Osho |
“Zorba Phật” là khái niệm được
Osho đưa ra trong các bài thuyết giảng của mình vào năm 1978. Năm 1979, tại
thính đường Trang Tử, ông đã luận giải về khái niệm này. Trong số các tác phẩm văn chương, Osho đặc
biệt hứng thú với “Zorba – Tay chơi Hy Lạp”
của Azit Kazanzakis. Cuốn tiểu thuyết kể về tình bạn sâu sắc giữa Zorba – đại
diện cho chủ nghĩa khoái lạc Dionysus và nhân vật “tôi” – đại diện cho chủ
nghĩa lý tưởng của Apollo.
Cuộc sống của Zorba là ăn chơi
hoan lạc, cuộc sống của nhân vật “tôi” là đau đáu với hành trình nội tâm với
mong muốn một ngày có thể viết một tác phẩm về Đức Phật. Đẩy cao hơn ý tưởng
của cuốn tiểu thuyết này, Osho đưa ra khái niệm về sự “khoái lạc tinh thần”:
“Ăn uống, vui chơi hưởng lạc và Thượng Đế”. Ông khẳng định: “Tôi muốn Phật Cồ
Đàm (tức Thích Ca Mâu Ni) và Zorba Hy Lạp gần nhau hơn – trở thành một… Mang
trần tục và thiên đường đến gần nhau hơn; hãy để Thượng Đế và thế giới của
người có thể cùng nhau. Hãy để cho cơ thể và linh hồn của bạn là một bài ca
được ca lên cùng nhau, cơ thể và linh hồn nhảy múa và hòa cùng nhau.”
Con người cần làm gì để không là nô lệ
Con người trong nhiều ngàn năm
lịch sử đều bị phân chia Thiện – Ác, vật chất – tinh thần, tội đồ hoặc thánh
nhân… dựa trên các chuẩn mực đạo đức được đưa ra từ các nhà chính trị, các
triết gia, các giáo phái. Từ đó tâm trí con người bị phân tách thành hai nửa
luôn đối kháng, hoặc thế này, hoặc thế khác. Để tồn tại một cách an toàn trong
xã hội, con người buộc phải lựa chọn phần “Thiện” (theo tiêu chuẩn) và kìm hãm
phần “Ác”(cũng theo một tiêu chuẩn nào đó), nhưng những phần bị kìm hãm chưa
bao giờ mất đi mà ngược lại, quay lại
chi phối con người.
Osho cũng đã từng thuyết giảng:
“Không thể lấy đá đè cỏ, vì chỉ cần nhấc đá ra, cỏ sẽ mọc mạnh mẽ hơn”. Để kìm
hãm thành công, con người trở nên khắc nghiệt, không chỉ khắc nghiệt với bản
thân mình, mà còn khắc nghiệt với người khác. Vui đùa trở thành trò ngớ ngẩn
trong xã hội cũ, nhưng Osho cho rằng những con người đó mới là những kẻ “tâm
thần phân liệt”, “ốm yếu, bệnh hoạn”, “bất nhân tính”.
Đứa trẻ khi mới ra đời vốn không
hề có khả năng phân biệt theo các chuẩn mực xã hội. Nhưng ngay từ bé, cha mẹ,
thày giáo, các chính trị gia, thày tu, giới truyền thông… đã nhồi nhét những ý
tưởng về sự phân chia này vào tâm trí của đứa trẻ. Khi tâm trí bị xé đôi, đứa
trẻ trở nên đầy tranh đấu bên trong, vì vậy cuộc đời đứa trẻ bỗng trở thành một
tấn bi kịch, và trong bi kịch, con người không thể nhảy múa hoan ca. Khi lớn
lên, những điều kìm nén trong con người bắt đầu nổi loạn, và phần nổi loạn ấy
lập tức bị lên án. Hệ thống duy trì sự tồn tại của nó bằng cách phá hủy lòng tự
trọng của con người, bằng cách liên tục lên án “nửa kia” của con người: phương
Tây cho rằng con người sinh ra đã mắc tội tổ tông, phương Đông cho rằng con
người sinh ra đã phải gánh quả nghiệp của kiếp trước. Tất cả điều đó làm con
người ghét chính mình.
