Hỏi: Kính thưa Thầy! Người muốn đi tu mà duyên nghiệp cứ buộc ràng, không thể bỏ đi được, là do duyên gì, nhân gì, xin Thầy chỉ dạy cho con hiểu?
Đáp: Người muốn đi tu mà duyên nghiệp cứ buộc ràng, không thể bỏ đi được, có ba nguyên nhân chính:
1- Nợ nhân quả quá nặng.
2- Thất kiết sử quá dầy.
3- Ngũ triền cái ngăn che.
Đó là ba nguyên nhân khiến cho người muốn đi tu theo đạo Phật rất khó vượt qua, đó cũng là ba mạng lưới bao vây kiếp con người, mãi mãi trôi lăn trong biển sanh tử, luân hồi và nhiều khổ đau trong nhiều đời nhiều kiếp.
Chỉ có người trí hiểu biết và còn phải có đủ nghị lực, can đảm, gan dạ, mới vượt ra khỏi, mới biết được những sợi dây xích kiết sử tuy vô hình nhưng nó chắc hơn những sợi dây lòi tói.
Con có duyên với Phật pháp, nhưng tánh con yếu đuối không thể vượt qua bức tường nhân quả, vì thế con nên tu trong chiếc áo của người cư sĩ:
1- Tu tập xả ly năm triền cái bằng đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
2- Luôn luôn trau dồi thân tâm trong mọi hành động thân, khẩu, ý bằng “Tứ Vô Lượng Tâm”: Đức hạnh Từ, Bi, Hỷ, Xả.
3- Dứt bỏ 10 điều ác và cố tăng trưởng 10 điều lành.
4- Cần phải thông hiểu và nghiên cứu tường tận đạo đức nhân bản nhân quả không làm khổ mình, khổ người.
5- Hằng ngày phải nhớ dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Tâm như đất, tham, sân, si phải đoạn diệt sạch”
Người cư sĩ cần tu năm pháp môn này, thân tâm được an vui và hạnh phúc trong cuộc sống, chẳng có đối tượng, hoàn cảnh, sự việc nào làm dao động tâm được, đó chính là nguồn giải thoát của đạo Phật trong mọi người cư sĩ, con hãy cố gắng lên! Cố gắng lên tu tập con ạ!
Khi tu tập xả tâm như vậy, tức là con tu tập đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, không làm khổ mình, khổ người là con đã trả vay nghiệp nhân quả của tiền kiếp, trả vay nhân quả của tiền kiếp tức là con bứt bỏ thất kiết sử, khi bứt bỏ thất kiết sử thì con không còn phóng dật, tâm con không còn phóng dật tức là tâm định trong thân con, tâm định trong thân thì tâm thường thanh thản, an lạc và vô sự, tâm thường thanh thản an lạc và vô sự thì tâm luôn luôn biết hơi thở ra vô một cách tự nhiên không bị ức chế hay bị gom tâm tập trung vào một chỗ.
Khi tâm định trên thân như vậy thì lúc bây giờ là lúc tu thiền định để nhập các định sâu hơn và khó hơn.
Còn nếu con bứt bỏ ngang mà đi tu thì dù con có tu đúng chánh pháp của đạo Phật cũng trở thành tà pháp, tại sao vậy? Tại vì sự bứt ngang bỏ đi, đó là ức chế tâm, chứ không phải xả tâm và như vậy con sẽ bị rơi vào tà thiền, tà định chừng đó con sẽ sống trong Tà kiến của ngoại đạo rất là khó gở.
Thất Kiết Sử là bảy pháp trói buộc con người, khiến cho đau khổ. Bảy pháp đó gồm có:
1/. Ai kiết sử: lòng thương yêu, ưa mến, thích thú của mình đã trói buộc lại mình, làm khổ mình.
2/. Sân kiết sử: lòng sân hận, buồn tức, giận dữ của mình đã trói buộc lại mình, làm hổ mình.
3/. Kiến kiết sử: sự cố chấp cho sự hiểu biết của mình là đúng, còn tất cả sự hiểu biết khác cho là sai. Thế là nó đã trói buộc mình, làm khổ mình, và ai nói gì mình cũng chẳng nghe.
4/. Nghi kiết sử: lòng nghi ngờ tự trói buộc mình, chẳng bao giờ chịu rời bỏ khiến cho mình mất hết nghị lực.
5/. Mạn kiết sử: lòng ngã mạn, kiêu căng, tự đắc, tự trói buộc mình, lúc nào cũng tự xem mình là trên hết. Chính lòng hiu hiu tự đắc nầy đã làm khổ mình mà không dứt bỏ.
6/. Hữu tham kiết sử: những vật mà mình buông bỏ chẳng được, cứ bị nó trói buộc, làm khổ mình hoài.
7/. Vô minh kiết sử: điều mình không hiểu mà cứ nghĩ rằng mình đã hiểu.
Thí dụ: không hiểu Tứ Thánh Định mà cứ cho là mình hiểu nên xếp nó vào loại Tiểu Thừa thiền, phàm phu thiền, ngoại đạo thiền. Không ngờ thiền nầy là Thánh Trú, là Phạm Trú, Như Lai Trú, vv..
Ngũ Cái hay Ngũ Triền Cái là năm cái màn che đậy:
1/. Tham triền cái: Tham là lòng ham muốn của mình che đậy, làm cho mình không thấy vật ham muốn đó sẽ làm khổ mình.
Thí dụ thấy một chiếc xe Dream (xe mô tô hiện đại của Nhật) khởi tâm ham muốn, tìm mọi cách làm để mua sắm nó. Đó là cái khổ thứ nhất.
