Có năm pháp tu tập ly dục, ly bất thiện pháp

LỜI PHẬT DẠY

1- “Y cứ tướng nào tác ý tướng đó liên hệ đến thiện, phải khác tướng ác bất thiện, thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú an tịnh nhất tâm định tỉnh”.

2- “Nhờ quán xét sự nguy hiểm của các tầm ác, bất thiện liên hệ đến dục thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.

3- “Nhờ không nhớ niệm ác của kẻ khác, không tác ý niệm ác nên tâm ly dục ly, ác pháp, nội tâm định tỉnh, an trú, an tịnh, nhất tâm”.

4- “Nhờ tác ý các hành tướng tầm thiện, các tầm ác bất thiện liên hệ đến dục được đoạn trừ nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm, an trú, an tịnh”.

5- “Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm đánh bại tâm, các ác bất thiện pháp liên hệ đến dục, đều được đoạn trừ nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm, an trú, an tịnh”.

CHÚ GIẢI:

1 –“Ycứ tướng nào, tác ý tướng đó, liên hệ đến thiện, phải khác tướng ác, bất thiện thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú, an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.

Như lời đức Phật đã dạy trên đây: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay Sơ Thiền thì phải y nơi “pháp thiện” như lý tác ý. Y nơi pháp thiện là như thế nào?

Y nơi pháp thiện, tức là trạch pháp giác chi, trạch pháp giác chi, tức là chọn lựa một câu pháp hướng tâm, cho phù hợp với đặc tướng của mình, để hằng ngày dùng câu đó như lý tác ý (tự kỷ ám thị).

Câu một này, đức Phật dạy, chúng ta chọn lựa câu pháp hướng thiện, không được dùng câu pháp hướng ác.

Ví dụ: Như trạch pháp câu này: “Tâm phải ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền đi” hoặc “Tâm như cục đất không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa” v.v..

Đây là phương pháp thứ nhất, dạy về cách thức chọn lựa pháp hướng tâm, để nhâp Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

Xưa, đức Phật khi tu các pháp môn của ngoại đạo, thân tàn ma dại, đứng dậy không nổi, nhờ bát sữa dê, Ngài đã hồi tỉnh, nhớ lại lộ trình Tứ Thánh Định và khi phục hồi cơ thể khoẻ mạnh trở lại, Ngài thực hiện con đường này, bằng câu pháp hướng đầu tiên là: ‘Tâm ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”. Ngài đã thành đạo là nhờ pháp môn ly dục ly ác pháp này tâm không phóng dật.

2- “Nhờ quán xét sự nguy hiểm của các tầm ác, bất thiện liên hệ đến dục thì sẽ diệt trừ và ly dục, ly ác pháp, nội tâm sẽ được an trú, an tịnh, nhất tâm định tỉnh”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền, nên phải quán xét sự nguy hại của tầm ác, sự nguy hại của tầm ác là gì?

Sự nguy hại của tầm ác, tức là một niệm khởi lên trong tâm của mình, khiến cho tâm mình bất an, bất toại nguyện, phiền não, khổ đau, lo lắng, sợ hãi, giận hờn, phiền muộn, thương nhớ, hối tiếc, hối hận, lo sợ, lo lắng, bất an v.v..

Khi có một tầm ác khởi lên như vậy, tức là ác pháp tăng trưởng thì mau mau dùng “Định Vô Lậu” quán xét xả tâm, lìa cho thật sạch tầm ác. Nhờ có quán xét xả ly tâm ác thì mới diệt được ác pháp, tâm mới trở lại thanh thản, an lạc và vô sự.

Đây là phương pháp thứ hai, dạy về quán xét trên thân, thọ, tâm, pháp tu tập diệt các pháp ác để ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

3- “Nhờ không nhớ niệm ác của kẻ khác, không tác ý niệm ác, nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, an trú, an tịnh, nhất tâm”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp để nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền thì đừng nhớ đến niệm ác của kẻ khác, nếu tâm có nhớ đến niệm ác của kẻ khác thì phải trở về phương pháp thứ hai, quán xét niệm ác đó trong nhân quả để diệt nó. Theo phương pháp này, nên thường tu “Định Sáng Suốt” giữ tâm thanh thản để không nhớ đến niệm ác, của người khác. Tốt nhất là nên tránh tác ý niệm ác của kẻ khác. Phương pháp này có hai cách:

1- Không nên nhớ đến niệm ác[1] của người khác.
2- Không nên tác ý niệm ác[2] của người khác.

