Nghệ thuật giữa thời đại công nghiệp

Nếu ngồi kiểm điểm những giấc mơ chung của loài người, chúng ta phải thành thật nhận rằng một số những giấc mơ đó đến nay vẫn còn là những giấc mơ.

Giấc mơ thứ nhất là giấc mơ hạnh phúc. Từ thượng cổ đến nay, nhân loại lúc nào cũng đuổi theo hạnh phúc, nhưng đâu có ai dám cả quyết là con người văn minh của thế kỷ XX, XXI vừa qua sung sướng hạnh phúc hơn con người thời đại đồ đá cổ! có thể là chúng ta ăn ngon hơn, mặc ấm hơn, hiểu biết nhiều hơn. Nhưng ăn ngon mặt ấm hiểu biết nhiều hơn là một chuyện, mà hạnh phúc lại là chuyện khác. Người ta tự hỏi: Tại sao sức sản xuất của một thế kỷ vừa qua, vượt mức sản xuất của toàn nhân loại từ trước đến giờ cộng lại, nhưng con người lại khổ hơn, cô đơn hơn, lo lắng về tương lai hơn bao giờ hết? ấy thế nên các thi nhân đã tốn nhiều giấy mực để ca tụng, tiếc thương cái thời mà đầu đội trần, chân đập đất, ngủ không cần giấc, ăn không cần giờ, không có của cải để tranh giành, không có thù địch để mà giết chóc.

Giấc mơ thứ hai là giấc mơ trường sinh bất tử. So sánh với trăng, sao, sông, núi, kiếp sống 100 năm của con người quả thật là ngắn ngủi. Cho nên lúc nào loài người cũng hăm hở tìm kiếm sự trường sinh bất tử. Hết dùng ma thuật lại thí nghiệm tiên đan; hết nấp sau tín ngưỡng, tôn giáo, lại mải mê lý luận siêu hình. Rốt cuộc, ma thuật và tiên đan đều là huyền hoặc: Các thầy phù thủy, các đạo sĩ luyện tiên đan đều chết như mọi người, có khi còn chết trước mọi người. Lịch sử đã cho biết có đến hơn 180 hoàng đế Trung Hoa đã chết vì tiên đan. Còn tôn giáo và triết học chỉ dạy chúng ta sự chết, dạy cho chúng ta chấp nhận sự chết chứ không thực sự che chở cho chúng ta thoát khỏi bàn tay tử thần. Chỉ còn hy vọng vào khoa học. nhưng khoa học càng phát minh nhiều phương tiện tối tân để trị liệu bệnh tật thì hình như càng xuất hiện nhiều căn bệnh quái ác, và nhất là những võ khí giết người lại càng hữu hiệu hơn.

Nhân loại đã làm đủ thứ cách mạng: Cách mạng thế tục để lật đổ thần quyền, cách mạng dân chủ để lật đổ vương quyền, cách mạng nông nghiệp để chấm dứt chế độ du mục, cách mạng kỹ thuật công nghiệp để chấm dứt chế độ thủ công… nhưng chưa có cuộc cách mạng nào lật đổ được thần chết, và trên cái vũ trụ đã được tôn giáo cùng triết học trao cho những ý nghĩa thâm trầm nhất, đã được khoa học soi sáng đến tận những chỗ sâu kín nhất, trên cái vũ trụ đó, bóng của tử thần vẫn sững sờ, y nguyên và bao trùm khủng khiếp.

Bên cạnh những thất bại đó, loài người cũng đã thành công trong nhiều lĩnh vực. Và một trong những giấc mơ diễm tuyệt nhất của loài người đã trở thành thực sự trong nửa cuối thế kỷ XX là sự chinh phục tốc độ.

Tốc độ là giấc mơ thiết tha, xưa cũ bậc nhất của loài người. Có lẽ còn thiết tha xưa cũ hơn cả giấc mơ hạnh phúc và trường sinh bất tử. Bởi vì trước hết phải sống đã, rồi nhiên hậu mới nghĩ tới chuyện sống lâu và sống sung sướng.

Trong thời tiền sử, thức ăn chính của con người là muôn thú và khí giới độc nhất để giết muôn thú là đôi tay. Mà đôi tay dù có mạnh đến đâu chăng nữa thì cũng dễ phải chết vì nanh vuốt của muôn thú. Thế mà phương diện tốc độ của loài người thời ấy chỉ hơn có loài rùa. Phải nhanh, nhanh nhiều hơn nữa thì mới có thể sống được. Cho nên những chuyện đề khí, phi thân, đằng vân, độn thổ, vụt biến, vụt hiện không chỉ là sản phẩm do óc tưởng tượng của những người nằm bên khay đèn á phiện. Những cách di chuyển nhanh chóng và hoang đường như vậy, ta thấy bàn bạc trong những chuyện thần thoại của hầu hết các dân tộc trên trái đất và nhằm thỏa mãn phần nào cái nhu cầu dai dẳng về tốc độ đã trở thành ám ảnh truyền kiếp đối với loài người.

