Ảnh hưởng của triết học Nietsche và phân tâm học Jung trong tiểu thuyết của Hermann Hesse

Tiểu thuyết của Hermann Hesse quan tâm một cách sâu sắc đến giai đoạn trưởng thành của con người, đặc biệt ở những giai đoạn khủng hoảng tinh thần. Điều này có lý do từ chính kinh nghiệm của tác giả về một thời kỳ đau đớn của tuổi trưởng thành. Mặt khác, đó không chỉ là nỗi đau riêng của Hesse mà của chung cả một thế hệ thanh niên châu Âu đứng trước sự đổ vỡ của các hệ thống giá trị. Tâm hồn họ không còn có thể được quan niệm một cách đơn giản theo nguyên lý phổ quát của luân lý.

Những thái cực đối lập trong tâm hồn người thanh niên trẻ tuổi được Hermann Hesse tập trung khắc họa như là sự tương phản của các hệ thống giá trị. Trong tiểu thuyết của ông, các khái niệm đối lập đi liền với nhau, vừa gắn bó, vừa đối nghịch sâu sắc. Khoa học và nghệ thuật, tư tưởng và tâm hồn; châu Âu cực đoan lý trí và phương Đông hiền dịu, an lành; phương Tây trăn trở như một câu hỏi và phương Đông như ánh sáng an lạc của một câu trả lời; trong tâm hồn có một nửa thánh thiện và nửa kia bị cám dỗ bởi xu hướng ác quỷ; hành trình khám phá bản thân đau đớn như hành trình dài qua địa ngục của tâm hồn hướng thiện đầy giằng xé …là những chủ đề được Hermann Hesse khai thác một cách tập trung trong tiểu thuyết của ông.

Các khái niệm hóa thân thành biểu tượng, thành nhân vật, thành các khía cạnh tâm linh của con người. Điều này cho thấy Hermann Hesse quan niệm về tâm hồn con người là đối tượng phức tạp và khó nắm bắt. Đó chính là một quan niệm vô cùng sâu sắc và nhân văn về con người. Với Hermann Hesse con người có quyền được người khác thấu hiểu, bởi thế giới đâu phải chỉ là một hiện thực tất cả chúng ta đều nhìn thấy, đều hít thở; thế giới hẳn nhiên phải là đời sống tâm linh mà mỗi người mang trong mình, như một cõi riêng, sâu thẳm và đòi hỏi được khám phá, được hiểu biết. Soi sáng những khía cạnh tâm linh này, phân tâm học Jung và triết học Nietszche đóng một vai trò quan trọng trong tiểu thuyết của Hermann Hesse.

1. Triết học Nietzsche

Hermann Hesse cũng là nhà văn chịu ảnh hưởng của triết học Nietzsche. Friedrich Nietzsche là một trong số các nhà triết học phát huy tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong thời kì hiện đại đối với nhiều học giả Đức và trên thế giới. Không kể những ngộ nhận khiến triết học Nietzsche bị coi là tiền đề của chủ nghĩa phát-xít tàn bạo, vô nhân, gây ra thảm kịch Holocaust; có thể thấy ảnh hưởng của Nietzsche quá rõ ràng đối với đời sống tinh thần con người châu Âu thế kỉ XX.

Nietzsche nổi tiếng qua tuyên ngôn: Thượng đế đã chết. Thượng đế sẽ mãi chết. Và chúng ta đã giết ngài (Zarathustra đã nói như thế). Đó là ngụ ngôn về một biến cố văn hóa: ở thời đại của Nietzsche, con người đã không còn tin vào một Thượng đế toàn năng, toàn thiện, siêu việt. Với Nietzsche, nếu còn tồn tại, đó hẳn là một Thượng đế của mọi nghịch lý.

Ngàn năm nay, ở phương Tây, ý niệm về Thượng đế là nền tảng cho sinh hoạt và sự khai triển mọi giá trị của đời sống con người, bao gồm văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, triết lý, luân lý, văn chương và chính trị -xã hội. Tôn giáo chết mòn dần trước sức tấn công của khoa học, con người đã giết chết niềm tin vào Thượng đế, trở thành kẻ sát thần (Nguyễn Thanh Giản). Không còn chỗ bám víu, con người rơi vào bi kịch không có người chăn dắt linh hồn.

