Krishnamurti: Có sự phân chia giữa sự sống và sự chết? Tại sao chúng ta lại xem sự chết như một cái gì tách lìa sự sống? Tại sao chúng ta lại sợ chết? Và tại sao quá nhiều sách đã viết về sự chết? Tại sao lại có đường phân định giữa sống và chết? Và sự phân chia ấy có thực không hoặc là chỉ có tính cách võ đoán thôi, nghĩa là sự việc của tâm trí.
Khi chúng ta nói về sự sống, đời sống, chúng ta muốn nói rằng cuộc sống là một tiến trình tiếp diễn liên tục mà trong đó còn có sự đồng hóa. Tôi và cái nhà của tôi, tôi và người vợ của tôi, tôi và ngân khoản ở nhà băng, tôi và kinh nghiệm quá khứ của tôi – đó là những gì mà chúng ta muốn nói là cuộc đời, có phải thế không? Sống là một tiến trình kế tục trong ký ức, ký ức hữu thức cũng như vô thức, với những cuộc chiến đấu đủ loại, những tranh luận, những việc ngẫu nhiên, những kinh nghiệm, vân vân.
Tất cả những sự việc ấy là những gì mà chúng ta gọi là cuộc đời; đối ngược lại cái ấy là sự chết, nghĩa là chấm dứt tất cả những sự việc ấy. Khi đã tạo ra sự đối nghịch, tức là cái chết, và khi sợ hãi về sự chết, chúng ta mới tiến đến việc tìm tương quan giữa sống và chết; nếu chúng ta có thể bắt cầu qua lỗ trống ấy bằng một sự giải thích nào đó, bằng việc tin tưởng vào một sự kế tục trong đời sau, thì chúng ta cảm thấy an lòng mãn nguyện.
Chúng ta tin vào việc đầu thai hoặc vào một hình thức kế tục nào khác của tư tưởng và lúc ấy chúng ta cố gắng thiết lập sự tương quan giữa điều quen thuộc và điều xa lạ. Chúng ta cố gắng bắt cầu nối kết điều quen thuộc và điều xa lạ và như thế cố gắng tìm ra sự liên quan giữa quá khứ và tương lai. Đó là những gì chúng ta đang làm, phải thế không? Khi chúng ta tìm xem có liên quan nào giữa sống và chết, chúng ta muốn biết cách bắt cầu nối kết giữa sự sống và sự chấm dứt – đó là lòng khát vọng căn bản của chúng ta.
Mình có thể nào biết được sự chấm dứt, tức là sự chết khi mà mình đang sống? Nếu chúng ta có thể biết được sự chết là gì, đang lúc chúng ta còn sống, thì lúc ấy sẽ không còn vấn đề nào nữa. Chính vì chúng ta không thể có kinh nghiệm về điều xa lạ đang khi chúng ta còn sống cho nên chúng ta mới sợ hãi điều xa lạ ấy.
Sự chiến đấu nội tâm của chúng ta là thiết lập sự liên hệ giữa bản thân chúng ta, tức là kết quả của điều quen biết, cùng với điều xa lạ mà chúng ta gọi là cái chết. Có thể nào có sự liên hệ giữa quá khứ và điều mà tâm trí không thể ý niệm được, mà chúng ta gọi là sự chết? Tại sao chúng ta phân chia ra làm hai phần? Phải chăng bởi vì tâm trí chúng ta chỉ hoạt động trong lãnh vực của điều quen biết, trong lãnh vực của sự kế tục liên tục?
Mình chỉ tự biết mình như là thực thể tư duy, như là diễn viên với một số kỷ niệm về sự thống khổ, sự vui sướng, tình yêu, cảm luyến, về đủ loại kinh nghiệm khác nhau; mình chỉ tự biết mình như là sự tiếp diễn liên tục; nếu không thế thì mình sẽ không hồi nhớ bản thân như là một sự thể nào đó.
