Thành tựu của tư duy Trần Đức Thảo

Trần Đức Thảo
Nếu khoa học cần một học thuyết kết hợp giữa thuyết tương đối và thuyết lượng tử để giải quyết thoả đáng cả vĩ mô và vi mô trong vũ trụ vật chất, thì trong triết học cũng đang cần một triết lý kết hợp giữa biện chứng duy vật và hiện tượng luận để giải đáp nan vấn lịch sử xã hội và ý thức cá thể trong tiến trình văn minh của loài người.

Từ giữa thế kỷ 20, triết gia Trần Đức Thảo đã bắt đầu tư duy vấn đề triết học nêu trên cho đến cuối đời, và tạo tiền đề cho lớp sau tiếp tục suy nghĩ. Dưới đây là đoạn tóm lược của một triết gia Pháp, thiết nghĩ là thoả đáng nhất để giới thiệu về nội dung quyển: Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng (Phénoménologie et matérialisme dialectique) xuất bản 1951 tại Paris:

"Phần đầu tiên cuốn sách đáng chú ý của Trần Đức Thảo, được viết từ năm 1942 đến năm 1950, là một phân tích mang tính lịch sử và phê bình tư tưởng Husserl; được tư duy (conçue) theo đúng những hướng (perspectives) của chính Husserl, nó đã dẫn đến việc nhận ra một đối nghịch bên trong chính tác phẩm.

Phần thứ hai, hoàn thành năm 1951, hoàn toàn bước sang lĩnh vực duy vật biện chứng; ở đó hiện tượng luận hiện ra như gương mặt cuối cùng của chủ nghĩa duy tâm đang tưởng nhớ đến thực tế (réalité); hiện tượng luận chạy sau cái bóng của thực tế trong ý thức; chỉ chủ nghĩa Marx mới nắm được thực tế thực sự (effective) của vật chất con người; nhưng hiện tượng luận không đơn giản tự bị loại trừ, như toàn bộ chủ nghĩa duy tâm trong chủ nghĩa Marx, nó còn hiện thực hoá ở đó ý nghĩa của các phân tích cụ thể của cái sở nghiệm do Husserl tiến hành, với một sự chăm chút và một sự kiên nhẫn đáng ngưỡng mộ, dù triết học duy tâm chính là khởi điểm (effectivement réel) của hiện tượng luận tìm thấy chân lý của chúng trong một triết học của lao động" (Paul Ricoeur, Sur la phénoménologie, Esprit, 12/1952, p. 827- Cao Việt Dũng dịch trích trong bài viết tưởng niệm triết gia Trần Đức Thảo của Michel Kali trên tờ Les Temps Modernes số 568 tháng 11 năm 1993 -năm thứ 49)

Như thế Triết gia Trần Đức Thảo đã có công lớn nghiên cứu Chủ nghĩa duy tâm hiện tượng luận Hurserl bổ sung vào logique của chủ nghĩa duy vật biện chứng Karl Marx, và ngược lại sức sống của hiện tượng luận cần năng lượng của duy vật biện chứng. Nhìn ở góc độ tư duy, phải chăng Trần Đức Thảo có thế giới quan triết học phương Đông: trong âm có dương và trong dương có âm. Còn theo minh triết Phật học “hiện tượng”; “biện chứng” chỉ là những khởi niệm khác nhau của mỗi bên sinh linh cộng nghiệp…

Dù độc giả thế hệ sau luôn đánh giá cao và biết ơn việc giới thiệu, phân tích, bình luận của những triết gia phương Tây về triết gia Trần Đức Thảo, tuy nhiên, do giới hạn tầm nhìn bắt nguồn từ duy lý của Platon, cho nên những triết gia duy vật muốn nhấn mạnh Trần Đức Thảo lấy chủ nghĩa Marx[1] làm nền tảng hoặc ngược lại cho rằng Trần Đức Thảo là nhà hiện tượng học[2] phê phán thiếu xót của duy vật biện chứng, phải chăng đều võ đoán và vô tình hạ thấp tư duy của một triết gia Việt Nam?