Và nói như Dostoievski, dẫn lời nhân vật Ivan Karamazov: Không có Thượng đế, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Không còn được hướng đạo bởi một hệ thống giá trị, hay có thể nói hệ thống giá trị mà Ki tô giáo áp đặt lên con người suốt hai ngàn năm đã đổ vỡ một cách thảm hại, con người rơi vào bi kịch đánh mất giá trị sống. Mọi giá trị luân lý dựa trên nền móng tôn giáo đó cũng mất hết giá trị tự tại của chúng: cuộc đời trở nên phi lý, không còn ý nghĩa nữa. Nietzsche nhìn thấy con người hiện đại như một sinh vật suy đồi, tuyệt vọng và triết học truyền thống chỉ là sự thỏa mãn hão huyền cho những nhu cầu tâm lý yếu đuối. Ông chống lại Thiên Chúa giáo.

Những quan điểm trên của Nietzsche đã quyến rũ thanh niên đương thời vào một cảm quan hiện sinh: sự tồn tại của con người là một thảm kịch, là phi lý, là hư vô; con người luôn cô đơn và cái chết luôn hiện diện. Nhưng theo Nietzsche, tình trạng hư vô chủ nghĩa chỉ là tạm thời; những giá trị mới sẽ được gây dựng bởi những Siêu nhân (Übermensch). Mỗi thời đại đã qua đều xuất hiện những Siêu nhân dẫn dắt cộng đồng theo một hệ thống giá trị do họ gây dựng, và ngày nay vẫn còn cần những Siêu nhân tiếp theo tiếp tục hoàn thiện con đường chăn dắt tâm linh con người. Với Nietzsche, đó có thể là một kẻ tên là Zarathustra đang nhẫn nại chờ ngày ra khỏi hang sâu. Với Hesse, đó có thể là một thiên chúa mang tên Abraxas.

Hesse, một nhà văn tiêu biểu cho khuynh hướng tâm linh-lãng mạn trong sáng tác đã tiếp nhận tư tưởng của Nietzsche một cách tự nhiên:

Những năm đầu trong sự học tập và nghiên cứu riêng tư của mình, tôi  hầu như chỉ hoàn toàn tìm hiểu Goethe, tìm hiều những trước tác và cuộc đời ông. Vào khoảng năm 1897 hay 1898, sự sùng mộ này được thay thế bằng Nietszche.

Có thể thấy rõ ảnh hưởng này ở thiên tiểu luận mang màu sắc Nietzsche rất rõ “Zarathustra trở lại” của Hermann Hesse. Không chỉ mượn lại nhân vật nổi tiếng của Nietzsche, Hermann Hesse còn góp phần kiến giải thêm về nhân vật này. Hesse cũng đã mượn khái niệm văn hóa suy đồi (schauerlichen Kulturniedergang) của Nietzsche. Zarathustra của Hesse cũng đã thuyết giảng về một giải pháp cho cuộc khủng hoảng hư vô chủ nghĩa mà Nietzsche đề cập, đó là sự xuất hiện của những Siêu nhân. Ý tưởng vay mượn này ở Nietzsche có mặt ở nhiều tiểu thuyết của Hesse. Nếu Nietzsche cho rằng trách nhiệm của một Siêu nhân là kiến tạo hệ giá trị mới cho thế giới thì vấn đề mà các nhân vật của Hesse đối mặt, chính là vấn đề trách nhiệm của cái tôi, của Tự ngã trong tinh thần dấn thân chinh phục và sáng tạo nên mình. Hesse cũng như nhiều nhà nghiên cứu Nietzsche đương thời và sau này đã thấy ở Nietzsche tinh thần hành động của một kẻ “amor fati”- yêu lấy số phận của mình, làm chủ cuộc đời mình, là chính mình để kiến tạo những giá trị mới cho thế giới. Trong một tiểu luận, Hesse viết:

Thế giới bị lên án là tồi tệ, bởi người lên án bị mất ngủ, bị bội thực. Thế giới được ngợi ca như một thiên đường, vì kẻ ngợi ca vừa được hôn một cô gái.

