Đam mê là nhảm nhí và mục tiêu chỉ dành cho những kẻ thua cuộc

1. Câu chuyện về 4 người thành công:
 
Ngày xửa ngày xưa, có 4 người được mời đến phát biểu ở một cuộc hội thảo, tất cả họ đều là những người cực kỳ thành công trong lĩnh vực của riêng mình. Câu hỏi chung được dành cho 4 vị khách mời là "Đâu là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công của các vị ngày hôm nay?"

Người đầu tiên lên phát biểu vốn là một người thành thật: "Thực ra tôi chẳng có bí quyết gì cả, tôi thành công chủ yếu là nhờ may mắn..." Khán giả phía dưới trầm trồ: "Đời thật là bất công, một kẻ bất tài chỉ nhờ may mắn mà cũng có thể thành công lớn như vậy!"

Đến lượt người thứ 2 lên phát biểu, đứng trên bục anh ta thầm nghĩ "Cũng may mình thành công là nhờ tài năng chứ không phải nhờ may mắn!" và thế là anh ta bắt đầu khoe khoang tài năng xuất chúng của mình đã có vai trò quan trọng như thế nào trong chặng đường vượt qua bao khó khăn chông gai để vươn tới thành công. Thế nhưng anh chàng lại bị khán giả ném đá còn nặng nề hơn cả người phát biểu thứ nhất "Đúng là ngạo mạn! Mới được tí thành tựu mà cứ tưởng như mình giỏi lắm!"

Người thứ 3 lên phát biểu, đây là một người khá khiêm tốn, anh ta thừa nhận rằng mình không quá may mắn cũng không có tài năng gì đặc biệt, tất cả những gì anh đạt được ngày nay chủ yếu nhờ sự siêng năng cần mẫn và nỗ lực trong nhiều năm dài đằng đẵng. Khán giả bên dưới tỏ ra nhàm chán và ngáp lên ngáp xuống "Làm việc hùng hục như con trâu thì có gì hay chứ, cho dù có đạt được chút thành công thì cuộc sống cũng mất hết tất cả vui thú!". Kết thúc bài phát biểu, anh chàng ngậm ngùi bước xuống trong sự thờ ơ của khán giả.

Người cuối cùng bước lên bục, vừa đi lên anh chàng vừa toát mồ hôi hột: "Mình thành công là nhờ cả 3 yếu tố may mắn, tài năng và siêng năng, giờ mà nói thật thì chắc chắn sẽ nhận số đá bằng tổng của 3 người phía trước cộng lại! Không được, mình phải bịa ra cái gì đó hay ho để nói mới được! Đúng rồi, một cái gì đó mà bất cứ người bình thường nào cũng dễ dàng có được!"

Và thế là anh ta bắt đầu nói về đam mê. Bởi vì đam mê thì ai cũng có, không đam mê cái này thì cũng đam mê cái khác, đam mê chơi game, đam mê mua sắm, đam mê thể thao, đam mê ăn uống... đủ loại đam mê. Và tất nhiên khán giả rất thích điều đó. Họ nghĩ rằng "Nhìn này! Tôi cũng có đam mê đấy! Điều đó có nghĩa là tôi cũng có đầy đủ tố chất để thành công đấy nhé!" Họ ghét may mắn vì may mắn mơ hồ khó nắm bắt, họ ghét tài năng vì tài năng thì chỉ một số ít người mới có, họ ghét siêng năng vì siêng năng thì thật là mệt mỏi và nhàm chán. Chính vì thế mà họ càng yêu "đam mê" hơn vì cái ý tưởng về đam mê thật là ngọt ngào, dễ dàng và lãng mạn. Chẳng phải "đam mê" là từ có tần suất xuất hiện rất cao trong các cuốn tiểu thuyết ái tình mà các cô gái mới lớn hay đọc đấy sao? À, tất nhiên từ khi thể loại sách self-help truyền cảm hứng bắt đầu nổi lên thì từ "đam mê" không còn là độc quyền của tiểu thuyết ái tình lãng mạn nữa.

Câu chuyện trên có 3/4 là hư cấu!

3 người đầu tiên là hư cấu.

Nhưng người cuối cùng là có thật. Anh ta đại diện cho cách tất cả những người thành công sẽ trả lời nếu được hỏi về bí quyết thành công.

Nếu bạn để ý những người thành công khi được phỏng vấn trên truyền hình và báo chí, khi được yêu cầu đưa ra lời khuyên, 99% họ sẽ nói cùng một câu “Hãy theo đuổi đam mê của bạn!”

Người ta đã thống kê có hơn 1300 cuốn sách kinh doanh viết về chủ đề “đam mê” được bán trên Amazon.

Những khóa học “thành công chớp nhoáng” cũng rao giảng về đam mê.

