Văn minh nhân loại: Thế kỷ 20 - Con người: Man rợ hay văn minh?

Tính đến đầu thế kỷ thứ 20 người Âu Tây đã sống qua vài trăm năm trong một kỷ nguyên mà Châu Âu đã dẫn đầu trong hầu hết mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Cho nên họ có thể tự cho họ là những ngọn đuốc soi đường cho văn minh. Thái độ tự mãn này vẫn tiếp tục ngay cả khi nền văn hóa Bắc Mỹ, vốn thừa hưởng nhiều tính chất Âu Châu, ngày càng tiến lên phía trước. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ thứ 20, Âu Châu một thời kiêu hãnh đã có bớt đi lý do để cảm thấy tự đắc về nền văn minh của mình.

Thế kỷ 20 không những chỉ là thời kỳ mà văn minh Châu Âu bắt đầu bị Bắc Mỹ qua mặt mà còn là lúc Châu Âu biểu lộ tính dã man của mình. Từ cổ chí kim không có nền độc tài nào tàn bạo hơn chế độ của Hitler và Stalin. Những chiến dịch diệt chủng diễn ra trong thế kỷ này tại Châu Âu cũng đã đạt tầm mức chưa từng thấy. Hai cuộc chiến tranh quy mô lôi cuốn cả thế giới vào vòng binh lửa, và biến phần lớn lục địa này thành bãi chiến trường đẫm máu cũng đã được châm ngòi tại Châu Âu. Hai cuộc chiến này trước nhất phải được coi như là huynh đệ tương tàn của Châu Âu. "Tất cả các cuộc đại chiến trong thế kỷ 20, hoặc là giữa Đức Quốc chuyên chế và các nền dân chủ, hoặc là giữa các phe phái trong Liên Xô đều là nội chiến. Điều đáng chú ý là tất cả các nước này đều đã thấm nhuần các ý thức hệ xuất phát từ thời Khai Sáng của Âu Châu trong thế kỷ 18. Tất cả đều coi họ là phương Tây, tất cả đều là những xã hội tiên tiến và trọng kỷ thuật. Tôi cho rằng khía cạnh nội chiến của các cuộc binh biến ở Châu Âu là quan trọng nhất.". [1]

Thay vì cải tiến đời sống của con người, tiến bộ kỷ thuật đã giúp cho con người hủy diệt nhau một cách hữu hiệu hơn. Thế chiến thứ Nhất đã bùng nổ vào năm 1915, và lần đầu tiên xuất hiện trên chiến địa và trên không trung là những thành quả của văn minh cơ khí. Xe tăng và máy bay đã định nghĩa lại chiến tranh với một ý nghĩa mới kinh khủng gấp trăm ngàn lần những gì đi trước. Với những vũ khí mới này, đô thị không còn là trung tâm văn hóa thể hiện 5000 năm lịch sử văn minh nhân loại, mà chỉ còn là những mục tiêu hủy diệt trên bàn cờ chiến lược. "Đó là những phương tiện kỷ thuật với khả năng sát sinh quy mô với súng máy, trọng pháo tầm xa và phi cơ. Người ta có thể tàn sát cả một đạo quân hùng hậu trong khoảnh khắc. Chiến tranh nay không còn là những trận thư hùng trên chiến trường giữa những binh sĩ mang vũ khí cá nhân, mà dân chúng và hạ tầng cơ sở địa phương cũng bị xem là mục tiêu. Nạn nhân vô tội của chiến tranh thì chẳng phải là chuyện mới, nhưng chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, thiệt hại cho thường dân lại đạt đến mức cao như vậy. Nhất là khi bom nguyên tử ra đời. Lần đầu tiên con người đã chế tạo ra một loại vũ khí có khả năng đe dọa sự hiện hữu của nhân loại. Có thể bom nguyên tử là vũ khí tối hậu buộc nhân loại phải đi đến một quyết định sống còn mới. Đó là phải chọn chiến tranh hay hòa bình để giải quyết những xung khắc với nhau. Nhưng rồi chính sự hiện hữu của bom nguyên tử đã làm lu mờ lằn ranh giữa chiến tranh và hòa bình. Trong thế kỷ 20 cái gọi là "chiến tranh lạnh" đã vừa là một cuộc xung đột vừa là một kỷ nguyên không còn thế chiến. Cho nên tôi cho rằng thế kỷ 20 là thời đại của kỷ thuật, nhưng thay vì kỷ thuật để cải tiến đời sống, đó lại là kỷ thuật xóa tan tất cả vết tích của sự sống trên trái đất và của văn minh nhân loại.". [1]

Sở dĩ các đô thị và thường dân bị xem là những mục tiêu để hủy diệt là vì vào cuối thể kỷ thứ 19 các chính phủ nhận thấy là họ phải tận diệt nguồn gốc sức mạnh của đối phương, mà trong một xã hội công nghiệp tiên tiến đó chính là đô thị và thành phần lao động. Nhận định này đã kéo dài mãi cho đến ngày nay.

