Nỗi lo âu và sự phiền não của con người cũng giống như một cuốn từ điển bách khoa, lật hết trang này thì tiếp đến trang khác, cứ thế kéo suốt một đời cho đến khi xuôi tay nhắm mắt. Chỉ những người có tinh thần lạc quan cao độ, với sự thấu hiểu rằng hạnh phúc là hy sinh, là cho bớt đi, buông xả và đơn giản đến tận cùng, mới có thể sống trong hạnh phúc trọn vẹn dài lâu.
Lúc còn nhỏ, chưa tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh, được cha mẹ hoặc người thân nuôi nấng dạy dỗ, ta có thể có những giai đoạn không biết lo hoặc ít lo, vì vậy mới có những chuyện hồn nhiên của tuổi thơ như hái hoa bắt bướm, ở truồng tắm mưa… Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người hiện nay vẫn nhớ rất rõ những trải nghiệm về niềm đau, sự sợ hãi, nỗi cực khổ… xảy ra từ thời thơ ấu.
Khi bắt đầu biết lo, xem như ta đã tham gia vào trang đầu tiên của cuốn “từ điển phiền não”. Khi đi học, lo học cho giỏi, nếu nhà nghèo còn phải phụ cha mẹ kiếm tiền để đi học, không có đủ tiền thì chuyện đi học trở thành nỗi đau khổ ám ảnh cả một đời người. Học xong tiểu học, chuẩn bị vào trung học (thi vào lớp 6) lại lo phải đi học thêm, cha mẹ chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con, nhờ người quen để lo thêm cho chắc! Chỉ mới giai đoạn này thôi, nếu không đủ sức khỏe, ở trẻ em đã có thể xuất hiện dấu hiệu suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh!
Học hết lớp 9 lại chuẩn bị thi vào lớp 10 với biết bao lo âu như đã trình bày ở trên. Đến lớp 11, cha mẹ đã phải chuẩn bị, định hướng cho con thi vào một trường đại học phù hợp. Thông thường, việc chọn trường theo sở thích của cha mẹ, khuynh hướng của xã hội hơn là theo sở thích của con (đây cũng là một nỗi phiền não của tuổi trẻ). Những gia đình khá giả thì cho con đi học nước ngoài. Những gia đình không khá giả nhưng muốn “hy sinh” cho con cũng cầm cố tài sản để con được đi du học. Nhiều trường hợp học thành tài, vinh quy bái tổ làm rạng rỡ gia đình, gia tộc và đôi khi cho cả đất nước.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp tiền mất tật mang, con bòn rút tiền của cha mẹ, đua đòi ăn chơi, nghiện ma túy, gia nhập băng đảng hoặc lang thang kiếm sống ở đất khách quê người. Trong khi ở nhà cha mẹ không hề hay biết, đi đâu cũng khoe có con đang học ở nước ngoài! Hiện tượng này cũng là một bi kịch gây đau khổ cho nhiều gia đình hiện nay và trách nhiệm chính vẫn là cha mẹ vì không đánh giá đúng năng lực của con mình (không thể dùng chúng như những món đồ trang sức để khoe khoang!).
Những tưởng sau khi tốt nghiệp đại học xong, có công ăn việc làm ổn định sẽ được sung sướng, nhưng sự đời không dễ dàng như vậy. Làm việc ở cơ quan nhà nước có thể an nhàn hơn nhưng cũng phải cạnh tranh gay gắt, học hành, làm việc đêm ngày để mong được thăng tiến. Làm việc ở những công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài thì lương cao, có cơ hội tiếp xúc rộng, được học hành, đi đây đi đó… ai nhìn cũng thấy “ngon lành”, nhưng người trong cuộc thì chịu biết bao stress, do áp lực công việc, do phải làm ngoài giờ để lấy lòng sếp, học hành cật lực để có bằng cấp tương xứng và trong tâm trạng luôn bất an vì sợ bị sa thải, mất việc làm… Cái được và mất đều có giá của nó, đâu dễ “lấy tiền của người ta mà xài!”.
