Khi cái chết ám ảnh

Ở tuổi 20, có lúc cái chết ám ảnh tôi dài dài. Tìm hiểu triết lý của Sartre, trong một bài chàng viết về người bạn thân đã chết, Paul Nizan, tôi bắt gặp ý tưởng này: người ta sợ chết khi người ta không được sống một cuộc đời có ý nghĩa, giá trị, đáng sống. Vì người ta sợ sống uổng. Tôi chợt "giác ngộ". Chung quanh tôi, những người được sống một cuộc đời họ thấy đáng sống, chẳng ai quan tâm tới cái chết. Gặp tôi, họ chạy mặt liền: lại lải nhải chuyện chết chóc!

Nhiều thanh niên thuở ấy thấy cuộc đời họ không đáng sống. Họ dấn thân đấu tranh cho đủ thứ chuyện mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ và chẳng mấy khi họ bị cái chết ám ảnh. Riêng tôi, tôi không biết mình "sống để làm gì"? Thế thì "sống làm gì"! Tôi bắt chước họ. Cũng bớt hâm hâm. Nhưng không hết hẳn. Hùa theo lý tưởng của đồng loại đương thời, có ngay một cuộc sống đầy ý nghĩa, giá trị. Nhưng tự tạo ý nghĩa và giá trị cho đời mình thì… ngược lại! Trước tiên và tức khắc, ta bị tách rời khỏi đồng loại, lún vào nỗi cô đơn kỳ dị, khủng khiếp không sao quên được. Trong hoàn cảnh ấy, phải là nhà khoa học đam mê Sự Thật hay là nghệ sĩ ít nhiều mát mát mới tự tạo được ý nghĩa và giá trị cho đời mình. Tôi dốt khoa học, ít nghệ sĩ tính, lại không chịu mát mát nên. ...

Thú thật, về mặt tinh thần, tôi đã chết đi sống lại đôi ba lần. Sau mỗi đợt khủng hoảng như thế, tôi lại biết sống thoải mái hơn, đậm đà hơn, tỉnh táo hơn. Vui hơn. Đã sinh, phải tử, kiếp người nó thế, chẳng có gì đáng hoang mang hết. Điều quan trọng là, giữa hai thời điểm ấy, ta đã sống thế nào. Nếu ta biết sống, hành động và tư duy một cách nhân bản, ta sẽ chết một cách nhân bản, ta sẽ lưu lại được chút tình người ở nhân giới, dưới những hình thái khác nhau như tình bạn, tình chị, tình anh, tình em, v.v. thậm chí tình yêu – món này, cho tới nay, ít nhân bản nhất – và chút lý trí. Ở người khác. Và cứ thế… cứ thế, bất tận. Đó là sự trường tồn duy nhất mà con người có được. Nó không ảo chút nào. Marx, Sartre, vài người nữa, kể cả nỗi đau, đâu đã chết hẳn, ít nhất ở ta? Qua ta, qua nhiều người khác, họ vẫn đang vươn mình vào đời.

Bây giờ, thân đã kề lỗ, cái chết đã hết ám ảnh tôi. Dù thế giới hôm nay không mấy hay ho, chưa bao giờ tôi yêu đời, yêu người như hôm nay. Vì thế mà vẫn đành cầm bút.



Đa số người đời không muốn trực diện với vấn đề sự chết vì nó vượt quá sức mình, nhất là vì nó quá bi đát, nên họ lẫn tránh vào trong đủ thứ "tiêu khiển". Cái mà Pascal gọi là tiêu khiển (divertissement) bao gồm không những vui chơi, ăn uống, tiền tài, danh vọng, nhục dục … mà ngay cả lòng say mê làm việc, hoạt động, chinh phục, chiến tranh v. v.

Ông viết: "Ðôi khi tôi để ý suy xét về các thứ lo toan của loài người cũng như những mối hiểm nguy và nỗi nhọc nhằn mà họ liều dấn mình vào, nơi triều đình, trong chiến tranh, từ đó sinh ra biết bao tranh cãi, biết bao đam mê và những công trình táo bạo và lắm khi xấu xa v. v. (…), tôi muốn tìm ra lý do tại sao. Lý do đó nằm trong sự khốn cùng tự nhiên của thân phận yếu đuối và hay chết của chúng ta (…). Nếu ông vua không còn thú tiêu khiển nào, ông ta cũng khốn khổ và còn khốn khổ hơn người trong đám thần dân của ông khi anh này được ăn chơi, tiêu khiển … Thú tiêu khiển mang lại thích thú cho ta và dẫn đưa ta tiến về cái chết một cách vô tư" (Les pensées)
Previous Post
Next Post