1. Báo chí lá ngón An-nam, ngày qua ngày, kiếm cơm và làm giàu bằng cách giật tít câu vìu các tin cướp hiếp giết, hở ngực hở mông và các sì-căng-đan về tình ái cũng như đời tư của những “người của công chúng”.
Hầu như ngày nào cũng có vài vụ án cướp hiếp giết được đưa lên, từ báo in đến báo mạng. Vấn đề không phải đưa lên với mục đích cảnh báo răn đe, mà lại chỉ để đánh vào cái thị hiếu khát máu, bạo lực và dâm loạn của phần lớn cần lao An-nam thối tai khai bẹn. Các bạn có thể minh chứng điều này qua nhà thông thái đốc-tờ Gúc.
Và hậu quả tất yếu là reo rắc vào những cái đầu non nớt của những mầm non tương lai của đất nước lẫn những già hói óc phẳng như láng xi-măng với dục vọng đê hèn lấn át đạo đức và lòng tự trọng những sự tò mò, kích động lẫn bản năng thú vật.
Ví dụ chỉ trong 2 ngày, gần chục vụ việc như vậy tràn lan trên báo mạng: Nào là con trai đâm chết cha ở bãi rác, con trai giết mẹ chém anh, 2 con gái đánh và chửi bố, bác họ làm cháu mang bầu 6 tháng, quan hệ bất chính nên chị dâu và em chồng cùng tự tử, cụ bà 75 tuổi bị sát hại trong nhà, cặp đôi lõa thể chết trong nhà nghỉ, sát thủ đẹp trai giết bạn gái vì ghen tuông, bị đâm chết khi ngăn cản va chạm, học sinh lớp 8 đấm chết bạn, nữ sinh đánh hội đồng và lột áo đối thủ,…
Mặc dù không muốn quy chụp, nhưng rõ ràng có một sự ảnh hưởng ghê gớm đến suy nghĩ và hành động của lớp trẻ và những kẻ thiếu nhân cách từ những “bản tin đen” trên báo chí lá ngón.
Một trong những nhiệm vụ của báo chí cách mạng là tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội, phục vụ mục tiêu ổn định để phát triển xã hội. Thế nhưng chỉ cần không chạm vào các “vùng cấm” là báo chí lá ngón xứ An-nam mặc sức tung hoành, kiếm những đồng tiền bẩn thỉu trên sự suy thoái đạo đức xã hội.
Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo có lẽ chỉ giản đơn như ý kiến của nhà báo Trần Quang “xử sự đúng đắn để ngăn ngừa những hành vi không đúng đắn”. Thế nhưng hiện nay, có bao nhiêu phóng viên, nhà báo đã “xử sự đúng đắn”? Và có bao nhiêu “hành vi không đúng đắn” được hình thành từ những bài báo “đen”?
Trong một xã hội mà thước đo giá trị của con người được quy bằng vật chất thì đạo đức nghề nghiệp là một điều quá xa xỉ. Bởi vì, người có lòng tự trọng bản thân và tự trọng nghề nghiệp không thể bán rẻ đạo đức và lương tâm để xây dựng giá trị bản thân trong xã hội. Và xã hội lại “cực kỳ hiếm” những người xem thường các giá trị vật chất và danh vọng.
Xã hội bất ổn, các giá trị đạo đức bị đảo ngược chắc chắn có sự đóng góp không nhỏ của những kẻ mang trong mình dục vọng thấp hèn dưới tấm áo khoác nghề nghiệp mỹ miều là phóng viên, nhà báo.
Thế mới nói, khốn nạn nhất trong tất cả các loại điếm là điếm bút.
2. Các buổi “điều trần” của các bộ trưởng tại Ủy ban thường vụ Quốc hội lại tiếp tục đưa đến cho cần-lao những tiếng cười chua chát và những cái lắc đầu ngán ngẫm bởi cách trả lời vòng vo, ngụy biện.
Chỉ có mỗi quả dưa hấu mà 2 bộ trưởng vần mãi không xong. Bộ trưởng Công thương cho rằng ứ đọng dưa hấu đã diễn ra nhiều năm nay, và nguyên nhân chính là do cửa khẩu quá chật hẹp. Đỡ đạn giùm bộ bạn, bộ trưởng Nông nghiệp bổ sung thêm là tại người dân mở rộng diện tích trồng và dưa hấu năm nay được mùa. Ông Phát hứa là “sẽ rút kinh nghiệm và có biện pháp tốt cho người dân”(!?).
