Hãy nhìn vào thực tế, chớ “sĩ diện" hão

Một con ngựa hay đi qua đồng cỏ, trước mặt là thảm cỏ non xanh mơn mởn. Nó vừa gặm vài miếng cỏ, vừa đi về phía trước. Nó đi mỗi lúc một xa, nhưng cỏ thì mỗi lúc một ít đi. Vài ngày sau, nó đã đến rìa sa mạc.

Nó chỉ cần quay trở lại là lại có thể ăn những vạt cỏ non thơm ngát, nhưng nó vẫn nghĩ: “Ta là một con ngựa hay, ngựa hay không ăn lại cỏ đã ăn”. Sau đó, trong cơn đói giày vò, nó gục ngã trên sa mạc.

Người nói câu “ngựa hay không ăn lại cỏ đã ăn” trước tiên phải chịu trách nhiệm rất lớn về sự nản lòng và những bi kịch. Câu nói này khiến người ta thiếu đi một không gian có thể tiến thoái, tự chặn con đường của mình!

Bạn có thể sẽ nói “ngựa hay không ăn lại cỏ đã ăn” tiêu biểu cho một khí phách. Tôi cho rằng nếu thực sự có “khí phách” thì thà làm một con ngựa chết đói quả thật là rất vĩ đại. Nhưng có lúc bạn không thể phân biệt rõ “khí phách” và “tính khí”. Khi đứng trước việc có nên quay đầu lại hay không, số đông đều coi “tính khí” là “khí phách”, hoặc dùng “khí phách” để bọc cái “tính khí”, biết rõ mười mươi “cỏ đã ăn” vừa tươi lại vừa non nhưng dẫu thế nào cũng không chịu quay đầu lại để ăn!

Tôi không có ý nói, bạn không ăn “cỏ đã ăn” thì sẽ chết đói, mà nó chỉ tiêu biểu cho sự co giãn trong làm việc, chắc chắn bạn sẽ phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn, tôi khuyên bạn khi đứng trước cái cửa ải có quay đầu lại hay không, bạn nên suy nghĩ những điều sau đây:

Trước tiên, bây giờ ta có “cỏ” có thể ăn được hay không? Nếu có, số cỏ ấy có đủ để ta ăn no hay không? Nếu ăn không no, hoặc trước mắt không có cỏ để ăn, vậy thì tương lai có cỏ để ăn hay không?

Thứ hai, “màu cỏ” của bản thân đám “cỏ đã ăn” ra sao? Có đáng để ăn hay không? Ý nghĩa đối với bạn như thế nào?

Ngoài hai điều này ra, các chuyện khác như “sĩ diện”, “khí phách”, bạn không cần phải suy nghĩ, vì hễ nghĩ đến “sĩ diện” và “khí phách”, bạn sẽ không thể suy nghĩ một cách tỉnh táo và khách quan trước cảnh ngộ trước mắt, nói một cách khác, điều bạn cần nghĩ đến trước tiên là vấn đề thực tiễn, mà không phải là vấn đề “sĩ diện” và “khí phách”.

Tất nhiên khi ăn “cỏ đã ăn” bạn sẽ gặp phải sự trách móc của những người xung quanh đối với bạn. Điều mà tôi muốn nói là, bạn ăn “cỏ” của bạn, hoàn toàn không cần nghĩ ngợi nhiều đến như vậy. Chỉ cần ăn mài miệt kỹ càng, ăn cho no bụng, để mình béo lên là được! Vả lại, lâu ngày người ta cũng sẽ quên bạn là một con ngựa ăn lại cỏ đã ăn, thậm chí khi bạn ăn “cỏ đã ăn” mà có được thành công thì người khác sẽ khâm phục bạn: “Quả là một con ngựa hay”.

Quan niệm của mỗi người đều có sự khác nhau nhưng khi đối mặt với thực tế tàn khốc thì “con ngựa hay” chết đói sẽ biến thành “con ngựa chết” mà không còn là “con ngựa hay” nữa.

Nguồn: huongnghiep.com.vn
Previous Post
Next Post