Uống rượu làm hại mình

Uống rượu làm hại mình, đó là một hành động vô đạo đức với mình. Rượu gây tác hại vào thân, khiến cho nhiều sự khổ đau xảy ra như:

1- Hại thứ nhất: Rượu khiến cho cơ thể nghiện ngập, khi cơn nghiện khởi lên thì người nghiện rượu bắt đầu ói mửa, khạc nhổ, cơ thể họ khó chịu, họ không còn làm ăn bất cứ một việc gì được nữa. Muốn biết rõ cơn nghiện rượu khởi lên hành hạ cơ thể như thế nào thì chúng ta nên đến gặp những người đã nghiện rượu mà hỏi họ, thì họ sẽ kể lại cho chúng ta nghe rất cụ thể, rõ ràng khi “ma rượu nhập”.

2- Hại thứ hai: Rượu có chất độc kích thích thần kinh khiến ta nhớ lại chuyện cũ năm xưa. Cho nên, người uống rượu say có khi khóc than, thương tiếc một điều gì đã xảy ra trong quá khứ lâu xa; nhưng cũng có khi lại tức giận, sân hận, la hét, đánh đập, hăm dọa, chửi mắng người khác, làm động làng, động xóm; có khi lại nói lẩm bẩm trong miệng giống như một người điên; có khi đụng đâu nằm đó ngủ, không cần biết dơ sạch, chuồng gà, chuồng heo, chuồng bò, đều vào nằm ngủ như thường; có khi lại nằm ngủ theo vệ đường, ói mửa hôi hám, bẩn thỉu, quần áo xốc xếch, múa chân múa tay, chân đi ngã tới ngã lui không vững vàng; có khi lại hát nghêu ngao, v.v...

Người say rượu không còn trí sáng suốt minh mẫn, không phân biệt thiện ác, tù tội. Nên khi say rượu họ cầm dao giết người dễ như chơi. Đó là hành động tự làm khổ họ, tự làm hại họ mà họ đâu có biết.

3- Hại thứ ba: Bản thân, vợ và con là những người họ thương yêu nhất. Nhưng khi đã nghiện rượu rồi thì họ bất kể... Họ tuyên bố: “Thà bỏ vợ chứ không bỏ rượu”. Coi như họ đã tự hủy hoại chính bản thân, rồi dám phế bỏ cuộc đời của vợ và cả tương lai con cái. Họ không còn là một người có nhân nghĩa nữa. Người uống rượu tự hạ phẩm cách của mình như vậy, cho nên không còn đủ tư cách của một người chồng, người cha nữa. Từ đó vợ con họ không còn nể nang, không thể nghe lời dạy bừa, những lời bắt nạt, những lời thiếu sáng suốt ấy. Do vậy, hạnh phúc của họ bị chôn vùi, vợ và con cái của họ luôn sống trong cảnh chán trường, mặc cảm. Việc học tập của con cái, các công việc trong gia đình họ đều thua sút mọi người, vì người là rường cột trong gia đình đã... hư hoại.

Trong xã hội, chúng ta đã từng chững kiến quá nhiều cảnh bức xúc tột độ của những người vợ khốn khổ có chồng say xỉn... Vì sống không chịu nổi cảnh chồng say xỉn, đánh đập, chửi mắng... nên người thì muốn đi tự tử; người thì nhiều lần làm đơn ly dị; người thì đã ra hòa giải và ra tòa... rượu đã làm gia đình tệ hơn địa ngục. Nếu nhà nước vì thương dân, ra lệnh cấm rượu và thuốc lá... thì đó là niềm vui thật sự của toàn dân (Những người nghiện cũng chỉ khổ có một thời gian ngắn thôi, cai nghiện là hết khổ. Khi ấy, họ cũng sẽ cảm ơn nhà nước).

4- Hại thứ tư: Hao tốn tiền bạc một cách không ích lợi (mua rượu uống). Nếu mọi người trên thế gian này đừng uống rượu, mà số tiền tiết kiệm đó được để dành cứu giúp cho những nước chậm phát triển còn nghèo đói, thì có thể thế giới sẽ xóa đói giảm nghèo dễ dàng.

5- Hại thứ năm: Người uống rượu phần đông cơ thể sinh ra nhiều bệnh, như bệnh phù nề, bệnh xơ gan, bệnh tim, v.v... Tuổi thọ bị giảm. Trong gia đình chúng tôi có nhiều người uống rượu, chết khi tuổi còn trẻ với những bệnh mà chúng tôi đã nói ở trên.

Thưa các bạn! Một hành động vô trách nhiệm đối với bản thân mình, tự làm hại mình đủ mọi cách đau khổ như vậy. Thì các bạn nghĩ sao? Có nên lên án kết tội những người uống rượu chăng? Trên đời này, không có pháp luật nào kết tội những người tự làm hại mình bằng cách uống rượu say. Người uống rượu làm hại mình chỉ có tòa án lương tâm mới kết tội trạng của họ.