Tốc độ của con người sơ khai tùy thuộc hoàn toàn vào hai chân và bước đi của con người là đơn vị đo lường 4km/giờ. Vài trăm ngàn năm sau, con người chinh phục được ngựa thì tốc độ tăng lên gấp 6, 7 lần, cho đến tận cuối thế kỷ XVIII, tốc độ ấy không nhúc nhích. Nhưng chưa đầy 150 năm sau, nó đã lên gấp 500 lần, vượt qua tốc độ âm thanh với những phi cơ phản lực bay nhanh trên 2000km/giờ. Và chỉ hơn 10 năm sau, nghĩa là giữa thập niên 60 của thế kỷ XX, tốc độ đã tăng lên gấp 10.000 lần với những con tàu vũ trụ: Chúng ta điều biết rằng muốn thoát khỏi hấp lực của trái đất, các con tàu vũ trụ phải bay với tốc độ 39260km/giờ đây là một thành công vẻ vang của trí tuệ, một biến cố vô cùng trọng đại mà nếu suy ngẫm cho kỹ, chúng ta không khỏi giật mình kinh ngạc. Bởi vì biến cố trọng đại đó không thể không ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống con người. Chúng ta đã tạo ra một thế giới mới: thế giới của tốc độ và chúng ta là những người sống trong thế giới đó. Dù chúng ta muốn hay không muốn nó cũng sẽ nhào nặn chúng ta.
Tốc độ là đặc điểm then chốt phân biệt thời đại chúng ta với thời đại trước. Các thế hệ đã qua, theo đuổi một trình độ lý tưởng, ở đó những giá trị tinh thần của con người coi như đạt tới sự toàn thiện toàn mỹ. Cái trình độ lý tưởng ấy mang nhiều tên khác nhau: Phật giáo gọi là Niết Bàn, Nho giáo gọi là Thái hòa, Lão giáo gọi là Đạo, Bà La Môn gọi là At Man, Platon gọi là thế giới lý tưởng nhưng tựu chung, các hệ thống tư tưởng lớn từ Đông sang Tây cố gắng đưa chúng ta tới đó, tới cái điểm tối đa mà mọi người tự thể hiện được mình và có thể nghỉ ngơi sau khi đạt được cứu cách.

Ngày nay không như thế nữa. Giấc mơ một sự hoàn bị tối hậu đã vỡ tan. Từ đầu thế kỷ XX, chúng ta đã tham dự vào một cuộc chạy đua càng lúc càng mau, càng ngày càng vội. Cuộc sống giờ đây kéo chúng ta theo một nhịp độ hối hả, nhiều lúc chúng ta thiếu điều hụt hơi. Chúng ta chạy rồi chúng ta lại đuổi. Vấn đề duy nhất của thế hệ hôm nay hình như là làm sao càng nhanh càng tốt. Không những chúng ta phải đi nhanh, viết nhanh, đổi mốt nhanh, sản xuất nhanh, thảo luận nhanh mà còn phải nhanh trong lĩnh vực cách đây mấy chục năm ông cha chúng ta còn nhất thiết đòi hỏi sự chậm rãi, từ tốn, như đọc sách chẳng hạn, ông cha chúng ta phải khoan thai nghiền ngẫm; không những đọc các chữ viết ra, mà phải cố gắng đọc những chữ chưa được viết ra vì lẽ thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý. Ngày nay, có những lớp chuyên dạy mỗi phút phải đọc cho được trên 100 chữ. Ngày trước, ông cha ta đuổi theo sự quân bình; ngày nay chúng ta nghĩ cách phá vỡ thế quân bình, vì thế quân bình làm cho chúng ta thành thế bất động. Tượng trưng cho thế hệ ngày nay là hình ảnh một chiếc máy bay: Càng bay nhanh càng vững; ngừng lại là rớt là chết!

Đời sống của con người trải qua bao nhiêu thế hệ vẫn nằm trong giới hạn trên dưới 100 năm. Đã không thể sống lâu hơn thì phải tìm cách sống nhiều hơn. Mà muốn sống nhiều hơn thì phải rút ngắn các hành vi trong thời gian: Mỗi hành vi càng nhanh càng hay, càng chứa đựng nhiều càng tốt, càng hữu hiệu càng quý. Từ xưa tới nay, con người luôn đuổi theo mục tiêu đó. Và tất cả máy móc, dụng cụ mà kỹ thuật cùng với khoa học đã chế tạo cũng chỉ cốt làm cho hành động chúng ta nhanh chóng và hữu hiệu.

Trong cái thế giới của tốc độ do chính chúng ta tạo ra đó, cái gì xảy đến cho tâm hồn con người?

