Có nên giành nhau như vậy?

Tôi vẫn nhớ mãi một hình ảnh được chiếu trên phim về trại tập trung Auschwitz của chế độ Đức quốc xã. Buổi sáng, những người tù gồm các trí thức, nhà khoa học, bác sĩ, giáo sư... được ra khỏi trại, đi lòng vòng trong hàng rào kẽm gai.

Họ bị bỏ đói, bị ngược đãi nhiều ngày nên chỉ còn là những bộ xương biết đi. Một người lính canh đứng trên chòi cao vứt xuống dưới sân một mẩu bánh mì ăn dở. Vậy là những người tù đói khát bỗng quên mất mình là ai, nhào tới, đè nhau, đánh nhau để tranh lấy mẩu bánh mì. Tất nhiên là chẳng ai tranh được.

Phim chỉ diễn ra trong vòng chưa tới một phút, do người Đức thu lại để làm tư liệu, khiến những người xem mấy chục năm sau như tôi không khỏi công phẫn, hổ thẹn. Người xem công phẫn vì chế độ tập trung tàn bạo của Quốc xã đã biến con người trở thành súc vật. Người ta hổ thẹn vì không ngờ các người tù trí thức vốn có lòng tự trọng rất cao, bị cái đói hành hạ cho nên bản năng vụt trỗi dậy, lấn át cả ý thức trước một miếng ăn.

Nhiều năm sau khi chế độ Đức quốc xã sụp đổ, ông Jean Paul Sartre - một nhà văn và là triết gia trường phái hiện sinh của Pháp,  đã viết trong quyển Le Malentendu (Ngộ nhận): “Trước một con người đang đói thì quyển sách của tôi không có giá trị bằng một mẩu bánh mì”. Ông phân biệt rất rõ hai mặt của đời sống con người: tinh thần và thể xác. Khi đói thì con người cần được ăn để thỏa mãn bản năng sống thuần túy của sinh lý. Chỉ khi nào được ăn xong, thì người ta mới nghĩ đến sự thỏa mãn nhu cầu hiếu tri, ham đọc sách của tinh thần.

Đất nước ta đã thật sự thoát qua đói nghèo. Cơ bản, nhân dân ta đã đủ ăn, người nghèo nhất cũng được ăn no; dù ở nơi này nơi khác thỉnh thoảng bà con nghèo có tình trạng thiếu ăn vài ngày do thiên tai nhất thời tạo ra. Đại bộ phận nhân dân đều dư ăn, nghĩa là có cái để để dành; đang hướng tới ăn ngon mặc đẹp. Thế nhưng gần đây, qua những thông tin được phản ánh trên báo đài, ta lại thấy một số ít những người trang phục đẹp đẽ nhào vào tranh giành lấy thức ăn khiến lòng chúng ta thực sự hổ thẹn.

Đài truyền hình Việt Nam đưa hai xen phim, mỗi xen dài không tới một phút. Tại một buổi tiệc buffet ở phía nam, thức ăn hơi ít. Một số người rất trẻ đã... ra tay bốc lia lịa đồ ăn cho vào đĩa của mình thay vì dùng kẹp inox để gắp. Tình hình tranh thủ từng miếng ăn khá gay cấn và phức tạp bởi nam cũng như nữ, ai nấy đều chen lấn ra tay bốc trước. Kết quả thật khả quan: những đĩa đựng thức ăn trên bàn chỉ còn là đĩa trống; những người chậm tay hay không biết tranh thủ thì phải chịu nhịn đói, đứng nhìn người khác ăn.

Xen phim thứ hai quay một cảnh ở phía bắc. Một đoàn người trẻ mặc đồ khá đẹp, chen lấn nhau tích cực chỉ để kiếm được một miếng sushi miễn phí của một cửa hàng ăn nào đó. Tôi vốn quê mùa, không biết miếng sushi gồm có những thành phần gì, độ bổ dưỡng của nó ra sao. Thế nhưng nhìn cảnh chen lấn nhau ấy, tôi cảm thấy đau đớn và tủi nhục giống như có ai đó đang chửi mắng mình, đang mỉa mai mình.

Bình luận về hai xen phim trên, một tiến sĩ xã hội học phát biểu trên đài rằng bà cảm thấy hổ thẹn khi phải chứng kiến những hình ảnh đó. Đồng cảm với bà, những người xem truyền hình hôm ấy cũng đều cảm thấy hổ thẹn. Than ôi, giữa một thời no đủ như những ngày tháng chúng ta đang sống mà vẫn còn những người trẻ mặc đẹp tranh nhau miếng ăn miễn phí đến nỗi bốc lia lịa, chen lấn xô đẩy náo loạn đến vậy sao?