Như vậy dùng logique phương Tây thông qua lăng kính phương Đông, triết gia Trần Đức Thảo có những thành tựu ra sao bằng tư duy độc đáo của Ông:

I. Triết gia Trần Đức Thảo khái quát thế giới quan tương đồng với thành tựu mới nhất của vật lý thuyết tương đối:

Đầu thế kỷ 20, những nhà vật lý hàng đầu thế giới đều rút ra kết luận: những quy luật vật chất được tìm ra từ vài thế kỷ trước, tưởng chừng như tuyệt đối khách quan không lệ thuộc vào ý thức con người, trong quá trình thực nghiệm đã chứng tỏ không tuyệt đối khách quan được. Vì bất kỳ một kết luận nào cũng lệ thuộc vào ý đồ; dụng cụ thí nghiệm, và rất nhiều yếu tố ngẫu nhiên tác động tại hiện trường.v.v…Hơn nữa tri thức khoa học ngỡ rằng hoàn hảo cũng sai lầm vì cho đến nay chưa nhà bác học nào cùng một thời điểm vừa biết được vị trí vừa biết được tốc độ của một hạt électron tự do nói riêng và những hạt hạ nguyên tử khác nói chung.(*)

Trần Đức Thảo cũng cảm nhận như vậy trong triết học, nên luận án tiến sĩ triết học của Ông có đề tài: Hiện Tượng Học của Husserl.[3]

Trần Đức Thảo vừa đồng thuận trong nhận thức ngoại giới của Husserl là sự tương giao giữa ý thức và đối vật, không phải cực đoan chỉ thừa nhận chính chủ thể tạo ra ngoại vật. Đồng thời cũng phản bác tuyệt đối hoá vật chất trong nhận thức. Tuy nhiên, hiện tượng luận tự thân chưa giải quyết nỗi xung khắc nội tại vì còn ẩn chứa hàm lượng duy tâm chủ quan[4]. Diễn đạt theo tâm thức Phật rõ ràng hơn cho vấn đề phức hợp này là tương quan giữa Sắc và Không dẫn đến "có thì vạn lần có, không thì một cũng không". Luận sư vĩ đại của Phật giáo Long Thọ chỉ ra rằng mọi khái niệm về thực tại mà đầu óc suy luận của con người bày ra, thực chất là trống rỗng cả.

Vì vậy Trần Đức Thảo muốn cho những triết gia phương Tây hiểu được suy ngẫm của mình nên dùng duy vật biện chứng làm rõ hơn mối tương giao, hay hoà nhập thể giữa chủ thể và khách thể.

Thành tựu thứ nhất này có thể đặt tên là hiện tượng luận biện chứng, (với những thành tựu về khoa học và tâm linh hiện nay, không cần nêu duy vật hoặc duy tâm vào thuộc tính biện chứng nữa.) một tiền đề triết học còn có thể triển khai với tầm vóc rộng lớn hơn, rất phù hợp với triển vọng lịch sử cộng đồng Asean, trong đó có Việt Nam.

II. Phân tích nguồn gốc của ý thức để chỉ ra bước đi của lịch sử:

Từ lâu cả hành tinh ai cũng biết con người có ý thức, và rất nhiều cách lý giải vì sao có ý thức. Song phải đợi đến tác phẩm Tìm cội nguồn của Ngôn ngữ và Ý thức (Recherche sur l’origine du langage de la conscience)- 1973 xuất bản ở Pháp, vấn đề ý thức mới sáng tỏ. Đã được nhiều vị thức giả khen ngợi và nhận xét là một công trình triết học độc đáo. Giáo sư đại học West Florida, Daniel J. Herman viết: “thật sự là những cống hiến độc đáo của Trần Đức Thảo cho các lãnh vực nhân chủng học, ngôn ngữ học, và tất nhiên cả triết học” (trich trong: Encyclopedia of Phenomenology).

Trần Đức Thảo viết:

“nhưng bản thân con người chỉ bắt đầu tự phân biệt với súc vật ngay khi hắn khởi sự sản xuất ra phương tiện sinh sống của mình”.

