Con cái và nhân quả


"Con tôi, tài sản tôi, 
Người ngu sanh ưu não, 
Tự ta, ta không có, 
Con đâu, tài sản đâu."

(Kinh pháp cú)

Có một nhóm các cô gái lấy chồng có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình, chúng đều chịu sự đau khổ khi con của chúng bị chết, rồi chúng đến tỳ kheo ni Patàcàrà (Liên Hoa Sắc), đảnh lễ và kể nỗi đau khổ của mình. Bà tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc khuyên lơn an ủi làm cho nhóm các cô này vơi hết sự đau khổ bằng bài kệ sau cũng là pháp hướng để các cô này dùng bài pháp này tu tập:

Người không biết con đường (Là con đường nhân quả)
Nó đến hay nó đi
Từ đâu con ta đến
Người lại khóc con tôi
(Con của mình là ai, từ đâu nó đến, sao lại khóc con mà không biết nó là ai. Đâu biết được đường đi nhân quả của nó)

Người đâu biết con đường
Nó đến hay nó đi
Người khóc nó làm gì
Pháp hữu tình là vậy

Nó đến hay đi là các pháp hữu tình, do duyên nợ nhân quả, nó vay nợ nó đến đòi mà bây giờ lại khóc nó là khóc làm sao. Tại vì mình mê muội nên giành nó là của mình nên thấy nó chết mình khóc, còn nếu mình đừng giành, nó là của ai khác, thì nó đến hay đi thì kệ nó. Giả như có người lạ vào nhà mình rồi họ đi ra thì mình đâu thương tiếc gì mà khóc. Họ là người lạ tới nhà mình rồi đi chứ đâu làm gì, thì can dự gì mà khóc mà buồn. Thấy như vậy là thấy nẻo của nhân quả luân hồi, bằng không thấy nhân quả như vậy mới khóc.

Không có ai yêu cầu
Từ chỗ kia nó đến.
Không có ai cho phép
Từ chỗ nọ  nó đi.

(Nghĩa là mình đâu cho phép nó chết, tức đi. Nó muốn chết, muốn đi thì tự nó chứ có ai cho phép nó. Chưa hiểu nhân quả thì đau khổ lắm, cho nên ông Ananda nghe Phật chết thì khóc lóc thảm thiết là vì ông Ananda chưa hiểu nhân quả, mặc dù thông kinh sách.)

Từ chỗ này nó đi
Từ đâu nó đi đến
Được sống bấy nhiêu ngày. (Được sống bao nhiêu ngày thì hay bấy nhiêu)
Từ chỗ này nó đến
Từ chỗ kia nó đi
Nó đến một con đường
Nó đi một con đường (Nhưng con đường đến và con đương đi chỉ là con đường nhân quả).
Mạng chung hình sắc người
Luân hồi nó sẽ đi
Đến vậy đi như kia
Ở đây sắc thân diệt.

(Bà Liên Hoa Sắc đã từng khóc hai đứa con chết, khóc cha mẹ chết, khóc em trai chết trong cùng một ngày, sau khi theo đạo Phật mới thấu rõ được lý nhân quả cho nên bà mới viết bài kệ thấm thía vì người đang sống trong cảnh đau khổ đó mới hiểu đượcc nhân quả, người tu chứng được thấy rõ nhân quả còn khi chưa chứng được thì bị mờ mịt trong sự đau khổ. Sau khi nghe xong bài kệ, Các cô gái Liên Hoa Sắc cảm thấy tâm hồn dao động liền xuất gia dưới sự lãnh đạo của bà Liên Hoa Sắc tỳ kheo ni. Sau khi xuất gia, các nàng với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ nơi bà Liên Hoa Sắc tỳ kheo ni, các nàng triển khai thiền quán tùy pháp, hướng pháp chẳng bao lâu chứng quả A la hán).

Pháp tín thọ sau khi nghe bài kệ của bà Liên Hoa Sắc, các cô thấy rõ đường đi nhân quả cho nên các cô tin sâu, không còn lờ mờ cho nên các cô cắt hết mọi trói buộc nhân quả. Nghĩa tín thọ làm cho các cô rất tin tưởng trong thâm tâm cho nên cắt hết mọi tình cảm.

Pháp tín thọ, nghĩa tín thọ là cắt đức hết mọi dây mơ rể má trong lộ trình thứ nhất của người cư sĩ.

Làm được như các cô này mới là pháp tín thọ nghĩa tín thọ. Các cô nghe bài kệ của bà tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc thì tin tưởng hoàn toàn, thể hiện pháp tín thọ nghĩa tín thọ bằng sự dẹp hết, đoạn dứt hết các ràng buộc thế gian và thực hiện thiền quán nên chứng quả A la hán nhanh chóng. Sau khi chứng quả, các nàng làm kệ:

Tuy tên khó thấy được (các cô nói nhân quả là mũi tên khó thấy)
Từ tim ta nhỗ lên
Ta diệt sầu vì con
Sầu ấy ám ảnh ta
Nay cây tên được nhỗ,
Không ham muốn tịch tịnh
Không thương ghét một ai
Ta quy y ẩn sĩ
Phật pháp và chúng tăng

Mũi tên chỉ cho lộ trình thứ nhất, không nhỗ mũi tên này thì không tu hành trong lộ trình thứ hai. Cho nên bài kệ quá thấm thía cho cuộc đời tu hành của chúng ta.

Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng


Thuở Phật còn tại thế, có một thiếu nữ dáng vẻ mảnh khảnh, ốm yếu, nghèo khổ, sống tại thành Xá Vệ, tên là Kisa (có nghĩa là cô gái ốm yếu). Khi lớn lên, cô cũng có chồng như bao người con gái khác; nhưng bị mọi người bên chồng khinh khi, coi thường, vì cô thuộc giai cấp hạ liệt, thấp kém, ở đợ, làm mướn.

Từ khi đứa con trai đầu lòng ra đời, cuộc sống của cô bắt đầu thay đổi, cô được mọi người bên chồng đối xử tốt đẹp và quý mến hơn. Nhưng bất hạnh thay, chẳng được bao lâu, đứa con của cô qua đời vì cơn bạo bệnh. Đứa con chết làm người con gái ấy gần như điên loạn; dù đau khổ đến tột cùng, cô vẫn hy vọng sẽ có người cứu được đứa con của mình sống lại, nên ôm xác con đi tìm thầy cứu chữa.

Nhìn cảnh tượng thảm não, thất tha thất thểu lê từng bước chân để tìm thuốc cải tử hoàn sinh cho con mình, mọi người nhìn theo chỉ biết ngậm ngùi, thương tiếc; bởi việc cứu sống đứa trẻ là điều không thể được mà người con gái ấy vẫn nuôi hy vọng.

Có người vì quá xót thương, nên đã hướng dẫn cô đến gặp Như Lai Thế Tôn, mong nhờ đức Phật tế độ. Khi đến, cô tha thiết cầu xin Như Lai Thế Tôn cứu sống cho con mình. Biết được nhân duyên sâu xa, đức Phật liền hứa sẽ giúp cô cứu sống đứa trẻ. Nghe vậy, lòng cô dâng trào lên niềm hy vọng vô biên, cô nghĩ con mình chắc chắn được cứu sống.

Chờ cho nhân duyên đã chín mùi, đức Phật liền chỉ dạy, “này thiếu nữ, con hãy đến nhà nào chưa từng có người chết xin về đây cho ta vài hạt cải, ta sẽ cứu sống đứa bé cho con. Tin chắc rằng con mình sẽ được cứu sống nếu có được vài hạt cải trong một gia đình không có người chết", cô liền phấn khởi ra đi, trong lòng mừng thầm vô hạn. “Hạt cải nhà nào cũng có”, cô nghĩ như thế, nên sung sướng đến tột cùng, lòng tràn đầy hy vọng, vì trong chốc lát đây, con cô sẽ được cứu sống nhờ những hạt cải nhiệm mầu ấy.

Hạt cải thì nhà nào cũng có, nhưng tìm nó trong một gia đình không có người chết thì quả thật là không thể được. Bởi vì sao? Vì nhà nào cũng có người chết. Cô thất tha, thất thểu đi hết làng trên xóm dưới, từ làng này qua xóm nọ, cô đi khắp hang cùng hốc hẻm, nhưng không tìm ra một gia đình nào không có người chết như yêu cầu của Như Lai Thế Tôn.

Quá thất vọng và mệt mỏi, cô ngã quỵ bên lề đường, trên tay vẫn còn ôm chặt xác con của mình. Thế là bao nhiêu hy vọng không còn nữa. Cô nhìn con với lòng trìu mến, dù xác đứa bé đã cứng đờ. Lúc này, cảm giác rùng rợn cùng với sự thương tâm phủ đầy trong lòng cô; bỗng nhiên, tâm trí cô loé lên một tia sáng, cô hiểu rằng, trên đời này, ai rồi cũng sẽ chết, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi, đau thương mất mát là một sự thật của kiếp người, yêu thương mà phải xa lìa đó là một nỗi khổ, niềm đau, có hợp phải có tan, đó là định luật nhân duyên quả của cuộc đời.

Trong sự đau khổ tột cùng, cô đã nhận ra, có sinh là có chết, ai rồi cũng phải lần lượt như vậy, chỉ đến sớm hay muộn mà thôi. Từ nhận thức sáng suốt đó, cô không tìm hạt cải nữa, mà đem xác con mình vào rừng Thi Lâm (theo phong tục, tập quán Ấn Độ, xác người chết đem bỏ vào rừng cho thú ăn), rồi thanh thản trở về bạch Phật, “Kính bạch Thế Tôn, con đã tìm ra hạt cải của sự vô thường rồi, con đã đưa xác đứa bé bỏ vào rừng. Bây giờ con cảm thấy trong lòng thoải mái và nhẹ nhõm hơn”.

Nhân đó, đức Phật khai thị đạo lý duyên sinh trong cuộc sống cho cô nghe, “trên đời này, có sinh là có tử, yêu thương xa lìa khổ, không có cái gì là cố định cả, tuỳ theo nhân duyên, tuỳ theo điều kiện mà nó đổi thay sớm hay muộn mà thôi”.

Ngang đây, cô chứng được quả Dự Lưu, tức đã vào dòng Thánh, từ nay về sau không còn đoạ vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Sau đó, cô phát tâm xin đức Phật cho xuất gia làm Tỳ kheo ni; nhờ luôn siêng năng, tinh tấn tu hành, cuối cùng cô đã chứng quả A-La-Hán.

Khổ đau luôn bám víu thân phận con người, khổ đau về vật chất như thiếu cơm ăn, áo mặc, rồi đến cái khổ vì già-bệnh-chết, nên ngày xưa người ta hay cố gắng luyện thuật trường sinh bất tử để sống đời, nhưng có ai không chết bao giờ đâu?

Trích Biết sống trong vô thường
Previous Post
Next Post