Nước ta có 20 thế kỷ dùng chữ Hán, kể từ thời Bắc thuộc. 10 thế kỷ chữ Nôm đánh dấu thời kỳ tự chủ. Việc thi cử cũng sắp được một ngàn năm. Ta thử cùng nhau nhìn lại dưới một góc nhìn mới để xem thấy được gì.
Trước đó, khoa cử còn thiếu, các đời Đinh, Lê về trước chưa có thi cử, việc tuyển chọn người chỉ là tùy tiện, không câu nệ cũng không phép tắc gì cả. Kể từ năm1072, đời Lý mới mở khoa thi để chọn người có tài ra giúp nước. "Con đường tìm người tài giỏi, trước hết là khoa mục, phàm muốn thu hút người tài năng, thì người làm vua một nước không thể nào không có khoa cử" (Trích Lịch triều hiến chương loại chí [LTHCLC], của Phan Huy Chú, phần mở đầu chương Khoa mục chí).
Cái mục đích mở khoa thi đã rõ ràng: chọn người có tài. Nhưng chọn thế nào? Chọn bao nhiêu, chọn người ở đâu và chọn ai? Chính ba câu hỏi trên là mấu chốt của bài viết này. Bài viết để con số nó nói dựa trên hai tài liệu chính: LTHCLC đã nêu trên và Quốc triều hương khoa lục (QTHKL) của Cao Xuân Dục. Tài liệu đã đành là vẫn có đó, vấn đề là nhìn ra nó muốn nói gì.
1. Chọn bao nhiêu? Những con số biết nói
Số đi thi thì nhiều, chọn thì ít. Thời nào chả vậy. Nhưng ít bao nhiêu, ít đến ít quá ít thì mục đích chọn của thi cử không còn nữa. Nói một cách khoa học thì chọn như thế chỉ cho một kết quả xác xuất. Nói bình dân gọi là rút thăm hay xổ số. Thi cử đỗ đạt quá ít đã nảy sinh ra khá nhiều lối giải thích, lối an ủi mà thực sự chả có liên quan gì đến thi cử. Ông Trời cũng bị vạ lây.
Chẳng hạn, người ta tự an ủi là học tài thi phận, tại số trời, tại đất, tại mồ mả chưa phát, thầy địa lý nói, thầy tướng số bảo, tại năm tháng hạn, tại hồn ma báo oán. Đã có khá nhiều những giai thoại về thi cử như thế chắc không cần phải kể ra đây. Những giai thoại như thế chẳng nên tiếp tục kể lại mặc dù bây giờ chỉ là mua vui. Cái đúng nhất và cái cần nói là tại chế độ thi cử, tại nội dung bài thi, tại chế độ chấm thi và nhất là tại chế độ học. Chế độ thi cử là nguyên do chính tiêu hao nhân tài, nó như cái máy chém kéo lê khắp nơi, hết năm này qua năm khác.
Cái máy chém thi cử đó đã chém hàng triệu người, trong đó không thiếu những nhân tài cho đất nước mà cái tội duy nhất chỉ là thi không đỗ. Thi không đỗ đáng nhẽ đổ lên đầu triều đình, người ra đề thi, người dậy thi và người chấm thi. Việc không thi đỗ cuối cùng tìm ra được một lời bào chữa: tại số phận. Lời bào chữa đó đã như một trạng sư tài giỏi khỏa lấp tất cả những thiếu sót của thi cử. Mọi người từ trên xuống dưới, ngay cả nạn nhân là các nhà nho cũng đồng thỏa thuận như vậy. Trồng một cây không ra hoa trái thì lỗi tại cây hay tại người trồng? Chuyện đơn giản như thế mà cả ngàn năm vẫn không vỡ lẽ ra được.
Người ta còn có thói quen nói tới thi cử là nói tới người đỗ. Ai đỗ, con nhà ai, gia đình nào và chia sẻ cái hạnh phúc đó theo cái cách: một người làm quan, cả họ được nhờ. Phần người viết, cố gắng làm sao thu tập được con số người rớt. Rớt mới là quan trọng. Rớt bao nhiêu so với đỗ. Cái rớt đáng nói và mang nhiều ý nghĩa về thực trạng thi cử, về thực trạng xã hội, về những bất công tuyển chọn và xa hơn nữa về số phận con người.
Vào năm 1463, triều đình lấy đỗ 40 người trên số dự thi là 4400. Năm 1502, vào tháng hai, có 5000 người dự thi cử nhân, lấy đỗ 62. Năm1514, có 5700 dự thi, con số tụt xuống còn 43. Nhưng con số 5000 người rớt chưa phản ảnh đúng thực tế thi cử. Bởi vì đừng quên rằng, đa số thí sinh đã bị loại ngay ở quận huyện. Tỉ lệ thi đậu sẽ là một phần ngàn. Ngàn người lấy một. Trớ trêu là ở chỗ đó.
Thời nhà Nguyễn, chỉ riêng trường thi ở Huế, trong suốt 105, có 42 khóa thi Hương, lấy đỗ tất cả được 1263 ông cử. Chia đều ra, mỗi năm có được 10 người thi đậu. Con số đó quá ít ỏi so với các người đỗ tiến sĩ dưới thời Hồng Đức cách đó hơn 300 năm. Năm Hồng Đức thứ 9, tức vào năm 1478, lấy đỗ tiến sĩ 62 người, Hồng Đức thứ 15, lấy đỗ 60 người, Hồng Đức thứ 21, năm 1490, 54 người. Xem như thế, dưới triều Nguyễn có sự tụt hậu về thi cử. Gia Long đã biết mở nhà Quốc Học ở Huế, thiết lập các chức đốc học ở tỉnh, giáo thọ, huấn đạo ở phủ huyện.
Vậy mà thi cử kết quả còn ngặt nghèo quá, rồi đã bãi bỏ chức trạng nguyên, bãi bỏ thi Hội. Mãi đến đời Minh Mạng mới cho mở lại thi Hội. Cái thói quen ngặt nghèo đó còn dây dưa đến ngày nay. Trong các kỳ thi tú tài, giám khảo nào nới tay bị đồng nghiệp ném cho cái nhìn khinh miệt. Phải xiết, phải cho ít điểm mới có chất lượng, nhất là môn văn. Tại sao Toán có thể cho 18, Văn không thể cho như vậy? Sự u mê bắt đầu từ chỗ đó.
