Miếng ăn

Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu.

Nói gì thì nói, chuyện ăn uống vẫn là điều quan trọng nhứt của vạn vật, kể cả loài người trong vũ trụ.  Trong “Từ Điển Việt Nam” của Thanh Nghị, do nhà xuất bản Thời Thế (Sài Gòn) ấn loát năm 1958, tiếng ăn có thể ghép với từ khác để tạo thành 145 từ kép mang ý nghĩa khác nhau. Theo Đại từ điển Tiếng Việt của trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo do Nguyễn Như Ý chủ biên thì tiếng ăn có thể ghép với từ khác để tạo ra 400 thành ngữ hay tục ngữ mang ý nghĩa khác nhau.

Mẹ xin kể ra đây một số từ ngữ thường mang ý nghĩa răn đời hay diễn tả nhân tình thế thái: Ăn bẩn, ăn càn nói bậy, ăn cần ở kiệm, ăn cây nào rào cây nấy, ăn cháo đá bát, ăn chưa no lo chưa tới, ăn cơm chúa múa tối ngày, ăn cơm mới nói chuyện cũ, ăn thiệt làm dối, ăn đút ăn lót, ăn gian nói dối, ăn kỹ làm dối, ăn lường ăn lận, ăn miếng trả miếng, ăn ngay nói thẳng, ăn ngập mặt, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, ăn quẩn cối xay, ăn quen bén mùi, ăn se sẻ đẻ ông voi, ăn sóng nói gió, ăn sống nuốt tươi, ăn thật làm giả, ăn to nói lớn, ăn coi nồi ngồi coi hướng, ăn tục nói phét, ăn vùa thua giựt, ăn vụng quen tay, ăn xong quẹt mỏ, ăn xôi chùa ngậm miệng, ăn xổi ở thì, ăn xới ăn bớt,…

Mẹ không rõ ngôn ngữ các dân tộc khác trên thế giới thế nào, chớ trong ngôn ngữ Việt Nam thì có lẽ không một sự việc nào có lượng từ ngữ diễn tả nhiều đến như vậy! Điều nầy còn cho ta thấy “cái ăn“ vừa thân thiết vừa quan trọng đối với con người biết là dường nào!

Mẹ con ta tham do nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng hơn hết là do “cái ăn, cái uống”. Con người càng văn minh thì cái ăn,  cái uống càng trở nên phức tạp nhiêu khê. Chỉ riêng một loại nước giải khát thôi, con thử thống kê có bao nhiêu loại đang lưu hành trên thị trường quốc nội, đừng nói chi cả thế giới! Con có biết trên thế giới hiện nay có bao nhiêu loại bia, rượu mạnh không? Có đến hàng vạn cũng không biết chừng!

Thật ra, có những món ăn cần thiết và những món ăn không cần thiết. Cũng như muôn loài, con người ăn là cốt để sống; ăn no là để sống khỏe. Nhưng phức tạp hơn muôn loài, con người không chịu dừng lại ở chỗ ăn no mà còn muốn tiến đến chỗ ăn ngon, ngày càng ngon. Thế nên, miếng ăn càng ngày càng rời xa mục đích ban đầu là ăn no để ngày càng phức tạp, cầu kỳ một cách khó hiểu, và nhiều trường hợp trở thành dã man. Móc óc khỉ tươi của Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh (Trung Quốc) chiêu đãi liệt cường phương Tây nếu ta không dùng từ dã man để lên án thì không biết phải dùng từ gì cho xứng hợp.

Ăn uống còn là nhu cầu chính đáng của muôn loài nhưng đồng thời còn bộc lộ phần nào tham vọng riêng của con người. Hầu hết loài vật chỉ giành giựt mồi của nhau khi ăn chưa no. Chúng ta giành giựt mồi của nhau ít khi vì đói mà vì muốn tích lũy hay muốn ăn cầu kỳ hơn hoặc ngon hơn, nhiều hơn.

Ta thử phân tích nhân vật trong truyện “ Thằng Bờm có cái quạt mo” mà ai cũng biết

Do một tình cờ nào đó, Bờm có được cái quạt mo. Thực tại, Bờm đang đói. Bờm cần giải quyết càng sớm càng tốt cái đói đang hành hạ Bờm. Trước mắt, tất cả những thứ Phú ông đề nghị đánh đổi như: “ba bò chin trâu” hay “một xâu cá mè”, “một bè gỗ lim”… đối với Bờm đều không có ý nghĩa thiết thực vì không đáp ứng được nhu cầu hiện tại là cái đói. Bò trâu, cá mè, gỗ lim… giá trị không bằng xôi là vậy. Đối với người đang đói, vàng bạc không hơn nồi cơm gạo. Ông bà ta từng gọi cơm gạo là ngọc, kể ra cũng có lý do.
Trái lại, Phú ông thì khác, cơm gạo đối với ông không thành vấn đề. Nhu cầu hưởng thụ của ông ngày càng mở rộng theo đà quậy quạng của con trâu tham vọng sút dây dàm. Phú ông dư ăn, dư mặc. Trong nhà nào là chuồng trâu bò, ao cá mè, bè gỗ lim… đủ cả. Nhưng lại thiếu cái quạt, cái có thể giúp ông thoải mái trong những ngày hè oi bức, giúp ông đầy đủ hơn, thoải mái hơn trong cuộc sống vốn đã sung túc.

