Tâm lý tiểu nông, sức ỳ nghìn năm

Vì được củng cố bởi những điều kiện kinh tế và xã hội ngưng đọng hàng nghìn năm nên tâm lý tiểu nông có tính bảo thủ và sức ỳ rất lớn. Thể hiện trước hết ở đặc điểm người Việt ít có sự khẳng định về cái tôi cá nhân, về nhân cách độc lập của mình. Người Việt ít khi xưng “tôi” mà luôn hòa tan mình vào các mối quan hệ cộng đồng, thường xác định vị thế và trách nhiệm của mình trong quan hệ cộng đồng để có xưng hô tương ứng: Là anh, là em, là con, là cháu, v.v.. Cái cá nhân gần như bị hòa tan, gần như bị che lấp bởi con người cộng đồng. Đặc điểm văn hóa này có ở mỗi người dân, bám vào họ một cách bền chặt và dai dẳng trở thành một đặc điểm tâm lý Việt bền vững.

Nếu trong thời chiến tranh, việc đề cao giá trị cộng đồng, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân là hợp lý, chính đáng và cần thiết thì trong điều kiện hội nhập toàn cầu, mỗi cá nhân cần phải được khẳng định cái tôi, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điều đó gặp sự cản trở rất lớn của tâm lý cộng đồng chi phối. Tâm lý này là một trong những nguồn gốc của thói dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể, không dám chịu trách nhiệm: “Cha chung không ai khóc"; tâm lý cầu an, thụ động kiểu “nước nổi lo chi bèo chẳng nổi”, thiếu chí tiến thủ, “Ai sao tôi vậy” hay “Anh nhất thì tôi cũng nhì/ Ai hơn tôi nữa tôi thì thứ ba”, chỉ lo giữ mình và lo đối phó, thụ động, thiếu trách nhiệm xã hội, thiếu ý thức công dân. Chính vì vậy, tư tưởng cả nể có cơ hội để phát triển, mọi người luôn nghĩ “Đóng cửa bảo nhau”, “Rút dây động rừng”. Do vậy, không khuyến khích được sự phát triển tính tích cực, năng động, sáng tạo của các cá nhân.

Cần có sự phân biệt mặt trái của tâm lý cộng đồng với truyền thống coi trọng các giá trị cộng đồng - vốn là một trong những giá trị truyền thống của dân tộc đã được thử thách qua thời gian. Nhờ thế con người không ngừng rèn luyện các phẩm chất cá nhân để hướng tới những giá trị cộng đồng cao đẹp. Sự coi trọng tính cộng đồng là một giá trị truyền thống quý báu, là nguồn sức mạnh nội sinh của đất nước. Điều này khác với mặt trái của nó, là tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào tập thể...

Quá coi trọng đến mức phụ thuộc cái cộng đồng sẽ đẻ ra tính bình quân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, đố kỵ, mất đoàn kết, không muốn người khác hơn mình, bảo thủ, trì trệ,... Những nét tiêu cực này mâu thuẫn gay gắt với những yêu cầu phải tôn trọng các hợp đồng kinh tế, các điều khoản, các quy định luật pháp trong nền kinh tế thị trường, trong hội nhập và giao lưu với nước ngoài, nhất là với các nước công nghiệp phát triển.

Tính tự trị, tự quản tương đối hoàn chỉnh của làng - xã và óc cục bộ địa phương của người nông dân xưa kia làm cho họ chỉ thấy lợi ích chật hẹp của làng mình, không thấy lợi ích của làng khác và của cả nước (trừ những lúc đất nước bị ngoại xâm và thiên tai đe dọa). Xuất phát từ tâm lý cục bộ địa phương, nhiều làng (nhất là những làng nghề), trong Lệ làng còn có những quy định khắt khe nhằm giấu nghề bằng cách không truyền nghề cho người làng khác. Tính hẹp hòi, vị kỷ, “bí quyết” nghề nghiệp đó hiện nay vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến sự hội nhập và phát triển.

Làng xã Việt Nam truyền thống về cơ bản là làng xã nông nghiệp. Nền kinh tế làng xã mang tính tự cung, tự cấp. Mọi sinh hoạt đều bị bó hẹp bên trong lũy tre làng, ít có điều kiện giao lưu với bên ngoài, khép kín với thói quen sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán. Phương thức sản xuất này cùng với tính khép kín trong quan hệ dòng họ, thôn xóm dẫn đến tư duy của người tiểu nông không có tầm nhìn xa, không có tính chiến lược, bảo thủ trong sự tiếp nhận cái mới.