Thế giới không được tạo ra đã tốt đẹp sẵn có. Bản thân anh cũng vậy. Anh được sinh ra là chính anh. Anh được sinh ra để làm giàu cho thế giới với âm nhạc, giai điệu, hình ảnh[1].
Hesse đã chia sẻ quan niệm về kinh nghiệm tri thức với Nietzsche: đề cao sức mạnh cá nhân, cả hai nhân vật này đều có tư tưởng chống đối lại trường học kinh viện. Nếu như Nietzsche cho rằng kinh nghiệm cá nhân là quan trọng thì với Hesse, người thầy tốt nhất không phải là ai khác mà chính là chính chúng ta- con người bên trong chúng ta. Tiểu thuyết Tuổi trẻ băn khoăn cho thấy một nhân vật Sinclair đã trải qua quá trình trưởng thành dưới sự dẫn dắt của Demian và Demian không phải là một tha nhân mà là chính cái tôi sâu thẳm trong con người Sinclair.

Khái niệm về tính ưu việt của cá nhân trong tiểu thuyết Tuổi trẻ băn khoăn cũng cho thấy ảnh hưởng sâu sắc của triết học Nietzsche với Hesse. Max Demian mang dấu ấn của Cain, của quỷ, mang những phẩm chất siêu việt hơn người thường. Tuổi trẻ băn khoăn là phát ngôn cho tư tưởng Nietzsche của Hesse, về thuyết siêu nhân với những phẩm chất siêu nhiên của siêu nhân. Nhân vật Demian là hình ảnh biểu trưng của Chúa đối với Emile Sinclair: anh ta cứu Sinclair khỏi con rắn Kromer sau khi Sinclair đã bị đuổi khỏi vườn địa đàng của cha mẹ. Đây là kiểu nhân vật tự siêu việt để trở thành một siêu nhân của Hesse.

Âm hưởng hiện sinh cũng vọng vào tiểu thuyết Sói đồng hoang của Hermann Hesse:

Hiển nhiên, cuộc đời luôn mang tính chất khủng khiếp. Chúng ta chẳng có thể làm gì cuộc đời nhưng chúng ta lại chịu trách nhiệm về cuộc đời. Người ta được sinh ra, và chỉ vì thế, người ta là thủ phạm… Mọi giáo lý trở nên kỳ cục, lố bịch trước cuộc đời hiện sinh phi lý này [37; 350].

Trả lời cho những vấn đề của Nietzsche, Hesse đã để cho con sói Haller kinh qua ảo giác ở Hí viện của Pablo, đối thoại với Mozart và Goethe. Haller bị kết án phải học cười. Ở Goethe và Mozart có sự siêu việt của những Siêu nhân đã phân biệt được ý niệm và tồn tại, do đó mà họ có cái cười khinh khoái của những người bất tử. Đó là thứ tinh thần siêu việt mà Nietzsche mong muốn đạt được: vượt qua mọi giới hạn để trở nên tự do trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Cả với Nietzsche và Hesse, tự do tinh thần là con đường để siêu việt chính mình.

Việc Hesse nên bị thu hút bởi một nhân vật quá nổi bật trong tâm thức của người Đức là không đáng ngạc nhiên. Mặt khác, giữa Nietzsche và Hesse có nhiều điểm tương đồng. Bản thân Nietzsche cũng được sinh tưởng từ một gia đình Ki tô giáo với truyền thống làm mục sư. Cha của Nietzsche là gia sư riêng của những đứa trẻ thuộc hoàng gia Phổ. Nhưng Nietzsche nhận thấy tôn giáo truyền thống đã áp đặt lên con người những gánh nặng luân lý với bổn phận vâng lời tuyệt đối đến mức trở nên phi lý, độc đoán. Ông đã sớm từ bỏ con đường truyền thống của gia đình.

