Lev Tolstoi – Bàn về chủ nghĩa xã hội

Các bạn muốn tôi viết cho tập sách của các bạn một bài bàn về những vấn đề kinh tế và xã hội, nghĩa là theo ý tôi, từ quan điểm kinh tế, đâu là hình thức tốt nhất cho xã hội hiện nay. Tôi không thể nào thực hiện được ước muốn của các bạn, vì, thứ nhất, khác với những người xã hội chủ nghĩa và những ông thày của họ, tôi không biết, không thể biết và tôi nghĩ là không ai có thể biết những qui luật biến dịch của đời sống kinh tế của các dân tộc cũng như hình thức tốt nhất cho sự phát triển của xã hội hiện đại. Thứ hai, tôi không thực hiện được còn vì rằng giả sử như tôi cho rằng mình biết những qui luật phát triển kinh tế cũng như hình thức tốt nhất cho sự phát triển của xã hội, như những nhà cải cách xã hội chủ nghĩa, từ Saint-Simon, Fourier, Owen đến Marx, Engels, Bernstein và những người khác, thì tôi cũng không dám nói. Không dám nói vì theo quan điểm của tôi, không thể nào tiên đoán được hay xác định được những hình thức của đời sống kinh tế tương lai, cũng như không thể nào tiên đoán được cũng như xác định được địa vị của từng người trong tương lai, vì vậy mà tất cả những qui luật do con người nghĩ ra và những cơ cấu xã hội tốt nhất khác nhau do những người khác nhau đưa ra không những không thúc đẩy phúc lợi của người dân mà là một trong những nguyên nhân làm rối loạn xã hội, mà dân chúng hiện nay đang phải chịu đựng.

Tôi nghĩ như thế vì rằng thông qua quan sát và suy luận người ta có thể tìm ra và xác định những qui luật chuyển động của các thiên thể và đời sống của thực vật cũng như động vật, nhưng không thể nào tìm ra được qui luật sống cho mình và đồng loại của mình mà chỉ dựa vào việc quan sát cuộc sống ngoại tại của con người trong khi lại bỏ qua những tính chất đặc biệt của lí trí và ý chí mà chỉ con người mới có. Làm thế cũng chẳng khác nào đi tìm và xác định qui luật sống của động vật – tức là những con vật có khả năng tự do di chuyển, có cảm giác và bản năng – trên cơ sở những qui luật được rút ra từ những quan sát vật chất vô sinh hay là từ những quan sát được thực hiện đối với cây cỏ, tức là những sinh vật không có các tính chất của động vật.

Nói cho ngay, một người có thể thoái hoá đến mức chẳng khác gì con vật, khi đó anh ta sẽ sống theo qui luật của đời sống động vật, thậm chí đời sống của vật chất vô sinh nữa. Nhưng trong những biểu hiện chung nhất, con người luôn luôn đã và vẫn là một sinh vật khác hẳn với tất cả các sinh vật khác và khác với các vật thể khác trong thế giới vật chất, chỉ có con người mới có lí trí và ý chí. Vì vậy mà đời sống của con người, trong mọi lĩnh vực – gia đình, xã hội, chính trị, kinh tế, quốc tế – đã, đang và nhất định sẽ diễn ra hoàn toàn không phải trên cơ sở những qui luật khách quan do các lí thuyết gia về cơ cấu chính trị và trong lĩnh vực kinh tế học như những ông Marx, những ông Engels, những ông Bernstein v.v…, đưa ra mà luôn luôn diễn ra trên cơ sở một qui tắc khác, chung cho tất cả mọi người và được phát biểu từ thời cổ đại bởi các vị tư tế, đức Phật, Lão tử, Sokrat, Chúa Jesus, Marcus Aurelius, Epictetus, Rousseau, Kant, Emerson, Channing và tất cả những nhà tư tưởng có đạo khác. Qui tắc đạo đức mang tính tôn giáo này quyết định tất cả các biểu hiện của đối sống con người, bao gồm các lĩnh vực như gia đình, xã hội, chính trị, quan hệ quốc tế và cả kinh tế, nhưng lại quyết định theo một cách hoàn toàn khác với tất các học thuyết xã hội, xã hội chủ nghĩa, chính trị, quốc tế khác đang làm. Sự khác biệt là ở chỗ, thứ nhất, những qui luật khách quan và những học thuyết về cơ cấu của xã hội loài ngưới, tức là những học thuyết đưa ra các qui luật đó, thì muôn hình muôn vẻ và cái nọ chống báng lại cái kia; trong khi nền tảng của qui tắc đạo đức-tôn giáo, được tất cả mọi người và mọi học thuyết tôn giáo thừa nhận thì lại chỉ có một, đấy là: điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác (kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân). Sự khác nhau thứ hai và chủ yếu là trong khi tất cả các học thuyết chính trị, quốc tế, xã hội cũng như các học thuyết xã hội chủ nghĩa xác định trước các hình thức cho cuộc sống của con người và đòi hỏi người ta phải cố gắng nhằm đạt cho được những hình thức đã được xác định trước đó thì qui tắc đạo đức-tôn giáo lại không hề xác định trước bất kì hình thức sống nào, cả gia đình, chính trị, quốc tế lẫn kinh tế, nó chỉ đòi hỏi người ta, trong mọi lĩnh vực hoạt động đều phải tránh những hành động đi ngược lại qui tắc này, chỉ cần thực hiện qui tắc này là lập tức đạt được ngay lợi ích mà tất cả các học thuyết chính trị và xã hội vẫn hoài công hứa hẹn.