Cách tư duy ấy, cách nhìn ấy, cùng với sự rụt rè thiếu tự chủ của con người cá nhân trong cộng đồng là điều kiện để nảy sinh tâm lý bám làng; dù đói, dù no cũng bám lấy làng mình, ở lại làng mình: “Ta về ta tắm ao ta...”. Người nông dân thích sự ổn định, an phận, ngại đi xa để làm ăn mở mang tầm nhìn, họ chỉ muốn “an cư lạc nghiệp” nên nảy ra tâm lý cầu an. Người tiểu nông Việt Nam vốn ưa cái thanh bình, tĩnh lặng, nhẹ nhàng, ngại sự thay đổi. Nếu người phương Tây sống trong xã hội công nghiệp một năm có thể thay đổi chỗ ở vài lần thì ngược lại, người tiểu nông sống trong xã hội văn minh nông nghiệp cả đời có khi chỉ sống một nơi, một chốn. Điều này dẫn tới những khó khăn trong việc phân công lại lao động hay trong các hợp tác quốc tế về lao động.

Mảnh đất làng xã Việt Nam cổ truyền được coi như mảnh đất màu mỡ để hạt giống ý thức hệ Nho giáo “cấy” vào. Nho giáo đã có những mặt tích cực rất đáng kể đóng góp vào sự phát triển của xã hội phong kiến Việt Nam. Ảnh hưởng của Nho giáo cùng chế độ đẳng cấp làng xã coi trọng tầng lớp “sĩ”, kết hợp với tâm lý trọng danh đã dẫn tới sự quá coi trọng việc học hành, khoa bảng. Mặt tích cực là sản sinh ra truyền thống hiếu học. Sự coi trọng danh tiếng, danh dự - kết quả của lối sống cộng đồng và đề cao sự thừa nhận của cộng đồng, ở mức độ hợp lý là điều đáng quý, đáng trân trọng, cần kế thừa. Nhưng nếu coi trọng học vị khoa bảng một cách hình thức “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”; coi thường thương nghiệp, kỹ nghệ, sẽ là sự lệch lạc nguy hiểm.

Mặt trái của tâm lý quá coi trọng danh tiếng còn được biểu hiện ở thói khoa trương hình thức và “bệnh sĩ diện”. Người Việt rất giản dị và tiết kiệm, “bóp mồm bóp miệng” trong sinh hoạt ngày thường thì trong những dịp lễ hội, đình đám,... lại rất phung phí tiền của, “vung tay quá trán”. Thời kỳ công xã nguyên thủy, việc tổ chức ăn uống cộng đồng là một hoạt động có mục đích thắt chặt tình cảm cộng đồng, thì đến thời phong kiến, ở nhiều nơi, truyền thống đó bị bóp méo thành hủ tục. Trong các dịp ngày lễ, Tết, đám xá... việc tổ chức ăn uống lại là dịp để người ta khoa trương thanh thế, để “trả nợ miệng”... Những tiêu cực này không chỉ xảy ra trong các lễ tết, hiếu hỉ, mà còn xâm nhập cả vào trong các dịp sinh hoạt hội họp, tổng kết,... Dĩ nhiên chúng để lại những di hại cả về kinh tế lẫn văn hóa - xã hội.

Cũng do ảnh hưởng của Nho giáo mà trước kia xuất hiện tâm lý khinh thường hoạt động buôn bán, chỉ coi trọng: Văn, Đạo và Đạo đức. Do vậy tâm lý xem thường nghề buôn (họ mỉa “con buôn”: Thật thà cũng thể lái trâu...) đã bám rễ sâu vào suy nghĩ con người, khiến cho nghề buôn trong lịch sử Việt Nam không phát triển. Điều này làm cho nông nghiệp trước Cách mạng Tháng Tám rơi vào tình trạng biệt lập, khép kín. Tư tưởng trọng nông, ức thương cho đến nay vẫn còn tồn tại, khó có thể khắc phục được ngay. Đây là một khó khăn để thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, trong đó ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân, là một trở ngại trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường và quá trình giao lưu học hỏi hội nhập với quốc tế.

Previous Post
Next Post