Hesse đã nghi ngờ tôn giáo truyền thống và sống một cuộc sống cô độc. Nhân vật Tất Đạt trong tiểu thuyết Câu chuyện dòng sông của ông cũng bác bỏ tôn giáo truyền thống, và sống cuộc đời con người cá nhân để đợi ngày “nới rộng tâm hồn, ôm xiết lấy Toàn thể”. Nhưng trước đó, anh ta đã phải lăn mình vào cuộc sống trần tục để biết thế nào là chủ nghĩa khoái lạc và sự phù du của nó: “ái tình thì gần với cô đơn còn dục lạc lại đi liền với cái chết”. Cảm quan hiện sinh bám chặt lấy tâm linh anh ta suốt những tháng năm đánh mất đức tin này. Một cách khéo léo, lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, Hesse đã cho người phương Tây hiện đại thấy màu sắc của một thế giới tâm linh sa đọa héo mòn dưới sự thiêu đốt của những giá trị vật chất tầm thường trong cuộc đời trụy lạc của một Tất Đạt đánh mất đức tin, bị bủa vây bởi dục lạc. Đó chính là cái thế giới suy đồi mà Nietzsche đã chỉ cho chúng ta thấy trong bối cảnh châu Âu cuối thế kỉ XIX.

Trong tiểu thuyết Đôi bạn chân tình, Hesse chịu ảnh hưởng của quan niệm  của Nietszche ở lý thuyết về Dionysos và Apollo. Hesse đã hoàn thiện phương trình của Nietzsche trong Sự ra đời của bi kịch, bằng cách tạo ra hai nhân vật phân cực: nhân vật Goldmund là một nghệ sĩ và người lang thang trong mối quan hệ vừa tiến gần, vừa đẩy ra xa với linh mục, nhà khoa học Narciss.

Tất cả những chiêm nghiệm, suy tư của chủ nghĩa hiện sinh bắt nguồn từ Nietzsche đã thúc đẩy các triết gia và nhà văn sau này tìm kiếm một cách nhìn nhận mới về con người. Với Sự trở lại của Zarathustra và những tiểu thuyết kể trên, Hesse đã hồi đáp những vấn đề mà Nietzsche đã đặt ra, chiếu rọi vào văn học nhân loại một cách nhìn, một cách suy tưởng về thân phận con người mang giá trị nhân đạo sâu sắc.

2. Phân tâm học

Khời nguồn từ Dostoievski, văn học châu Âu đã bất đầu biết đến những ngõ tối, hầm sâu trong tâm hồn con người. Bắt đầu từ cuối thế kỉ XIX, tiểu thuyết châu Âu đã tìm thấy thế giới đích thực của nó. Động lực lớn thúc đẩy tiến trình đổi mới của tiểu thuyết châu Âu hiện đại chính là bộ mặt thế giới sau hai cuộc chiến tranh thế giới và Phân tâm học do Sigmund Freud sáng lập mà theo Hesse, nếu “xoá trắng thành quả của Freud, thế gian này sẽ lại tiếp tục chìm trong bóng tối”:

Những kinh nghiệm do cuộc đại chiến đó đem lại, sự sụp đổ của mọi hình thức cũ, sự thất bại của những cơ sở đạo đức và văn hoá từng hợp lẽ cho đến lúc ấy, dường như đều không thể lý giải bằng bất cứ cách nào ngoài cách dùng phân tâm học. Châu Âu, trong con mắt của giới trẻ này, là một bệnh nhân tâm thần trầm trọng, muốn chữa chạy thì chỉ còn cách bẻ gãy những ràng buộc chồng chất do nó tự dựng nên để rồi tự ngột thở trong đó. Và đối thủ mới, đối thủ ghê gớm cho cái uy quyền đang lung lay của ông bố, của ông thầy, của cha đạo, của đảng phái, của khoa học... chính là cái ngành tâm lý học có khả năng rọi ánh sáng vào tất cả những ngượng ngùng, sợ hãi và thận trọng vốn dĩ[2].

Trào lưu hiện sinh nở rộ trong thời kỳ này đã chứng tỏ căn bệnh tinh thần này có tính xã hội. Con người lúc bấy giờ không chỉ đặt những câu hỏi cho thế giới bên ngoài, mà còn quay vào chất vấn chính mình: vì sao nó bị ném vào thế giới này ngoài ý muốn; rồi bị lấy đi khỏi thế giới cũng ngoài ý muốn? Làm cách nào nó vượt qua được sự đau khổ này để hòa hợp trong chính mình và với tha nhân? Những câu hỏi mà trước đây người ta hỏi mục sư thì nay người ta quay sang hỏi các chuyện gia trị liệu tâm lý.