Khi sự thể ấy đến chỗ chấm dứt tận cùng mà chúng ta gọi là sự chết thì lúc ấy mới có lòng sợ hãi về điều xa lạ: vì thế chúng ta muốn kéo lôi điều xa lạ về nhập với điều quen thuộc và tất cả toàn thể nỗ lực của chúng ta là tạo ra sự tiếp diễn liên tục cho điều xa lạ. Nghĩa là, chúng ta không muốn biết đời sống mà đời sống thì bao gồm cả sự chết, trái lại chúng ta lại muốn biết cách nào cho được tiếp diễn liên tục và không phải chấm dứt tận cùng. Chúng ta không muốn biết đời sống và sự chết, chúng ta chỉ muốn biết cách nào để tiếp diễn liên tục không cùng tận.
Điều gì tiếp diễn liên tục thì không còn mới lạ nữa. Không có gì mới lạ, không có gì có thể mang tính cách sáng tạo nữa khi vẫn còn sự tiếp diễn liên tục – điều này quá hiển nhiên rồi. Chỉ khi nào sự liên tục chấm dứt thì mới có thể phát hiện điều mới lạ. Nhưng chúng ta lại sợ chính sự chấm dứt này, sự tận cùng này, và chúng ta không thấy rằng chỉ trong sự chấm dứt mới có thể phát hiện điều mới lạ, điều sáng tạo, điều xa lạ - chứ không phải trong sự lưu chuyển kế tục những kinh nghiệm của chúng ta, những kỷ niệm, những hoạn nạn của chúng ta từ ngày này sang đến ngày khác.
Chỉ khi nào mỗi ngày chúng ta chết đi với tất cả những gì quen thuộc cũ kỹ thì sự mới lạ mới phát hiện được. Ở đâu có sự tiếp diễn liên tục thì ở đó không thể có sự mới lạ được – sự mới lạ chính là sự sáng tạo, điều xa lạ, sự vĩnh cửu, Thượng đế hoặc muốn gọi gì thì gọi. Con người, tức là một thực thể liên tục, đi tìm kiếm sự xa lạ, thực tại, thiên thu thì sẽ không bao giờ tìm được cõi thiên thu ấy, bởi vì hắn chỉ có thể tìm thấy những gì hắn tự phóng hiện ra ngoài tự thể và điều phóng ngoại kia không phải là thực tại.
Chỉ trong sự tận cùng, chấm dứt, trong sự chết thì mình mới có thể biết được điều mới lạ; và kẻ nào muốn tìm thấy sự tương giao liên hệ giữa đời sống và cái chết, muốn bắt cầu nối kết sự liên tục với cõi siêu việt trên kia thì chỉ là đang sống trong một thế giới ảo tưởng, không thực, thế giới ấy chỉ là sự phóng ảnh của tự thể hắn.
Vậy có thể nào đang lúc sống mà mình chết đi – nghĩa là chấm dứt, đi đến chỗ tận cùng, sống như là không sống, sống như hư vô? Đang lúc còn sống trên đời này mà mọi sự càng lúc càng gia tăng hoặc càng lúc càng giảm sút, mà mọi sự là một tiến trình leo thang, thành đạt, thành công, có thể nào sống trên đời như vậy mà biết được sự chết?
Có thể nào chấm dứt tất cả mọi kỷ niệm – không phải hồi ức về những sự kiện, chẳng hạn như con đường đi về nhà vân vân, mà là sự đeo bám nội tâm vào sự an ninh tâm lý qua phương tiện của trí nhớ, những kỷ niệm mà mình đã tích trữ, chồng chất và mình tìm an ninh, hạnh phúc trong những kỷ niệm ấy? Có thể nào chấm dứt tất cả những thứ ấy – nghĩa là chết đi mỗi ngày để cho sự mới lạ có thể phát hiện ngày mai? Chỉ có lúc ấy mình mới biết được sự chết đang lúc còn sống. Chỉ trong sự chết ấy, trong sự chấm dứt ấy, chấm dứt việc liên tục, thì mới phát sinh sự hồi sinh mới lạ, điều sáng tạo vĩnh cửu.
Tác phẩm: Tự do đầu tiên và cuối cùng
Phần 2 – Qanda 23: Về sự chết