Không hiểu đến bao giờ thì những vụ việc tương tự mới không còn xảy ra trong nghị trường. Bởi vì những sự việc này quá nhỏ trong một khối công việc quá lớn của các bộ trong điều hành. Vả lại những vụ việc này, chỉ cần một lãnh đạo cấp Cục có thể giải quyết thỏa đáng chứ không đến mức các bộ trưởng phải quanh co trước nghị trường như thế.
Thêm nữa, ông Hoàng nói vụ việc trên đã xảy ra nhiều năm, ông Phát hứa sẽ rút kinh nghiệm và đề xuất biện pháp tốt. Cả ông Hoàng và ông Phát đều làm bộ trưởng hơn một nhiệm kỳ rưỡi, nghĩa là có khoảng 7 năm ngồi ghế bộ trưởng. Thế mà có mỗi quả dưa hấu không giải quyết được thì không rõ những việc khác sẽ như thế nào? Và không biết ông Phát còn bao nhiêu thời gian để rút kinh nghiệm nữa?
Khi có mặt bộ Y tế giải trình thì không thể không nhắc đến bà bộ trưởng, một người luôn có những câu trả lời “nổi tiếng” trước nghị trường, chính phủ và báo giới. Nổi tiếng không phải vì bà bộ trưởng giỏi giang, làm tốt trả lời hay. Mà nổi tiếng vì làm dở, trả lời cực thiếu i-ốt và giống như cán bộ phong trào cấp cơ sở lần đầu phát biểu trước đám đông.
Vẫn liên quan đến vấn đề y đức của y bác sỹ trong khám chữa bệnh, bà Tiến nói: “bệnh nhân đi khám chữa bệnh thì có thể khỏi bệnh hoặc không và cũng có thề để lại biến chứng, thậm chí tử vong”. Đáng ra đây là câu nói của một cần-lao thiếu hiểu biết và bi quan với ngành y tế chứ không phải được phát ngôn từ mồm bà bộ trưởng Y tế trước nghị trường.
Các ông bà bộ trưởng nói trên chắc chắn không dốt, không đần, không thiếu năng lực. Bởi vì họ có đầy đủ học hàm, học vị chuyên môn và đang ngồi ghế tư lệnh ngành. Thế nhưng “có lẽ” họ phấn đấu trèo lên cái ghế bộ trưởng là vì danh, vì lợi và họ giữ ghế đó vì họ, vì những người đã giúp họ có được cái ghế đó chứ không phải vì dân vì nước. Chính vì vậy, cái họ quan tâm là làm sao để ngồi ngay ngắn từ lúc nhận chức đến khi rời ghế để nghỉ hưu.
Khi một người đã nắm một trọng trách của đất nước, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến đời sống của cần-lao thì chắc chắn họ phải là người giỏi giang, để lại thành quả và tiếng thơm nơi hậu thế. Ngược lại, nếu họ không đủ năng lực mà cố bon chen vị trí đó để đoạt danh, đoạt lợi. Hoặc có năng lực nhưng vì danh, vì lợi và vì cố giữ cái ghế đó mà không dám thay đổi theo chiều hướng tích cực cho đất nước, có lợi cho cần-lao thì họ chính là những kẻ mũ ni che tai, đồng lõa với lợi ích nhóm để yên thân, để hưởng lợi. Chắc chắn rằng, họ không thể có cái đức độ, cái tâm huyết của những bậc kinh bang tế thế được.
Và điều tất yếu, những kẻ ở dưới sẽ a dua theo họ để tranh quyền đoạt lợi vơ vét cho bản thân mà quên đi trọng trách với dân tộc, với đất nước. Đấy là một sự suy thoái đạo đức công quyền có hệ thống.
Có thể An-nam sẽ khó có những vụ việc như Bạc Hy Lai hay Chu Vĩnh Khang ở bên Tung-Của. Nhưng lịch sử hậu thế sẽ đánh giá họ một cách sòng phẳng.
Nghìn năm bia miệng là thế.
3. Một vụ việc được báo chí các loại lề phê phán kịch liệt và khiến dư luận bức xúc đến mức phẫn nộ trong tuần là vụ xét xử 5 công an đánh chết nghi can ở Tp.Tuy Hòa (Phú Yên). Bản án từ 1 năm (hưởng án treo) đến 5 năm tù giam với tội danh “dùng nhục hình đối với nghi can”.