Osho cho rằng mỗi con người đều
có giá trị như Đức Phật, như đấng Krishna, như Jesus Christ, như Mohamed… như
bất cứ bậc giác ngộ nào khác. Và chỉ khi tự yêu chính bản thân mình, tự tôn
trọng chính bản thân mình, không phán xét, không lên án… con người mới có thể
quay vào bên trong để tìm hiểu thực sự bản chất của tồn tại là gì.
Con người mới suy cho cùng là con
người quay vào bên trong với chính mình, không phải một cái tên, không phải cái
mặt nạ của tính cách, càng không phải tiền tài, danh tiếng, địa vị, ngoại hình…
Con người mới này bắt đầu hình thành từ việc thoát khỏi sự phân tách của tâm
trí, vượt ra khỏi các chuẩn mực nhị nguyên thông thường:
“Con người mới sẽ không là thế
này hoặc thế kia; con người mới phải là cả hai. Con người mới sẽ là thế tục và
linh thiêng, trần tục và thanh tao. Con người mới sẽ chấp nhận tính toàn bộ của
mình và sẽ sống với điều đó mà không có sự chia tách bên trong. Tính cao đẹp
của con người mới sẽ không đối nghịch với tính xấu xa, đạo đức của con người
mới sẽ không có sự đối nghịch nào. Con người mới sẽ vượt lên lưỡng cực, sẽ
không bị tâm thần phân liệt. Với con người mới sẽ xuấ hiện thế giới mới, bởi vì
con người mới sẽ nhận thức được con đường khác về phẩm chất và người đó sẽ sống
cuộc đời hoàn toàn khác, chưa từng được sống trước đó.”
Con người này đang xuất hiện hàng
ngày, đang dần trỗi dậy, trong khi con người cũ đang hấp hối.
Tôn giáo mới – Tình yêu
Trong suốt nhiều thế kỷ, con
người hoặc quá phụ thuộc vào Tôn giáo, hoặc quá chống đối tôn giáo, cực này hay
cực kia, con người vẫn cứ là cực đoan. Cho dù tuân phục hay chống đối, con
người cũng thất bại trong nỗ lực sống một cuộc sống thật sự.
“Thời khắc đã điểm bởi vì phương
Đông đã thất bại, phương Tây đã thất bại. Cần thiết một sự tổng hợp cao cả hơn
để Đông và Tây có thể gặp mặt, để tôn giáo và khoa học có thể gặp mặt. Tôn giáo
thất bại bởi vì nó thuộc thế giới bên kia và bỏ mặc thế giới này… bởi bỏ mặc
thế giới này là bỏ mặc gốc rễ của chính bạn. Khoa học đã thất bại bởi nó bỏ mặc
thế giới bên trong và bạn không thể bỏ mặc những bông hoa… Bây giờ chúng ta cần
loài người mới mà khoa học và tôn giáo trở thành hai khía cạnh của một con người.
Và cây cầu sẽ trở thành nghệ thuật. Chính vì vậy tôi nói rằng con người mới sẽ
là huyền môn, thi ca và khoa học. Giữa tôn giáo và khoa học thì chỉ nghệ thuật
mới có thể là cầu nối – thi ca, âm nhạc, điêu khắc…”
Quả đúng như những lời Osho nhận
định, khi tôn giáo suy tàn và khoa học lên ngôi, chỉ có nghệ thuật còn nhắc nhở
con người về sự thần thánh, cao cả và linh thiêng. Khi tôn giáo đem đến những
ảo tưởng và khắc kỷ, sự chối bỏ cái tôi cá nhân thì chính nghệ thuật đặt ra cho
con người những hoài nghi, nhắc nhở con người đứng dậy và đi tìm chân lý. Tôn
giáo và khoa học là hai thái cực, nghệ thuật nằm giữa và luôn giữ vị trí thăng
bằng. Nghệ thuật giữ vị trí của vị thần Vishnu – vị thần hoàn hảo, vị thần đứng
giữa hai thái cực Brahma (Sáng tạo) và Shiva (hủy diệt). Vishnu giữ vai trò duy
trì thế giới, và những bậc giác ngộ như Krishna, Mahavira, Thích Ca Mâu Ni đều
được coi là các hóa thân của thần Vishnu vĩ đại.
