sau đống của cải khổng lồ là những tội lỗi và đau khổ.
Người đời dễ nhận ra thói sĩ diện hão của nhau; nhưng vì ai cũng có chút sĩ diện hão, cho nên thói sĩ diện hão cũng xem như chuyện thường của đời. Chỉ có điều đáng buồn là những người có thói sĩ diện hão không mấy khi tự hỏi rằng mình đã để lại cho mình cái gì đằng sau thói sĩ diện hão?; rằng ta có còn là ta nữa không?; rằng cuộc sống của ta cuối cùng là cuộc sống của ai? Mô- li- e, nhà viết kịch nổi tiếng người Pháp trước đây có nói: đời người là vở kịch, mỗi người có thể sắm nhiều vai diễn khác nhau. Ngẫm những điều Mô- li- e nói, người ta có thể thấy những người có thói sĩ diện hão chính là những diễn viên trong những vở kịch bi hài của đời người.
Xã hội càng hiện đại thì con người sống càng thực tế, thực dụng hơn; những quan niệm, cách nhìn cũ kỹ, lạc hậu cũng theo đó mà lui về dĩ vãng. Những con người hiện đại sống trong xã hội văn minh sẽ sống cho mình và cho cộng đồng, sẽ tạo sự hài hòa về lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Đó chính là cuộc sống với những giá trị chân- thiện- mỹ đích thực, trong đó mỗi một con người sẽ là chính mình, họ không phải đóng vai, đóng thế theo những kịch bản do người khác dựng lên./.
Nguyễn Đức Mạnh
Nguồn:thanhtravietnam.vn