Hãy xem ông Đố Nhuận viết vào năm 1484: "Việc lớn trong chính trị của Đế Vương, chẳng gì gấp bằng nhân tài. Trước kia 6 năm một khoa thi, nay theo chế độ nhà Chu (Giá bỏ được câu này thì hay biết mấy), định lệ ba năm một khoa thi. Trước kia, lấy đỗ chẳng qua vài ba chục người, nay lấy rộng người thực tài không lo bội số. Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức, cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng, đời sau không thể theo kịp." (LTHCLC, phần Khoa mục chí)
Quả là đời sau không theo kịp, nhất là dưới thời nhà Nguyễn, xét về con số người thi đậu. Nếu tính chung 32 khoá thi, từ 1807 đến năm 1858, toàn quốc có 3594 người thi đậu. Một con số quá ít đến vô nghĩa trong một đất nước có từ 600.000 người đến 1 triệu người dự thi tuổi trung bình từ 18-60, tính bình quân mỗi năm có 71 người thi đỗ trên toàn quốc. Cái câu học tài thi phận, nếu dựa trên con số chẳng đúng tý nào cả.
Hậu quả từ những con số
Hậu quả thứ nhất là số người đi thi mỗi năm mỗi đông thêm, dồn cục những người thi rớt từ những khoá thi trước. Tỉ dụ năm trước có hơn 60 vạn người đi thi, năm sau kể như vẫn con số đó thêm vào 5 vạn người mới và cứ thế gia tăng không ngừng. Rớt kỳ này, thi kỳ sau, thi tiếp, có khi đi thi cả đời. Ông nội Ngô Tất Tố thi bảy lần, bố ông sáu lần, ông Tố hai lần. Trong thư mục của cụ Hoàng Xuân Hãn do Tạ Trọng Hiệp soạn có nêu ra trường hợp ông Đoàn Tử Quang tuổi già đến 83 tuổi mới đậu thi Hội cùng với cụ Phan Bội Châu năm Canh Tý 1900.
Nếu cứ cho rằng, cụ bắt đầu đi thi từ năm 20 tuổi và cứ ba năm một kỳ thi, chưa kể ân khoa, cụ Đoàn Tử Quang đã dự 21 khóa thi mà không lấy gì làm bằng chứng là cụ rớt vì dốt. Cái điều trớ trêu sau đó là triều đình đã ân thưởng cái tinh thần trì chí đi thi của cụ. Người đời sau xúm vào khen cụ như một kỳ tích trong thi cử. Thật ra phải tội nghiệp cho ông già bị kết án chung thân vào vòng lao lý thi cử. Cứ lý lẽ mà nói, đó là điều cực kỳ vô lý.
Học để làm gì, để cả đời đi thi, ăn - học như hai nhịp của đời sống kéo lê cả đời với loa toan, không biết ngưng nghỉ, rồi ê a suốt ngày như quốc kêu đến hàng xóm sốt ruột, giấy, quyển đã rách, đã mòn, thay mấy quyển mà người học vẫn chưa xong, cứ nhai đi nhai lại báo hại vợ con nuôi báo cô để được cái danh hão. Xem phim Tầu, thấy hình ảnh mấy cậu Tú ê a không khỏi thương cho các cụ nhà ta. Chưa ai làm cái công việc đếm tất cả số trang sách, quyển sách các cụ phải ê a xem là bao nhiêu trang so với việc học ngày nay. Ấy là chưa nói có thể cụ Đoàn Tử Quang có thể rớt. Thật ra rớt hay đỗ ở tuổi đó đều giống nhau.
Trong bia đề tên các tiến sĩ khoa Mậu Tuất, Thành Thái thứ 10, người viết liệt kê ra số tuổi khá chênh lệch của các vị đó như sau: Có hai người trẻ nhất đỗ năm 26 tuổi, một người 27, một người 35, một người 39, một người 40 và người già nhất 47. Độ tuổi trung bình thi đỗ là chòm chèm 35 tuổi. Nghĩa là trung bình ông nào cũng đã trải qua từ 5 đến 6 lần đi thi mới đỗ. Các cô cậu bây giờ nếu có thi rớt thì hãy nhìn gương các cụ để tự an ủi: Mình còn giỏi chán vạn.
Độ tuổi chênh lệch đó tìm thấy nhan nhản trong sách QTHKL cho thấy nhiều trường hợp ông, cha, con, cháu, bác, chú, anh em cùng thi đậu. Đó là điều bất thường không phải hay ho gì. Lạ là một điều bất thường như thế, từ xưa đến nay, mọi người từ trong nhà ra đến ngoài đường đều cho là chuyện hiếm, chuyện quý, chuyện để nêu danh, chuyện để làm gương. Gia đình nào rơi vào cảnh ngộ bất thường, cười ra nước mắt đó sẽ được truyền tụng lưu danh. Thật ra, đáo lý ra hoặc là cha dốt, con giỏi, hoặc thi cử chả ra cái thống chế gì, hoặc là "xổ số mau lên, xổ số gần đến". Tỉ dụ gia đình Đặng Vũ Oánh, cha con cùng thi đậu, anh em đậu cùng khoa. Con Đặng văn Tường, em Đặng Vũ Lễ, cháu Đặng Vũ Uyển, em họ Đặng Vũ Thực, Đặng Cao Chi, Đặng Vũ Quán. Thi cử, đỗ đạt kiểu đó, đáng nhẽ là niềm vui, nỗi mừng, thì nó lại tố cáo một chế độ thi cử như một cái máy cán người hay một máy đãi vàng. Cái thú chẳng bao nhiêu, cái thải loại thì vô vàn.
Thôi thì họ đậu, họ mừng, họ ăn khao kệ họ. Thế còn số phận của hằng triệu người thi rớt? Sách LTHCLC chỉ nói tới người đỗ tiến sĩ cũng như QTHKL chỉ nói tới người đỗ cử nhân. Tú tài là vứt đi. Đối với thời xưa, tú tài không phải bằng cấp nên ít khi được triều đình sử dụng. Người đỗ tú tài chỉ là những người không đỗ cử nhân, nghĩa là không đỗ đủ bốn trường, chỉ đỗ ba trường trở xuống.