Sự khác nhau này cũng tương tự như sự khác nhau giữa hai nhóm công nhân được ông chủ cử làm cùng một việc – thí dụ như chuẩn bị mặt bằng để làm đường. Công nhân được phát cuốc xẻng và bảo phải cuốc chỗ cao và lấp chỗ trũng cho bằng phẳng, nhưng lại không nói để làm gì. Một nhóm, gồm toàn những người hăng hái, nhẹ dạ và vì vậy mà tự tin, tuy không hiểu mục đích của công việc nhưng lại cho rằng lời nói của ông chủ không rõ ràng, mơ hồ và chẳng có ích gì; muốn cho công việc của mình có ý nghĩa, họ tìm cho nó một mục đích xác định hơn. Một số người cho rằng tốt nhất là đào luống trồng bắp cải thì hơn là cào cho phẳng mà chẳng có mục đích rõ rệt nào; số khác bảo đào cho sâu để tìm kho báu hay vàng; nhóm thứ ba lại bảo tốt nhất là nên đào ao hay đào giếng và bắt đầu làm theo ý mình. Làm cái mà chủ không bảo, lại còn tự mình nghĩ ra mục tiêu, những người công nhân này bắt đầu cãi cọ với nhau, gây khó khăn cho nhau, họ không những không làm cái đáng lẽ phải làm, không làm cái có ích mà còn làm hỏng cuộc đời mình bởi những vụ va chạm chắc chắn sẽ xảy ra giữa họ với nhau. Những người tự quyết định trước những hình thức tổ chức đời sống kinh tế, chính trị và xã hội và đem sức mình ra thực thi những hình thức xã hội đó thường hành động như thế đấy. Còn những người tuân theo qui tắc đạo đức-tôn giáo thì hành động giống như những người công nhân thông minh, tức là những người làm cái mà ông chủ đã bảo, họ tin rằng thực hiện ý chí của ông chủ thì mọi việc chỉ có tốt chứ không thể nào khác được.

