Tụng kinh ăn tân gia và đầy tháng cho cháu bé

Hỏi: Kính thưa Thầy, bên Tịnh Độ và kinh sách Đại Thừa dạy; “Nếu người nào về nhà mới (ăn tân gia) lập bàn thờ và có con cháu đầy tháng thì mời các cư sĩ đến nhà tụng kinh cầu nguyện cho mát mẻ, làm như vậy có lợi ích gì không ? Kính thưa Thầy, xin Thầy dạy bảo cho chúng con được rõ.
Câu hỏi của Tâm Thanh

Đáp: Làm lễ “ăn tân gia” có nghĩa là khoe nhà mới với bạn bè thân hữu, làm lễ đầy tháng cho con tức là mừng đứa bé chào đời vừa tròn đầy một tháng (mẹ tròn con vuông).

Đối với Phật giáo Nguyên Thủy những việc làm này như tụng kinh cầu nguyện là một việc làm ngược lại với Phật giáo. Vì Phật giáo không thể cầu nguyện cho một sự khổ đau đang bắt đầu như vậy được.

Một ngôi nhà mới được kiến tạo xây dựng là một sự cực khổ bằng sức lao động trí tuệ và tay chân, mồ hôi và nước mắt của người gia chủ.

Một đứa bé chào đời vừa tròn một tháng là báo động cho biết một kiếp người phải chịu khổ đau bắt đầu từ đây.

Đôi mắt nhân quả của Phật giáo nhìn ngôi nhà mới và đứa bé đầy tháng là một sự khổ đau tiếp nối của một chuỗi dài nhân  quả tiếp theo.

Thọ Bát Quan Trai là một sự tu tập buông xả để học những đức hạnh của bậc Thánh Tăng.

Thọ Bát Quan Trai là để tu tập tâm ly dục ly ác pháp trong một ngày để được tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.

Thọ Bát Quan Trai là một ngày để tu tập giúp cho tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không.

Thọ Bát Quan Trai là một ngày tập sống như Phật, là một ngày hạnh phúc nhất trần gian.
Thọ Bát Quan trai không phải là một ngày mừng tân gia, mừng cháu bé đầy tháng mà là một ngày hết sức quan trọng cho một đời người.

Vì gieo một hạt giống Thọ Bát Quan Trai đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc thì ngày mai nó sẽ trổ hoa quả giải thoát mà chính người gieo phải được thọ hưởng, nếu hiểu sai đặt không đúng nơi, đúng chỗ, đúng lúc thì hoa giải thoát kia không bao giờ nở và người gieo chỉ uổng phí công lao mà thôi.

Tóm lại đừng lấy ngày Thọ Bát Quan Trai mà cầu phúc mừng ngày về nhà mới hoặc mừng cháu bé ra đời đầy tháng là sai. Ngày thọ Bát Quan Trai là ngày mà chính mọi người phải tự gieo hạt giống này chứ không ai gieo cho mình được. Các con nên nhớ lời Phật dạy: “Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi, Ta không thể đi thay cho các con được con đường ấy, Ta chỉ là một người chỉ đường mà thôi”.


Hỏi: Kính bạch Thầy, khi nhà có người chết, trong chùa quý Thầy dạy làm tuần thất, cho đến 7 thất, tức là 49 ngày, thường tụng kinh Địa Tạng Vương. Vậy thưa Thầy, có lợi ích gì cho người chết và những người còn sống trong gia đình không, thưa Thầy?

Đáp: Xưa, đức Phật đã không chấp nhận thế giới siêu hình, thì làm gì có linh hồn người chết mà cầu siêu làm tuần thất, tụng kinh Địa Tạng.

Kinh Địa Tạng Vương là một loại kinh mê tín của Đại thừa giáo, do các Tổ biên soạn ra dựa theo sự mê tín của những người dân còn lạc hậu, tin rằng người chết có linh hồn, nên kinh này đặt ra Bồ Tát Địa Tạng xuống Địa Ngục giải cứu những linh hồn tội lỗi.

Nếu ai tụng kinh này và cúng bái, tế lễ sẽ được ngài Địa Tạng cứu khổ thoát khỏi vòng lao lý ở Địa Ngục. Khi người mới chết linh hồn được quỷ sứ bắt về hành tội, do lúc ông bà ở trên dương thế làm điều ác đức, nên chết xuống Địa Ngục bị hành xử đủ mọi cực hình. Nên khi trong nhà có người chết phải đến nhờ quý thầy Đại thừa đến tụng kinh cầu siêu, mà thường là đem kinh Địa Tạng Vương ra tụng để cầu ngài cứu họ thoát cảnh Địa Ngục. Mỗi thất đều có cúng dâng lên hương hoa, trà quả cùng những thực phẩm bánh trái, cơm canh cúng chư Phật, và cầu ngài Địa Tạng xuống Địa Ngục giải cứu. Suốt trong 49 ngày được cúng bái như vậy thì vong linh người chết sẽ khỏi tội đi tái sanh.

Làm như kinh sách Đại thừa dạy như vậy là làm một điều phi đạo đức. Nhờ có làm tuần và tụng kinh Địa Tạng trong 49 ngày mà tiêu tội ư?

Tức là trong 49 ngày những người thân còn sống rước Thầy tụng kinh và mua lễ vật cúng bái...

Đây là hành động phi đạo đức.

Trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện dạy:

“Như có người nào sắp mạng chung, hàng thân quyến trong nhà nếu có một người vì người bịnh sắp chết đó mà niệm lớn tiếng danh hiệu của một đức Phật, thời người chết đó trừ năm tội lớn vô gián, các nghiệp báo khác điều tiêu sạch cả” (kinh Địa Tạng, trang 133). Lời như trong kinh này là một lời dạy phi đạo đức rất lớn, lừa đảo những người mê tín, lạc hậu.

Luật nhân quả là một đạo luật công bằng và công lý, làm sao lại có Bồ tát hoặc đức Phật nào dám giải cho kẻ làm ác? Kẻ làm điều cực ác nên mới đọa vào Địa Ngục vô gián, thế mà chỉ cần có một người niệm giúp thì cũng thoát ra khỏi Địa Ngục vô gián, như vậy có phải là lời lừa đảo người không? Thảo nào có nhiều người đem công đức tụng kinh này, hoặc làm đàn tràng thỉnh mời các sư về tụng niệm, để cầu cho người thân thương của mình thoát cảnh Địa Ngục và tất cả các nghiệp báo khác điều tiêu sạch.

Kinh sách Đại thừa dối gạt người bằng nhiều hình thức mê tín, khiến cho con người hao tài, tốn của rất nhiều về vấn đề cúng bái, tụng niệm, cầu an, cầu siêu, mà chẳng có ích lợi gì thiết thực cho người còn sống và người chết.

Đây là một đoạn kinh lừa đảo, dối gạt, làm hao tốn tiền của con người: “Có thể họ vẽ, cho đến dùng vàng, bạc, đồng, sắt đúc nắn hình tượng Địa Tạng Bồ Tát đốt hương cúng dường, chiêm lễ ngợi khen, thì chỗ người đó ở có 10 điều lợi ích. Những gì là mười?

- Một là đất cát tốt mầu.

- Hai là nhà cửa an ổn mãi mãi.

- Ba là người chết được sanh lên cõi trời.

- Bốn là người còn sống hưởng sự lợi ích.

- Năm là cầu chi cũng được toại ý cả.

- Sáu là không có tai họa về nước và lửa.

- Bảy là trừ sạch việc hư hao.

- Tám là dứt hẳn ác mộng.

- Chín là khi ra, lúc vào có thần hộ vệ.

- Mười là thường gặp bậc thánh nhân”.

(Kinh Địa Tạng, trang 155) Trên đây là những lời nói xảo trá. Làm gì có chuyện vẽ hình đúc tượng Bồ Tát Địa Tạng, thờ cúng mà đất ở đó lại tốt mầu. Đất xấu là đất xấu, chỉ có bón phân, đổ rác mục thì đất mới có mầu mỡ, trở lại. Còn đất tốt là đất tốt, đất phù sa nên mới tốt, chứ đâu phải thờ hình tượng bồ tát Địa Tạng mà tốt được. Thật là kinh sách gạt người, chỉ có người mê muội mới tin nó mà thôi.

Từ cuốn kinh Địa Tạng, chúng ta suy ra tất cả những cuốn kinh khác cũng đều là loại kinh xảo trá lừa đảo gây mê tín cho người. Đây là một đoạn kinh nói láo nhất, chúng tôi xin trích ra để quý vị nghiên cứu: “Chiêm lễ hình tượng của Địa Tạng Bồ Tát và đọc tụng kinh bổn nguyện này tự nhiên được rốt ráo xa lìa biển khổ, chứng đạo Niết Bàn an vui, vì thế nên được ủng hộ một cách lớn lao như thế” (trang 154, kinh Địa Tạng).

Muốn lìa biển khổ của cuộc đời để chứng đạo Niết Bàn đâu phải là một việc dễ làm. Biết bao nhiêu người tu hành bỏ cả công sức vô cùng, vô tận mà chưa chắc đã đạt được. Xưa, đức Phật Thích Ca sáu năm khổ hạnh gần như muốn chết, sau đó nhờ 49 ngày miên mật mới chứng được Niết Bàn. Vậy mà trong kinh này dạy: “Chỉ cần chiêm lễ và tụng niệm kinh bổn nguyện thì tự nhiên giải thoát biển khổ thế gian, chứng đạo Niết Bàn”. Thật là kinh đại vọng ngữ!

Nếu được như trong kinh này dạy thì Bồ Tát Địa Tạng Vương là hiện thân cho sự phi công bằng và công lý, là hiện thân của ma vương, của ác pháp.

Tóm lại, đạo Phật chủ trương không có linh hồn nên làm tuần thất là mê tín. Kinh Địa Tạng là kinh Bà La Môn, ngoại đạo dạy những điều phi đạo đức và lừa đảo. Nhìn vào cuốn kinh có hình Địa Tạng Vương cỡi con sư tử lông xanh, hình ảnh ấy phản lại đạo đức từ bi, bình đẳng của đạo Phật. Một vị tu sĩ mà bắt con vật chở mình đi thì còn nghĩa lý gì là tu sĩ đạo Phật. Hình ảnh đó là bắt loài thú làm nô lệ, đó là hình ảnh giai cấp vua chúa.

Không có linh hồn thì cầu siêu cho ai, cầu như vậy có ích lợi gì? Xin quý phật tử cứ đọc kinh sách của Phật giáo Nguyên Thủy rồi suy ngẫm, đừng để mắc lừa tà giáo khác.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post