Hỡi các bạn uống rượu! Ai là người làm hại các bạn? Chính các bạn đã làm hại các bạn một cách tận cùng đau khổ của kiếp người. Các bạn có biết chăng? Các bạn hãy lên án tử hình rượu, rượu là những kẻ giết bạn chết trong đau khổ, chết trong dần mòn.

Ở trên đời này, người ta rất sợ mình vô minh. Vì mình vô minh, mình mới làm hại mình, mới hút thuốc lá, thuốc lào, mới uống rượu để rồi tự thuốc lá, thuốc lào và rượu sẽ giết chết dần mòn cơ thể của các bạn. Các bạn có biết chăng? Chính mình vô minh biến mình thành người vô đạo đức, gây ra bao nhiêu tội ác cho mình, cho người khác.

Các bạn có thấy chăng? Có hiểu chăng? Vì say rượu các bạn không còn trí khôn ngoan, do đó các bạn có thể làm bất cứ một điều gì: giết người, trộm cướp, hiếp dâm, nói dối, hung dữ, tàn ác, v.v... Các bạn có thấy những điều đó xảy ra ở một người say rượu chưa? Chắc chắn là trong đời của các bạn, không những một lần mà đã nhiều lần chứng kiến một người say rượu đánh đập vợ con, chửi mắng cha mẹ, anh chị em và ngay cả xóm giềng bà con.

Khi say rượu, các bạn đã thành một người vô đạo đức với các bạn và với mọi người... Vì thế, các bạn giống như một con chó điên, đụng đâu căn đó, chẳng biết đâu là ke trộm, đâu là chủ nhà.

Này các bạn! Rượu là những thứ độc dược, có thể giết các bạn chết, chết trong sự dần mòn, chết trong sự bệnh tật khổ đau.

Khi rượu thấm vào thân bạn, có thể làm cho các bạn trở thành người điên khùng mất trí, trở thành người ngu si, dại dột. Vậy các bạn nên tránh xa, nên từ bỏ và từ bỏ một cách vĩnh viễn. Thấy rượu như thấy rắn độc, như thấy một loài vật nguy hiểm nhất cho đời các bạn.

Người uống rượu say lề mề, đi ngã tới ngã lui, giọng nói ú a, ú ớ, lè nhè lập đi lập lại một câu nói chẳng ra gì mà vẫn bảo rằng: “Rượu lễ, rượu nghĩa”, thì thật là đau lòng.

Phải không hỡi các bạn? Lễ nghĩa gì? Khi một người say rượu thì phẩm hạnh đâu còn. Giá trị đạo đức của một người say rượu còn đâu mà nói nữa. Phải không hỡi các bạn? Chính người say rượu họ đã tự chà đạp lên giá trị phẩm hạnh, đạo đức của họ, thì còn ai kính trọng họ? Khi gặp một người say rượu người ta thường bảo nhau như thế nào? “Đồ say rượu”. Chữ “đồ” dùng ở đây như một thứ đồ bỏ. Người ta tránh xa người say rượu như tránh xa một con chó điên.

Người ta lợi dụng lễ nghĩa để uống rượu một cách thoải mái, nếu có ai bảo uống rượu như thế này, như thế khác thì họ bảo rằng: rượu lễ, rượu nghĩa, rượu xã giao thì còn ai dám nói đến những người uống rượu, động đến họ là động đến lễ nghĩa, văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nghiện rượu và thuốc lá đã giết chết biết bao nhiêu người trong đất nước này, quê hương này và còn hại biết bao nhiêu tuổi trẻ thanh thiếu niên khi rượu chè, bài bạc, đã phí mất cả tuổi thanh xuân mà chẳng làm lợi ích cho mình, cho gia đình, cho xã hội và đất nước quê hương.

Con người chưa hiểu biết về đạo đức làm người thì làm sao thấy rượu là một thứ độc dược? Các nhà y học bảo: “Uống rượu nhiều sanh ra bệnh tật”. Một thứ độc dược dễ kích thích thần kinh, khiến cho những chàng thanh niên sức sống đang lên, đi vào đường tội lỗi.

Nhờ rượu kích thích thần kinh, các chàng trai này mới quậy phá xóm làng bất an, khiến cho mọi người ăn không yên bữa, ngủ không ngon giấc. Thật là đau lòng nhìn con của cháu chúng ta mà không cầm được giọt nước mắt thương tâm! Tương lai đất nước sẽ ra sao đây! Đừng nghĩ rằng rượu có thể gợi hứng những đề tài thơ văn, hoặc làm cho vơi bớt những nỗi buồn phiền khổ đau trong lòng.

Nghĩ như vậy không đúng các bạn ạ! Các bạn hãy suy nghĩ lại đi, đừng hiểu một cách lầm lạc như vậy. Hiểu lầm lạc như vậy thơ văn của bạn sẽ không có giá trị.