Chưa có gia đình thì nghĩ rằng lập gia đình sẽ có cuộc sống ổn định, sẽ bớt lo âu. Đến lúc lập gia đình rồi thì không biết bao nhiêu chuyện phải lo xảy đến. Chuyện cơm áo gạo tiền, cuộc sống chung làm mất đi rất nhiều tự do cá nhân, chuyện sinh con, nuôi con… Nếu vợ chồng không có tình cảm thật sự, thương yêu và biết hy sinh cho nhau thì phiền não nhất định sẽ đến, đôi khi chỉ sau những ngày trăng mật!
Chưa có nhà riêng thì cố hết sức tích lũy tiền bạc để mua đất xây nhà. Có nhà rồi tưởng rằng an cư lạc nghiệp, hết lo âu thì mới ngộ ra là không phải như vậy. Khi có nhà cũng sẽ sinh ra nhiều chuyện. Thông thường, do phải mượn tiền mua nhà nên phải thắt lưng buộc bụng để trả nợ (nếu nợ ngân hàng lại càng lo âu). Trong giai đoạn này nếu việc làm, lương bổng không ổn định thì sẽ lo lắng đến cháy bỏng cả người. Có nhà riêng sẽ phát sinh chi phí bảo dưỡng, tiền điện, tiền nước, tiền thuê người làm (hiện nay, thuê người giúp việc là một nỗi khổ lớn của nhiều gia đình). Muốn cả nhà đi chơi một vài ngày cho thư giãn cũng không dám vì sợ trộm cạy cửa (nếu không có người trông nhà)…
Có con là niềm hạnh phúc lớn lao, ai cũng đồng ý. Tuy nhiên, có con có phiền não không? Xin thưa rằng có! Lúc mới sinh ra, nhìn đứa con lành lặn, bụ bẫm… là mừng rồi (nếu có một khiếm khuyết nào đó, cha mẹ sẽ chết lặng người trong đau khổ!). Khi con còn nhỏ, sợ nhất là con bị bệnh, nhưng biết làm sao được vì trẻ con mà không bị bệnh mới lạ. Chỉ bệnh thông thường thôi, cha mẹ cũng đã lo lắng, phiền não, mất ăn mất ngủ. Nếu con mắc phải những căn bệnh nan y thì thật là khủng khiếp, cha mẹ nhiều khi phải bỏ cả công ăn việc làm để chạy chữa, nhiều trường hợp tán gia bại sản vì số tiền điều trị bệnh quá lớn. Sau bao vất vả nuôi con khôn lớn, khi con đến tuổi đi học, cha mẹ sẽ bắt đầu vào quy trình lo toan như đã trình bày ở trên.
Khi tích lũy được của cải, đủ để hưởng thụ thường chúng ta đã lớn tuổi và oái ăm thay, bệnh tật bắt đầu xuất hiện. Bệnh nhẹ còn đỡ, nếu bị bệnh nặng thì toàn bộ số tiền dành dụm được sẽ dùng vào việc điều trị bệnh. Có gia đình, có con cái, có nhà cửa, có xe cộ… cuộc sống ai nhìn tưởng như đã quá hạnh phúc nhưng hãy coi chừng, đôi khi đó chỉ là cái vỏ bọc giả tạo bên ngoài, bên trong là sự trống rỗng với niềm cô đơn và bệnh tật!
Những muộn phiền như thế kéo dài suốt cả cuộc đời, hạnh phúc thường thoảng qua, đến rồi đi rất nhanh. Chạy theo vật chất, danh vọng, chức tước, thị hiếu chung của xã hội là một cuộc đua không thể có điểm dừng và đôi khi chúng ta tự đánh mất những phần quý báu, thiêng liêng trong cuộc sống hàng ngày, để rồi phiền não! Ta chỉ có thể dừng lại khi nhận biết tính chất đích thực của hạnh phúc. Điều này thật khó, chỉ những người có tinh thần lạc quan cao độ, với sự thấu hiểu rằng hạnh phúc là hy sinh, là cho bớt đi, buông xả và đơn giản đến tận cùng, mới có thể sống trong hạnh phúc trọn vẹn dài lâu.