Mở đầu cuốn “Những môn đệ của
Pythagoras”[1], Margaret Wertheim, nữ ký giả khoa học nổi tiếng của tờ The New
York Times, nêu lên một nhận xét đáng chú ý:
-Thế kỷ thứ 6 trước CN là một
bước ngoặt lịch sử trong nền văn minh của nhân loại, bởi nó đánh dấu sự ra đời
gần như đồng thời của các nhà tư tưởng thuộc hàng vĩ đại nhất của mọi thời đại,
với những triết thuyết mang tính định hình cho nền văn minh của loài người chạy
dài suốt từ Á sang Âu: Khổng tử và Lão tử ở Trung Hoa, Đức Phật ở Ấn Độ, và
trường phái triết học Cổ Hy Lạp mà Pythagoras là nhân vật tiêu biểu.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý nhất
không phải là vấn đề thời điểm, mà là đặc trưng khác biệt về xu thế của hai
dòng văn minh Đông – Tây ngay từ buổi trứng nước:
-Trong khi ở Đông phương, Lão
giáo và Phật giáo lo tìm kiếm “con đường giải thoát” (ways of liberation),
Khổng giáo lo xây dựng những nguyên lý đạo đức làm nền tảng tinh thần cho xã
hội, thì tại Tây phương, một cuộc cách mạng kiểu khác đã xảy ra: Các nhà tư
tưởng Hy Lạp bắt đầu từ bỏ những giải thích huyền bí về thế giới xung quanh để
chuyển sang tìm kiếm những nguyên nhân vật chất của các hiện tượng tự nhiên.
Tóm lại theo Wertheim, ngay từ
đầu văn minh Đông phương cổ truyền đã có xu thế thiên về TÂM (thông qua chiêm
nghiệm trực giác), trong khi văn minh Tây phương có xu thế thiên về VẬT (thông
qua quan sát, đo đạc, chứng minh). Nếu TÂM thuộc Âm và VẬT thuộc Dương thì văn
minh Đông phương cổ truyền là văn minh trội Âm, văn minh Tây phương trội Dương.
Nhưng xu thế phân cực đã dần dần
bị thay đổi do những biến thiên thăng trầm của lịch sử: Thắng lợi áp đảo của
khoa học thực nghiệm cùng với chủ nghĩa duy lý trong vài ba thế kỷ gần đây, và
đặc biệt sau những thế kỷ các quốc gia Tây phương bành trướng thuộc địa, văn minh
Tây phương đã trở thành nền văn minh thống trị trên phạm vì toàn cầu, với nội
dung ngày càng thiên lệch rõ rệt về văn minh vật chất, văn minh khoa học, văn
minh tính toán, văn minh thực dụng: Mọi thứ đều được số hoá, kể cả Cái Đẹp
(!!!).
Đã có một thời người ta tưởng nền
văn minh này là duy nhất đúng, nhưng những bản tin thời sự hàng ngày trên toàn
thế giới cho thấy chủ nghĩa thực dụng vật chất đang đẩy con người tới một cuộc
sống cạnh tranh ngày càng vội vã, bất an – bất an cả trong đời sống xã hội lẫn
trong cuộc sống nội tâm.
Trong bối cảnh này, ngay tại Tây
phương – nơi văn minh vật chất phát triển cực thịnh – đã xuất hiện một xu thế
phê phán sự khiếm khuyết của nền văn minh này, thậm chí kết tội nền văn minh
này có thể sẽ dẫn loài người tới chỗ diệt vong nếu không có một cơ chế đủ mạnh
để kìm hãm.
Cơ chế kìm hãm đó là cái gì, nếu
không phải là nền Minh triết Đông phương cổ truyền vốn lấy TÂM làm giá trị cốt
lõi?
Thực tiễn cho thấy đã đến lúc
nhân loại cần thức tỉnh để thấy rõ đâu là nền văn minh đích thực: Nền văn minh
đích thực phải là sự chắt lọc tổng hoà của hai nền văn minh Đông và Tây, hoặc
nói chính xác hơn, sự chắt lọc tổng hoà của hai nền văn minh TÂM và VẬT.
1. Cuộc đối thoại giữa hai nền văn minh:
Nền văn minh Tây phương vốn dựa
trên căn bản nhị nguyên luận (dualism) – phân biệt chủ thể với khách thể, trong
đó chủ thể luôn luôn có xu hướng chinh phục khách thể. Đó là lý do vì sao người
Tây phương có xu hướng thích chinh phục và rất giỏi trong chinh phục: chinh
phục thiên nhiên (tìm tòi khám phá khoa học, khám phá địa lý,…), và chinh phục
thiên hạ (giành giật thuộc địa, phổ biến và truyền bá văn hoá, khoa học, tôn
giáo,…). Đó là những sự thật chẳng có gì ngạc nhiên, vì đã được lịch sử chứng
minh rõ ràng.