Họ lại là thành phần chủ yếu của giới nho sĩ. Theo Đại Nam nhất thống chí, thời Gia Long có 643.706 nhà nho. Thời Minh Mạng có 770.798. Thời Thiệu Trị có 974.786, nhưng đến thời Tự Đức thì xuống còn 885.517. Con số tụt xuống đời Tự Đức báo hiệu cái thời suy mạt của nho học rồi. Những con số vừa nêu trên chỉ có giá trị thuyết minh và chẳng có bằng cớ nào chứng minh được sự chính xác của chúng.
Cái còn lại là số phận những người thi rớt ra sao. Họ làm gì? Họ làm đủ thứ nghề như thầy lang, thầy địa lý, bói toán, gia sư và cố vấn trong làng. Cộng thêm cái nghề ăn bám nữa. Nói một cách có vẻ xã hội học thì họ ở giữa, giữa nghèo và giầu, giữa quan và dân, giữa bọn người có học và vô học, giữa đạo đức và vô đạo. Hay nói theo ông Vĩnh Sinh, họ là những trí thức "đứng bên lề" (marginal), từ đó góp phần vào sự phê phán cũng như xây dựng xã hội.
Thân thể con người bình thường chia làm ba phần như người ta thường nói thì họ chia làm hai: cái đầu thuộc giới ăn học hay giới nho học, cái bụng họ đứng về người nông dân. Ban ngày họ ngâm thơ, lý lẽ sự đời, nói chuyện đại sự, nhịn ăn đến tối về nhá ngô khoai sắn như người nông dân. Nhưng cái khổ, cái kiếp nạn của họ là ở giữa. Trên họ không được hưởng, dưới họ phải chịu lãnh búa. Họ có cái đầu nên họ nhạy bén với những bất công, những sa đà của xã hội. Cái bụng họ đói bắt họ phải đứng về phía những người cùng thân phận là dân nghèo. Tuy vậy, họ thấm thía cái khốn khổ của túng thiếu, của bữa no bữa đói gấp hai lần người nông dân. Họ trở thành những kẻ bất mãn, kẻ phản kháng, kẻ đối đầu thường trực.
Hãy kể xem có cuộc gọi là nổi lọan, hay phong trào, hay cách mạng, hay gì gì đó mà không có mặt họ? Lê Lợi, Tây Sơn hay Nguyễn Ánh, dưới trướng lúc nào chả có mặt một trong số bọn họ đại diện. Họ sinh ra, bị kết án, bị bắt buộc để nhìn, để hiểu hơn người, để đối đầu với những biến động của đời sống, của thời cuộc. Cũng chỉ vì cái học dở dang đã đẩy họ đến chỗ đó. Họ làm gì khác được?
2. Vùng nào có nhiều người thi đỗ?
Có vùng có nhiều người đỗ, vùng khác ít. Có vùng quá ít. Chẳng hạn sáu tỉnh vùng cao ở ngoài Bắc nơi các dân tộc ít người chỉ cống hiến được 3 nhân tài. Trong ba người thi đỗ này, cả ba đều thuộc các tỉnh như Quảng Yên, Hưng Hoá rất gần với các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ. Nhưng trong Nam thì còn tệ hơn nữa. Trường hợp tỉnh Kon Tum, sở dĩ có người Kinh là người ta sợ bắt đạo thời Minh Mạng, kéo nhau lên đó sinh sống, họ chưa hề có ai đi học chữ thánh hiền. Nói chi đến các dân tộc ít người như Bahnar, Sêđăng, Jorai, Kôhô, Churu, Mnông. Việc thi đỗ rõ ràng có phân biệt, có được ưu đãi tùy theo địa lý, dân số và sắc dân.
Về tỉ lệ các người thi đậu các vùng, chỉ có thể bắt đầu từ 1802, lúc mà Gia Long lên ngôi, chọn Huế làm kinh đô, mặc dầu Gia Long khởi nghiệp từ vùng đất Nam Kỳ. Sau này dưới mắt ông, đất Nam Kỳ, cái miền đất hứa, nó hứa đủ thứ, ngay cả cái nghiệp đế vương của ông cũng chỉ còn là "cái miền Nam xa xôi ấy". Lúc mà cơ ngơi đã ổn định, đất nước thu về một mối, sự chọn lựa người thi đậu ở triều Nguyễn đã hẳn đương nhiên nghiêng về các tỉnh miền Trung, nhất là các tỉnh phía Bắc Trung phần tính từ Thanh Hoá Nghệ an trở vào.
Dọc phần trên, quý vị độc giả thấy, riêng phần kết quả ở trường thi Huế trong 105 năm là 1263 cử nhân trên tổng số 5232 của cả nước, tính đến khoa Mậu Ngọ, Khải Định thứ ba, năm 1918. Huế chiếm một phần tư tỉ lệ người đỗ của cả nuớc. Con số cho thấy gần mặt trời, tỉ lệ thi đỗ cao. Thi Hương không nói làm gì, vì có nhiều trường thi ở các tỉnh. Nhưng thi Hội phải chèo đèo lặn suối vào đến Huế đâu có dễ dàng gì. Sĩ tử thi tiến sĩ, có khi chưa kịp múa bút, khoe tài thì đã chết dọc đường vì đói khát, bệnh tật, cướp bóc hoặc bị thú dữ ăn thịt.
Nay, nếu xét từng khoá thi, dựa vào QTHKL, người ta thấy những năm đầu triều Nguyễn, sĩ số người đậu tại trướng thi Huế thường ít hơn các trường khác, và tình trạng đó tiếp tục kéo dài đến đời Minh Mạng. Nhưng từ năm Giáp Ngọ, Minh Mạng thứ 15, 1834, không hiểu vì lý do gì, không biết tại sao, trường thi Huế bao giờ cũng dẫn đầu về số người thi đậu. Năm dẫn đầu cao nhất là khoa năm Mậu Thân, Tự Đức thứ 1, 1848. Trường Thừa Thiên có 52 người thi đậu. Nghệ An 22. Thanh Hoá 16. Hà Nội 28, Nam Định 27, Gia Định 20. Nếu tính từ Thanh Hoá trở vào thì miền Trung có 90 người thi đỗ trong khi cả miền Nam lẫn Bắc chỉ có 75 người. Chỉ có một lý do biện minh cho tỉ lệ đỗ cao này là nếu số sĩ tử đi thi ở Huế phải nhiều hơn cả, nhưng về điều này đành chịu, vì chẳng có tài liệu nào cho phép ta dùng để minh chứng.