Bài nầy là một ngụ ngôn đáng để mẹ con ta suy ngẫm. Cố gắng chiến thắng dục vọng thấp hèn luôn lôi kéo ta vào vòng sa đọa như miếng ăn,  thức uống là điều cần thiết. Miếng ăn, thức uống là chuyện thường ngày, thiết thân với cuộc sống và phản ảnh trung thực con người trong cuộc sống. Lên bàn tiệc, con đừng chê khen cơm nóng, canh nguội, món nầy ngon, món kia dở, tiệc nầy sang, tiệc kia hèn, rồi hoạnh họe, “đày đọa” người phục vụ hay phê phán lung tung. Uống, con cũng uống có chừng có mực. Tục ngữ phương Tây có câu dặn không nên uống đến cạn chai. Đến bây giờ, mẹ mới hiểu được trọn vẹn câu nói. Nếu con uống lúc nào cũng chừa lại trong chai một chút thì con ít khi phải say. Bởi con có uống sang chai thứ hai, thứ ba đâu mà say.

Có bao giờ con nhìn cách ăn của gia súc chưa? Hình như chúng chỉ ăn khi chưa no và gần như ăn đơn giản "sao cũng được” cho đến lúc vừa no là ngừng. Có khi đói chúng vẫn từ chối ăn món ngon vật lạ nếu không hợp hay chúng nghĩ là không tốt cho sức khỏe. Con đừng tưởng cá nào cũng ăn tạp. Có những lọai cá nhứt định không ăn mồi lạ dù mồi rất ngon lành. Về mặt này, có lẽ chúng không thua chúng ta hay đúng hơn là hơn hẳn chúng ta.

Như đã nói, miếng ăn, thức uống biểu hiện ít nhiều tham vọng con người. Mà tham vọng là đầu mối của tranh chấp, bạo lực, chiến tranh đưa tới điệp trùng đau khổ. Khi ăn, nếu con biết nghĩ là ăn để sống, chứ không phải sống để ăn thì con sẽ thấy miếng ăn, thức uống không hơn gì thuốc trị bịnh đói của con người. Chính vì vậy, con nên mạnh dạn rời bàn ăn khi còn một chút ngon và sẵn sàng nhường lại cho người cần thiết hơn con. Thanh nhã hay thô tục bắt đầu từ đó.

Con ơi! nghĩ cho kỹ thì hình như mọi hoạt động trong đời đều có liên quan xa gần đến miếng ăn,  thức uống. Nhục- vinh, đau khổ-hạnh phúc cũng bắt nguồn từ đây.

Biết như vậy để con liệu mà ăn, uống sao cho bảo đảm được yên vui trong suốt cuộc đời…
Cô Ty

Có một câu chuyện của chim đại bàng đã vì miếng mồi nguy hiểm mà vong thân. Loài chim này rất lớn, nó bay trên cao và dùng đôi mắt cực tinh tìm mồi tận dưới biển. Đại bàng có cách bắt mồi rất dữ dằn. Khi thấy miếng ăn thích hợp, nó từ trên cao lao xuống phập lấy con mồi thật nhanh, rồi mang vào bờ rỉa sạch.

Lần đó, cũng như mọi khi từ trên cao đại bàng thấy con mồi vừa tầm, nó lao xuống phập rất sâu rất mạnh. Phập vô rồi cất cánh bay lên, bay không được, tại vì phập nhầm cá mập. Bấy giờ muốn nhả ra, nhả cũng không được vì mống vuốt đã lún sâu vào thịt cá. Sức nặng của cá mập cứ trì xuống trì xuống. Nó không màng tới chuyện ăn uống chi lúc này, chỉ muốn bay lên thoát nạn mà thôi, nhưng không được nữa rồi. Trong hoàn cảnh như thế, con đại bàng không còn cách nào khác hơn là cùng với cá mập, từ từ chìm xuống lòng đại dương. Và câu chuyện kết thúc.

Câu chuyện ngắn củn. Ngắn củn mà đi hết vô lượng đời. Bởi vì tất cả chúng sanh đều giông giống như chim đại bàng đó vậy. Đại bàng đâu ngờ nó bấu miếng mồi, nhưng cuối cùng miếng mồi bấu lại nó. Nó nghĩ miếng mồi đó ngon lắm, vừa mắt, vừa lòng nó lắm nên quên cả tính mạng, lao vào phập thật sâu thật nhanh, không cần biết miếng mồi ấy là gì. Khi quắp không được miếng mồi, nó muốn nhả ra nhưng muộn mất rồi. Đau khổ ở chỗ là không ăn thì nhả ra, nhưng nhả ra cũng không được.

