Tôn trọng sự-sống

Đa số loài súc-vật đều tôn trọng sự-sống. Thú-vật ít khi tiêu diệt đồng loại. Nhiều loại thú còn tránh ăn thịt đồng loại. Con chó, do bản-năng, không ăn thịt chó. Tôn trọng sự-sống một cách bản-năng còn tự-hiện-thực trong phạm vi vượt đồng loại. Bình thường, con thú giết để ăn và ngừng giết khi đã no bụng. 

Trong sinh-giới, chỉ người mới biết giết vì một điều gì ngoài nhu-cầu ăn. Nó cũng là sinh-vật duy nhất coi tôn-trọng-sự-sống như một giá-trị luân-lý điều khiển hành-động của nó. Với tư cách giá-trị, tôn trọng sự-sống không thuộc sinh-giới vì trong đó mọi con thú đều thực-hiện nó một cách bản-năng. Giá-trị ấy thuộc thế-giới văn-hoá, thuộc nhân-giới.

“Ngươi sẽ không giết người!” Giới-luật lừng danh ấy đã vang vọng qua những thế kỷ, còn ám ảnh màn ảnh, văn-chương, luân-lý của ta. Nó chưa từng ngăn cản Dân của Chúa[1] tiêu diệt kẻ thù mà không gợn chút ân hận trong lòng. Sự-sống ở đây chỉ là sự-sống của người cùng bộ lạc. Từ khi xuất-hiện trên quả đất, con người chưa hề ngừng giết và càng ngày càng giết thạo, giết đại trà. Mỗi ngày, ta giết hàng triệu con gà ít nhiều cúm, con cừu ít nhiều run rẩy, con bò cái ít nhiều điên. Để ăn. Ta giết, chẳng phân vân gì cả, hàng tỷ sâu bọ để bảo vệ mùa màng. Thỉnh thoảng ta giết hàng triệu đồng loại. Quan-hệ giữa sinh-vật, đúng như định-nghĩa, là quan-hệ cầm-thú, có người gọi là đấu tranh để giành nhau sống. Với sự xuất-hiện của những con người đầu tiên, quan-hệ bộ lạc hình thành, chẳng hơn quan-hệ bầy đàn của thú là bao.

Nói gì thì nói, ngay khi sắp chết đói, chó sói không thịt nhau. Con người, ai cũng biết, có khả-năng ăn thịt người. Tuy vậy, trong mọi nền văn-hoá, tôn trọng sự-sống đều được coi như một giá-trị cơ-bản của mọi nền văn-minh. Tu sĩ Phật giáo tôn trọng mọi hình-thái của sự-sống ít nhất là ở mức súc-vật[2]. Tôn trọng sự-sống một cách bản-năng đó thấm nhuần ngôn-ngữ của ta đến nỗi ta không phân biệt nổi nó với những quan-hệ thuần-nhân-tính. Tuy quan-hệ giữa người với người đòi hỏi quan-hệ sống, chúng không đơn thuần là quan-hệ-sống và, do đó, khiến người khác sinh-vật khác.

Một số rất lớn từ-ngữ ta dùng để tư-duy vừa liên-hệ tới những quá-trình sinh-tính vừa liên-hệ tới những giá-trị đặc-thù của những “thực-thể” văn-hoá. Linh-hồn cũng như màu sắc có thể đẹp hay xấu. Sự trong-suốt, sự lờ mờ, sự dịu dàng, sự cứng nhắc, sự trìu mến... có thể biểu-đạt cảm-giác cũng như giá-trị lý-trí hay luân-lý của con người. Rất nhiều khi ngôn-ngữ của ta cấm ta suy-luận rõ ràng, riêng biệt về quan-hệ-sống và quan-hệ-tinh-thần. Khó khăn phân biệt chúng khiến ta khó lòng tìm hiểu quan-hệ giữa chúng. Đã tới lúc ta nên dựa vào những phát minh phi thường của ngành sinh-học, quét sạch khỏi ngôn-ngữ của ta về sinh-giới những gì không thuộc về nó. Công việc khổng lồ này đòi hỏi công lao của nhiều thế hệ. Chưa thực-hiện xong, ta khó lòng vươn mình ra khỏi thú-giới, khó lòng suy-luận một cách mạch lạc chiều-kích tinh-thần của con người.

“Mày chỉ là cuộc đời mày thôi[3]!” Câu văn đó ám ảnh ta vì nó mâu thuẫn, tự hủy. Vừa đọc xong ta cảm-thấy liền. Ta trực-cảm rằng sự-sống không là một cái gì, rằng khi ta chết là chết tốt. Mặt khác, ta cảm-thấy lờ mờ rằng tinh-thần không thể chỉ quy về sự-sống. Khi nhốt tinh-thần, mày, vào sự-sống, khi đóng khuôn sự-sống vào Thực-thể, là, tác giả thôi thúc ta nổi loạn: hắn khước từ nhân-tính của ta. Câu đó không là triết-lý nữa, là văn-chương, loại thượng thặng.

Với tư cách sinh-vật, con người tự-hiện-thực qua hai quan-hệ ngoại-tại và nội-tại. Trong bản thân nó, nó thực-hiện quan-hệ giữa vật-chất với vật-chất và quan-hệ giữa vật-chất với sự-sống. Với thế-giới bên ngoài nó cũng làm như vậy. Nó quan-hệ với vật-giới và sinh-giới mà nó là một bộ phận. Với sinh-giới quan-hệ đó biểu-hiện dưới hai bộ mặt. Một là quan-hệ với những sinh-vật khác, cây cỏ hay thú-vật để sống vì nó cần ăn. Hai là quan-hệ với đồng loại để sinh đẻ. Ta thấy hai bộ mặt ấy của quan-hệ giữa người với thế-giới ngay trong ngôn-ngữ của ta, thường dưới một dạng nhập nhằng khiến nhà thơ, nhà văn, thậm chí triết gia mê hồn.