Cảnh tượng những dân tộc gọi là văn minh xâu xé nhau đã khiến cho nột số nhà tư tưởng suy ngẫm về bản năng hung tợn của con người. Một trong số đó là Sigmund Freud, cha đẻ của môn Phân Tích Tâm Lý:

"Sự hiện hữu của xu hướng hiếu chiến trong con người là yếu tố chi phối quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội mà khiến cho văn minh nhân loại đã phải tốn nhiều công sức. Trong tình huống mà con người xem nhau trước hết như là kẻ thù, xã hội văn minh luôn luôn có nguy cơ tan rã, cho dù con người có đoàn kết với nhau để đạt được mục đích chung, quyết tâm đó cũng không bền. Tình cảm do bản năng thúc đẩy bao giờ cũng mạnh hơn lý trí và các nền văn minh xưa nay đều tìm cách để kiềm hãm tính hiếu chiến của con người."

Hơn ai hết trong thế kỷ 20, tư tưởng của Freud có rất nhiều ảnh hưởng đối với văn minh phương Tây. Nếu người Tây Âu trong thời này cảm thấy băn khoăn có lẽ đó là do những cảnh nồi da xáo thịt mà họ đã chứng kiến. Nhưng cũng có lẽ là do thông điệp của Freud rằng con người không phải bao giờ cũng biết rõ động lực đằng sau những hành động của họ là gì. Sau khi người Châu Âu vừa mới chấp nhận Thuyết Tiến Hóa của Darwin cho rằng con người chỉ hơn loài vật ở chỗ là biết suy nghĩ, thì Freud lại đưa ra một thuyết mới cho rằng con người không thể kiềm chế nổi tư tưởng của mình.

Tất cả những suy nghĩ mới này đã làm cho người Châu Âu trong thế kỷ 20 đi vào tâm trạng trầm tư và tự vấn hơn bao giờ hết. Tâm trạng này được thể hiện rõ nét nhất trong Hội Hoạ. Trường phái "Expressionism", hay "Biểu Hiện" được khai sinh trong thế kỷ này gồm những họa sĩ tin tưởng là họ phải hoàn toàn đoạn tuyệt với mục tiêu truyền thống của hội họa mà trước nay cho là phải thể hiện bề mặt của hiện thực. "Từ "expressionism" tức là "biểu hiện", có nghĩa là đưa cảm xúc lên trên hết, tức là đứng trước những gì xảy ra chung quanh thì người họa sĩ phải tuân theo phản ứng chủ quan của mình để sáng tạo, cho nên đó là một trường phái mỹ thuật rất trọng bản ngã, rất nhạy cảm tính, và nó đã sinh ra những lối thể hiện rất hoang dại, rất phản xạ. Qua những tác phẩm của họ các họa sĩ theo trường phái Expressionism đã không ngần ngại biểu lộ những cảm xúc rất ray rứt, rất thầm kín mà trong thế kỷ thứ 19 chẳng mấy ai dám đưa vào lĩnh vực nghệ thuật.". [2]

Không mấy nghệ sĩ trong thế kỷ 20 đã cố ý thể hiện những gì mà thế hệ đi trước đã xem là cái đẹp lý tưởng. Họa sĩ "expressionist" chồng chất những lớp sơn lên tranh vẽ của họ, họa nên những bộ mặt méo mó dị hợm. Bỡi vì theo họ thì nội tâm xấu xí đáng được mô tả hơn là ngoại hình đẹp đẽ. Dù vô tình hay cố ý, cũng như Freud, trường phái này đã tìm đến những tương phản giữa bên ngoài và bên trong con người.