Trần Đức Thảo viết về sản xuất ra phương tiện sinh sống:

“Từ dụng cụ sang công cụ là một bước nhảy vọt: con khỉ chẳng hạn chỉ biết dùng cơ quan tự nhiên để sử dụng dụng cụ, tức thì và trực tiếp, nhằm thoả mãn một nhu cầu sinh lý, không có khả năng dùng dụng cụ này để làm ra dụng cụ khác. Sự chế tác công cụ, trái lại, đòi hỏi không những sự sử dụng một dụng cụ trung gian để tạo ra vật cần dùng, dùng đá nhọn để ghè một hòn đá khác làm rìu, mà còn đòi hỏi phải có trong óc hình ảnh của một đối tượng vắng mặt đó.”(theo Phạm trọng Luật)

Hình ảnh vắng mặt đó chính là khái niệm "Kiến" (thấy) của Phật học:

“Thấy” đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nhận thức luận của phật giáo, vì nó là cơ sơ của “Biết” (thiền sư Suzuki). Biết ở đây chính là Ý thức, và bằng con đường phân tích triết lý Trần ĐứcThảo cũng kết luận như chiêm nghiệm của minh triết Đức Phật.

Hơn nữa, Trong bộ kinh do chính Phật Thích Ca truyền giảng về “Mười Hai Nhân Duyên” đã nói: “Vô minh sinh Hành, Hành sinh Thức, Thức sinh Danh sắc….”. Tuy dùng ngôn ngữ khác nhau, vẫn đồng thuận cùng một suy nghĩ phải thông qua lao động sản xuất (Hành) mới sinh ra ý thức được (hành sinh thức)[5]

Trần Đức Thảo viết “Vấn đề con người” (Le Probleme de l’Homme), chưa dừng lại ở nguồn gốc ý thức mà còn lý giải đến cùng bản chất con người đương đại xuất phát từ sự hình thành ý thức đó, nhằm tìm kiếm tương lai tối ưu cho xã hội loài người đúng như sứ mệnh của triết gia.

Về mặt cá thể không ai hoàn toàn có bản chất văn minh hay dã thú, nên bản chất giai cấp hoặc bản chất dân tộc chưa thể chiếm độc tôn trong mỗi con người. Học thuyết nào tin có một giai cấp hoàn thiện nhất hay một dân tộc thượng đẳng nhất để cai trị cả số đông còn lại đều là không tưởng, thậm chí là tai hoạ của hành tinh, lịch sử nhân loại thế kỷ 20 đã chỉ ra luận cứ đó.

Mỗi con người đều trầm tích nhiều tầng bản chất: bề nổi trên cùng là bản tính của mối quan hệ xã hội đương đại (quan hệ cộng đồng dân tộc; giai cấp..), dưới bề nổi là bản tính trung cổ đại, ở giữa là bản tính thuở sơ khai (bộ lạc, thị tộc); cuối cùng dưới đáy là tàng dư của bản tính thú vật. Do đó con người cá thể cần phải đến trường học để làm bộc lộ văn minh và dập tắt thú tính. Phương Đông thường nói là Tu Thân, Tề Gia…là thoả đáng vậy.

Về mặt xã hội, tiến trình của lịch sử không chỉ phủ định của phủ định (một quy luật phát triển mà ai cũng biết), theo Trần Đức Thảo còn có thể phủ định đi phủ định lại là chuyên bình thường. Thiết nghĩ, việc này phù hợp với Học thuyết lượng tử; đường đi của phát triển là xác suất, không tất yếu, vật thể có thuộc tính hai mặt vừa có khối lượng vừa không, vừa có năng lượng vừa không… Phải chăng định chế Nhà nước, học thuyết xã hội chỉ là vi mô đối với Vũ trụ? Tại sao nó không thể giống một hạt hạ nguyên tử?!