Dường như đấy thật là đơn giản và thật tự nhiên và cũng là bản chất của sinh vật có lí trí. Trong cuộc cuộc đời ngắn ngủi và có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, con người phải tuân theo cái qui tắc đạo đức-tôn giáo đó, tức là cái qui tắc vẫn sống trong tâm hồn mỗi người và được tất cả các tôn giáo vĩ đại trên thế giới thừa nhận, chứ không phải là tuân theo những yêu cầu mâu thuẫn nhau nhằm thực thi những hình thức của đời sống mà con người cho là tốt nhất, những hình thức chỉ có thể đạt được bằng cách phá hoại những đòi hỏi của qui tắc đạo đức nói trên. Thế mà ngay từ thời thượng cổ, qui tắc đạo đức-tôn giáo đã từng bị người ta vi phạm, hiện nay vẫn đang bị vi phạm và một số người cho rằng cần phải vi phạm nếu muốn thực thi và giữ cho được một hình thức tổ chức đời sống nào đó mà họ cho là tốt nhất. Tất cả các chính phủ, từ độc tài nhất cho đến dân chủ nhất, tất cả các đảng cách mạng, tất cả những người cộng sản, những người xã hội chủ nghĩa thuộc mọi trường phái đều cổ xuý và làm như thế. Vì sao? Vì mê tín, đấy là cái nguyên nhân chung của tất cả những tai hoạ mà người ta tự tạo ra cho mình. Vì mê tín mà người ta tự nghĩ ra những mục tiêu, mỗi người thích một kiểu – nào là mục tiêu quốc gia, yêu nước, xã hội, xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa, vô chính phủ, thế rồi đáng lẽ phải thực hiện chức năng thiên bẩm của mình và nhận được tất cả những lợi ích dành cho mình thì người ta lại đem tất cả sức mình ra để sắp xếp cuộc sống cho những người khác và thế là, mà cũng không thể nào khác được, họ không những không đạt được lợi ích mà họ kì vọng mà đạo đức thì ngày càng suy đồi, cuộc sống ngày càng khó khăn thêm. Tất cả các cuộc chiến tranh, những vụ hành quyết, các cuộc cách mạng, những vụ cướp bóc người lao động bởi những kẻ ăn không ngồi rồi, tất cả những tai hoạ xã hội đều từ cái mê tín này mà ra. Không thể nào khác được. Vì khi tôi tin rằng tôi có thể biết cách sắp xếp cuộc sống tốt nhất cho dân chúng thì thực chất là tôi chẳng có mục đích nào khác ngoài mục đích ích kỉ của cá nhân mình.

Xin lấy một thí dụ. Học thuyết xã hội chủ nghĩa đòi cho quần chúng lao động được quyền sử dụng thành quả lao động của mình. Nhưng ai tước đoạt thành quả của người lao động? Bọn tư sản. Ai cho bọn tư sản quyền tước đoạt thành quả của người lao động? Chính quyền. Mà chính quyền thì là cảnh sát, quân đội. Quân đội và cảnh sát cũng là từ những người bị bọn tư sản tước đoạt thành quả lao động. Tại sao những người này làm thế, tự mình tước đoạt thành quả lao động của mình? Tại vì họ bị lừa. Thế là tất cả là do lừa dối. Các học thuyết xã hội chủ nghĩa cổ xuý điều gì nhằm tránh được sự bịp bợm đó? Cổ xúy cho những mối liên kết đủ mọi loại nhân danh quyền lợi của công nhân: hợp tác xã, đình công, tuyên truyền học thuyết xã hội chủ nghĩa. Nhưng chẳng lẽ những biện pháp này có thể tiêu diệt được cái sự bịp bợm mà một số người thấy rằng cần phải bịp bợm những người khác còn những người kia thì chấp nhận bị bịp ư? Giả sử những người sắp xếp đó, cứ cho là những người xã hội chủ nghĩa đi, có thể đưa ra được những đạo luật mà bọn tư sản và tất cả các sở hữu chủ đều phải tuân theo. Nhưng chưa bao giờ có, hiện không có và cũng không thể có chuyện là những người đứng ra sắp xếp đồng thuận về một cơ cấu xã hội được tất cả mọi người công nhận là tốt nhất. Mà nếu đã không có sự đồng thuận như thế thì nhất định phải cần (như đã từng cần và hiện đang cần) chính quyền, tức là sự áp bức của một số người đối với một số người khác. Mà muốn có áp bức thì lại phải có chính cái sự lừa bịp kia, kết quả là theo chỉ đạo của những kẻ nắm quyền, dân chúng lại áp bức chính mình.

Chính quyền, để thực sự là một chính quyền, sẽ phải duy trì sự bịp bợm đó bằng đủ trò dối trá và những hành động cứng rắn nhằm chống lại chính cái dân chúng đã bị bịp bợm đó: chính quyền phải có nhà tù, thậm chí án tử hình, cần phải có cảnh sát, quân đội, tức là những người có nhiệm vụ thực thi mệnh lệnh một cách vô điều kiện, kể cả giết người. Cái chính quyền phải cần những điều kiện như thế mới hoạt động được lại có thể thúc đẩy được phúc lợi của nhân dân hay sao?