Còn nghĩ rằng: các bạn đã tự uống rượu và hút thuốc lá để giải sầu thì các bạn đã tự giết chết mình rồi, các bạn đã tự đem bệnh khổ vào thân. Các bạn có biết chăng? Giá trị phẩm hạnh của các bạn chỉ một lần say rượu thôi! Cũng đủ chôn vùi dưới lớp bùn nhơ hôi thối. Chỉ một lần say rượu thôi! Các bạn là người có lương tâm, lương tri thì các bạn cũng chẳng dám nhìn mặt ai. Nhất là cha mẹ, vợ con. Còn nếu các bạn là người mặt chai mày đá thì mới thản nhiên nhìn mọi người được.

Nhà thơ, nhà văn mà nghĩ rằng: lấy rượu và thuốc lá, thuốc lào để gợi hứng nguồn thơ văn, nghĩ như vậy là sai. Thơ văn mà do thuốc lá thuốc lào và rượu kích thích làm ra.

Đó là một loại thơ văn tưởng. Nó chỉ ru ngủ cho những tâm hồn lãng mạn cùng với sự sống thiếu thực tế, chỉ biết thương vay, khóc mướn cho trí tưởng tượng. Đối với đạo đức nhân bản - nhân quả làm người, thì loại thơ văn này được xem là ác pháp, khêu gợi lòng thương nhớ buồn khổ cho mọi người, chứ chẳng đem lại cho họ sự an vui, hạnh phúc nào cả. “Sóng gợn trường giang buồn điệp điệp”, hay: “Thuyền về bến cũ sầu muôn ngả”. Hai câu thơ này là do trí tưởng tượng làm ra. Người không buồn khổ đọc hai câu thơ này cũng cảm thấy trong lòng một nỗi buồn man mác.

Thơ văn viết ra là làm lợi ích lớn cho loài người, cho đời vì nó là những món an tinh thần. Cho nên, những thơ văn viết ra phải bằng một sự tư duy chân chính, do từ một khối óc biết thương yêu mình và mọi người, biết không làm khổ mình, khổ người. Đó là những loại thơ văn không bị những loại độc dược, rượu, thuốc lá và thuốc lào kích thích.

Những loại thơ văn ấy là những loại thơ văn làm lợi ích cho đời, mang lại cho đời những niềm vui chân thật trong một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Thơ văn do rượu, thuốc lá và thuốc phiện gợi cảm hứng là loại thơ văn đồi trụy, trụy lạc đầu độc tư tưởng thanh thiếu niên đi vào dục vọng tội lỗi; thơ văn ảo tưởng đưa con người xa rời thực tế; thơ văn lãng mạn gợi lên lòng người những nỗi sầu đau, thương vay khóc mướn, v.v... Đó là những loại thơ văn không đúng đắn, tạo ra nhiều khổ đau cho loài người.

Thưa các bạn! Chính các bạn dùng rượu, thuốc lào và thuốc lá để làm vơi bớt sự buồn phiền trong lòng, thì đó là một lối tránh né, trốn chạy, v.v... Do sự tránh né, trốn chạy như vậy, các bạn là những người hèn nhát.

Một người không dám chủ động đương đầu với một sự thật của cuộc đời mình, không dám chuyển hóa nhân quả mà chỉ than khóc, chỉ biết làm cho mình khổ thêm, chỉ biết uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào cho say để quên đi nỗi lòng cay đắng, sầu muộn. Đạo đức nhân bản - nhân quả không dạy chúng ta làm những điều ngu ngốc, hèn nhát đó; mà dạy chúng ta biết nhìn thẳng, nhìn vào một sự thật; luôn dạy chúng ta đương đầu với sự thật. Nhờ có đương đầu với sự thật, ta mới dùng sự suy nghĩ chân chánh quan sát nhân quả, để hóa giải và đem lại sự bình an cho mình, cho người.

Trở lại vấn đề, người có đức bi tâm là người không làm hại mình; không làm hại mình là người không bao giờ hút thuốc lá, thuốc lào và uống rượu. Từ xưa đến nay, có những người không hút thuốc lá, thuốc lào và không uống rượu. Nhưng vô tình họ không biết rằng họ là những người không làm hại họ, họ là những người sống có đạo đức thương mình, thương mọi người.

Đến nay, bộ sách đạo đức làm người ra đời đã vạch ra một sự thật, một sự thật mà mọi người không ngờ đến, một sự thật rất lạ nhưng không lạ, một sự thật chính mình lại phũ phàng với mình, một sự thật để mọi người biết rõ những cái lỗi lầm xưa nay của mình, do mình tự làm hại mình, tự mình vô đạo đức với mình, tự mình làm khổ mình, tự mình làm khổ cả những người thân và cuối cùng tự mình giết chết mình mà không biết, không hay một chút nào cả.

Rượu là một tên sát nhân giết người và nó đã giết nhiều người khắp nơi trên thế giới. Vậy mà nó vẫn còn ung dung sống ngoài vòng pháp luật. Hiện giờ, nó đang được tự do và tiếp tục giết người. Thế mà loài người không có một biện pháp nào mạnh mẽ, một đạo luật nghiêm minh, để lên án và trừng trị tên giết người này. Theo chúng tôi nghĩ: Tội của nó phải bị kết án tử hình. Có sử phạt như vậy thì vĩnh viễn loài người mới được bảo vệ bình an.

Trưởng Lão Thích Thông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post