Vì vậy Trần Đức Thảo không hề lẩm cẩm với lập luận bốn lần phủ định để có một xã hội vào đúng quỹ đạo lịch sử văn minh. Phạm Trọng Luật đã tóm tắt đầy đủ lập luận của Trần Đức Thảo:

“Chủ nghĩa xã hội đã tự xác lập như sự phủ định chủ nghĩa tư bản (phủ định đầu tiên). Nhưng vì tương lai nhắm đến ‘còn cách xa cả nhiều thời kỳ lịch sử’, trong hiện tại nó mang trong lòng mâu thuẫn cơ bản giữa quyền sở hữu xã hội các phương tiện sản xuất và sự phân phối theo lao động, cùng cách giải quyết áp đặt là chủ nghĩa bình quân thuần hình thức, song song với bạo lực khủng bố, trong một hệ thống quan liêu toàn năng và không thể kiểm soát (phủ định của phủ định như phủ định thứ hai).

Để xoá bỏ những hình thức tiêu cực này, cả hệ thống cần phải tự chối bỏ bằng cách ‘lấy lại một cách nào đó một số khía cạnh hay yếu tố của chế độ tư bản đã bị hủy bỏ’: các quyền tự do dân chủ, các phương pháp tổ chức sản xuất và quản trị hợp lý, những sở đắc khoa học và tiến bộ văn hoá của thời tư bản, và ngay cả quyền tư hữu cá nhân trong một số trường hợp (phủ định của phủ định như phủ định thứ ba). Sự khôi phục những ‘nếp cũ’ này tất nhiên sẽ tạo ra mâu thuẫn mới với định hướng xã hội chủ nghĩa tuy còn xa xôi, và do đó, đòi hỏi phải được thích nghi và hoá giải trong hệ thống hiện tại đã được nới rộng và cải thiện (phủ định của phủ định như phủ định thứ tư)”

Như vậy nếu những hạt nhân không cấu trúc bằng lực tương tác mạnh, không phải proton, neutron mà bằng những hạt giả, thiếu năng lượng, chắc chắn nguyên tử khó mà hình thành. Hoặc nếu có một nguyên tử mà hạt nhân là lực tương tác yếu sẽ không tồn tại được lâu bền.

Một định chế xã hội cũng thế thôi. Trung tâm lãnh đạo định chế ấy, không có người tu thân như nói ở phần trên. Không tu thân theo nghĩa không trau giồi ý thức con người văn minh, không cập nhật tri thức mới, không tịnh tâm để tiếp nhận năng lượng tâm linh, sẽ dẫn đến nguy cơ tan rã như nguyên tử không có hạt nhân tương tác mạnh. Làm gì có sẵn một nhóm người ưu tú từ chủng tộc nào đó, từ giai cấp nào đó hay từ trên trời rớt xuống.

Chính vì thế mà nhiều bộ máy nhà nước, nội các chính phủ bị nhuộm đen vì tham nhũng, vì bóp nghẹt tự do, dân chủ, tăng cường vũ trang hạt nhân, vì tàn phá thiên nhiên và vô số hành vi mờ ám bạo lực khác… dẫn đến thảm hoạ kéo dài cho loài người, đe doạ huỷ diệt hành tinh.

Cống hiến lớn thứ hai của triết gia Trần Đức Thảo là chỉ ra con đường từ ý thức, nhân tính đến sử tính hoàn toàn vượt lên những học thuyết cũ (phủ định đi, phủ định lại), giúp thế hệ sau có thời cơ giải quyết bế tắc trong triết học hiện đại, khai thông dòng chảy lịch sử văn minh.

III. Học thuyết của Trần Đức Thảo bắt nguồn từ trực cảm phương Đông và duy lý phương Tây, song duy lý chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Triết gia Trần Đức Thảo trong môi trường triết Tây, ít khi bày tỏ trực tiếp thái độ của triết Đông, song như Ông đã phân tích đã có sự trầm tích ý thức từ nòi giống, từ thế hệ trước kể cả con người nguyên thuỷ, nên ý thức tổng hợp và trực cảm của phương Đông không thể tách biệt hẳn với duy lý phương Tây trong nội tâm Trần Đức Thảo.