Điều đáng ngạc nhiên là ở chỗ
nhiều người trong chúng ta – những người sinh ra trong cái nôi Đông phương –
nhiều khi lại không ý thức được giá trị của nền văn minh truyền thống của tổ
tiên mình, do đó sẵn sàng thoả mãn với sự chinh phục của nền văn minh Tây
phương, mặc nhiên coi đó là nền văn minh toàn cầu (global civilisation). Nếu
nền văn minh Tây phương hiện đại tự nó đã hoàn chỉnh thì có lẽ không có gì để
bàn. Vấn đề là ở chỗ nó không hoàn chỉnh, nếu không muốn nói rằng nó còn chứa
đựng rất nhiều yếu tố lệch lạc.
Trong khi đó, nền văn minh Đông
phương cổ truyền dựa trên căn bản nhất nguyên luận (monism) – chủ thể và khách
thể là một: Âm Dương tuy đối lập nhưng hài hoà trong Thái Cực. Do đó có thể
thấy ngay rằng tư tưởng Đông phương cổ truyền sẽ hạn chế mọi xu hướng phân cực
thái quá của Tây phương.
Gia Cát Lượng thời Tam Quốc ở
Trung Hoa có tài chế tạo máy móc và vũ khí chẳng kém gì người La-Mã ngày xưa.
Nhưng sau khi dùng hoả công đốt cháy trong phút chốc hàng vạn quân sĩ của Mạnh
Hoạch, ông đã ngửa mặt lên trời mà than rằng việc ác đó sẽ làm giảm tuổi thọ
của chính ông. Đó là đặc điểm tư duy Đông phương – giết kẻ thù đến chỗ tuyệt
diệt thì cũng chính là giết mình, bởi vạn vật là Một. Có người phản bác ý kiến
này bằng cách viện dẫn ra hàng loạt ông vua tàn bạo giết người không ghê tay trong
lịch sử cổ đại và trung đại Trung Hoa – một trong những cái nôi của Minh triết
Đông phương cổ truyền – để khẳng định rằng Đông phương cổ truyền cũng chẳng có
gì đáng phải học tập.
Thiết nghĩ, không ai có thể phủ
nhận những sự thật lịch sử, nhưng cần phải nói rõ rằng các bạo chúa trong lịch
sử Đông phương không phải là đại diện của Minh triết Đông phương. Họ chưa bao
giờ được lịch sử ca ngợi, thậm chí họ luôn luôn bị coi là những bạo chúa coi
thường Minh triết. Đó chính là lý do để Khổng tử chưa bao giờ thành công trong
việc thuyết phục các vua chúa áp dụng kế sách của ông. Khổng tử trở thành người
Thầy của phương Đông là nhờ ở cái Đức và những tư tưởng hợp Đạo Tự Nhiên của
ông đã thấm đẫm vào tầng lớp trí thức uyên bác nhất, rồi từ đó lan rộng ra khắp
bàn dân thiên hạ. Vì thế, khi nói đến việc kết hợp hai nền văn minh Đông + Tây,
phải nói rõ đó là sự chắt lọc tổng hoà những giá trị tinh tuý của cả hai nền
văn minh đó.
Điều quan trọng nhất của Minh
triết Đông phương cổ truyền là ở chỗ nó luôn luôn điều chỉnh mọi biến thiên về
vị trí trung hoà – vị trí cân bằng bền của mọi dao động. Đó là cái gốc Đạo
Trung Dung của Khổng-Mạnh. Đạo Trung Dung chỉ ra rằng mọi biến dịch phải trở về
cân bằng ổn định mới thuận Đạo Càn Khôn, bằng không là trái đạo. Khủng hoảng môi
trường hiện nay là một biểu hiện điển hình của sự trái đạo, mà trái đạo sẽ dẫn
tới nguy cơ đe doạ sự tồn vong của chính loài người. Trong bài “Đạo của đất”
trên Khoa Học & Tổ Quốc tháng 05-2009, tác giả Trần Sáng đã vận dụng những
nguyên lý của Kinh Dịch – một thành tựu bất hủ trong nền Minh triết Đông phương
– để chỉ ra những hành động của con người trái với đạo của đất, rồi đặt câu hỏi
buộc mọi người phải suy ngẫm: “Đạo-Lý gì đang chi phối hành động của chúng ta?