Trừ Huế ra, các tỉnh miền Trung có tỉ lệ người thi đỗ trội vượt hơn hẳn các tỉnh phía Nam , phía lục châu. Với 1115 người thi đậu cho các tỉnh miền Trung là con số cao nhất so với các tỉnh phía Nam (Về điểm này, xem thêm 90 năm nghiên cứu về văn hoá và lịch sử Việt Nam , đặc biệt bài của Philippe Langlet). So giữa các tỉnh miền Trung thì các tỉnh phía Bắc miền Trung, đặc biệt tỉnh Quảng Nam tỷ lệ đỗ đạt cao hơn các tỉnh phiá Nam miền Trung. Điều này dễ hiểu và cắt nghĩa được. Lý do vì các tỉnh phía Nam đã hẳn còn dấu vết văn minh Chàm sót lại, còn nhiều những rối động chính trị cộng thêm cái tàn dư của Tây Sơn như đám tro tàn chưa kịp dập tắt. Lòng người với dấu vết thời gian in đậm đã dễ dầu gì quên ngay được. Vì thế, về phía triều đình cũng như phía dân chúng các tỉnh phía Nam Trung phần có những khoảng cách biệt chưa nối kịp.
Hãy xem việc thiết lập các trường thi thì rõ. Ngoài Bắc có trường Hà Nội, Hà Nam, sau đổi xuống Nam Định. Miền Trung, các tỉnh địa đầu có Thanh Hoá, Nghệ An rồi Thừa Thiên, sau đó nhảy vọt vào Gia Định. Tình trạng đó kéo dài mãi cho đền năm Tự Đức thứ 29, 1876 mới thiết lập thêm trường thi Bình Định với số người thi đậu lần đầu là 12 người.
Nếu nhìn ở khía cạnh địa lý và chính trị thì tỉ lệ đó cũng dễ hiểu, vì nay phần đất miền Trung nằm trong tầm ảnh hưởng chính trị của triều đình Huế. Đó là trung tâm quyền lực mới thay thế thủ đô Hà Nội. Vua quan ở đó, Hoàng thân quốc thích ở đó tính ra ở giữa con số 2000-3000, các gia đình thế gia vọng tộc ở đó. Hưởng chút ơn mưa móc là chuyện dễ hiểu. Đã vậy, thiên nhiên lại khắc nghiệt làm khó con người. Con đường tiến thân hợp lý hơn cả vẫn là con đường cử nghiệp. Cộng thêm, với thời gian, cái niềm hãnh tiến về quê hương xứ sở cộng với cái hãnh tiến về truyền thống văn hóa cũng làm cho việc thi cử trở thành niềm trăn trở, thao thức cho các con cái gia đình Huế và cho chính Huế.
Cái thao thức của một khát vọng đi lên không bằng cái thao thức của sự thoát ly ra khỏi nghèo túng. Thi cử trở thành ước mơ của con người. Mãi đến sau này, năm 1963, người viết vẫn cảm nghiệm được điều đó khi đến Huế. Một cảm nghiệm đến chua xót khi thấy các học sinh nam nữ ngồi học dưới đèn đường vào buổi tối vì trong nhà nóng quá. Nỡ nào nặng tay. Ước mơ đỗ đạt, ước mơ thoát ly khỏi nghèo túng lại kèm theo cái nuối tiếc về cái nơi mà từ đó đã bỏ ra đi chỉ vì nó quá khắc nghiệt, quá thiếu không dung chứa nổi hoài bão tuổi trẻ. Đi rồi mà vẫn nhớ những cơn gió Lào, những cuộng rau sống gầy guộc, đắng ngắt, những con cá bống nhỏ bằng đốt ngón tay kho mặn nằm cong queo hay bơi lội tung tăng trên bát canh nhỏ mà nước trong vắt, cay xé lưỡi. Vì thế, lòng người Huế luôn luôn là trăn trở. Huế luôn luôn có những tiếng thở dài dù là lãng mạn. Và đấy cũng là nét đẹp nhất của tâm hồn Huế.
Về phần đất Nam Kỳ lục tỉnh
Đây là vùng đất mới với sắc dân tới từ nhiều nguồn, từ miền Trung đổ vào vì lệnh cấm đạo, từ phía Bắc tới trong cuộc Nam tiến như hình ảnh dân miền Viễn tây Hoa Kỳ. Và nói dại, nếu không có cuộc Nam tiến này thì tất cả chúng ta đều ngồi bó gối trên dẻo đất chật hẹp của đồng bằng sông Hồng kéo dài đến Hà Tĩnh. Kế sách Thuận Hoá tưởng chỉ là tạm thời, trạm dừng chân. Ai ngờ cuối cùng nó đã tạo ra miền đất hứa với đồng bằng sông Cửu Long với văn minh miệt vườn so đo với Huế và Hà Nội. Cộng thêm vào đó, cái óc thương mại đến từ phía người Trung Hoa tỵ nạn. Đó là những di thần bài Mãn, phục Thanh với các tên tuổi như Trần Thắng Tài, Dương Ngạn Dịch đã đến Cù Lao phố Biên Hoà, Mỹ Tho lập nghiệp. (Xem thêm Đất Gia Định xưa của Sơn Nam ). Nguồn di dân đó từ khắp nơi đổ về đã làm dân số tăng lên gấp 20% so với cả nước.
Nhưng ngược lại, tỉ lệ thi đỗ ra làm quan chỉ chưa tới 2% so với toàn quốc. Trong số các tỉnh phía Nam , Gia Định và Biên Hòa có số người đỗ cao nhất. Riêng tỉnh Gia Định có số người đỗ cao hơn tất cả các tỉnh phía Nam cộng lại. Vậy mà so với cả nước, sĩ số thí sinh đỗ của tỉnh Gia Định thường là cầm cờ đỏ. Tỉ dụ trong khoa Giáp Tý, Tự Đức thứ 17, 1864, Thừa Thiên đỗ 28 người, Nghệ An 19, Thanh Hóa 15, Hà Nội 24, Nam Định 21, An Giang chỉ còn có 10. Con số 10 không phản ánh đúng, vì kể từ đó, đất miền Nam đã rơi vào tay người Pháp. Trong các khoa thi sau, chúng ta bùi ngùi không còn bao giờ thấy trường thi Gia Định nữa.