Ấy là về cái gì khởi nguồn ý thức, dẫn đến ý thức là ý thức về một cái gì như câu nói nổi tiếng của Husserl. Hành động chỉ dẫn (indication) của người vượn như là hình thức gốc của ý thức. Chỉ dẫn là trỏ tay vào một đối tượng ở xa, nhờ đó kết nối giữa chủ thể với khách thể, thời điểm gốc của ý thức chính là ngôn ngữ cử chỉ. Suy rộng ra, khởi nguồn ý thức là nơi chốn tương giao, nơi giao thoa giữa hành vi và tri kiến, giữa vật chất tối và vật chất; giữa vật chất và phản vật chất; giữa sóng và hạt…ngay trong bộ óc.

Quá trình phát triển lâu dài của chất hữu cơ cho thành quả là thân xác con người, tiến trình hoàn thiện hệ thần kinh và bộ óc người là một tiền đề của ý thức, song còn một năng lượng ẩn dấu nào khác can dự vào tinh thần của con người không?

Nếu các nhà khoa học thế kỷ 20 đã khẳng định rằng ngoài vật chất quan sát được, vũ trụ còn tồn tại vật chất tối với năng lượng lớn hơn gấp 4, 5 lần. Ngoài ra, còn phản vật chất và gì nữa chưa hiểu ra hết… đang tham gia vào trò chơi tương tác của vũ trụ, đang điều hành vũ trụ. Nghĩa là cũng vô hình tương tác vào con người, từ thân xác đến tinh thần. Như vậy câu trả lời cho câu hỏi vừa nêu trên là có. Phải chăng có thể đặt tên cho năng lượng không bắt sáng đó là năng lượng tâm linh? (tâm linh không có chút màu sắc nào của triết học duy tâm cổ điển)

Viết đến đây, chúng ta có thể trở lại đoạn cuối của phần I, nhẳm bổ sung vào cái tên cho học thuyết của Trần Đức Thảo: HIỆN TƯỢNG LUẬN BIỆN CHỨNG TÂM LINH?[6]

Nhà khoa học Trịnh Xuân Thuận rất băn khoăn:

"Tôi không muốn che giấu nỗi buồn. Trí thông minh như con dao hai lưỡi. Con người có thể lên mặt trăng nhưng cũng có thể chơi trò phù thủy để phá hỏng cả hành tinh chúng ta".

Nỗi buồn đó là do con người chỉ say mê duy lý trong nhận thức khoa học và triết học. Từ nay về sau, con người không chỉ nên hiểu tâm linh là sức mạnh siêu nhiên, vô hình tác động vào việc thành bại ở đời, rồi lo cúng vái để được thánh thần giúp đở, mà thật sự tâm linh còn là dòng năng lượng tự nhiên tác động vào vũ trụ bốn chiều không-thời gian.(cũng như dòng điện, hay tia la-de…)

Với những lý do nêu trên mà triết gia Trần Đức Thảo đề xuất học thuyết Hiện tại Sống động (le present vivant). Có thể về mặt từ ngữ Trần Đức Thảo mượn lại khái niệm này từ tiếng Đức: lebendige Gegenward, của Husserl với nội dung một hiện tại vừa lưu giữ dĩ vãng vừa phóng xuất tương lai, song theo người viết bài này Hiện tại sống động còn bao hàm cả vấn đề thời gian của thuyết tương đối Aibert Einstein với ý niệm thời gian của minh triết Phật.

Nhà vật lý học người Pháp, Louis de Broglie viết: Trong không- thời gian, tất cả những gì mà mỗi người chúng ta gọi là quá khứ, hiện tại, chúng hiện hữu một lúc (en bloc).” (trích Đạo của Vật Lý của Fritjof Capra- biên dịch Nguyễn Tường Bách).

Trần Đức Thảo đã viết Hiện tại sống động là hiện tại vừa trôi qua, vừa là dĩ vãng lưu trữ trong tri thức, lại là tương lai phóng xuất từ hiện tại (trích trong luận văn thạc sĩ về Hiện tượng học của Husserl -1942).

Mãi năm mươi năm sau Trần đức Thảo mới nói dứt khoát: "Bản thể thực sự là Chủ thể", để vừa khái quát mối tương giao giữa chủ quan và khách quan, đồng thời làm rõ yếu tính Hiện tại sống động.