Freud còn tìm hiểu về tâm lý con người qua việc nghiên cứu những bệnh nhân tâm thần của ông. Và sau khi đào sâu vào tiềm thức của họ thì Freud kết luận rằng, một cách rất vô tình, con người thường che dấu những lý do thật sự của hành động của mình và ông tin là những lý do đó thường có liên quan đến tính dục. "Freud xem tình dục là trọng tâm của những khám phá của ông về bệnh tâm thần. Ông cho rằng tất cả bệnh tâm thần đều xuất phát từ sự thiếu trưởng thành về tình dục. Tôi nghĩ một kết luận quá tuyệt đối như vậy là sai. Tuy nhiên ông ta đã đưa ra một tiến trình phát triển tính dục và cho rằng tính dục của mỗi người đều được quyết định từ thuở ấu thơ. Trước đó thì chưa có ai giải thích tính dục như Freud cả. Và đó là một trong những điều làm cho người ta bị sốc khi những tác phẩm của ông đầu tiên được xuất bản vào đầu thế kỷ. Đối với Freud thì tính dục là động lực chính cho mọi hành vi của con người và ông đã tìm ra lý do tính dục cho tất cả mọi chuyện. Chỉ mãi về sau này ông ta mới xét đến tính hủy diệt và hiếu chiến như là hai động lực khác cho hành vi của con người.". [3]

Ngày nay Freud đã bị chỉ trích nhiều vì không thiếu người cho ông là quá hồ đồ và cái thuyết về động lực tính dục của ông không còn thời thượng nữa. Tuy vậy nhờ Freud mà tính dục đã trở thành đề tài thảo luận công khai. Nhưng ý tưởng cho rằng xã hội cần phải kiềm chế bản năng hiếu chiến nếu muốn cho văn minh tồn tại thì vẫn còn được bàn cãi mọi nơi trên thế giới.

Mọi bản năng đều phải có lối thoát. Như vậy trong thời đại mà chiến tranh không còn được chấp nhận như là một giải pháp đầu tiên và cuối cùng thì bản năng hiếu chiến phải được xử lý như thế nào? "Xã hội hiện đại đã tìm ra được một phương cách rất hữu hiệu; đó là: thể thao. Các môn thể thao hiện đại như: Quyền Anh, Bóng Đá, Bóng Bầu Dục, Khúc Côn Cầu....vv, đều có thể được coi như là những trận đánh giả. Trong đó yếu tố bạo lực được giới hạn chặt chẽ với các quy luật, với sự hiện diện của trọng tài, để bảo đảm là các đấu thủ tôn trọng các luật chơi. Những quy luật này còn có mục đích tại cơ hội bình đẳng để cho các đấu thủ có thể tranh tài một cách công bằng. Thành ra ta có thể xem thể thao hiện đại biểu hiện ý tưởng bình đẳng về cơ hội.". [4]

Cách chơi thể thao của người Mỹ đã trở nên rất có ảnh hưởng. Người ta nhận thấy điều này ngay từ đầu thế kỷ 20. "Xã hội Mỹ vẫn còn nhiều đặc tính của một nền văn hóa khai hoang. Trong đó thành phần tư bản vẫn sẵn sàng chơi luật rừng để làm giàu vì họ chủ trương "thắng là tất cả". Đặc điểm nổi bật nhất của thể thao Mỹ là tinh thần quyết thắng cao vời vợi. Tôi thấy đầu óc đó đã lan truyền ra khắp thế giới.". [4]

Ngược lại tại Anh Quốc, nơi xuất phát hầu hết các môn thể thao quốc tế thì giá trị cao nhất vẫn là tinh thần thượng võ và tính nghiệp dư, nói nôm na là tài tử, tức là không chơi thể thao một cách chuyên nghiệp. Đối với người Anh tham gia cuộc chơi quan trọng hơn là phải thắng. Dĩ nhiên họ cũng tìm cách chiến thắng nhưng không xem đó là mục tiêu áp đặt tất cả. Để chứng tỏ tinh thần thể thao ta phải cư xử lịch sự và bày tỏ tình cảm thân thiện với đối thủ. Ta phải luôn luôn giữ bình tĩnh, thắng không kiêu, bại không nản, vì dù sao đó cũng chỉ là một trò chơi mà thôi. Đàng sau thái độ đó là khái niệm then chốt gọi là "Fair-Play", có nghĩa là công bằng với đối thủ của mình và tự nguyện tuân thủ các quy luật.