Nhưng nghệ thuật không thể tuôn
trào nếu con người không thể là tình yêu. Những con người sống như người máy
không thể thấu hiểu nghệ thuật và sáng tạo nghệ thuật. Chỉ khi con người chạm
được vào phần thần thánh bên trong, chạm được vào đứa trẻ thuần khiết, con
người để tình yêu tuôn trào một cách tự nhiên, nghệ thuật đích thực mới có thể
nảy sinh và chỉ nghệ thuật ấy có thể cứu rỗi được thế giới.
Osho nhấn mạnh, tình yêu này
không phải sự chiếm hữu, mà là sự hòa tan vào toàn bộ vũ trụ. Muốn vậy, trước
tiên con người phải trở về chính mình, phải nhận biết được bản ngã đích thực.
Nếu không thể là chính mình, làm sao bạn có thể biết cái gì đang tan biến giữa
vô cùng? Trong sự hợp nhất cao cả này, những đức hạnh siêu việt nảy sinh. Đức
hạnh không phải đạo đức giả, không phải sự lên án bản thân mình và cố gìn giữ
giới luật, sự từ bi đến một cách tự nhiên.
Khi con người có thể chạm vào
phần linh thiêng nhất, khi con người có thể hợp nhất với vũ trụ, thì mọi hạn
định về tôn giáo như Hindu, Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo… trở nên không
cần thiết. Tất cả các tôn giáo đã được định danh ấy, chỉ là phần cạnh của Kim
Tự Tháp. Mỗi con người đều có thể tự đạt tới điều tối thượng mà không cần cầu
xin, không cần tôn thờ, không cần hành xác… chỉ đơn giản bằng hành động: quay
lại bên trong và nhận biết chân ngã.
Osho không bàn về chuyện có
Thượng Đế hay không. Ông vẫn nhắc đến “Thượng Đế” như một sự tổng thể và cho
rằng chúng ta có thể gọi “Thượng Đế” bằng bất cứ cái tên nào chúng ta muốn. Khi
Đức Phật hòa nhập với vũ trụ, khi Lão Tử hòa làm một với Đạo, khi Jesus khẳng
định “Ta đã trở nên hoàn hảo như Cha ta ở trên trời”, thì ta có thể thấy rõ
ràng, mọi sự khác biệt đều chỉ là ngôn ngữ. Thật tai họa cho “ngôn ngữ” – con
dao hai lưỡi, nó đã làm con người tranh cãi đến mức giết chóc nhau bao nhiêu
thế kỷ cho một điều vốn dĩ chỉ là một.
Như đã nói ở phần trên, con người
chỉ có thể thực sự là con người nếu tự yêu chính bản thân mình. Một khi đã tự
yêu chính bản thân mình, con người không thể hành hạ và nghiêm khắc với bản
thân. Trong tình yêu, âm nhạc bắt đầu xuất hiện, lễ hội bắt đầu rộn rã. “Giữ
nguyên như đứa trẻ nhỏ, vui chơi, thế thì Thượng Đế sẽ không xa bạn là mấy.
Ngài rất gần, trong bông hoa, trong cây, trong dòng sông. Tất cả những điều cần
đến là ngạc nhiên, trong trắng, đôi mắt vui cười của trẻ thơ, không phải vẻ
nghiêm trọng của học giả và của cái gọi là thánh nhân, mà là niềm vui của người
đang yêu”.