Đám bán hàng đa cấp cũng thích sử dụng “đam mê” để lôi kéo người khác trở thành cấp dưới trong hệ thống phân phối của chúng.

Và đặc biệt là Steve Jobs, ông này rất thích nói về đam mê.

Nhưng nếu tôi nói với bạn rằng, thành công của Steve Jobs chẳng liên quan gì tới đam mê cả, thì chắc bạn không tin đâu!

2. Đừng nghe những gì Steve Jobs nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Steve Jobs làm:

Tháng 6 năm 2005, tại sân vận động Stanford, Steve Jobs đọc bài diễn văn tốt nghiệp cho các sinh viên sắp ra trường của đại học Stanford. Đóng bộ quần jean và giày xăng-đan bên dưới tấm áo choàng trang trọng, Jobs phát biểu trước đám đông 23.000 người về những bài học đúc kết từ cuộc đời ông. Được khoảng một phần ba bài, Jobs đưa ra lời khuyên:

Bạn phải tìm kiếm điều bạn yêu thích… Cách duy nhất để làm tốt một công việc chính là yêu công việc bạn làm. Nếu bạn chưa tìm thấy nó, hãy tiếp tục tìm, đừng ngừng lại.

Khi ông kết thúc bài phát biểu, đám đông đã đứng dậy tán thưởng nhiệt liệt.

Mặc dù bài diễn thuyết của ông chứa đựng rất nhiều bài học khác nhau, nhưng rõ ràng, thứ được nhấn mạnh nhất là hãy làm công việc mình yêu thích. Chẳng hạn như trong bài báo chính thức viết về sự kiện này, bộ phận truyền thông của Stanford đã nói rằng Jobs “khuyến khích các bạn sinh viên hãy theo đuổi ước mơ.”

Không bao lâu sau, một đoạn video không chính thức về bài diễn thuyết này được đăng trên Youtube và nhanh chóng lan truyền khắp nơi với hơn 3,5 triệu lượt xem. Và khi Stanford chính thức đăng đoạn video lên thì lại có thêm 3 triệu lượt xem nữa. Các nhận xét về đoạn video chủ yếu tập trung vào tầm quan trọng của việc yêu thích công việc của mình. Người xem tóm tắt lại phản ứng của họ theo nhiều cách tương tự nhau như:

“Bài học giá trị nhất là tìm ra mục đích sống của bạn, và theo đuổi đam mê... Cuộc sống quá ngắn ngủi đến mức không thể làm những gì mà bạn nghĩ rằng mình phải làm.”

Hãy theo đuổi đam mê của bạn - cuộc sống là dành cho những người sống.”

“Đam mê chính là động lực để bạn sống cuộc đời mình.”

“Đam mê trong công việc mới là điều quan trọng.”

Nói một cách khác, hàng triệu người xem bài diễn thuyết này đã rất hào hứng khi thấy Steve Jobs - một bậc thầy về tư duy khác biệt - đưa ra lời khẳng định chắc nịch về một lời khuyên trong khía cạnh sự nghiệp rất phổ biến và hấp dẫn, lời khuyên mà tôi gọi là thuyết đam mê:

Thuyết đam mê

Chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc trong công việc là trước tiên phải tìm được cái mà bạn đam mê rồi sau đó hãy tìm một công việc phù hợp với đam mê này.

Giả thuyết này là một trong những đề tài đã được đề cập nhiều lần trong xã hội nước Mỹ hiện đại. Ngay từ khi còn nhỏ, những người đủ may mắn để được tự do lựa chọn điều họ muốn làm trong cuộc đời đã bị nhồi nhét thông điệp này. Chúng ta được khuyên rằng hãy kính trọng những người có can đảm theo đuổi đam mê, và thương hại những kẻ an phận chỉ biết bám víu lấy con đường an toàn.

Nếu bạn nghi ngờ tính phổ biến của thông điệp này, lần tới khi vào nhà sách, hãy dành vài phút lướt qua tủ sách về định hướng nghề nghiệp. Bỏ qua những quyển sách về hướng dẫn cách viết sơ yếu lý lịch hay các quy tắc phỏng vấn, thì thật khó để tìm thấy một quyển sách nào mà không ủng hộ thuyết đam mê này. Những quyển sách này hứa hẹn rằng chỉ cần vài bài kiểm tra tính cách là bạn có thể tìm ra công việc mơ ước. Thời gian gần đây, có một xu hướng mới, quyết liệt hơn tương ứng với thuyết đam mê đang được lan tỏa rộng rãi - xu hướng bày tỏ nỗi thất vọng về loại hình công việc ngồi trong văn phòng. Xu hướng này cho rằng về bản chất, kiểu công việc này thật tệ hại, và rằng theo đuổi đam mê đòi hỏi bạn phải tự mình làm chủ.

