Năm giới là tiêu chuẩn được sinh làm người

Hỏi: Kính bạch Thầy, có vị giảng sư nói: “Chỉ cần giữ gìn năm giới thì kiếp sau được làm người, 10 giới được làm thân chư thiên? Đúng hay sai, xin Thầy giảng cho chúng con được rõ.

Đáp: Đó là một tiêu chuẩn làm người, đức Phật đã xác định rất rõ ràng, vì thế khi quy y Tam Bảo thọ năm giới, người cư sĩ cần phải sống đúng năm giới, nhưng mấy ai đã giữ gìn năm giới trọn vẹn, một tiêu chuẩn có năm điểm để được đậu làm thân người, nhưng nhìn những người xung quanh ta, tuy đã thọ năm giới nhưng mấy ai đã giữ được trọn vẹn, mặc dù có người đã thọ năm giới rất lâu có thể từ năm năm hay mười năm. Thế mà giờ này còn có người vi phạm.

Trong năm giới này gồm có :

1- Sát sanh.

2- Trộm cắp.

3- Tà dâm.

4- Vọng ngữ.

5- Uống rượu

Trong năm giới này giới trộm cắp, tà dâm và uống rượu là dễ giữ gìn, còn giới sát sanh và giới vọng ngữ là khó giữ, nói khó không có nghĩa là giữ không được.

Người tu sĩ hiện nay năm giới này còn giữ không trọn huống là người cư sĩ. Bởi vậy “được thân người khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển Đông”. Nói khó được thân người tức là nói giữ gìn năm giới rất khó.

Khi mất thân rồi phải trải qua vô lượng kiếp mới làm được người, thế mà mọi người có thân chẳng mấy ai quý trọng. Mỗi phút thời gian trôi qua làm sao chúng ta cứu được thân. Nhờ có thân tu tập mới mong giải thoát luân hồi sanh tử, không có thân lấy gì tu tập giải thoát được. Phải không quý vị?

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng,
Tấc vàng tìm được không gì khó,
Tấc bóng thời gian khó hỏi han”

Năm giới này là năm hành động đạo đức làm người.

1- Giới thứ nhất không sát sanh, giới này xác định quý vị có được thân người hay không? Nếu quý vị phạm giới này thì không bao giờ quý vị được làm thân người nữa.

2- Giới này dạy: không vì sự sống của ta, mà ta nỡ sống trên sự giết hại và làm đau khổ của muôn loài vật khác, trong sự đau khổ đó có con người. Giới này là một hành động đạo đức hiếu sinh, chỉ có con người mới thực hiện lòng thương yêu ấy; chỉ có con người mới tu tập rèn luyện đạo đức này. Còn tất cả loài thú vật trên hành tinh này không thể hiểu biết và tu tập rèn luyện đạo đức này được. Con người nhờ có tri kiến hiểu biết thiện và ác, còn con thú thì không phân biệt được thiện ác. Do biết phân biệt nên đức Phật mới dạy cho con người sống đạo đức hiếu sinh, vì có thương chúng sanh mới có thương mình, có thương mình không nên làm khổ chúng sanh, làm khổ chúng sanh tức là làm khổ mình, tại sao vậy? Vì luật nhân quả, khi làm khổ chúng sanh tức là huân sự khổ đau vào mình. Cho nên người nào ăn thịt và giết hại chúng sanh thì người ấy đã huân sự bệnh tật, tai nạn vào mình và những người thân của mình.

‘Tích thiện gieo nhân ta thắp sáng bầu trời.
Đem lợi ích cho muôn loài là niềm vui hạnh phúc.”

Giới thứ nhất của Phật dạy chúng ta biết tạo nhân quả không sát hại và ăn thịt chúng sanh để không vay nợ xương máu và thân mạng chúng sanh, nhờ đó mới được thân người, nếu giết hại và ăn thịt chúng sanh là phải trả nợ máu xương và thân mạng tức là phải làm thân chúng sanh để cho người khác giết hại và ăn thịt lại.

Điểm cao nhất của giới này là để được làm thân người, đó là đạo đức làm người thứ nhất của người cư sĩ.

Đạo đức này đã không giết hại và ăn thịt chúng sanh mà còn thương yêu tất cả chúng sanh như con mình. Muốn được làm thân người thì quý vị phải nhớ kỹ lời dạy này; phải nhớ kỹ giữ gìn đạo đức này, đạo đức hiếu sinh, đạo đức này chỉ có con người mới có, nếu không giữ gìn được đạo đức này thì chớ mong có được thân người ở kiếp mai sau. Do đức hạnh này mà đức Phật dạy: “thân người khó được”.

Chỉ trong giới này cũng đủ xác định kiếp sau của quý vị còn có được thân người hay không? Nếu quý vị giết hại và ăn thịt chúng sanh thì chắc chắn kiếp sau quý vị không được làm thân người. Luật nhân quả rất công bằng, vì thế kiếp sau quý vị phải làm thân chúng sanh để trả vay nợ máu xương như chúng tôi đã nói ở trên thì quý vị làm sao có thân người được.