Đến khi sắm được xe, chạy xảy ra tai nạn gảy chân tay. Đó là cái khổ thứ hai.
Thế mà khi lòng ham muốn nổi lên, người ta không thấy cái khổ. Cho nên gọi đó là triền cái (ngăn che không thấy khổ).
2/. Sân triền cái là lòng tức giận, ngăn che không thấy khổ. Thí dụ khi nghe người khác mạ nhục, mình tức giận rút cây, hoặc dao rựa ra đánh, hoặc chém người cho hã giận. Khi hết giận thì sự khổ phải ôm lấy, như nằm nhà thương, hoặc ở tù. Lòng sân che đậy không thấy sự khổ sẽ đến với mình đầy dẫy trong cuộc sống hàng ngày nên gọi là sân triền cái.
3/. Si triền cái là cái màn che trí tuệ làm cho nó không hiểu biết chánh pháp, tà pháp, thiện ác. Ví dụ, người ta nói thiền xuất hồn là của đạo Phật, chúng ta liền tin theo, mà không cần suy nghĩ, đó là si triền cái.
4/. Mạn triền cái là cái tự kiêu, tự đại che ngăn làm cho mình không thấy cái chỗ dở của mình. Thí dụ như mình ăn phi thời, phá giới luật, có vợ con, mà vẫn xem mình là một thầy tu, hiu hiu tự đắc, lên pháp đường thuyết giảng mà không biết xấu hỗ, thì đó là bị mạn triền cái ngăn che.
5/. Nghi triền cái là cái lòng nghi ngờ ngăn che không thấy sự thật. Ví dụ, người ta nói một số pháp môn tu tập hiện hành là mê tín, là không đúng theo lời dạy của Phật, mình không tin, nghi ngờ lời nói đó sai (vì các pháp môn nầy do các Thầy, Tổ truyền lại). Chỉ tin vào Thầy, Tổ mà không chịu tìm hiểu cho rõ ràng, đó là bị nghi triền cái che ngăn.
Hỏi: Thế nào là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu?
Đáp:
a. Dục lậu: có nghĩa là lòng ham muốn.
Ví dụ: ham muốn ăn, ngủ, đi nói chuyện, ham muốn đi lao động (trong giờ Bát Quan Trai), v.v..
b. Hữu lậu: là mọi pháp không buông xả được.
Ví dụ: có cái bát bị bể mà tiếc là hữu lậu, mất chiếc xe đạp hoặc các vật dụng tài sản khác thấy buồn bã tiếc nuối là hữu lậu, có 1 vật người ta xin không cho là hữu lậu, v.v...
c. Vô minh lậu: có nghĩa là không hiểu rõ sinh tâm ham muốn, giận hờn, yêu ghét, lo lắng, v.v.. là vô minh lậu.
Không hiểu nhân quả là vô minh lậu. Không thông thập nhị nhân duyên là vô minh lậu.
1- Thân kiến kiết sử: chấp cái thân của mình, chấp cái gì đó là thường hằng bất biến, chấp phật tánh của mình, chấp có cái thường hằng sau khi chết.
2- Nghi kiết sử: trói buộc mình nghi ngờ cái gì đó, nghi người đó ăn trồm, bắt mình cứ dòm chừng người đó hoài. Đó là nó đang trói buộc mình, gọi là nghi kiết sử.
3- Giới cấm thủ kiết sử: Phật dạy chúng ta có 18 giới: mắt thấy đồng hồ sanh ra một cái thức, khởi ra tâm ham muốn. Vì vậy gọi là giới cấm thủ. Mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý; sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp và 6 thức biết, sanh ra ham thích. Chính 18 chổ này làm thành 18 sợi dây giới cấm thủ luôn trói buộc chúng ta. Thấy cái gì mà khởi ra ham muốn là nó đang trói buộc chúng ta.
4- Tham kiết sử: trói buộc mình vào tham muốn cái này cái nọ.
5- Sân kiết sử: trói buộc mình luôn khởi tâm sân hận ai đó.
1- Sắc tham: là lòng tham vật chất, khi thấy thì khởi lòng tham.
2- Vô sắc tham: do nghe người ta nói cái gì đẹp, tốt liền khởi lòng ham muốn, đó là vô sắc tham.
3- Mạn: là kiêu mạn, lòng ngã mạn của mình.
4- Trạo cử: là nó làm cho mình nghĩ ngợi cái này, nghĩ ngợi cái kia hoặc cái thân bị ngứa ngái không ngồi yên được, nó gãy bên đây, móc bên kia, thì gọi là trạo cử thân, còn trạo cử tâm thì nó nghĩ hết cái này rồi nghĩ đến cái khác, lung tung đủ thứ. Hoặc là mình ngồi chỗ này một lát, mình đứng dậy đi, rồi ngồi lại, rồi mình đứng, rồi nằm, đủ cách, đó là bị trạo cử.
5- Vô minh.
1- Ái kiết sử: thương yêu, ghét
2- Sân kiết sử.
3- Kiến kiết sử là ý kiến của mình, kiến chấp, cãi luận dựa vào kiến chấp của mình.
4- Nghi kiết sử: cũng giống như ở trên, nhưng ở đây nó tóm lược lại vào thất kiết sử để không bị trùng, cũng là sự trói buộc vào những nghi ngờ.
5- Mạn: là kiêu mạn, ngã mạn.
6- Hữu tham kiết sử: thuộc về tham.
7- Vô minh kiết sử: thuộc về si.
Trưởng Lão Thích Thông Lạc