Trả lời báo chí sau vụ việc, ông Lương Quang - chánh án tòa này nói “vụ án này hết sức phức tạp, hết sức nhạy cảm, cả trung ương cũng rất quan tâm” nên “xét xử theo phạm vi truy tố của VKS” để khỏi “ôm rơm cho nặng bụng”. Đồng thời ông này cũng cho là phải chọn “giải pháp nào để giải quyết cho an toàn” để “đảm bảo mối quan hệ cho tốt” kẻo 5 công an kia lại “xì ra” vì so bì hình phạt tại tòa phúc thẩm(!?).
Ông Vũ Xuân Hải - cựu Chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Phú Yên, nói: “Phải xử thêm tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người…”. Đồng quan điểm trên, ông Vũ Phi Long - Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM cũng cho rằng “Công an đánh chết nghi can là giết người”. Hàng loạt các ý kiến của những người công tác trong tòa án, viện kiểm sát và các luật sư đều cho rằng tòa án Tp Tuy Hòa xử chưa đúng người, đúng tội.
Nhớ lại năm 2009, TAND huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã tuyên phạt 3 người nông dân 13 năm tù chỉ vì cướp… 2 con vịt làm mồi nhậu. Nếu so sánh một cách khập khiễng theo cảm tính, hóa ra một mạng người (là nghi can) do công an sử dụng nhục hình mà chết rẻ hơn mạng của 2 con vịt!!!
Thế mới thấy, vấn đề điều tra, xét hỏi, xử án trong thời gian qua chắc chắn còn nhiều dấu hỏi (?) về sự công bằng, hợp lý và đảm bảo quyền con người của các cơ quan thực thi pháp luật. Nhiều vụ án oan sai được phát hiện trong thời gian qua như vụ ông Nguyễn Đức Bình (bị TAND Tp.Hà Nội kết án oan) hay vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (bị TAND Tp.Bắc Giang kết án oan) đã nói lên điều đó.
Vụ việc chắc sẽ còn gây tranh cãi nhiều trong dư luận. Tuy nhiên, một bản án khiến xã hội phẫn nộ thì chứng tỏ việc xét xử chưa nghiêm minh, chưa đúng người đúng tội.
Tòa án là nơi thực thi công lý, giữ gìn sự sự công bằng, minh bạch với mọi đối tượng trong xã hội. Hàn Phi đã từng nói: “Pháp luật không hùa theo người sang” và “Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần”. Khi pháp luật bị nắn cong bởi kẻ có quyền và có tiền thì xã hội không còn công lý nữa. Và khi đó, một xã hội vô pháp sẽ hình thành với công lý được thực thi bởi những “luật rừng”.
Dĩ nhiên, những người điều tra, những công tố viên, những thẩm phán khi không thực thi đúng chức trách, để quyền lực và tiền bạc đâm toạc tờ giấy thì chắc chắn đây là sự suy đồi nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp. Và dĩ nhiên, sự tha hóa nhân cách cũng đi kèm theo sự suy đồi đạo đức nghề nghiệp đó.
Người ta luôn nói đến vấn đề “nhân - quả”. Xã hội sẽ như thế nào khi cần-lao sử dụng luật rừng để đòi công lý?
4. Những chuẩn mực của đạo đức có thể đúng với người này, nhưng chưa chắc đã đúng với người khác. Có thể phù hợp trong trường hợp này, nhưng chưa chắc đã phù hợp trong trường hợp khác. Tuy nhiên, xã hội loài người luôn có những chuẩn mực chung, và tất cả con người đều phải tuân thủ.
Khi những chuẩn mực đạo đức bị vứt bỏ vào sọt rác. Những kẻ vứt bỏ đạo đức đó sử dụng một mặt nạ đạo đức giả và cái áo khoác nghề nghiệp diêm dúa để đánh lừa xã hội và trục lợi cho bản thân thì xã hội không còn công bằng và thượng tôn pháp luật nữa. Dĩ nhiên, phần thiệt luôn thuộc về đa số cần-lao thối tai khai bẹn.
Khốn nỗi, những kẻ băng hoại đạo đức lại kêu gào người khác đi học tập đạo đức!!!