Không bị ràng buộc bởi hệ thống
tôn giáo, đương nhiên Osho cũng không đặt nặng nghi thức cầu nguyện. Cầu
nguyện, với Osho, là “cuộc đối thoại trái tim – trái tim với tồn tại”. Sự cầu
nguyện không tới từ cái đầu với lý trí, với sự đòi hỏi hay trao đổi, đó là sự
giao tiếp giữa “một phần và toàn bộ, giữa sóng và đại dương”. Bởi thế, không ai
có thể dạy ai cầu nguyện, đó là một phần tự nhiên, khi con người cảm thấy cần
phải cầu nguyện, khi con người nhớ tới điều tối thượng, vậy thì con người bắt
đầu cầu nguyện.
Thiên đường không ở đâu xa, phúc
lạc vốn nằm ở sâu thẳm bên trong, không ai có thể cướp mất của chúng ta. Khi
Adam và Eva ăn trái cấm, tâm trí xuất hiện, sự phân chia xuất hiện, và con
người mất đi phúc lạc. Quay trở về với Thiên đường là hành trình bỏ rơi tâm trí
và hướng vào bên trong. Mọi kinh sách, triết lý, giới luật không thể đưa con
người quay lại với Thiên Đường. Nỗi sợ địa ngục chỉ đẩy con người rơi sâu hơn
xuống địa ngục, niềm tin cũng không thể đưa chúng ta lên Thiên đường.
Osho cho rằng, với niềm tin không
nhận biết, con người vẫn “giữ nguyên là đạo đức giả”. Bởi niềm tin đó không có
được bằng sự hiểu biết thực sự, chỉ là vay mượn. Người có khả năng tìm kiếm
được điều tối thượng là người theo thuyết “bất khả tri”, là người có khả năng
tĩnh lặng và không nằm trong thái cực tin hay không tin. Người đó chỉ đơn giản
là vui chơi, là mạo hiểm, là khám phá trong nhận biết và đến một ngày chân lý
sẽ nảy sinh từ bên trong. Đó là sự giải thoát thật sự mà Phật giáo vẫn nói đến.
Osho đã diễn giải một cách hiện đại: “Tự do tuyệt vời xuất hiện. Khi bạn tự do
khỏi sự ám ảnh của ý nghĩa, bạn tự do thực sự”.
Con người mới xuất hiện
Trong nhiều thế kỷ, con người đã
mất nhiều công sức để khám phá thế giới bên ngoài, và con người bắt đầu lạc
lối. Lịch sử triết học cổ đại phương Tây thường ghi nhận sự xuất hiện của
Socrates với việc định nghĩa các khái niệm về đời sống đã làm nền tảng cho xã
hội Tây Phương, nhưng một vấn đề được đặt ra quan trọng hơn đã bị lãng quên, đó
là bản thể luận với các câu hỏi: Bản chất của chúng ta là gì, bản chất của thế
giới thực tại ta đang sống là gì? Parmenides (600-500 TCN) là người đưa ra
những vấn đề ấy đầu tiên trong số các triết gia Hy Lạp cổ đại. Trước đó, các
triết gia chỉ quan tâm đến nguồn gốc của vũ trụ và con người.
Sau Parmenides, các triết gia bắt
đầu đào sâu vào câu hỏi này và chúng ta có Democritus, có Pythagoras… và đặc
biệt là có Epicurus với chủ nghĩa khoái lạc. Trong thời kỳ lên ngôi của nhà thờ
Kito giáo, các giáo sĩ đề cao Plato và chỉ gìn giữ các tác phẩm của Plato, họ
đã thiêu hủy rất nhiều công trình mà Epicurus và các triết gia thuộc trường
phái của ông để lại. Trải qua suốt đêm trường Trung Cổ, rồi đến Khai Sáng, các
nhà khoa học mới bắt đầu đặt ra câu hỏi về bản chất của con người, bản chất của
thế giới thực tại.