Phải chăng chỉ có thể tiếp nhận trọn vẹn: "Bản thể thật sự là chủ thể", nếu tịnh tâm để trực cảm được câu nói của thiền sư Đạo Nguyên:

- “Phần lớn nghĩ rằng thời gian trôi qua. Thực tế thì nó đứng một chỗ. Hình dung về dòng trôi chảy, ai cũng gọi ấy là thời gian. Nhưng sai lầm hoàn toàn, thời gian đứng tại chỗ”.

Trùng khớp với quan niệm về thời gian của vật lý thuyết tương đối. Chiều thời gian cùng tính chất với ba chiều còn lại của không gian. Nên hạt tương tác trên mọi chiều. Điểm đến của hạt (trong chiều thời gian) đôi khi lại ở phía sau điểm xuất phát, thật phi lý nếu không chịu chấp nhận chiều thời gian cũng chính như chiều không gian (có bên trái và bên phải) như Louis de Brogie, được Nobel vật lý 1929, đã nói trên. Swami Vivekananda cũng nói:

- “Không gian, thời gian và mối tương quan nhân quả giống như tấm kính, phải nhìn xuyên qua để thấy được tuyệt đối. Với tuyệt đối không có thời gian, không gian, lẫn tương quan nhân quả.”

Vì tôn trọng những đóng góp hữu ích của những người dịch trước, đã quen thuộc với độc giả, nên vẫn dịch le présent vivant là hiện tại sống động, tuy vậy sau những luận cứ nêu trên theo kẻ viết bài này nên dịch là hiện tại sinh động (nó bao hàm hiện sinh nữa, hiện sinh trong không-thời gian,và không chỉ là chọn lựa từ ngữ “sống” hay “sinh”).

Thành tựu lớn thứ ba của Trần Đức Thảo là hình thành học thuyết Hiện tại sinh động. Học thuyết, không chỉ kế thừa duy lý phương Tây mà còn lấy Phật học- Đạo học phương Đông làm nền tảng, sẽ mở ra cánh cửa triết học bị tạm đóng từ cuối thế kỷ 20 cho đến nay trên phạm vi toàn cầu.

Học giả Trần văn Giàu từng nói:

- “Nên đặt ra một Giải thưởng Trần Đức Thảo trao cho những công trình nghiên cứu triết học. Mình không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó không phải là Trần Văn Giàu - Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học. Người đó chính là Trần Đức Thảo. Anh em tôn trọng anh ấy là phải. Nhưng cái vần đề chính là trọng người thật chứ không phải hình thức…”

Nên chăng môn triết ở các trường Đại Học cần giảng về triết gia Trần Đức Thảo, và trong hàng vạn sinh viên ấy sẽ có vài chục người say mê triết học và vài người tiếp nối hành trình của triết gia Trần Đức Thảo, biết đâu Việt Nam sẽ khắc phục được một xã hội, một cộng đồng không có triết gia cho chính mình.

Dân tộc chúng ta từng tự hào về Trần Nhân Tông, sáng lập một hệ phái Thiền riêng có của Đại Việt, nói theo đương đại, ông tổ một học thuyết triết học trong bối cảnh minh triết Phật giáo ở Châu Á. Một dân tộc độc lập về tư tưởng, dân tộc ấy mới thật sự đoàn kết và thật sự hùng mạnh lâu dài.

Hành tinh là một môi trường thống nhất, tự nhiên và sinh vật rất đa dạng, hàng trăm ngàn ngôn ngữ khác nhau, nhờ ngôn ngữ mà mỗi người mới suy nghĩ được, vậy bên cạnh ý thức phổ quát loài người là ý thức cộng đồng dân tộc, nghĩa là có triết lý của nơi ấy:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư….
(Lý Thường Kiệt).

Trong thế kỷ 21 về sau, chắc chắn bên cạnh những thiên tài trong nhiều lãnh vực xã hội, lãnh vực triết học sẽ xuất hiện nhiều triết gia Việt Nam.