Hình ảnh một người Anh lịch sự, chơi thể thao theo kiểu nghiệp dư đã có ảnh hưởng lớn trong nền thể thao của thế kỷ 20. Tính trọng vọng một thiểu số ưu tú là một truyền thống lâu đời và không riêng gì của người Anh. Tại cổ Ấn Độ, tại Trung Quốc và tại nước Ý thời Phục Hưng thì một thiểu số lãnh đạo hay quý tộc thường được xem là biểu hiệu của toàn bộ các giá trị của nền văn minh đó. Và trong thế kỷ 20 điều đó không còn đúng nữa khi toàn thể phúc lợi của nền văn minh đã được chia sẻ một cách rộng rãi hơn bao giờ hết. Hình ảnh một thể thao gia nghiệp dư có tinh thần thượng võ, trọng tham dự hơn là chiến thắng cũng đã lu mờ dần, đó có thể coi như là một sự suy thoái của văn minh. "Ta chắc chắn có thể dẫn chứng một cách cụ thể để nói rằng việc coi trọng chiến thắng quá độ thường đưa đến những hậu quả phản văn minh. Bỡi vì nó khiến cho người trong cuộc tranh đua, sẵn sàng phạm luật và lừa dối để thắng. Còn khán giả quá mong muốn phe mình chiến thắng cũng hay bạo động, và do đó hủy hoại cái tinh hoa của thể thao bỡi vì thể thao hiện đại sẽ vô dụng nếu nó không thể hiện được sự hòa hợp giữa hai trạng thái đối nghịch thấy rõ, đó là hữu nghị và thù nghịch.". [4]

Những giá trị áp dụng cho thể thao nhiều khi được áp dụng cho đời sống. Một khi ta gọi kẻ nào đó là kẻ "thua trận" hay là "thất bại" thì chẳng khác nào ta xem họ như là một người vô dụng. Nhưng chắc hẳn một xã hội văn minh không phải chỉ gồm toàn những người chiến thắng mà thôi. Phải chăng nghi vấn triết lý đó đã trở nên nổi bật khi Hoa Kỳ qua mặt Châu Âu để trở thành một nền văn minh quan trọng trên thế giới?

Trong thế kỷ thứ 20 những hệ giá trị của nhân loại đã được thể hiện một cách rất rõ nét trong một Hợp Chủng Quốc. Từ khi được dân tứ xứ, phần lớn là từ Châu Âu, dựng nên Hoa Kỳ luôn luôn là một trường hợp đặc biệt. "Người Mỹ xem Hoa Kỳ là xã hội đầu tiên được tạo ra với một đề cương, một mục tiêu và một quan niệm về một xứ sở mà họ muốn tạo ra. Trong thế kỷ 20 chỉ có một xã hội khác cũng theo được hướng đó, oái oăm thay đó chính là Liên-Bang-Xô-Viết. Thành ra có thể nói theo một nghĩa nào đó, định mệnh đã đưa hai quốc gia này đến chỗ kình địch lẫn nhau. Hoa Kỳ cố nhiên là còn giữ được niềm tin vào ý thức hệ tư bản hiếu thắng của họ cho đến nay. Trong khi người Nga đã trở nên hoài nghi và từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, thì người Mỹ vẫn vững tin là đất nước của họ được thành lập để tạo ra một trật tự dân chủ cho thế giới. Và từ thời George Washington khai sinh ra Hợp Chủng Quốc cho đến nay những cuộc tranh luận lớn nhất của Mỹ luôn xoay quanh những nghi vấn, như là: liệu Mỹ có nên làm gương cho thế giới noi theo hay không? Hay là Mỹ phải tích cực thúc đẩy tiến trình lịch sử? Và sau những biến cố trọng đại như sau hai trận đại chiến và cuộc chiến tranh lạnh tiếp theo đó thì liệu Mỹ có nên giúp cho thế giới đi theo một đường tắt lịch sử nào đó hay không? Tức là bằng mọi cách theo đuổi mục tiêu áp đặt mô hình của mình lên thế giới.". [1]

"...Hãy nói cho tất cả các nước trên thế giới biết, bất kể họ thân hay chống ta, rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chịu trả mọi giá, chịu đựng mọi gánh nặng, chấp nhận mọi khổ đau, binh vực mọi bầu bạn, chống lại mọi kẻ thù, để bảo đảm sự sống còn và thành công của tự do..."

Đó là lời tuyên bố của cố tổng thống Mỹ John Kennedy trong bài diễn văn nhậm chức vào năm 1961. Nhưng niềm tin đó chẳng bao lâu đã lung lay trước kinh nghiệm chiến tranh Việt Nam.