Thoạt đầu máy móc là nô lệ của con người nhưng rồi máy móc ảnh hưởng ngược lại con người chế tạo ra nó. Như đồng hồ là để đo thời gian nhưng dần dần đồng hồ ảnh hưởng ngược lại chúng ta một cách nặng nề. chúng ta chỉ thấy đói vào những giờ nhất định, buồn ngủ vào giờ nhất định, và có nhiều việc cũng gây chúng ta bực mình như bận việc về trễ giờ cơm một chút là “Phu nhân” ỷ ôi, lục vấn; đến nỗi có lúc muốn đập quách cái đồng hồ cho rảnh nợ. Nhưng nếu cái đồng hồ bị hư mất đi thì ta lại tưởng chừng như không làm được việc gì nữa.

Máy móc không thể giống con người. Nhưng muốn sử dụng máy móc, chúng ta phải thích nghi với nó. Máy móc cũng tỏ ra khó tính và con người nhượng bộ lần lần để đi tới chỗ tự xa dần với chính mình và chỉ còn tuân lệnh của máy móc. Bị thiệt thòi nhiều nhất là đời sống nội tâm, bởi vì nội tâm cản trở tốc độ: Thương nhớ, buồn vui, cảm xúc, nghĩ ngợi, phán đoán, suy luận… tạo nên những giây phút ngập ngừng mà máy móc không thể chấp nhận.

Ngày xưa, người cỡi ngựa là một sinh vật điều khiển một sinh vật khác. Con ngựa tuy thấp kém nhưng chắc chắn có những cảm giác, những phản ứng tương tự như con người. Vì vậy muốn trở thành một kỵ mã giỏi, phải hiểu tâm lý ngựa, phải tiên liệu những phản ứng tự nhiên của ngựa mới dễ bề điều động.

Ngày nay, đối với bác tài xế xe hơi, những khả năng đó trở thành thừa thãi, vô ích nếu không muốn nói là nguy hiểm. Bởi vì người tài xế giỏi chỉ cần có xung động mau lẹ và chính xác, phải thắng được sự chậm trễ của suy nghĩ, phải bóp chết tiếng nói tự do tâm lý, cũng như toán học đã loại trừ những cái mà con người gọi là bất ngờ.

Vậy thì máy móc đòi hỏi nơi người sử dụng nó những xung động tức khắc. Người sử dụng máy dần dần cũng trở thành tự động, thản nhiên như cái máy và máy móc có một đặc điểm thiết yếu là tề nhất. Trong khi con người chúng ta là một cá nhân riêng biệt không giống ai. Dù anh em sinh đôi đi nữa vẫn yêu, ghét, chăm, lười, cao thượng, bần tiện…cũng khác nhau. Máy móc không thế. Một ngàn cái xe hơi cùng một đợt chế tạo giống hệt nhau. Sự tề nhất của máy móc đưa đến sự tề nhất của chủ nó là con người. Trước những máy móc giống hệt nhau, nếu ta cảm nghĩ, quan niệm một cách khác thì chỉ khiến ta sử dụng sai lầm hay chậm trễ. Con người hiện đại chấp nhận định luật của máy móc: Đó là sự định chuẩn (standardition). Mỗi cái máy móc gồm nhiều bộ phận và mỗi bộ phận có thể thay thế bất cứ lúc nào. Tình trạng này càng ngày càng rõ rệt tại các nước văn minh tiên tiến. Và các nước đó bị thúc đẩy bởi cùng một động lực: Đào tạo những con người tề nhất mà đời sống tâm linh dần dần bị hóa giải để thành cái máy thực hiện tốc độ. Còn sinh hoạt nội tâm càng ngày càng thu hẹp, nhất là tình cảm ngày càng nghèo nàn. Kẻ nào còn để cho tình cảm ngự trị, không biết tôn thờ tốc độ, kẻ đó coi như lạc hậu, lỗi thời để rồi sẽ bị xã hội vượt qua, gạt bên lề.

Tình cảm chỉ còn sót lại trong nghệ thuật. Xã hội chấp nhận nghệ sĩ, quý trọng họ bởi vì xã hội nhờ nghệ sĩ thay mình sống bằng tình cảm rồi thông báo kết quả cho mình. Nghệ sĩ không chỉ “cảm thấy” mà dường như “cảm thấy thay” cho người khác. Người khác hoan nghênh nghệ sĩ nhưng đồng thời lại cho nghệ sĩ không thực dụng, không ích lợi thiết thực cho xã hội.

Nghệ thuật trở thành những trò chơi sang trọng, đắt giá nhưng hầu như phù phiếm. Họ quý trọng những thiên tư về nghệ thuật mà chính mình không có nhưng trong thâm tâm lại lấy làm hài lòng vì chính mình đã không có những thiên tư nghệ thuật ấy.  Đó là lý do thầm kín khiến cho các bậc phụ huynh mỗi khi thấy con em ngỏ ý muốn theo học trường Y, trường Bách Khoa, Kỹ Nghệ thì vui mừng tán dương; còn con em ngỏ ý theo học ngành họa, nhạc hay điêu khắc thì thở dài nếu không tìm cách ngăn cản ./.

Previous Post
Next Post