Ta có thể diễn thuyết liên miên về độ rắn[4] của một hòn sỏi, một miếng thịt bò, một quả tim. Phải cần nhiều thời-gian, sự phát-triển, thay đổi phong phú liên tục của kiến-thức và, qua đó, ngôn-ngữ, con người mới phân biệt mạch lạc được những lĩnh-vực đó trong ngôn-ngữ thường ngày của mình. Nếu ta còn có thể nói rằng miếng thịt bò mềm mại, phải điên như nhà thơ mới có thể gợi lên sự mềm mại của một hòn sỏi[5]. Ngày nay nói tới “sự” trìu mến[6] của phong cảnh, ta còn có thể không thấy lố bịch. Nhưng ca ngợi “sự” trìu mến của một đùi cừu quay đã bắt đầu chối tai[7].

Trong tư cách sinh-vật con người không khác con thú. Nó cũng chẳng phải loại thú duy nhất “biết” tự-sát[8]. Xưa kia, có nhà văn nổi danh vì đã tuyên bố: so sánh người với thú-vật là sỉ nhục thú-vật. Đúng vậy, có khi con người giết người tuy không cần-thiết, có khi nó tra tấn người để làm vui. Nói như thế, nhà văn của ta đánh giá con người theo “quan-điểm” của thú-vật. Chàng không biết rằng thú-vật không có “quan-điểm”. Chàng quên rằng con người, khác thú-vật ở đó, là sinh-vật duy nhất biết nuôi dưỡng kỷ-niệm về người đã chết, biết giết người vì những lý do khác hơn là sự-sống-còn: với tư cách người, nó có một điều gì quý giá hơn cả sự-sống của chính nó và, khi cần-thiết, nó chấp nhận giết người hay chấp nhận chết để bảo vệ điều ấy, để đảm bảo cho điều ấy tồn-tại vượt qua sự-sống-còn của chính-mình. Điều ấy là văn-hoá[9].

Ở đây cũng thế, tiếng Pháp nhập nhằng: từ sống-sót[10] có hai nghĩa. Một mặt nó có nghĩa là thoát chết để bắt đầu trở-lại một quy trình sống như trước. Mặt khác, nó có nghĩa “sống” vượt qua cái chết: nó sẽ sống-sót qua tác-phẩm của nó hay tác-phẩm của nó sẽ sống-sót sau khi nó chết. Tác-phẩm của một con người có thể sống-sót sau khi nó chết khi tác-phẩm ấy tái-sinh trong đời người khác. Nó có khả-năng ấy vì con người là một thực-thể văn-hoá. Nó nên-người bằng cách tái-sinh trong nó văn-hoá của người xưa. Nhân-tính của nó sống-sót sau khi nó chết vì nó đã truyền lại cho con cái, người đời, thế hệ tương-lai.

Địa ngục, chính là tha-nhân[11], trong một số hoàn cảnh. Nhưng tha-nhân cũng là thiên đường duy nhất có-thực trên quả đất này, là hình-thái vĩnh-cửu duy nhất con người có thể có được. Tôn trọng sự-sống là một giá-trị trong quan-hệ giữa người với người xuyên qua quan-hệ chung của họ với sinh-giới. Nội-dung của nó có tính lịch-sử. Nó phát triển từ từ xuyên qua những quan-hệ xã-hội, từ bầy đàn tới bộ lạc, bộ tộc, gia đình, dân tộc, nhân-loại và, ngày nay, với ý-thức sinh-thái, tới toàn bộ tự-nhiên.

Trích trong Tư duy tự do của Phan Huy Đường
Bạn có thể đọc toàn bộ tác phẩm này: click tại đây

Chú thích:

[1] Le peuple de Dieu.

[2] Người Phật tử ăn chay chỉ ăn trái cây, hoa màu, lúa gạo, nhưng đó cũng là những hình-thái của sự-sống.

[3] Tu n’es que ta vie. Sartre. Theo trí-nhớ.

[4] dureté. Tiếng Pháp có thể ứng dụng trong cả ba thế-giới. Tiếng Việt, nghe hơi kỳ: người Việt ý-thức sự tiếp cận thế-giới khác người Pháp, điều ấy thể-hiện rất rõ qua ngôn-ngữ.

[5] La tendresse d’un caillou. Tendre. Ngược nghĩa với dur. Có nhiều nghĩa: mềm, trìu mến.

[6] tendresse.

[7] la tendresse d’un gigot.

[8] Có loài thú “biết” tự-sát. Sẽ không nhắc lại trường hợp ngoại lệ đó nữa khi bàn về vấn đề này. Hệ gien của con người không khác hệ gien của nhiều loài thú-vật bao nhiêu. Loài chuột chia sẻ với loài người 98% gien của nó. Nếu có loài thú có một số ứng-xử hao hao như người, chẳng có gì lạ cả. Trong quyển sách này, ta chỉ bàn tới những khía cạnh khiến người khác thú. Khía cạnh cơ bản nhất là khả năng tư-duy bằng ngôn-ngữ của người đã chết, vừa có khả năng tồn-tại dưới dạng vật-chất ngoài thể-xác của con người vừa có khả năng tái-sinh trong thể-xác của người khác qua quá trình học tập nói. Viết từ “biết” trong ngoặc kép nghĩa là thế.

[9] Và chính văn-hoá cho phép nhà văn của ta gào lên câu ấy!

[10] survivre.

[11] L’enfer, c’est les autres. Sartre, Huis-clos.
Previous Post
Next Post