Còn bốn giới kia để xác định đời sống của quý vị khi có thân người được hạnh phúc sang giàu hay khổ đau nghèo cùng, có tình nghĩa hay bạc tình, có thông minh hay u tối như:

Giới thứ hai là giới cấm trộm cướp, giới này xác định làm được thân người có giàu sang hay nghèo khổ đói rét, nếu kiếp này quý vị tham lam trộm cắp của người. Của cải trộm cắp ấy không những trong kiếp này, của cải tài sản của quý vị như để ngoài sân, nó sẽ bị tiêu tan dễ dàng như: lửa cháy, nước trôi, Nhà nước sung công, con cái trong nhà phá tán v.v… Trong kiếp này và kiếp sau quý vị trở thành người nghèo cùng khốn khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo khổ đến mức không có nhà ở, phải ở hè phố ngủ đường ngủ bụi v.v... đó là luật nhân quả rất công bằng xử phạt kẻ tham lam trộm cắp cướp giật của người khác.

Nhìn qua giới luật này, xét thấy trong cuộc sống của quý vị thì biết ngay quý vị nghèo khổ hay là giàu sang đều do nhân lấy của không cho (tham lam trộm cắp) hay bố thí.

Giới thứ ba là giới Tà dâm, giới này xác định được quý bạn là người có đạo nghĩa hay không đạo nghĩa. Đức Phật dạy giới này là cấm dâm dục không chân chánh, dâm dục chân chánh là tình nghĩa đạo lý con người, còn dâm dục không chân chánh, nay lấy người này, mai ở với người khác chẳng khác nào là một con thú vật không đạo nghĩa, không chung thủy.

Giới luật này chỉ rõ đạo nghĩa làm người. Làm người phải có tình, có nghĩa, có lòng chung thủy thương yêu nhau mới gọi là con người. Vì hạnh phúc của chúng ta và mọi người thì chúng ta đâu có quyền làm khổ mình, khổ người bằng cách lang chạ như loài thú vật.

Con người khác hơn con thú ở giới luật này, nếu con người không giữ gìn giới luật này thì kiếp sau khó làm người, hiện tại họ là một con người nhưng tâm tánh họ có khác gì con thú, sống không tình, không nghĩa, sống không có lòng trung trinh tiết hạnh, sống không chung thủy với nhau.

Giới luật này xác định được tình nghĩa đạo đức cao đẹp của con người với con người, nếu không có giới luật này thì đạo đức tình nghĩa của con người không có, và như vậy con người chỉ là một con thú vật mà thôi.

Giới thứ tư là giới vọng ngữ, tức là giới cấm nói dối, giới cấm không nói thất hứa, thất hẹn v.v....giới luật này xác định được uy tín của con người trong cuộc sống đối với những người khác, giới luật này nói lên sự uy tín của con người đối với con người trong xã hội như trên đã nói, người ở đời ai phạm vào giới luật là tự làm mất uy tín. Con người phải có uy tín, con người không uy tín là không xứng đáng làm người.

Một con thú vật mang đầy đủ tánh hung ác giết hại lẫn nhau, cướp giật ngang tàng, sống lang chạ không chung thủy, nhưng rất thành thật không dối trá.

Giới luật này nếu con người phạm vào thì còn thua loài thú vật thì làm sao xứng đáng làm người được.

Người nói láo, thất hứa, thất hẹn là những người xã hội không ai dám gần. Giới không nói dối là một giới luật rất khó giữ gìn, làm người chúng ta thường hay phạm vào giới này, vì thế chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác khi nói chuyện bất cứ người nào.

Giới thứ năm là giới uống rượu, Kẻ say sưa rượu chè là người mê mờ, không sáng suốt. Người uống rượu thường tự tạo tri kiến của mình ngày càng u tối và đần độn. Người nào hay uống rượu là người ấy tự làm khổ mình, tự giết mình, uống rượu như uống thuốc độc vào mình. Vì thế chỉ có những người không sáng suốt và mê mờ mới nuốt độc dược vào thân mà không biết.

Rượu là một chất độc kích thích và tác động thần kinh khiến cho người uống rượu giống như người điên, không còn trí tuệ thông minh, nên người say rượu thường ăn nói bừa bãi, ăn nói khiếm nhã thiếu lịch sự, văn hóa, ăn nói thô lỗ cộc cằn v.v...

Người uống rượu say sưa tánh tình hung ác không khác nào như một ác quỷ, án mạng thường xảy ra phần lớn là do những người say  rượu.

Tóm lại trong năm điểm này, nếu chúng ta chỉ cần thiếu một điểm thì chúng ta cũng không thể làm người được, vì đó là năm tiêu chuẩn được làm người mà đức Phật đã dạy cho mọi người để xác định muốn được thân người thì phải sống đúng năm giới luật này một cách cụ thể, rõ ràng mà không có người nào phản đối.

Trưởng Lão ThíchThông Lạc
Và đây là bộ sách của Thầy Thích Thông Lạc mà tác giả Blog đã sưu tập (tạm thời), bạn có thể tải về: Click tại đây
Previous Post
Next Post