Trong cuộc khủng hoảng này, “người phương Tây vì ở trong một trạng thái bị ám ảnh bởi cái cố tật không sao thể nghiệm được tình cảm, cho nên hắn âu lo, tuyệt vọng. Hắn không có mục đích, ngoại trừ cái ao ước tránh sự bất an và cô độc”[76;343]. Trong trạng huống đó, họ bắt đầu hiểu rằng những khó khăn của họ nguyên do bởi những vấn đề nội tâm mà ra. “Ngày nay, trong chúng ta có nhiều người hiểu rằng liều thuốc tinh thần sẽ có hiệu quả hơn vì nó có thể tạo ra tình trạng bất khả xâm phạm về tâm thần để tránh khỏi sự nhiễm độc mỗi ngày một trầm trọng thêm”[79;185].

Cha đẻ của Phân tâm học Sigmund Freud là một trong những người đầu tiên đưa ra khái niệm khủng hoảng văn hóa và bày tỏ thái độ phê phán đối với trật tự xã hội tư sản đương thời. Ông chỉ ra chính bối cảnh xã hội đó đã gây ra tình trạng bất ổn tâm lý ngày càng gia tăng trong xã hội, tạo điều kiện cho những căn bệnh tinh thần tấn công vào con người. “Và Phân tâm học trở thành một biểu thị đặc trưng cuộc khủng hoảng tâm linh của người Tây phương, là một nỗ lực tìm một giải đáp”[79;346]. Nhà phân tâm học trong thế kỷ này, đóng vai trò là một y sĩ của tâm hồn, quan tâm đến những vấn đề của thần học và triết học: linh hồn con người và cách chữa trị:

Thời đại chúng ta, có hàng triệu người không tin vào một tôn giáo nào cả. Họ cũng không hiểu tôn giáo của họ. Nếu mọi việc đều trôi chảy không cần tôn giáo, họ không thấy ảnh hưởng gì nhưng gặp sự đau khổ bấy giờ mới sinh tai biến. Người ta bắt đầu tìm một lối thoát, suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời, về những kinh nghiệm đau thương đã từng trải [79;187].

Nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc đến đời tư cũng như sáng tác của Hermann Hesse là Carl Gustav Jung (1875 –1961), nhà tâm lý học hiện đại đầu tiên cho rằng: tinh thần của con người là nền tảng của mọi tôn giáo. Jung đã đi sâu vào nghiên cứu đời sống tâm linh- tôn giáo của con người. Tư tưởng của ông gây ảnh hưởng lớn lên nhiều nhà tâm lý học và các phòng trào tâm linh hiện đại. Kể từ Jung, tâm lí học đã đi sâu khám phá đời sống tâm linh, tôn giáo của con người, rọi sáng những u tối trong tiềm thức, giấc mơ, những chủ đề vốn được Hesse quan tâm trong những sáng tác.

Trong những cuộc khủng hoảng, Hesse phải điều trị tâm lý bằng phân tâm học tại dưỡng đường riêng của một người học trò của Jung là tiến sĩ Lang vào năm 1918. Qua những cuộc tiếp xúc, nói chuyện với Lang, Hesse có động cơ để nghiên cứu những lý thuyết về phân tâm học, đặc biệt là tâm lý học phân tích của Jung. Chúng được dùng để gạn lọc và soi chiếu qua sự tiếp cận bằng trực giác đối với những vấn đề ông đã minh hoạ trong các tác phẩm trước đó của mình. Demian - câu chuyện về thời trai trẻ của Sinclair (1919) cũng nhanh chóng ra đời, với sự ứng dụng của các nguyên mẫu, biểu tượng mà Hesse tiếp nhận từ việc nghiên cứu học thuyết của Jung.