So với các tỉnh phía Bắc và Trung phần thì đây là nơi dễ sống, vừa làm vừa chơi cũng đủ ăn. Xem thêm nhận xét của bà Li Tana [1] . Thiên nhiên ưu đãi, thực phẩm có thừa. Đồng bằng sông Cửu Long quả là nơi lạc thổ. Nhiều dìa cá, cá nổi đầu lên như mù u chín rụng chẳng ai thèm bắt. Những người đi khẩn hoang, thường chữ nghĩa không đầy một cái lá me (chữ dùng của Sơn Nam ), không rành cách ngôn thánh hiền (Xem Đồng bằng sông Cửu Long, Sơn Nam ). Vì vậy mà chuyện thi cử bị coi nhẹ. Trường hợp cụ Phan Thanh Giản đỗ tiến sĩ là món quà Huế tặng cho dân miền Nam để khuyến khích họ. Vì vậy, biên niên sử đời Gia Long đã tỏ ra bận tâm về sự suy thoái của kết quả thi cử, nhưng cũng thừa nhận rằng: có nhiều con đường khác đi đến thành công về mặt tài chánh không qua con đường cử nghiệp. Giữa một điền chủ và một ông Huyện, người dân miền Nam đã hẳn biết chọn tương lai của mình về phía người nào.
Phía ngoài Bắc
Đất Bắc vốn xưa là đất văn học. Nói như thế chưa hẳn đúng, xưa cũng thế mà nay cũng vầy vậy. Truyền thống văn học với thủ đô Hà Nội vẫn có đấy. Sự dời đô không thể ngày một ngày hai làm mất cái vị thế truyền thống đi được. Nhưng người viết rảo một lượt 36 phố phường trên giấy chẳng thấy sĩ tử Hà Nội thi đỗ đâu cả. Hóa ra họ chỉ là những công tử bột. Thật ra cũng có, nhưng có rải rác và ít ỏi. Ít thấy sĩ tử gốc gác phố Hàng Ngang, Hàng Đào thi đậu. Vậy thì truyền thống văn hoá đó ở đâu mà ra? Có thể nó ở sức thu hút các nơi đổ về, như nhà văn chỉ là nhà văn thật, nếu sống ở Hà Nội, viết ở Hà Nội. Số người đỗ đạt tập trung nhiều nhất ở 14 biên trấn quanh Hà Nội mà cái trục chính là Sơn Tây, Hải Dương và đặc biệt là tỉnh Nam Định. Tại Hành Thiện, tỉnh Nam Định, tổng số người đỗ đạt là 62 người trong suốt trăm năm triều Nguyễn. Con số lớn lắm, vì có nhiều vùng kiếm ra được một người thi đỗ cũng không có. Tỉ lệ như thế là cao nhất nước [2] .
Cắt nghĩa về sự kiện này thì có nhiều giải thích kể là hoang đường như về tông giống, về thổ ngơi, đất đai. Nó cũng hoang đường như khi giải thích về người thi rớt ở trên. Cách lý giải thực luận nhất là nhiều điều kiện thuận lợi tập trung vào một vùng mà những vùng khác không có được. Số các cụ đồ nho, cử nhân, tiến sĩ tập trung ở đây đông, trường học nhiều, dòng họ có người đỗ ra làm quan, rồi có tiền có của cho con ăn học, có thúc đẩy khuyến khích, có gương mẫu điển hình người đi trước để theo như cái đầu tầu, người nọ kéo người kia, cứ thế mà thi đậu. Trung tâm thi cử lại có trường thi Nam Định ngay đó, tiện lợi đủ bề. Chỗ khác, 6000-10.000 có một trường thi, ở đây 3000 sĩ tử có một trường thi. Bấy nhiêu thứ, cái nọ kéo cái kia tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi đỗ của họ.
Xét toàn diện các triều vua nhà Nguyễn, người viết nhận ra thêm một điều là, cũng không hiểu lý do tại sao, dưới triều vua Thành Thái số người thi đậu khá cao so với các triều vua trước.
3. Những điều kiện cần để chọn hoặc không chọn một sĩ tử
Thi cử có mục đích chọn nguời, vì thế việc sàng lọc là điều cần thiết. Sự chọn lựa có thể dựa trên tiêu chuẩn tài năng, nhưng cũng còn các tiêu chuẩn về dòng dõi, nghề nghiệp, thuộc hoàng tộc, hay đạo đức và cuối cùng tôn giáo nữa.
Năm 1442, nhà vua đưa ra luật lệ cấm hai loại người sau đây không được đi thi:
Thứ nhất, loại người bất hiếu, bất mục, lọan luân, điêu toa, dẫu có học vấn văn chương cũng không được vào thi.
Thứ hai, những người làm nghề hát xướng, nghịch đảng và có tiếng xấu thì bản thân không được thi.
Trong việc thi cử mà nếu gian lận thì suốt đời không đuợc thi. Đến thi Hội mà gian lận thì phải xử tội đồ, và suốt đời không được đi thi và không được bổ dụng. Nhà vua phán: "Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc khơng tinh thì không lấy được người thực tài." (LTHCLC, phần Khoa mục chí)
Phép chọn người dựa trên tiêu chuẩn đạo đức kể cũng phải. Vì thế, có trường hợp như ông Đào Duy Từ (1572-1634), vì là con một nhà hát bội nên đi thi hương đã bị đánh hỏng. Ông phẫn chí đã dời bỏ quê cha đất tổ ở Đàng Ngoài, thuộc Chúa Trịnh để đi vào Đàng Trong của Chúa Nguyễn để tìm đường tiến thân. Kết quả ông đã thi đỗ ra làm quan.
Đến năm 1751, vì có nhiều sĩ tử gian lận mà thi đỗ, nhà vua ra lệnh bắt thi lại tất cả các cống sĩ. Minh Vương sai Trần Danh Ninh làm điền cử thi lại các cống sĩ, hỏi nhiều câu thâm thuý, các cống sĩ bị đánh hỏng đến quá nửa. Phần các viên đề điệu, giám khảo đều bị giáng hoặc bãi chức.
