Có bao triết lý về đời sống, ý
nghĩa và mục đích của sự sống có lý và vô lý, lạc quan và bi quan v.v…Mục đích
của con người khi sinh ra là để sống. Khi đau bệnh con người chạy chữa thuốc
men đến “còn nước còn tát” cũng là ước vọng để sống. Để cứu sống người thân của
mình, họ van vái cầu nguyện, ăn chay, xuống tóc đi tu, làm phước,… để cầu sống.
Mục đích của đời sống là gì? Có
nhiều câu trả lời nhưng chẳng có câu nào hoàn toàn đúng. Mỗi người đều có quan
niệm và cách sống riêng, phụ thuộc trình độ nhận thức và hiểu biết của từng
người. Mục đích sống của mỗi người vì thế cũng khác. Ví dụ, mục đích của những thương
gia là kiếm tiền, sung mãn vật chất. Mục đích của người nông là mong được trúng
mùa, bán có giá để có tiền trả nợ, nuôi con cái ăn học để bọn trẻ thoát nghèo,
chứ không như cha mẹ chúng nó.
Xét về ý nghĩa đời sống con người
thì bậc trí giả nhận thấy “Sống là một cuộc chạy trốn”. Chạy trốn nỗi khổ, niềm
đau, những lo lắng hay căng thẳng tinh thần,… Và nhiều người đã chạy trốn bằng
cách tự tử, ăn chơi truỵ lạc, sa đọa,… hay tìm đến niềm tin tôn giáo để an ủi
số kiếp của mình.
Thật ra con người đâu phải sinh
ra và sống trên đời là để sung mãn dục vọng, tham muốn chiếm hữu, chạy theo lợi
ích tiền tài, danh lợi ái tình hay ăn uống, gây gỗ, tranh giành, thưa kiện,
v.v... Đời sống tự nó vốn thanh bình, nhưng con người đã quên mất ân sủng của
thiên nhiên, mải mê tìm cầu những hư ảo của cuộc đời, để rồi liều mạng hủy hoại
sự sống của mình. Sống chết chỉ vì tiền. Bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa cũng vì
tiền. Đó là ngu si, mê ám. Một khi mạng sống này không còn thì tiền tài, tình
yêu danh lợi cũng trở nên vô nghĩa. Ấy vậy mà cái ảo giác mê lầm, quan niệm ngu
muội ấy đã được người đời trau chuốt, theo đuổi từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Người nào thực sự hiểu được điều đó mới đáng sống, mới thực sự đang sống và
người đó sẽ đến được điểm cuối cùng của chân lý cuộc sống.
Chân lý cuộc sống là gì? Nhà hiền
triết Xavier de Maistre nói:“Một cái giường đã chứng kiến chúng ta sinh ra và
chết đi, ấy là cái sân khấu biến hoá mà ở đó loài người đã thay phiên nhau đóng
những màn kịch đầy hứng thú, những trò hề buồn cười và những bi kịch kinh hãi.
Chính nó là một cái nôi trang bị những hoa, chính nó là cái ngai vàng của ái
tình và cũng chính nó là một cái mồ”.
Pascal, một nhà hiền triết người
Pháp, đã nói: “Thử tưởng tượng một số người đang xiềng xích trong ngục, đợi đem
ra xử tử, mỗi ngày đem xử trảm mấy người ngay trước mắt của những người kia, kẻ
ở lại trông thấy thân phận của mình là ở chính kẻ ra đi và lại nhìn nhau thảm
sầu, thất vọng, đợi đến lượt mình. Ấy là hình ảnh, là chân lý, là ý nghĩa của
kiếp người là thế”.
Có một người, khi tuổi còn thơ đã
tận mắt nhìn thấy mẫu thân vì nghèo khổ khốn cùng, quẫn trí mà tự sát. Cái chết
của mẹ cứ mãi ám ảnh, hằn sâu trong tâm hồn thơ dại của cậu bé. Khi cậu bé được
15 tuổi thì em trai cậu cũng vì cùng quẫn lại tự sát. Thấy hai người thân mất
đi như thế khiến cậu ta có một suy nghĩ hết sức sai lầm rằng: “Chết là điểm
cuối cùng của con người”. Do đó, cậu ta chán sống và nhiều lần tự vận, nhưng
đều được mọi người phát hiện và cứu sống. Hòa thượng trụ trì chùa Báo Ân thấy
cậu ta thật đáng thương nên đem về cho ở trong chùa. Vào chùa nhưng cậu ta vẫn
cứ suy nghĩ mình sống không có ích gì, ở lại nhân gian chỉ càng thêm khổ, chi
bằng một phen chết là xong.
Một hôm Hoà thượng Trụ trì đến
thăm, thấy cậu ta tinh thần chán nản liền khuyên cậu rằng: “Ta không thể cứu
con, chỉ có con mới cứu được con thôi, con đi ngồi thiền đi và ngồi thiền mỗi
ngày. Nhưng ta cần báo cho con biết là ngồi thiền thật không có lợi ích”. Nghe
Hòa thượng nói vậy, cậu hoang mang nghi ngại nên hỏi: “Đã không có lợi ích, vì
sao lại phải ngồi thiền?”. Hòa thượng trụ trì đáp: “Bởi vì không có lợi ích cho
nên mới phải ngồi thiền”. Nghe xong, cậu ta liền ngộ ra chân lý sống. Hòa
thượng nói: “Con người ta sống ở trên đời không phải vì lợi ích mà vì sự sống.
Chết thật dễ dàng, sống mới thật là khó. Sống mà làm được nhiều điều tốt đẹp
lại càng khó hơn. Cho nên người biết quý trọng hiện tại mới có thể nắm chắc
được cuộc đời”.
TT. Giác Tây