Trong lời giới thiệu tựa đề “Bình giảng tâm lý học” viết cho cuốn Tạng thư về Đại giải thoát (The Tibetan Book of the great Liberation,1935), Carl Jung đã chứng minh phương Đông với những tôn giáo nhân bản của nó có thể sẵn sàng bỏ cái ngã (ego) khá dễ dàng và chính con người phương Tây, đặc biệt là trong thời hiện đại, “có cái tâm không bình thường”. Sự gặp gỡ trong quan niệm về tâm linh của Phật giáo và vô thức của Phân tâm học đã đưa Jung đến một khẳng định chắc chắn: con đường tâm linh hướng về phương Đông là điều tất yếu:

Chúng ta phải vươn tới được những giá trị phương Đông từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài, tìm kiếm chúng trong chính chúng ta, trong cái mà những nhà phân tâm học gọi là vô thức. Bấy giờ chúng ta sẽ khám phá sự sợ hãi của chúng ta đối với cái vô thức là lớn biết bao nhiêu và sự chống cự của chúng ta là khinh khủng biết bao nhiêu. Do sự chống cự này mà chúng ta nghi ngờ chính cái có vẻ rất rõ ràng hiển nhiên đối với phương Đông, cái có tên là năng lực tự giải thoát của tâm hướng nội[3].

Văn hóa và tôn giáo phương Đông, đặc biệt là Phật giáo có ảnh hưởng nhất định tới tư tưởng và sáng tác của Hesse. Học thuyết của Freud và Jung lại có sự gặp gỡ với Phật giáo ở việc coi trọng tâm linh con người, bởi cũng như Phân tâm học, Phật giáo cho rằng “cái tâm của mình là một thế giới cần được khám phá hơn bất cứ điều gì khác”[4]. Mục đích của Phân tâm học và của Phật giáo đều là hướng con người nhìn vào thế giới bên trong nơi mà từ đó mỗi hành vi con người hình thành. Không khó để kiểm chứng điều này trong sáng tác của Hesse. Hơn bất kỳ nhân vật của nhà văn nào khác đương thời, nhân vật của Hesse sống với tâm linh nhiều hơn với thế giới bên ngoài; bản thân Hesse cũng là nhà văn đào sâu vào thẳm cùng tâm hồn mình để lần bước qua những chặng đường đầy bóng tối.

Hesse đã tìm thấy ở phân tâm học sự tương đồng trong cách nhìn đối với tâm linh con người. Nhờ ngành tâm lý học về cái vô thức mà nhân cách con người được thừa nhận là rộng hơn lãnh địa ý thức rất nhiều. Dưới ánh sáng phân tâm học, con người được hiểu một cách sâu sắc, đa diện hơn. Freud và Jung, qua những tìm tòi của mình, đã cổ vũ cho các nhà văn, trong đó có Hesse, ngọn lửa nhiệt thành tôn vinh giá trị con người.

Không chỉ kế thừa ở nền văn hóa tinh thần độc đáo của  gia đình, đất nước mình, Hesse đã tìm cho mình một hướng đi riêng trong dòng chảy văn học châu Âu hiện đại. Khuynh hướng triết lý tâm linh ở ông là kết hợp hài hòa khuynh hướng tâm linh phương Đông và kiểu tiểu thuyết đi tìm tự ngã phương Tây dưới sự soi rọi của Phân tâm học và triết học hiện sinh. Có thể nói, mọi đỉnh cao tri thức của các nền văn hóa đã được Hesse tiếp nhận một cách tinh tế, phù hợp với tâm thức người phương Tây mà vẫn vô cùng gần gũi với các độc giả phương Đông, như nhà nghiên cứu Emanuel Maier từng nói:

Một người tầm cỡ như Hesse sẽ cởi mở tiếp thu tất cả những đỉnh cao tri thức và văn hóa của loài người. Ông đã thu nạp vào và trả lại cho thế giới một sự tổng hợp mới mang dấu ấn sự sáng tạo thiên tài trong  ông.


[1] Tiểu luận của Hesse, World betterment,  1919.

[2] Hesse,Tôi không tin là thơ Đức sẽ phục hồi nhanh chóng, Phạm Thị Hoài dịch và chú thích, Talawas.org

[3]Nguyễn Thế Đăng, Tâm phân học hiện đại qua cái nhìn Phật giáo, http://www.giacngo.vn/triethoc/2008/06/09/72C452/

[4] Hồ Trung Tú, Freud và Phật giáo- Sự tương đồng đến kinh ngạc, http://www.giacngo.vn/triethoc/
Previous Post
Next Post