Trong nửa sau của thế kỷ 20, khi các cường quốc Châu Âu không còn bụng dạ nào để theo đuổi chiến tranh thuộc địa nữa, thì tại Việt Nam, Hoa Kỳ đã bắt đầu nếm mùi đau thương của kinh nghiệm thực dân. Nhưng Mỹ đã can thiệp vào Việt Nam với một chủ thuyết quân sự mới. "Khác với các đế quốc Châu Âu thời trước, Mỹ không sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy cho mạng sống của binh sĩ để đạt được mục đích. Trong quá trình tham chiến ở Việt Nam Mỹ đã gửi khoảng 625,000 binh sĩ đến nước này và rốt cuộc khoảng 50,000 đã mất mạng trong cuộc chiến. Nhưng đó là tỷ lệ thương vong rất thấp so với những chiến tranh trước. Hoa Kỳ đã tận dụng kỷ thuật để đạt mục tiêu. Tướng lãnh Mỹ được chỉ thị là ngoài trận mạc phải giữ khoảng cách an toàn giữa lính của mình và lính của địch, cho nên phải sử dụng bom Napan, phải bỏ bom rải thảm và tìm mọi cách để giảm thương vong.". [1]

Khác với Châu Âu trong thế kỷ 20, rất ít người Mỹ, chỉ dưới 1% dân số, đã mất mạng trong các cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã dấn thân vào. Hoa Kỳ đã thắng trận trong thế chiến thứ II và trong chiến tranh Triều Tiên nhờ áp dụng kỷ thuật. Nhưng khi đến chiến tranh Việt Nam thì địa hình và tính chất của xã hội Việt Nam đã vô hiệu hóa phần lớn những chiến lược và chiến thuật dựa vào kỷ thuật cao. Nhiều người Mỹ ái quốc cảm thấy ghê tởm trước việc quân đội của họ dùng ưu thế kỷ thuật để tàn phá Việt Nam. Trong các chiến tranh thuộc địa của thế kỷ thứ 19, người Âu đã chiến thắng mau lẹ nhờ có ưu thế về kỷ thuật, nhưng rồi về sau họ cũng cảm thấy bứt rứt tội lỗi về những hành động dã man của quân đội viễn chinh của họ. Trước đó, hai trận đại chiến cũng đã làm lung lay niềm tin về khí thế của nền văn minh Châu Âu.

Cuộc chiến của người Mỹ ở Việt Nam đã kéo dài nhưng rốt cuộc cũng thất bại. Ngay trong lúc chiến tranh còn đang tiếp diễn thì người Mỹ đã phải đối diện với những giằn vặt lương tâm. "Liệu một xã hội với kỷ thuật cao có phải là một xã hội văn minh hay không? Người Mỹ dấn thân vào Việt Nam rồi mới nhận ra là họ đã sa lầy vào một cuộc chiến không thể thắng, cũng như các đế quốc Anh, Pháp, Tây Ban Nha trước đó tại thuộc địa của họ. Sự khác biệt là nước Mỹ không tự coi mình là một đế quốc với một sứ mạng đế chế. Có lẽ sau cùng Hoa Kỳ vẫn không vận dụng được những biện minh ý thức hệ để lý giải những mâu thuẫn về đạo đức của họ trong cuộc chiến Việt Nam. Đối với người Âu, một khi ý thức hệ đế quốc tan biến sau thế chiến thứ II, họ đã rút ra khỏi các thuộc địa một cách nhanh chóng.". [1]

Vậy bài học chính cho thế kỷ 20 là gì? "Nghi vấn chính của thế kỷ 20 không phải là liệu văn minh có bị tính dã man khuynh đảo hay không, mà là liệu một nền văn minh có thể loại trừ tính dã man hay không? Hay ta có phải công nhận tính dã man là một phần cái giá phải trả để có văn minh hay không? Trước những nghi vấn đó con người trong thế kỷ 20 nhận thấy là họ cần phải có một tư duy cảnh giác để bảo đảm rằng văn minh không lùi dần vào bóng tối man rợ. Theo tôi chính những tự vấn như vậy về văn minh là một đặc điểm của thế kỷ 20, ít nhất là trong kinh nghiệm của Châu Âu. Thế kỷ 20 đã nhận ra tính dã man của con người gọi là văn minh. Chính vì thế, đây là kỷ nguyên của xung khắc vừa nội tâm, vừa ngoại tại.". [1]

Kinh nghiệm của bất kỳ một quốc gia nào, nhất là những nước tiên phong trong thế kỷ 20, có thể cho tất cả chúng ta những bài học. Thế thì có phải thế kỷ 20 đã chấm dứt trong bi quan và hoài nghi hay không?


Nội dung được trình bày bởi:

[1] Christopher Coker - Tác giả cuốn "Chiến Tranh Trong Thế Kỷ 20"
[2] Richard Cork - Tác giả kiêm Sử gia chuyên về Mỹ Thuật
[3] Tác giả Anthony Storr
[4] Giáo sư Eric Dunning - Đại học Leicester
Previous Post
Next Post