Cắt nghĩa hiện tượng này, rất nhiều người cho rằng đó là “dư âm” của một thời kinh tế bao cấp. Thời bao cấp, gạo, thịt, cá, khoai lang đều bán theo chế độ tem phiếu; ai đến trước hoặc quen biết với mậu dịch viên thì mua được hàng; ai thật thà, không quen biết, không chen lấn thì không mua được. Người ta phải chen, phải lấn, phải tranh thủ ưu tiên vì trong sâu thẳm của mỗi người, họ đều sợ quyền lợi của mình bị mất, sợ sự bất công mà mình có thể là nạn nhân.

Thế nhưng, rõ ràng những người chen lấn trong hai xen phim này là những người rất trẻ. Họ chưa có kinh nghiệm đi mua hàng mậu dịch thời bao cấp và có biết chăng cũng chỉ là qua lời kể lại của cha mẹ. Tục hương ẩm của làng xã phong kiến ngày xưa “Một miếng ở làng bằng một sàng xó bếp” lại càng rất xa vời với họ, thậm chí có nhiều người không hiểu được “hương ẩm” là gì. Họ cũng không phải là những người đói khát, thiếu ăn bởi họ là những công dân của hai nơi văn minh, phát triển bậc nhất của đất nước này. Vậy thì cái gì chính là tác nhân khiến họ phải xốc tới tranh giành miếng ăn một cách vô thức như vậy?

Tôi nghĩ đến những lỗ hổng văn hóa trong nền giáo dục của chúng ta. Ai cũng có thể nói nền giáo dục chúng ta nhằm “dạy người” nhưng rõ ràng một bộ phận lớn con người thụ hưởng nền giáo dục ấy lại có một cách sống nặng về bản năng hơn là lý trí. Môn học dạy người dễ thấy rõ nhất là môn giáo dục công dân lại quá xa vời với những nguyên tắc đạo lý của dân tộc. Những vấn đề gần gũi nhất đối với trẻ con như đi thưa về trình, chào hỏi người lớn, nhường nhịn, thương yêu nhau, biết sắp hàng theo thứ tự, không tranh giành miếng ăn thức uống... đã không được bàn tới kỹ càng và thực hành để hình thành kỹ năng. Ngược lại, bộ môn học này lại nói đến những chuyện thô thiển mà cả trẻ con và người lớn cũng không biết như tên các phường trong quận, trẻ con ra tòa dân sự... lại còn bày đặt “thực hành” với những câu hỏi tào lao.

Một em học sinh thời tiểu học, thời trung học được dạy và thực hành thói quen xếp hàng, không làm mất trật tự đường phố, nhường nhịn nhau miếng ăn, không nên giành miếng ăn và phải tự trọng khi ăn uống... thì lớn lên thành người thanh niên, họ đã không có những biểu hiện nhất thời đáng tiếc này. Những nhà bác học soạn sách giáo dục công dân toàn chuyện trên trời dưới đất, chỉ chuyện làm người cụ thể trong đời sống bình thường như thế nào thì họ lại quên.

Đất nước đã trải qua một giai đoạn đói ăn rất đau đớn năm 1945; đã có người chết đói, có những người gầy guộc đem chôn người chết đói. Nhưng tạ ơn đạo lý làm người rực rỡ của dân tộc ta! Chết đói thì chết, đã không có ai ăn thịt con mình, không có ai ăn thịt đồng loại mình như một nước lân cận đã từng xảy ra. Nhân dân ta đã đùm bọc nhau, nhường cơm sẻ áo, có miếng củ chuối cũng chia nhau. Chúng ta có quyền tự hào về đạo lý làm người ấy của toàn dân tộc ta. Vậy thì thật đáng tiếc khi những người trẻ văn minh hiện đại lại quên mất mình là ai, tranh nhau miếng ăn mà mình thật sự không cần thiết.

Bạn ạ, chúng ta là người Việt Nam, có truyền thống tự trọng, có đạo lý làm người làm nền tảng. Chúng ta đang sống no đủ và cuộc sống ấy sẽ vươn lên no đủ hơn, ăn ngon mặc đẹp hơn. Chúng ta không cần thiết phải tranh nhau ăn một bữa miễn phí, một món ăn lạ của nước ngoài. Chúng ta không thể sống thuần túy bản năng, ngay trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của đời sống. Chúng ta cũng không thể làm trò cười cho thiên hạ. Tất cả mọi điều tôi đã trình bày hết. Riêng phần bạn, nếu gặp tình huống như vậy, thì chuyện ăn hay không ăn là tùy bạn chọn. Phẩm giá của dân tộc nằm trong thái độ của từng người chúng ta đó.

Previous Post
Next Post