Học thuyết Darwin đưa ra lập luận rằng con người tiến
hóa từ những giống loài thấp hơn, là thể tiến hóa gần nhất là từ vượn người.
Học thuyết này nhanh chóng lan rộng và được phương Tây chấp thuận, lấy làm nền
tảng cho nhiều học thuyết chính trị. Học thuyết này đề cao mặt vật chất của con
người đến mức con người bắt đầu quên dần đi sự thần thánh, quên mất rằng con
người có linh hồn và chìm sâu vào tham vọng. Suốt hơn 1 thế kỷ sau thuyết Darwin , đa số loài người
vẫn tin vào sự tiến hóa này và chấp nhận bản chất ấy của chúng ta. Trên thực
tế, các chính trị gia cần sự đảm bảo của học thuyết này để duy trì xã hội.
Còn Osho thì viết: “Con người
phải học và con người phải nghiên cứu về chính mình bởi vì xã hội không quan
tâm đến điều đó; thực tế, xã hội chống lại điều đó. Nó ngăn chặn theo mọi cách
có thể, cho nên con người chưa bao giờ biết tình yêu là gì, bởi vì khi con
người biết tình yêu thì toàn bộ cấu trúc xã hội nhìn thật buồn cười, thật lố
bịch. Khi bạn đã biết vẻ đẹp của tình yêu bạn sẽ không bao giờ tham vọng; trong
khi đó xã hội tồn tại bởi tham vọng. Khi bạn đã một lần nếm trải tình yêu, bạn
sẽ không còn bị ám ảnh bởi tiền bạc và quyền lực nữa. Đó là sự ám ảnh của con
người chưa biết tình yêu. Đó là sự thay thế tình yêu – tiền bạc và quyền lực
nữa. Tất cả những điều đó là sự thay thế
nghèo nàn, bởi vì bạn lỡ sự nuôi dưỡng thực sự, bây giờ bạn tìm kiếm sự nuôi
dưỡng giả tạo”.
Sự ra đời của con người mới chỉ
có được trong sự tái sinh của mỗi chúng ta, giống như Jesus Christ được tái
sinh vậy: lần sinh đầu tiên là sự sống cơ thể; lần tái sinh, chúng ta sinh ra
như linh hồn với sự hài hòa trong cơ thể. Và sự tái sinh này chỉ có thể xảy ra
bởi chính chúng ta, những người sẵn sàng đạp bỏ cách sống nô lệ, cách sống
người máy, siêu việt khỏi tâm trí. Khi trở về với chân ngã, hưởng thụ cuộc sống
trên thế giới này bằng ý thức của linh hồn, bằng ý thức Thượng Đế, con người
mới có thể làm chủ được chính mình.
Và với người có thể làm chủ chính
mình, họ không bao giờ thống trị người khác, như Đức Phật từ bỏ ngai vị vua
chúa, như Jesus Christ khẳng định rằng “Ta không làm hoàng đế ở nước của con
người”. Vì tôn trọng bản thân mình, họ có khả năng tôn trọng người khác; vì yêu
bản thân mình, họ có khả năng yêu người khác; vì họ đã là toàn bộ, họ không còn
hứng thú với chiến tranh và chiếm đoạt. Từ đó, cộng đồng lý tưởng trong mơ như
Utopia mới có thể hình thành.
Đó là một cộng đồng như thế nào?
Một cộng đồng không chia thái cực, không thần tượng cũng không lên án bất cứ
điều gì; một cộng đồng tôn trọng cả sự
khác biệt và sự đồng nhất; một cộng đồng không phân chia tôn giáo, quốc gia,
sắc tộc; một cộng đồng mà đàn ông và đàn bà không còn tranh chấp về quyền, họ
là bạn. Đó là cộng đồng của những kẻ vô định, không tự trói buộc mình vào bất
cứ định dạng gì vì họ đã đạt tới số 0 cũng như đạt tới sự hoàn hảo.