Lại đến năm 1774, một lần nữa thi lại học trò các xứ, đồng thời giáng chức Phủ Doãn và hai ty là bọn Lê Doãn Bưu (LTHCLC, phần Khoa mục chí).
Các ký thi ân khoa, một chọn lựa người có tính cách chính trị
Các ân khoa là một trường hợp để ta bàn. Nó chỉ bắt đầu từ Minh Mạng thứ 2, năm 1821, lệ có ân khoa bắt đầu từ đây. Mở ân khoa là để mừng những ngày lễ như vạn thọ khánh tiết, hay lễ đăng quang, hoặc ngay cả để lấy lòng dân. Trong 42 khoa thi ở trường thi Huế, trong suốt 105 năm, có đến 9 kỳ thi ân khoa rồi. Tỉ dụ, năm Tự Đức thứ nhất, 1848, nhân dịp vừa lên ngôi, nhà vua ra lệnh tổ chức kỳ thi đặc biệt ân khoa.
Đặc biệt, năm Thành Thái thứ 18, 1906, nhằm dịp sinh nhật 50 tuổi của Hoàng Thái Hậu, nhà vua đã gia ân cho trường Thừa Thiên lấy thêm 10 người đỗ, Bình Định 6 người, Nghệ An 8 người, Thanh Hoá 5 người, Hà Nội không thấy ghi. Thi cử như thế là một gia ân, hơn là tuyển chọn. Rất tiếc là trong suốt hơn 100 khoa thi cử, chỉ có mình vua Thành Thái gia ân như vậy (QTHKL).
Tính cách chính trị còn thấy rõ trong các kỳ thi Đình. Có thể khó thấy ở đâu mà việc thi cử lại do chính tay vua xếp đặt, chủ trì mọi việc như vậy: Từ việc ra đề thi, chấm quyển đến thiết yến và ban phẩm hàm. Chẳng hạn, năm 1493, chính vua xem quyển, định thứ bậc cao thấp. Rồi vua ra ngự chính điện, truyền loa xướng danh tiến sĩ, sau đó ban mũ đai và áo cho các tiến sĩ, cuối cùng thì ban yến.
Năm 1946, chính vua ra đề thi hỏi về văn sách, hỏi về đạo trị nước. Sau đó dẫn các cử nhân vào sân điện Kim Loan, vua xem dung mạo định lấy đỗ 30 người (LTHCLC, phần Khoa mục chí). Xem dung mạo thì thật là phiền. Hợp nhãn thì được chọn, chẳng may có khuyết tật như mắt lé, lùn, nói ngọng thì kể như tiêu đời.
Đời Thành Thái, chính vua ra đề thi luận về thế giới, đa số sĩ tử ngồi cắn bút. Chỉ có Nguyễn Thượng Hiền, Võ Phạm Hàm viết được vài câu. Chính vì thế, Nguyễn Lộ Trạch, người nối gót Nguyễn Trường Tộ, trong bài Thiên hạ đại thế luận của mình đã vạch ra sự thực mỉa mai về cái hiểu biết hạn hẹp ấy (Trích Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, bài viết của Đoàn Lê Giang, trang 100). Về điểm này, các bài thi văn sách đời Thành Thái quả thực có thay đổi, đi sát với thực tế, với thời cuộc.
Không lựa chọn sĩ tử vì lý do tôn giáo
Đây là một vấn đề ít được để ý nói tới. Có hai cách để tiếp cận vấn đề này: Một là dựa vào các chỉ dụ cấm đạo, các tài liệu sử. Hai là dựa vào sự tìm hiểu thực tế các làng công giáo.
Về cách tiếp cận thứ nhất
Nội dung hoà ước năm Nhâm Tuất, 1862, có 12 điều khoản, trong đó có điều khoản cấm người có đạo Thiên Chúa giáo dự thi hay giữ các chức vụ hành chánh. Trong cuốn Đại Nam Việt Quấc Triều Sử Ký (ĐNVQTSK), trích lại trong tài liệu tham khảo của Trường đại học tổng hợp TPHCM, trang 139, có ghi lại như sau theo Nguyễn Nhã: Khi Tây Sơn khởi nghĩa thì hồi đầu người có đạo Thiên Chúa giáo được yên lành. Bà dì và nghi ngờ cả mẹ Nguyễn Nhạc cũng theo đạo Công giáo. Quang Trung chưa hề cấm đạo. Sang đến năm 1789, vua Cảnh Thịnh mới chính thức giáng chỉ cấm đạo vì sợ những người Công giáo làm nội ứng cho Nguyễn Ánh. Thấy vậy Nguyễn Ánh mừng rỡ nói: "Đã cấm đạo thì mất nước chẳng sai". Còn phần Nguyễn Ánh thì chẳng cấm, ai vô đạo thì mặc ai. Cuốn sách ghi như sau: "Vua Gia Long chẳng binh đạo là bao nhiêu ... Khi vua ra Kẻ chợ thọ phong, thì giáng chỉ mới, chẳng cấm đạo tỏ tường, nhưng mà nói phạm đến sự đạo, cùng chê kẻ có đạo nhiều điều nặng lắm.."
Cho nên việc cấm đạo và cấm người theo Thiên Chúa giáo thi cử chỉ bắt đầu ở thời Minh Mạng. Một sắc dụ cấm đạo thời Minh Mạng ban hành năm 1833. Đến Tự Đức ban hành 14 chỉ dụ cấm đạo. Đó là những giai đoạn đen tối của lịch sử Thiên Chúa giáo (TCG) tại Việt Nam .
Nhưng từ Hiệp Ước Giáp Tuất 1874 thì đã có sự thay đổi. Nội dung trong hiệp ước có khoản 9 viết: "Hoàng Đế Đại Nam phải để các giáo sĩ tự do giảng đạo Gia Tô... Giáo hữu được dự các kỳ thi và được bổ nhiệm vào các cơ quan chính quyền như mọi tín đồ của các tôn giáo khác."