Nhưng liệu đã bao giờ bạn tò mò muốn biết quá trình thành công của Steve Jobs diễn ra như thế nào chưa? Và “đam mê” đóng vai trò như thế nào trong quá trình thành công ấy?

Hãy bắt đầu với câu chuyện thật sự về Steve Jobs:

Nếu từng gặp Steve Jobs thời còn trẻ cho đến khi ông thành lập Apple Computer, bạn sẽ không cho rằng ông là người có hứng thú thành lập một công ty công nghệ, Jobs từng theo học trường Đại học Reed, một ngôi trường danh giá về khoa học nhân văn tọa lạc tại Oregon. Vào thời điểm này, ông để tóc dài và đi chân không. Khác với các nhân vật công nghệ có tầm nhìn cùng thời với ông, khi còn là sinh viên, Jobs không thật sự hứng thú với cả kinh doanh lẫn điện tử. Thay vào đó, ông học về lịch sử phương Tây, khiêu vũ, và tìm hiểu về sự huyền bí của phương Đông.

Jobs nghỉ học sau năm đầu tiên, nhưng vẫn nán lại trường một thời gian. Ông ngủ trên sàn nhà và ăn đồ ăn miễn phí tại đền Hare Krishna trong vùng. Chính khí chất không tuân thủ luật lệ đã biến ông thành người nổi tiếng trong trường - một gã “lập dị”theo cách nói thời đó. Theo Jeffrey s. Young ghi chép trong quyển tiểu sử được nghiên cứu rất kỹ lưỡng năm 1988, Steve Jobs: The Journey Is the Reward (Steve Jobs: Hành Trình Chính Là Phần Thưởng), thì Jobs cuối cùng cũng chán ngán cảnh ăn nhờ ở đậu của mình. Đầu năm 1970, ông quay trở về nhà tại California, sống cùng với bố mẹ và làm một công việc ca đêm tại Atari. (Ông để mắt đến công ty đó nhờ mẩu quảng cáo trên tờ San Jose Mercury với tiêu đề “Vừa tận hưởng vừa kiếm tiền”) Trong giai đoạn này, Jobs phân chia thời gian của mình cho Atari và All-One Farm, một công xã nông thôn nằm ở phía Bắc San Francisco. Có một thời điểm Jobs rời bỏ công việc tại Atari trong nhiều tháng liền để thực hiện chuyến hành trình tâm linh xuyên Ấn Độ, và khi quay về, ông bắt đầu tập luyện nghiêm túc tại Trung Tâm Thiền Los Altos gần nhà.

Năm 1974, sau khi Jobs trở về từ Ấn Độ, một kỹ sư trong vùng và cũng là một doanh nhân - Alex Kamradt - thành lập một công ty máy tính dùng công nghệ phân chia thời gian có tên Call-in Computer. Kamradt tìm đến Steve Wozniak để nhờ ông thiết kế một thiết bị đầu cuối để bán cho khách hàng, và họ sẽ sử dụng thiết bị đó để truy cập vào máy chủ. Không như Jobs, Wozniak là một thiên tài về kỹ thuật điện tử, một người bị ám ảnh với công nghệ và đã được đào tạo qua trường lớp đàng hoàng. Nhưng mặt khác, Wozniak lại không biết gì về kinh doanh, nên ông đã cho phép Jobs, một người bạn lâu năm, đứng ra thỏa thuận thương vụ này. Tất cả đều đang tiến triển tốt cho đến mùa thu năm 1975, khi Jobs rời công việc để dành thời gian cho công xã All-One. Thật đáng tiếc là ông lại không nói cho Kamradt biết là ông sẽ rời đi một thời gian. Khi trở về, ông đã bị thay thế.

Tôi kể câu chuyện này bởi vì bạn có thể thấy rằng những hành động này không phải là của một người đam mê công nghệ và kinh doanh, vậy mà điều này lại xảy ra chưa đầy một năm trước khi Jobs thành lập Apple Computer. Hay nói cách khác, trong những tháng trước khi dẫn đến thời điểm thành lập công ty, Steve Jobs là một thanh niên với đầy mâu thuẫn bên trong, một kẻ đi tìm kiếm sự khai sáng tâm linh và chỉ quan tâm đến điện tử trừ khi nó hứa hẹn mang đến một khoản tiền mặt nhanh chóng.

Cũng với lối tư duy này mà trong cùng năm ấy, Jobs vô tình đạt được thành công đột phá. Ông để ý thấy rằng những tay “hacker phần cứng”trong vùng rất hào hứng với sự xuất hiện của bộ công cụ mô hình máy tính có thể lắp ráp tại nhà. (Ông không phải là người duy nhất nhận ra tiềm năng của sự hứng khởi này. Khi nhìn thấy bộ công cụ máy tính đầu tiên trên bìa tạp chí Popular Electronics, một sinh viên trẻ đầy tham vọng của trường Harvard đã thành lập một công ty phát triển một phiên bản của ngôn ngữ lập trình BASIC dành cho chiếc máy mới này và sau đó cậu quyết định nghỉ học để kinh doanh. Cậu đặt tên cho công ty mới đó là Microsoft.)