Chú Thích:

[*] Nguyên lý bất định là một nguyên lý nguyên nhân quan trọng của cơ học lượng tử, do Werner Heisenberg đưa ra, phát biểu rằng người ta không bao giờ có thể xác định chính xác cả vị trí lẫn vận tốc (hay động lượng, hoặc xung lượng) của một hạt vào cùng một lúc. Nếu ta biết một đại lượng càng chính xác thì ta biết đại lượng kia càng kém chính xác.

[1] Như vậy là có cấp bậc, và niềm tin của Trần Đức Thảo được đặt dứt khoát nơi chủ nghĩa Marx chứ không phải trên hiện tượng học: ngay cả khi được trình bày trong sáng như trong suốt phần một của tác phẩm, hiện tượng học vẫn là bất cập; trái lại chủ nghĩa Marx thì hoàn chỉnh và chỉ nhận từ hiện tượng học một thứ thiết bị kỹ thuật. Thật ra, đây là một hành trình: hiện tượng học trao đuốc thiêng lại cho chủ nghĩa Marx cùng với loại từ vựng cho phép nó mô tả sự vận động của ý thức và những huyền thoại của Lịch Sử. (trích bài điểm sách của Roland Barthes), đăng trên Combat, ngày 11/10/1951, và in lại trong Roland Barthes Toàn Tập, quyển 1, 1993, tr. 107. Bản dịch của Phạm Trọng Luật.)

[2] Jean-Francois Revel đã chỉ trich Patrick Kelchichane vì đã viết Trần Đức Thảo là triết gia Max xít đăng trên Le Monde des livre, lúc Trần Đức Thảo từ trần, lẽ ra phải viết Ông ấy là nhà hiện tượng học…

[3] Nhưng chúng tôi còn xin nói một điều nữa cho ổn và cho đầy đủ: có bạn sẽ hỏi rằng hiện tượng luận có phải là một chủ thuyết đúng không… và các nhà trí thức dùng phương pháp hiện tượng luận để diễn giảng, để mô tả… như vậy có đúng không… Vậy chúng tôi chỉ còn có thể mạn phép trả lời thế này: hiện tượng luận là một chủ thuyết triết học mới nhất của cả nền triết học thế giới, hợp thời thượng và nhiều tính chất cách mạng nhất – đã vượt gần hết tất cả các hệ thống cổ điển, thì tất nhiên nó đúng và chân xác hơn hết với cái nghĩa là giữa lúc mà các hệ thống duy lý (trong đó có duy tâm) và kể cả duy vật và hai hệ thống duy thực và duy nghiệm truyền thống – xin nói – truyền thống – làm căn bản triết lý cho chính khoa học, đã không đóng đầy đủ và trọn vai trò nhận thức của họ – kể cả nhận thức khung cảnh cũng bị hiện tượng luận vượt: khoa học đây là các khoa học và những thuyết về khoa học lý (epistémologie) đã quy định ra chủ nghĩa khoa học “scientisme” trước đây chẳng hạn. (Tam Ích- Văn Học hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không? Tạp chí Văn-1967)

[4] Trái với hai phái duy tâm và duy thực truyền thống đã siêu cực hoá (extrapolation) sự nhận thức, hiện tượng luận chủ trương rằng Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì. (La conscience est toujours la consience de quelque chose). Nói một cách khác, ở hiện tượng luận, giữa khái niệm chủ thể và đối tượng có một tương quan giao hỗ (corrélation). Ý thức chủ quan gọi là noème, đối tượng ý thức là noèse – và sự tương quan giao hỗ gọi là “corrélat noé-tico-noématique”. Thực ra, hiện tượng luận cũng có chứa một mẩu màu sắc duy tâm chủ quan chủ quan của Berkeley. Fichte hay Vương Dương Minh – chính Merleau-Ponty đôi khi cũng ngờ ngợ rằng trên một phương diện nào đó, ông duy tâm hay duy ngã (solipsisme)?(Tam Ích- trích dẫn như trên)

[5] Vui lòng tham khảo Trần Đức Thảo và Phật giáo - Điểm gặp nhau bất ngờ - Hồ Trung Tú

Triệu Từ Truyền
Cao nguyên Boloven, Paksong-Phật Đản- 2554
Previous Post
Next Post