Đánh giá của Book Hunter
Trong các bí giáo cổ, đã từng có
các thày tu Sufi thực hiện sự hợp nhất với vũ trụ thông qua sự khoái lạc tinh
thần bằng nhảy múa và thi ca. Osho là người chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi các thày
tu Sufi này. Nhưng điều khiến ông trở nên khác biệt đó là ông cũng đề cao khoa
học với tính hoài nghi của nó. Osho không khuyên răn con người từ bỏ cuộc sống,
cũng không khuyến khích con người gắn kết với cuộc sống, ông khẳng định con
người nên yêu cuộc sống.
Việc đưa ra điểm nhìn mới cho tôn
giáo của tương lai là tình yêu và tính sáng tạo thật sự là bước tiến mới trong
lịch sử tôn giáo. Tôn giáo của ông không phải là một thứ cao đạo và xa vời,
không thuyết giảng, không lễ nghi, tôn giáo ấy đưa con người trở về đúng là con
người, để con người không phải đeo mặt nạ. Tuy nhiên, đáng tiếc, con người vốn
thích đeo mặt nạ, mặt nạ khiến con người thấy an toàn hơn. Với hơn 2500 năm
sống trong sợ hãi, liệu bao nhiêu con người dám dũng cảm đối mặt với đám đông
không chỉ bên ngoài xã hội mà còn đám đông trong tâm trí của chính mình như
Krishna, Đức Phật, Zarathustra, Jesus Christ…
Hơn thế nữa, việc cộng đồng lý
tưởng được Osho đưa ra có lẽ sẽ chẳng bao giờ tồn tại ở thế giới vật chất. Có
lẽ ông đang nhắc nhở chúng ta về một cõi xa xăm nào đó, khi con người không còn
ở trong dạng vật chất nữa. Tuy nhiên, qua đó, ta có thể thấu hiểu một điều
rằng: Sẽ không bao giờ có một xã hội lý tưởng nếu con người còn tham vọng, còn
sự phân tách, còn sự khắc kỷ; sẽ không bao giờ có tự do thật sự khi con người
còn bị ám ảnh bởi quá nhiều mục đích.
Bởi vậy, Osho tự nhận mình chưa
bao giờ được sinh ra cho nên sẽ không bao giờ chết, ông chỉ dạo chơi qua thế
giới này để nhắc nhở chúng ta một điều đơn giản: Hãy quay về với bên trong
mình, chúng ta là một phần của Thượng Đế, chúng ta là ngôi đền linh thiêng
nhất, từng khoảnh khắc cuộc đời của chúng ta là sự cầu nguyện từ trái tim… Và
cuối cùng, tôi xin mượn đôi lời của một thày tu Sufi: “Khi bạn tìm kiếm Thượng
Đế, bạn thấy bản thân mình; khi bạn tìm chính mình, bạn lại bắt gặp Thượng Đế”
Thông tin về Osho
Osho (11 tháng 12 năm 1931 – 19
tháng 1 năm 1990) tên thật là Chandra Mohan Jain (Tiếng Hindi: चन्द्र मोहन
जैन), còn được gọi là Acharya Rajneesh
từ những năm 1960 trở đi, sau đấy ông tự gọi mình là Bhagwan Shree Rajneesh
trong thập niên 1970 và 1980, rồi cuối cùng lấy tênOsho năm 1989. Ông là nhà
thần bí và bậc thầy tâm linh người Ấn Độ. Lời dạy có tính tổng hợp và điều hòa
(syncretic) các tôn giáo khác nhau của ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của
thiền định, nhận biết, tình yêu, sự sáng tạo và hài hước – những phẩm chất được
Osho xem như bị dập tắt bởi sự tuân thủ các hệ thống niềm tin tĩnh, truyền
thống tôn giáo và xã hội hóa. Ông là một trong những người có sức ảnh hưởng rất
lớn đến tôn giáo thế giới. Lời dạy của ông đã có một tác động nhất định đến
phong trào New Age ở phương Tây, và sự nổi tiếng của họ đã tăng lên đáng kể từ
khi ông qua đời.