Cần phải làm gì để dân chúng không còn khuất phục sự lừa dối đó, không còn áp bức lẫn nhau nữa? Rõ ràng là chỉ có một phương tiện: liên kết tất cả mọi người vào một qui tắc sống, từ qui tắc này sẽ xuất hiện chế độ xã hội. Qui tắc này sẽ lập tức tiêu diệt nguyên nhân chủ yếu của cái ác hiện đang tồn tại, đấy là sự bịp bợm, do sự bịp bợm này mà dân chúng mới áp bức lẫn nhau và để cho bọn tư sản tước đoạt thành quả lao động của mình. Chỉ cần người ta tuân theo qui tắc đạo đức-tôn giáo, tức là tuân theo cái qui tắc không cho phép người nọ áp bức người kia, không bao giờ tham gia vào việc áp bức như thế, thì sự áp bức, nguyên nhân chính của thể chế kinh tế bất công sẽ tự động bị tiêu diệt.

“Thì đúng là như thế, đấy là nói nếu tất cả mọi người đều không tham gia. Nhưng nếu một người không chịu đóng thuế hay không chịu đi lính thì ăn thua gì”, có người sẽ nói. Nhưng anh ta từ chối không phải vì anh ta được lợi hay không được lợi. Anh ta từ chối áp bức người khác – đóng thuế hay đi lính – không phải là anh ta nhắm mục đích gì mà chỉ là vì anh ta, cũng như bất kì người nào khác, đã tìm được cách hành xử từ qui tắc, nếu không phải là qui tắc tôn giáo thì cũng là qui tắc đạo đức, mà ai cũng phải theo, không công nhận qui tắc đó thì đời sống của con người sẽ thành ra thấp kém hơn cả đời sống của con vật.

Vì vậy mà quan trọng không phải số người từ chối tham gia vào việc áp bức mà quan trọng là nhân danh cái gì. Vì vậy mà một người từ chối cũng mạnh mẽ hơn hàng triệu những người đang hành hạ, bỏ tù, xử tử người từ chối kia.

Hành động của anh ta còn có hậu quả phong phú hơn, ý nghĩa hơn tất cả những bài diễn văn đọc tại nghị viện, các cuộc hội nghị quốc tế, chủ nghĩa xã hội và tất cả những trò khôi hài, tất cả những phương tiện làm người ta xa rời chân lí. Các chính phủ và bọn tư sản biết rõ chuyện này. Người ta có thể nhận thức được nó bằng cảm giác tự bảo tồn, ở Nhật thậm chí người ta còn cấm cả những tác phẩm tuyên truyền cho cái chân lí đơn giản và ai cũng biết này, và còn bỏ tù những người cổ xuý cho nó nữa. Các chính phủ và bọn tư sản biết rõ mối nguy nằm ở chỗ nào. Họ không thể không biết vì đấy là câu hỏi sống chết của họ. Vấn đề sống chết đối với họ là ở chỗ nói ra hay không nói ra cái chân lí đơn giản là bất kì người có lí trí và có khả năng yêu thương nào cũng không cần phải làm nô lệ cho kẻ khác, không được nghe chúng mà học chém giết và chém giết những người mà họ được lệnh chém giết, không chỉ không được làm mà đây còn là một tội ác ghê tởm nhất, một tâm hồn kém nhạy cảm nhất cũng cảm thấy kinh tởm; ngoài ra, điều đó còn có hại đối với người đồng ý làm và thậm chí còn có hại đối với tất cả anh em của anh ta nữa.

Các chính phủ và bọn tư sản sợ cái nhận thức đã thức tỉnh này chứ không phải là sợ chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội, nghị trường và đủ mọi loại đại hội, ngược lại, lại có lợi cho các chính phủ và bọn tư sản: tất cả các tổ chức này, bằng những bài phát biểu và tranh luận rắc rối, thực sự đã làm cho nhân dân không nhận thức được nguyên nhân của cái ác mà các tổ chức này dường như đang tìm cách chống lại.