Nhưng trên thực tế, không có dấu hiệu nào cho thấy tinh thần hiệp ước này đuợc các quan lại địa phương thi hành. Trường hợp Nguyễn Trường Tộ mà theo nhiều tác giả cho thấy ông sống ở thời Tự Đức, vào năm 1858 ông chừng 30 tuỗi, mà sức học chỉ về Hán văn thôi đã ngang tầm với các nho sĩ, nếu không nói là hơn. Theo ông Văn Tân, thời Tự Đức giáo dân bị phân biệt đối xử và bị gọi là "dĩu dân", tức dân xấu, Nguyễn Trường Tộ (NTT) cũng bị cấm không được đi thi. Nhưng cũng vì con đường cử nghiệp bị tắc nghẽn mà NTT có cơ hội học và tiếp xúc với văn hóa Tây Phương để trở thành người hữu dụng đề ra những quốc sách cho triều đình.
Để được rõ hơn, chúng ta xem những bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ nói gì về thời kỳ đó. Chỉ có hai bài trực tiếp đề cập đến vấn đề tôn giáo trong di thảo 2 và 14. Trong đó có đoạn viết về tình hình lương giáo ở Nghệ An, ông viết: "Cho nên tôi cứ nói ra không sợ oán trách, triều đình có chiếu lệnh điều hòa lương giáo, thì các phủ huyện giữ kín không chịu thông tri ra, giáo hữu chỉ nghe phong phanh mà thôi... uy có đại ân mà dân chẳng được hưởng tý nào." Điều đó chỉ ra rằng từ luật lệ thành văn đến thi hành trong thực tế lại là chuyện khác. Ngay cả dù có điều khoản 9 đi nữa, vị tất các quan đã thi hành nghiêm chỉnh cho phép người TCG được đi học chữ nho và nhất là được dự thi. Điều đó cho thấy hiển nhiên là người TCG bị loại, cấm không được dự các kỳ thi của triều đình Huế. Để kết luận về điểm này, xin mượn lời của NTT một lần nữa. Trong bài Giáo môn luận, ông viết: "Giáo dân cũng là người trong nước, đều là người cả, cũng là dân của trời, sự ăn ở có liên quan nhau, vui buồn có liên quan nhau. Lẽ nào bên này động mà bên kia yên được sao. Một nước ví như một thân thể. Một chỗ bị đau thì toàn thân cũng không yên. Một cục thịt thừa, một ngón tay đeo thật hết sức vô dụng thế mà cắt bỏ đi thì đau, huống chi là chân tay hữu dụng." (Nguyễn Trường Tộ, Con người và di thảo, Trương Bá Cần, trang 116)
Lối tiếp cận thứ hai là dựa vào sự tìm hiểu các làng theo đạo Kitô giáo.
Nhiều xứ đạo miền Trung [3] và nhất là miền Bắc cho thấy trong các làng này chưa bao giờ có người thi đỗ làm quan. Vì không có đủ tài liệu về danh sách các làng trên toàn quốc, nhưng người viết bài này dựa theo lối "tiểu công nghệ", biết đến đâu làm tới đó cũng đã đưa ra được một cái nhìn khá chuẩn xác về tình trạng này. Thoạt tiên, người viết bắt đầu lấy làng Ngọc Cục và Hành Thiện làm điểm trụ. Ngọc Cục, một làng toàn tòng, chỉ cách làng Hành Thiện một con sông. Tiếp cận địa lý như thế, qua lại hai bên dễ dàng, điều kiện để đi học cũng rất thuận lợi. Vậy mà Ngọc Cục không có một ai thi đỗ làm quan. Người viết dò tìm tên làng Ngọc Cục trên danh sách sĩ tử đã đỗ ở trường thi Nam Định trong suốt hơn trăm năm. (Nên nhớ, luật lệ là ở đâu thi đó.) Kết quả không có tên làng Ngọc Cục. Ngọc Cục tiếp giáp với Hành Thiện. Vậy mà nơi đỗ quá nhiều, nơi không đỗ người nào, từ đó mở ra hướng tìm hiểu các làng TCG khác. Kết quả cũng tương tự. Cứ thế, người viết dò tìm các làng theo đạo trên QTHKL của cụ Cao Xuân Dục, người viết đạt được một kết quả bất ngờ đến ngạc nhiên là kể như không có làng nào theo đạo có tên trên danh sách sĩ tử thi đỗ.
Trừ hai trường hợp. Thứ nhất là làng Trà Lũ có nhiều người theo đạo, đã hai lần có sĩ tử thi đỗ ở làng này trong suốt trăm năm. Tuy nhiên, hỏi những người thuộc làng này, họ cho biết Trà Lũ lẫn lộn cả theo TCG và theo các đạo khác.
Trường hợp thứ hai: Cho mãi đến năm Thành Thái thứ sáu, vào năm 1894, nghĩa là ở giai đọan thoái trào của thi cử. Sách QTHKL của cụ Cao Xuân Dục, trang 532 cho biết có ông Vũ Luyện, người làng Quần Phương, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã thi đậu. Làng Quần Phương thuần người có đạo. Cũng làng này, năm 1900 có thêm một người nữa thi đậu.
Rất có thể bài viết có sai sót, nhưng dù sao đi nữa, có thêm có bớt cũng một vài người đỗ hay không đỗ cũng không có nghĩa lý gì so với hơn 5000 người đã thi đỗ và ra làm quan.
Nhưng dù việc tìm hiểu có tính cách giới hạn, điều đó cũng chỉ ra rằng thật khó, nếu không nói là rất hiếm người theo đạo Thiên Chúa có cơ hội thi đỗ và ra làm quan. Tình cảnh đó cho thấy, họ bị đặt ra ngoài lề của chính dân tộc họ như một thứ công dân bậc hai, mà suốt đời họ không bao giờ có cơ hội ngóc đầu lên được. Chính sách đó của triều đình nhà Nguyễn có phần khắc nghiệt hơn ngay cả đối với chính sách ngu dân của chế độ thực dân. Việc tìm hiểu vì thế vượt ra khỏi giới hạn một nhận thức sách vở, nó đặt ra những vấn nạn mới về trách nhiệm của triều đình Huế, giới sĩ phu thời bấy giờ. Người viết chỉ có bổn phận trình sự việc trong giới hạn hiểu biết của mình. Nhưng nói cho cùng, cho dù người theo đạo TCG có được dự thi hay không cũng chẳng thay đổi được hình ảnh số phận cả nước của đám nhà nho thất cơ lỡ vận. Con số 5000 có là bao, thêm hay bớt vào danh sách đó có thay đổi được gì số phận đất nước?