Osho từng là giáo sư triết học
tại Đại học Jabalpur
và đi khắp Ấn Độ trong những năm 1960 để thuyết giảng trước đông đảo quần
chúng. Quan điểm của ông chống lại tôn giáo được thể chế đã gây ra nhiều tranh
cãi. Ông cũng chủ trương một thái độ cởi mở hơn với tình dục, và vì thế mà ông
có biệt danh là sex guru – đạo sư tình dục ở Ấn Độ và sau này là trên báo chí
quốc tế. Trong thực tế, các bài nói về tình dục của Osho chiếm tỉ lệ nhỏ so với
những chủ đề mà ông nói tới.
Về bản thể luận, ông là người có
một quan niệm Nhất thể (Monism) về vũ trụ. Đối với ông, Thượng đế nằm trong mọi
vật, nằm trong mọi con người. Không hề có sự phân biệt nào giữa “Thượng đế” và
“phi Thượng đế”. Toàn thể mọi con người, dù là người tồi tệ nhất, đều thiêng
liêng cả. Mọi dạng xuất hiện của một thứ năng lượng mang tên “Thượng đế” đối
với ông đều đáng ngưỡng mộ và điều này sẽ thể hiện trong quan niệm hành trì mà
ông muốn truyền bá.
Đối với đời người, Osho cho rằng
giá trị cao cả nhất của cuộc đời là lòng yêu thương, sự vui cười và thiền định.
Niềm ân thưởng vô giá nhất của cuộc đời là trải nghiệm được sự giác ngộ tâm
linh (spiritual enlightenment). Sự giác ngộ đó được ông miêu tả là “nằm yên
trong trạng thái bình thường của sự hiện hữu của tất cả mọi vật đang dựng xây
vũ trụ”. Con người chúng ta lẽ ra ai cũng có thể trải nghiệm được trạng thái
giác ngộ đó, nhưng sự thực là con người bị đánh lạc hướng do hoạt động tư duy
cũng như do mong ước và dục vọng sinh ra bởi sự ràng buộc của xã hội. Vì thế, thay
vì hưởng được niềm vui cao cả của sự hữu hiện, con người rơi vào một tình trạng
của sợ hãi và ức chế. Ông quan niệm rằng, muốn trở lại trạng thái hồn nhiên và
an lạc, con người phải tự mình giải thoát khỏi sợ hãi và ức chế.
Nhưng khác với các Thiền luận
khác, ông không khuyên con người tuân thủ những “giới luật” để giải thoát dục
vọng mà ngược lại hãy “giải phóng năng lượng dục”. Theo Osho, thiền định là một
trạng thái “nằm ngoài tâm”. Thiền định không phải là sự tập trung. Thiền định
không hề là một dạng của sự tư duy có tính tâm linh mà là một tình trạng vắng
bặt tư duy. Mọi triết lý về thiền định có thể ví như to tiếng bàn luận về sự
lặng yên, còn thiền định là bản thân sự lặng yên. Đó là một tình trạng có thể
xảy ra bất chợt, một tình trạng mà ta có thể ở trong đó, chứ không phải là một
sản phẩm do ta tạo ra. Osho cho rằng con người hiện đại, nhất là người phương
Tây, rất khó áp dụng phép toạ thiền, tìm sự an tĩnh và ngưng bặt tư tưởng bằng
cách ngồi yên. Vì thế ông đề xuất những phép thiền tích cực (Active Meditation)
và cho rằng những phép hành trì của thiền tích cực sẽ đưa con người vào trạng
thái thiền định một cách tự nhiên.
Hà Thủy Nguyên
Link down sách “Zorba Phật” của
Osho: e-thuvien.com