Lỗi và phải

Không phải lỗi tại tôi. Đây là chuyện có thật, xảy ra tại tiểu bang New Jersey, Hoa Kỳ. Tại một nhà thương nọ, các bác sĩ đã giải phẫu một người đàn ông bị bệnh mập phì, gắn vào một cái vòng thắt bao tử để giúp ông bớt ăn nhiều.

Sau cuộc giải phẫu vài ngày và bắt đầu lại sức, ông đứng dậy đi lang thang trong hành lang của nhà thương để tìm nhà bếp. Khi thấy được nhà bếp thì ông đi thẳng tới cái tủ lạnh to tướng, mở ra và ăn ngấu nghiến tất cả đồ ăn để trong đó. Vì ăn quá mức nên cái vòng thắt bao tử của ông tét ra, làm chảy máu nội thương. Thế là bác sĩ phải mổ lại lần thứ nhì cứu ông thoát chết. Nhưng ai ngờ sau đó ông quay ngược lại kiện nhà thương và bác sĩ. Ông nói: “Tôi bị mổ lần thứ nhì không phải lỗi tại tôi mà là lỗi của nhà thương và bác sĩ đã không biết khóa cái tủ lạnh lại”.

Khi nghe câu chuyện trên chắc bạn sẽ tức cười vì quá vô lý. Người đàn ông mập phì kia đã không biết lỗi mình tham ăn thì chớ, nay lại quay sang đổ lỗi cho người khác. Nhưng nếu nhìn kỹ một chút thì đa số chúng ta cũng thường mắc phải lỗi tương tự. Mỗi khi gặp đau khổ, phải chăng chúng ta hay nói: “Tôi buồn là vì ông A mắng chửi tôi; hoặc tôi khổ là tại bà B giựt tài sản của tôi v.v…”?

Ông A có mắng chửi tôi hay không, đó là vấn đề của ông A, vì tôi không thể làm chủ ý nghĩ và lời nói của ông ấy. Nhưng tôi có buồn giận hay không, đó là vấn đề của tôi, vì tôi có thể làm chủ tâm ý và tình cảm của mình. Nếu tôi buồn vì bị ông A mắng chửi, đó tức là tôi đã vô tình cho phép ông ấy điều khiển tình cảm của tôi. Nói cách khác, tôi là một người nộm để cho người khác giựt dây. Khi bị người mắng thì tôi buồn, được người khen thì tôi vui. Như vậy sự vui, buồn của tôi hoàn toàn tùy thuộc vào kẻ khác.
Nếu bà B giựt tài sản của tôi một cách bất lương thì điều mà tôi có thể làm là nhờ luật pháp can thiệp, và không cần phải “buồn khổ”. “Buồn khổ” là một cảm xúc thừa và vô ích (hay vô minh). Nếu tôi buồn khổ, tức là tôi đã dại dột cho phép bà B hại tôi tới hai lần, một lần về tài sản, và một lần về tinh thần.

Tóm lại, người khác có thể làm bất cứ chuyện gì đối với ta, đó là việc của họ, vì họ đang tạo nghiệp. Chuyện quan trọng là phản ứng của ta đối với hành động của họ. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ta, và ta là người chịu trách nhiệm về ý nghĩ, tình cảm của mình. Đừng đổ lỗi cho kẻ khác.

Nhìn lỗi người

Có một nhóm thuyền chài gồm năm sáu chiếc cùng ra khơi đánh cá. Chẳng may xế chiều, mây đen ở đâu bất ngờ kéo đến che phủ bầu trời, bão tố, sấm sét nổi lên ầm ầm, các thuyền đều chao đảo, và rồi có thuyền bị gẫy buồm, có thuyền bị thủng lỗ, có thuyền bị gãy bánh lái, v.v… không có thuyền nào còn nguyên vẹn. Trên mỗi thuyền, ai nấy đều hoảng hốt lo cứu chữa thuyền của mình. Duy có một thuyền cũng bị gẫy buồm, thủng lỗ, nước tràn vào sắp chìm mà anh chủ tàu không để ý lấp lỗ, tát nước mà cứ đứng trên khoang tàu nhìn sang thuyền kẻ khác la ó, chỉ trỏ bảo họ phải làm thế này thế nọ. Vì mải say mê chỉ bảo người khác mà không lo cứu thuyền mình nên thuyền của anh chìm trước tiên.

Tất cả chúng ta đều là những người đang lênh đênh trên biển khổ sinh tử luân hồi, bị gió nghiệp thổi, bị bão phiền não làm thất điên bát đảo. Người nào ý thức được sự nguy hiểm thì lo tu hành, tu tâm sửa tánh của mình để chuyển nghiệp và phiền não. Nhưng cũng có người thay vì lo tu tâm sửa tánh của mình thì lại đi tu sửa người khác, thích để ý bắt lỗi, dòm ngó kẻ khác, chẳng khác gì anh chủ tàu chết chìm trên.

Khoai tây

Vào một buổi học, thầy giáo chúng tôi mang vào lớp rất nhiều túi nhựa và một bao khoai tây thật to. Thầy chậm rãi giải thích với mọi người rằng, mỗi khi cảm thấy oán giận hoặc không muốn tha thứ lỗi lầm cho ai, hãy viết tên người đó lên một củ khoai tây rồi cho vào túi nhựa.

Chúng tôi thích thú viết tên những người không ưa hay ghét hận rồi cho vào túi. Chỉ một lúc sau, chiếc túi nào của chúng tôi… cũng đã căng nặng, dầy khoai tây. Thậm chí có người một túi không chứa hết khoai, phải thêm một túi nhỏ kèm theo.

Sau đó, thầy yêu cầu chúng tôi hãy mang theo bên mình túi khoai tây đó bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào trong thời gian một tuần lễ. Đến lớp thì mang vào chỗ ngồi, về nhà thì mang vào tận giường ngủ, thậm chí khi vui chơi với bạn bè cũng phải đem theo.

Chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi và phiền toái vì lúc nào cũng có một túi khoai tây nặng nề kè kè bên cạnh. Tình trạng này còn tệ hơn nữa khi những củ khoai tây bắt đầu thối rữa, rỉ nước. Cuối cùng, chúng tôi quyết định xin thầy cho quẳng hết số khoai tây ấy đi và cảm thấy thật nhẹ nhàng, thoải mái trong lòng.

Lúc ấy, thầy giáo của chúng tôi mới từ tốn nói:

“Các em thấy không, lòng oán giận hay thù ghét người khác đã làm cho chúng ta thật nặng nề và khổ sở! Càng oán ghét và không tha thứ cho người khác, ta càng giữ lấy gánh nặng khó chịu ấy mãi trong lòng. Lòng vị tha, sự cảm thông với những lỗi lầm của người khác không chỉ là món quà quý giá để ta trao tặng mọi người, mà đó còn là món quà tốt đẹp mỗi chúng ta dành tặng cho bản thân mình”.

Thế mới biết trong cuộc sống có những điều không nên giữ trong lòng. Cái gì bỏ qua được nên bỏ qua bạn nhé.

Thích Trí Siêu
Nguồn: belletrinh.wordpress.com
Previous Post
Next Post