Jobs trình bày với Wozniak ý tưởng thiết kế một trong những bộ công cụ bảng mạch máy tính này để bán cho những người có sở thích sử dụng chúng. Kế hoạch ban đầu là chế tạo mỗi bảng mạch với giá 25 đô và bán lại với giá 50 đô. Jobs muốn bán tổng cộng 100 cái. Sau khi trừ đi chi phí in bảng mạch và 1.500 đô phí thiết kế bảng mạch ban đầu, họ sẽ thu được lợi nhuận là 1.000 đô. Cả Jobs và Wozniak đều không từ bỏ công việc thường ngày của mình: Đây hoàn toàn là một cuộc đầu cơ rủi ro thấp được họ thực hiện trong thời gian rảnh.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, câu chuyện nhanh chóng trở thành huyền thoại. Steve đi chân không đến Byte Shop, cửa hàng máy tính tiên phong của Paul Terrell tại Mountain View, và đề nghị bán bảng mạch cho Terrell. Terrell không muốn bán bảng mạch đơn thuần, và đề nghị mua những chiếc máy tính đã được lắp ráp hoàn chỉnh. Ông sẽ trả 500 đô cho một chiếc máy, và yêu cầu 50 chiếc được chuyển đến nhanh nhất có thể. Jobs đón nhận ngay cơ hội mang về một khoản tiền lớn hơn dự tính và bắt đầu đi xin tiền vốn khởi nghiệp. Chính sự may mắn bất ngờ này đã dẫn đến sự ra đời của Apple Computer. Như Young nhắn mạnh: “Kế hoạch của họ rất cẩn trọng và quy mô nhỏ. Họ không hề mơ đến việc thay đổi cả thế giới.”

Tôi chia sẻ các chi tiết trong câu chuyện của Steve Jobs bởi vì khi đề cập đến việc tìm kiếm công việc mãn nguyện, các chi tiết là cực kỳ quan trọng. Nếu như Steve Jobs thời trẻ nghe theo chính lời khuyên của mình và quyết định chỉ theo đuổi công việc mà ông yêu thích, thì có lẽ ngày hôm nay ông đã trở thành một trong những giáo viên nổi tiếng nhất của Trung Tâm Thiền Los Altos. Nhưng ông không làm theo lời khuyên đơn giản này. Công ty Apple Computer ra đời không nhờ vào niềm đam mê, mà là kết quả của một thành công may mắn - một “kế hoạch nhỏ” bất ngờ tạo được bước đột phá.

Hai đoạn trích dẫn trên nằm trong chương 1 của cuốn sách “Kỹ năng đi trước đam mê” của tác giả Cal Newport. Đây là cuốn sách khó đọc, vì nó là cú đánh mạnh vào niềm tin bấy lâu của bạn về “đam mê”. Trong quyển sách giúp mở rộng tầm mắt này, Cal Newport lột trần niềm tin từ trước đến nay rằng ta nên “theo đuổi đam mê.”

Niềm tin sáo rỗng này không những sai sót ở chỗ là những đam mê tồn tại sẵn có thường hiếm hoi và không liên quan gì lắm đến việc hầu hết mọi người cuối cùng cũng yêu thích công việc họ làm, mà nó còn có thể gây nguy hiểm, sinh ra cảm giác lo lắng và hiện tượng nhảy việc liên miên.

Sau khi đưa ra dẫn chứng chống lại niềm tin vào đam mê, Newport bắt đầu cuộc hành trình khám phá thực tế là mọi người trở nên yêu thích công việc họ làm như thế nào. Dành thời gian tiếp xúc với những người nông dân trên trang trại, các nhà đầu tư mạo hiểm, những người viết kịch bản, các lập trình viên máy tính hành nghề tự do, và những người cho biết mình tìm thấy cảm giác mãn nguyện từ công việc, Newport phát hiện ra những chiến lược họ đã áp dụng và những cạm bẫy họ đã né tránh trong quá trình phát triển sự nghiệp hấp dẫn của mình.

Anh tiết lộ rằng việc đi tìm một nghề nghiệp phù hợp với một đam mê tồn tại sẵn từ trước là không quan trọng. Đam mê đến sau khi bạn chăm chỉ làm việc để trở nên xuất sắc trong những việc có ích, chứ đam mê không đến trước.

Nói cách khác, cách bạn làm việc thì quan trọng hơn nhiều so với công việc bạn làm.

Previous Post
Next Post