Phần kết
Mặc dầu dựa trên những con số mở đầu cho cách sử dụng thống kê thô thiển trong việc tìm hiểu việc thi cử còn sơ sài, người viết nhận ra một điều: Việc thi cử ở nước ta, chỉ kể hơn trăm năm triều Nguyễn để lại những tai họa về xã hội, những trì trệ cản bước tiến đi lên của dân tộc, chia rẽ người dân trong nước. Chính sách về thi cử như thế chỉ tạo thêm những hậu quả ngoài ý muốn của nhiều người, gây ra những tổn thất tinh thần và vật chất thật khó hàn gắn. Cho đến bây giờ mà những tồn tích của nó còn nghe vang vọng lại đâu đây, nào đã hết đâu. Nó như một sự trả thù một tập thể thiểu số mà số phận đất nước, cái bất hạnh của một thời kỳ đôi khi được trút hết lên đầu họ, những người đân nghèo hèn nhất, thấp kém nhất, ít chữ nhất.
Trong đêm trường của sự hèn yếu và lạc hậu, chế độ thi cử và nạn quan trường là những lực cản đà tiến xã hội. Thi cử không phải chỉ là may rủi mà là một bi kịch của lớp sĩ phu sống bên lề. Đó là hình ảnh Vân Hạc trong Lều chõng của Ngô tất Tố, một sĩ phu tài tuấn, thông minh, có lương tri và nhân phẩm mà lận đận với thi cử. Nó là bản cáo trạng toàn bộ từ tổ chức thi cử, việc tuyển chọn, lề lối học, nội dung thi cử giáo điều lỗi thời đến xuẩn ngốc của chế độ phong kiến.
Đối với sĩ tử, đó là sự lãng phí thì giờ, giết mòn tương lai tuổi trẻ về một ảo tưởng tương lai không bao giờ thực hiện được.
Đối với đất nước nói chung là một sự lãng phí chất xám, nếu có, hao tổn ngân quỹ cho những kỳ thi kéo dài năm này qua năm khác. Đánh giá được việc học, đánh giá được việc thi cử là đánh giá được sự trì trệ hay sự tiến bộ của đất nước đó.
Và cái bi kịch của giới sĩ phu như hồi chuông báo tử về một ý thức hệ nho giáo cáo chung đã kết thúc bằng sự tuẫn nạn của cụ Hoàng Diệu ngoài Bắc và của cụ Phan Thanh Giản trong Nam .
Bài học thi cử hình như vẫn chưa đủ cho người bây giờ?
Nguyễn Văn Lục
[1]Theo bà Li Tana, một học giả Trung Hoa, trong cuốn sách nhan đề Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17, 18, "miền Nam là mảnh đất của những giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn là một ngõ thoát... Nó đã xuất hiện không những một quốc gia mà một nền văn hoá mới, mang bản sắc đặc biệt..." (trích lại bài giới thiệu của ông Tôn Thất Thiện trong bài Trường hợp Hoa Kỳ, xứ Đàng Trong và Việt Nam và XHCN)
[2]Hồi ký của Vũ Ngọc Phan có kể giai thoại, vì có quá nhiều người thi đỗ nên người nào về Hành Thiện hỏi thăm nhà cụ Tham bảng, cụ Phủ Doãn thì không ai biết đường nào mà trả lời. Vì người đỗ nhiều như lợn con, biết ai vào với ai. Đa số thuộc cánh họ Đặng mà con cháu họ rải rác nhiều nơi trên thế giới.
[3]Các làng theo đạo Thiên Chúa theo danh sách sau đây đều không có người thi đỗ, căn cứ theo sự truy cứu với sách QTHKL của cụ Cao Xuân Dục. Đó là các làng như Sở Kiện, Trung Lao, Phúc Nhạc, Thạch Bích, Trung Đồng, An Lộc, Bói Kênh, Bình Cách, Lưu Phương, Mưỡi Giáp, Phát Diệm, Yên Phú, Thạch Bích, Kẻ Noi, Văn Giáo, Chỉ Thiện, Nghĩa Hưng, Quỹ Nhất, Văn Lâm, Sĩ Lâm, Xã Hội, An Phú, Đồng nghĩa, Nghĩa Hưng,Trung Linh, Thủy Nhai. Xứ Bùi Chu, Lục Thủy, Cát Xuyên, Liên Thủy, Phú Nhai, Phúc Nhạc, Lạc Thành, Ngưỡng Nhân, Sa Châu, Trì Chính, Điền Hộ, Kim Sơn, Kim Điền, Lương Hội, Vĩnh Phúc, Bà Ngang, Kim Động, Động Kim, Ngôi Xá, Ngọc Đồng, Kẻ Sặt, Kẻ Bưởi, Thạch Bích, xứ Hà Đông,...
Tại miền Trung (trích lại trong Thuyền ai đợi bến Vân Lâu, tác giả Nguyễn Lý Tưởng) có các làng sau đây theo TCG không có người thi đỗ làm quan: Phường Đúc, Kim Long, Đốc Sơ, Châu Mới, Sơn Công, Phủ Cam, Truồi, Dương Sơn, An Tuyền, Lương Văn, Nam Phổ ,Hà Úc, Hà Thanh, Lại Ân, Gia Hội, Bình Cang, Cây Vông, Mỹ Hương, Kẻ Sen, Ma Ố, Phan Rí, Tầm Hương, Long Hương, Kim Ngọc, Ba Trục, Chợ Mới, Hà Dưà, Cây Vông, Hộ Diệm, Điền Thủy, Ngọc Hồ, Phước Hải, Bắc Thanh, Xuân Ninh, Suối Vinh, Mỹ Ca, Buồng Tằm, Cầu Hai, Châu Mới, Diêm Tụ, Phường Tây, Vạn Thiện, Trí Bưu, Dưong Lệ Văn, Cổ Thành, Thạch Hãn, Hạnh Hoa, Bố Liêu, Tam Tòa, Vĩnh Trị, Trung Quán, Di Loan, An Vân, Dương Lộc, Đại Lộc, Nhu Cáp, Đông Giám, An Lộng, Phan Xá, Thanh Hương, Trà Bát, Dương Lệ, Xã Đoài, Phù Sa, Chợ Mới, Ngọc Hồi, Gò Dê.
Có thể có một số làng có lẫn lộn cả lương, giáo. Điều đó có thể xảy ra và người viết không có cách nào kiểm chứng hết được.