Vâng, người dân của cái gọi là thế giới Ki-tô giáo của chúng ta lại sống bằng đủ thứ mê tín dị đoan: mê tín nhà thờ, mê tín nhà nước, mê tín khoa học, mê tín thể chế, mê tín lòng yêu nước, mê tín nghệ thuật, mê tín tiến bộ, mê tín chủ nghĩa xã hội. Không thể nào khác được: không có đức tin thì nhất định sẽ có mê tín. Đức tin không còn. Thế giới Ki-tô giáo đã trải qua những hình thức thô lậu của Thiên chúa giáo, của đạo Tin lành. Điều đó cũng không sao, nếu dân chúng hiểu rằng vì họ cần tôn giáo và họ đã sống qua giai đoạn của nhà thờ Ki-tô giáo, một tôn giáo không đáp ứng được các đòi hỏi của họ, bây giờ họ cần phải đem hết sức mình ra để tìm cho bằng được những nền tảng đúng đắn để xây dựng cuộc sống. Nhưng đáng tiếc là trong thế giới Ki-tô giáo của chúng ta đã diễn ra một hiện tượng lạ lùng, nó đã che giấu và tiếp tục che giấu không để người dân biết được tình trạng khốn khó của họ – che giấu được một thời gian vì hoàn cảnh khốn khó sẽ làm người ta tỉnh ngộ – đáng lẽ là sau khi đã mất tôn giáo, tức là đánh mất nền tảng của đời sống, người ta phải dùng hết sức mình để thiết lập lại các cơ sở tôn giáo, xã hội loài người chưa từng sống và không thể sống thiếu các cơ sở tôn giáo được, thế mà cái thế giới được gọi là văn minh châu Âu của chúng ta lại rất lấy làm sung sướng là đã không còn tôn giáo nữa, và quyết định là hoàn toàn không cần tôn giáo, rằng từ lâu chúng ta đã đứng trên những tín ngưỡng thô lậu của các học thuyết tôn giáo rồi. “Cái bọn cưỡi lừa mới cần tôn giáo, chúng ta vượt quan giai đoạn đó rồi. Chúng ta không chỉ đi với tốc độ 60 km một giờ mà còn bay qua dãy núi Alps, đi dưới nước, chúng ta có chiếu bóng, có điện thoại, có máy hát, có điện tín không dây. Còn cần gì nữa? Có cả những triệu phú chẳng biết dùng tiền làm gì và hàng triệu người thất nghiệp đang chờ việc, 13 tỉ đồng chi phí cho chiến cụ mỗi năm và hàng triệu người cầm súng, hàng trăm ngàn người sẵn sàng lao vào đâm chém nhau, tất cả đều chẳng có gì quan trọng cả vì tất cả sẽ được chủ nghĩa xã hội và tiến bộ, tức là những thứ chúng tôi đang tận lực nghiên cứu, giải quyết hết. Tôn giáo nào ở đây? Với mức độ phát triển như thế mà còn nói đến những điều ngu ngốc lỗi thời thì thật là chuyện nực cười.”

Cái gọi là thế giới văn minh của chúng ta đã lú lẫn đến mức nào!

Rút cục, ý nghĩa của những suy luận dài dòng ấy là như thế này. Các bạn, những người trẻ tuổi, những người của thế kỉ XX, nếu đúng là các bạn muốn thực hiện cái chức năng nhân bản cao cả của mình thì trước hết các bạn phải giải thoát khỏi, thứ nhất, tín điều cho rằng bạn biết hình thức tốt nhất cho xã hội loài người trong tương lai, thứ hai, giải thoát khỏi tín điều về lòng yêu nước, Nga hay Tiệp hoặc Slav thì cũng thế, thứ ba, giải thoát khỏi tín điều về khoa học, nghĩa là giải thoát khỏi niềm tin mù quáng vào tất cả những gì mà người ta truyền đến cho các bạn dưới danh hiệu là chân lí khoa học, trong đó có cả những lí thuyết kinh tế và xã hội chủ nghĩa, thứ tư, giải thoát khỏi tín điều chủ yếu, nguồn gốc của tất cả mọi điều xấu xa, đấy là tín điều cho rằng tôn giáo đã chết, tôn giáo đã là hiện tượng của quá khứ. Sau khi đã giải thoát khỏi những tín điều đó rồi thì trước hết bạn phải cố gắng nghiên cứu tất cả những vấn đề trong lĩnh vực xác định nền tảng chân lí, nền tảng tôn giáo của đời sống đã được tất cả các nhà tư tưởng vĩ đại nhất của thế giới đưa ra, và sau khi đã nắm được thế giới quan tôn giáo, bạn phải thực hiện những đòi hỏi của nó, nhưng không phải để đạt được mục đích xác định nào đó mà chỉ để thực thi cái chức năng nhân bản của chính mình, cái chức năng sẽ dẫn chúng ta đến mục đích chắc chắn là hạnh phúc, nhưng cũng chắc chắn là chúng ta chưa biết.

Previous Post
Next Post