Con người cũng thế, khi lòng tham nổi lên không nghĩ tới hậu quả. Bằng mọi cách cứ bám theo miếng mồi, không biết được sự nguy hiểm của nó, không biết hoàn cảnh của mình đang ở giữa lòng đại dương, cuối cùng chính miếng mồi ấy giết mình. Nhưng nếu nói chính xác hơn thì không phải miếng mồi giết mình, mà lòng tham của mình giết mình. Cái đau nằm ở chỗ nuốt không trôi đã đành, mà muốn nhả ra nhả không được. Trong tất cả chúng ta, đa số đều rơi vào tình huống như thế. Vì lòng tham cũng như vì sự si mê ta lao vào một đối tượng nào đó, một cảnh duyên nào đó, cho đến khi hay ra ăn không được nuốt không trôi mà nhả cũng không xong. Thế là tìm cách quyên sinh. Nếu không đi vào cửa tử thì sống cũng bằng chết, đau khổ dày vò, không ai cứu được.
*****
Có một loại bẫy khỉ mà người Châu Á thường sử dụng từ lâu lắm. Chiếc bẫy được làm như thế này:

Người ta lấy một trái dừa, dùng dây cột cố định trái dừa vào một thân cây gần đó hay đóng cọc cố định trái dừa xuống đất ngay vị trí nó được đặt. Thế rồi người ta khoét một lỗ nhỏ, rồi đặt một ít thức ăn ngọt và có mùi thơm vào trong ruột trái dừa. Cái lỗ khoét ấy đủ để thò một bàn tay khỉ vào trong, nếu duỗi thẳng, nhưng không đủ lớn để lọt bàn tay khi nắm lại. Khi khỉ nghe mùi thơm từ trái dừa, nó mon men đến gần, rồi khỉ thò tay vào, lấy thức ăn. Thế nhưng khi nắm được đồ ăn trong tay, khỉ mắc kẹt tay trong trái dừa và không thể nào lấy ra được.

Khi người thợ săn đến, khỉ trở nên hoảng loạn, vùng vẫy càng nhiều hơn và càng không thể nào rút tay có nắm thức ăn ra. Thế là khỉ bị bắt. Không gì có thể giữ khỉ lại, ngoại trừ cái nắm đồ ăn trong tay kia. Một điều duy nhất khỉ cần làm để có thể thoát thân là mở tay ra, không nắm giữ đồ ăn trong trái dừa ấy nữa. Thế nhưng không mấy con khỉ biết bung tay ra để thoát chết.

Một con khỉ mắc tay vào trái dừa chỉ vì miếng ăn, cố hết sức bình sinh để rút tay ra. Càng cố sức vùng vẫy để được tự do mà không muốn bỏ miếng thức ăn trên tay trong khi người thợ săn đang đi đến gần. Con khỉ bị nạn chỉ vì nó mong đạt được điều muốn mà miếng thức ăn bên trong, chứ bản thân trái dừa không được thiết kế là cái bẫy mà hễ ai động đến là bị mắc nạn cả.
*****
Người đời có câu “Chết vì miếng ăn”. Thế nghĩa là ăn cũng chết mà không ăn cũng chết? Người bỏ ăn là tín hiệu chết đến nơi rồi. Người ăn nhiều quá bị bội thực cũng chết. Ăn vội quá bị nghẹn cũng chết. Ăn phải chất độc cũng chết. Thế chẳng phải chết vì miếng ăn là gì?

Con người ta muốn sống thì phải ăn. Muốn ăn thì phải có cái ăn. Muốn có cái ăn thì phải kiếm cái ăn. Đó chính là động cơ để sống trên Trái đất này. Muốn có ăn thì phải có đất, có rừng, có biển vì đất rừng và biển cho ta nguồn thức ăn. Người cổ sống trong rừng sâu có cái ăn là nhờ rừng. Người thời nay có đất sản xuất và canh tác, có biển săn bắt cá tôm mới có ăn.

Nếu con người ta ai cũng thỏa mãn với cái ăn đang có đã đủ sống rồi thì cuộc đời ta sẽ thanh nhàn lắm, vì làm để đủ ăn thì có khó lắm đâu? Tạo hóa sinh ra loài người vốn đã cho ta đủ đất rừng biển để có cái ăn rồi cơ mà.

Nhưng chết nỗi loài người lại cứ tham, có cái ăn đủ sống rồi lại muốn ăn sang, ăn hơn người, rồi lại có cái ăn chất đống để giành, mặc cho ai đó đang chết đói. Chính vì lẽ đó mà sinh ra tranh cướp nhau miếng ăn. Vì đất và rừng biển là những nguồn sinh ra miếng ăn, nên tham ăn thì trước hết phải tranh cướp các nguồn này. Nhiều khi lại còn cướp trắng miếng ăn ngay trên tay người khác! Đó là nguồn gốc của tội ăn cắp, cướp giật, chiếm đất, chiếm rừng, chiếm biển. Cần thì gây chiến để cướp. Đó là nguồn gốc của chiến tranh liên miên hàng ngàn năm nay trên Trái đất này. Vậy có thể nói, chiến tranh chẳng qua cũng chỉ vì miếng ăn. Chẳng cần ăn thì chẳng ai gây chiến làm gì. Nói cách khác nữa, chỉ vì miếng ăn mà sống thất đức.
Sưu tầm
Previous Post
Next Post