Trong việc giải thích giáo lý của Đức Phật, đáng tiếc thay có số người đã tạo ra một ấn tượng sai lầm cho rằng Đức Phật khuyên tất cả những đệ tử của ngài hãy từ bỏ hết những sở hữu vật chất và sống một cuộc đời vô sự không cần thiết phải làm lụng hay kiếm sống và cũng không cần thiết phải hưởng bất kỳ một hình thức thú vui vật chất nào cả. (Quan niệm này đã lan truyền trong số những người vốn hoàn toàn hiểu lầm về những lời dạy của Đức Phật).
Trái lại chúng ta phải hiểu rằng sự xuất ly (đồng nghĩa với xuất gia) là một phương diện quan trọng nhất để có được sự bình yên tâm hồn. Tuy nhiên sự xuất ly phải được thực hiện trên căn bản nhận thức rõ tính chất phù du của các lạc thú trần gian. Thay vì khuyên các đệ tử của mình sống một cuộc sống thụ động không làm một việc gì cả, Đức Phật, trong bài pháp nói về ‘Bốn Loại Lạc’ mà một người (gia chủ) có thể hưởng, đã chỉ rõ cho thấy người ta cần phải chịu khó làm việc để hoạch đắc tài sản nhằm sống cuộc sống đời thường phát đạt.
Nói chung, phương pháp để phát triển những giá trị nhân bản trong đạo Phật rất đơn giản. Bạn phải chịu khó làm việc và làm việc có lương tâm. Bạn không nên hoang phí thời giờ một cách không cần thiết, tức không nên ăn không ngồi rồi chẳng làm gì hết. Ngay cả đối với việc ngủ nghỉ cũng thế, bạn phải biết sắp xếp hợp lý bằng cách duy trì việc ngủ nghỉ ở mức cần thiết tối thiểu cho sức khoẻ. Bạn không nên đưa ra lời những bào chữa thiếu thuyết phục rằng, vì hôm nay trời quá nóng hay quá lạnh nên không làm công việc đã phân định được.
Hãy có ý thức xây dựng và lương tâm trong bất kỳ việc gì bạn làm. Sử liệu ghi lại rằng Bản Thân Đức Phật là một bậc đạo sư năng nỗ và tích cực nhất đã từng sống trong thế gian này. Trong suốt bốn mươi lăm năm phục vụ cao thượng cho nhân loại, người ta đồn là Ngài chỉ ngủ hai tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ngài du hành khắp nơi trên đất nước dạy mọi người cách làm thế nào để sống một lối sống cao quý chứ không vì mục đích cải đạo họ.
Biết rằng con người có những nhu nhược và khuyết điểm, Đức Phật khuyên hàng đệ tử của Ngài phải thận trọng trong việc giao du với mọi người. Người Phật tử nên thân cận với những người tốt. Có một số người gọi là bạn nhưng thực sự không phải là bạn chút nào – họ luôn sẵn sàng lừa đảo và lường gạt. Một học giả phương Tây nọ có lần đã chế ra một lời cầu nguyện: – ‘Lạy Chúa, xin hãy bảo vệ con khỏi đám bạn bè. Con chỉ biết cách tự bảo vệ mình khỏi những kẻ thù thôi.’ Đức Phật khuyên chúng ta phải hiểu bạn của chúng ta là ai. Giao du với mọi người, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu nhân cách, tính tình và tâm trạng của họ. Lời khuyên của Ngài là nếu không tìm được một người bạn đáng tin cậy thì tốt hơn nên sống một mình.
Tác giả: Dr. K. Sri Dhammananda
Dịch giả: Pháp Thông