Có tu tập như vậy thì tâm mới diệt ngã xả tham, sân, si, mạn, nghi. Đây là phương pháp thứ ba, để ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

4- Nhờ tác ý các tướng tầm thiện, các tầm ác bất thiện liên hệ đến dục được đoạn trừ nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm an trú, án tịnh”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền thì phải thường tác ý các hành tướng tầm thiện. Các hành tướng tầm thiện là gì?

Các hành tướng tầm thiện là thân hành niệm nội và ngoại. Thân hành niệm nội và ngoại là gì? Thân hành niệm nội là hơi thở. Thân hành niệm ngoại là: đi, đứng, nằm, ngồi, mang bát, mặc y, ăn cơm, uống nước, làm tất cả mọi công việc v.v..

Luôn tác ý về hơi thở, tức là tác ý hành tướng tầm thiện, cũng như luôn tác ý tất cả oai nghi tế hạnh đi, đứng, nằm, ngồi, làm tất cả mọi việc, tức là tác ý hành tướng tầm thiện ngoại. Nhờ thường xuyên tác ý về hơi thở và mọi hành động trong thân, nên các tầm ác liên hệ với dục được đoạn trừ. Đây là phương pháp thứ tư, để tâm ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền.

5- “Nhờ nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm, các ác bất thiện pháp liên hệ đến dục đều được đoạn trừ, nên tâm ly dục, ly ác pháp, nội tâm định tỉnh, nhất tâm an trú an tịnh”.

Đức Phật dạy: Muốn ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm hay nhập Sơ Thiền, khi gặp các ác pháp tấn công dữ dội thì phải cố gắng nhẫn nhục. Ở đây, đức Phật chỉ cách phải cắn chặt răng và dán chặt lưỡi lên nóc họng, nghĩa là cố gắng nén tâm hết sức kham nhẫn chịu đựng để vượt qua cơn thử thách của ác pháp. Những hành động nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng là dùng sức tận lực chịu đựng của mình, để chiến đấu với nghiệp lực tham, sân, mạn, nghi của các ác pháp v.v.. Nếu không tận lực dùng như vậy thì cơn tức giận sân hận sẽ thể hiện qua hành động, sắc mặt và lời nói của chúng ta, khiến cho chúng ta không còn bình tỉnh.

Nếu chúng ta cứ để tâm chạy theo tham, sân, si thì rất dễ dàng, bằng đi ngược lại, nó là một việc làm hết sức gian khổ, cần phải có đầy đủ nghị lực, gan dạ và chịu đựng những cơn thử thách kinh hồn đó thì chúng ta mới vượt qua cơn sóng gió bão bùng của nội tâm mình.

Bởi “Thắng trăm trận không bằng tự thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt”. Cuộc đời tu hành của chúng ta là một cuộc chiến đấu không ngừng, trường kỳ gian khổ, chứ không phải tụng kinh, niệm chú, ngồi thiền mà chiến thắng được mặt trận, giặc nội tâm của mình. Hình ảnh nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, không phải là một chiến trận kinh khủng sao?

Đó là phương pháp thứ năm đức Phật dạy để ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền, là phương pháp ức chế tâm mình để chịu đựng một cách anh dũng.

Đây là một phương pháp ít khi dùng, vì cuộc đời tu sĩ của đạo Phật là sống trầm lặng một mình, nên ít khi xảy ra các ác pháp, nhưng thiếu sự phòng hộ sáu căn và do sự tiếp duyên bên ngoài thì cũng có thể sẽ xảy ra dữ dội.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc

[1] - Nhớ đến niệm ác, có nghĩa là một niệm ác tự trong tâm khởi ra ngoài ý muốn của chúng ta.
[2]- Tác ý niệm ác, nghĩa là chúng ta tự khởi niệm ra, có ý muốn khởi ra.
Previous Post
Next Post