Thế giới này đang vận hành theo nguyên lý nào?”.
Trong khi đó, triết học Tây
phương, tuy cũng nói đến quy luật biện chứng “lượng đổi chất đổi”, nhưng thường
chỉ mô tả sự biến đổi theo một chiều nhất định – chiều được gọi là “tiến hoá”
(evolution). Cái gì cũng tiến hoá: Vũ trụ tiến hoá, sinh giới tiến hoá, loài
người tiến hoá, rồi thậm chí đang nói tới robots tiến hoá (!!!) … Phải nói là
có cả một thứ chủ nghĩa tiến hoá! Vì chú trọng thái quá đến khía cạnh tiến hoá
một chiều, cái sau phủ định cái trước, cái sau hơn hẳn cái trước, vì thế văn minh
Tây phương thường đẩy sự đua tranh tới mức cùng cực, vô giới hạn, dẫn tới sự
cùng kiệt mọi tài nguyên dự trữ, cả tài nguyên thiên nhiên lẫn sức lực của
chính con người, do đó làm cho Tự Nhiên và xã hội mất cân bằng, dẫn tới khủng
hoảng, mất ổn định, mà bằng chứng rõ ràng nhất là hai cuộc chiến tranh thế giới
trong thế kỷ 20 vừa qua.
Điển hình của chủ nghĩa tiến hoá
là Học thuyết Darwin .
Năm nay thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Darwin ,
sách vở tôn sùng Darwin
như một ông thánh xuất hiện khắp nơi. Nhưng có thật là sinh giới tiến hoá như Darwin mô tả hay không
thì đó vẫn còn là một dấu hỏi rất lớn gây nên tranh cãi rất nhiều trong nội bộ
giới sinh học. Thực tế tại các nước Tây phương hiện nay có rất nhiều ý kiến
khoa học sâu sắc phản bác lại Darwin, chỉ ra những thiếu sót và sai lầm của
Darwin, thậm chí chứng minh rằng Học thuyết Darwin chỉ là một mô hình giả tưởng
rồi áp đặt những giải thích thuận chiều với mô hình giả tưởng đó, thay vì là
khoa học đúng nghĩa, nhưng rất tiếc là những ý kiến phản bác này hầu như chưa
được phổ biến ở nước ta. Đó là chưa nói đến những phân tích mổ xẻ học thuyết
này dưới những góc độ khác.
Dưới ánh sáng của Minh triết Đông
phương cổ truyền, Học thuyết Darwin xem ra khó được chấp nhận, bởi lẽ nó nhìn
con người một cách đơn giản và phiến diện như một động vật tiến hoá ở cấp cao
nhất, có nghĩa là chỉ nhìn thấy con người thể xác, thay vì con người như định
nghĩa của Pascal: “Con người là một cây sậy, một thứ yếu ớt nhất trong tự
nhiên, nhưng là một cây sậy có tư tưởng”. Thật vậy, Học thuyết Darwin sẽ không bao giờ giải thích được những
giá trị NGƯỜI nhất của con người, đó là tư tưởng và LÒNG NHÂN! Khái niệm lòng
nhân tự bản thân nó đã không thể dung hoà được với khái niệm đấu tranh sinh tồn
vốn được coi là động lực của tiến hoá!
Có lẽ đến đây không thể không
nhắc đến bài báo “What Darwin taught Hitler?” (Darwin đã dạy Hitler cái gì?) của Grenville
Kent[2] trên tạp chí SIGNS of the Times của Úc, số tháng 10 năm 1996, trong đó
tác giả cho biết chính Darwin đã viết trong cuốn On the Origin of Species (Về
nguồn gốc các loài) như sau: “Trong một tương lai không xa lắm, có thể đo bằng
số thế kỷ, các chủng tộc văn minh của loài người hầu như sẽ tiêu diệt và thay
thế các chủng tộc dã man trên thế giới”.
Nếu những gì Kent nói là
chính xác thì có lẽ đây là thí dụ điển hình cho thấy sự khác biệt cơ bản giữa
tư tưởng Tây phương hiện đại với Minh triết Đông phương cổ truyền.
Tạp chí SIGNS of the Times số
Tháng 10-1999 cũng có đoạn viết về Thuyết tiến hoá: “Trong phạm vi sinh học
cũng vậy, mọi điều xảy ra không còn thích hợp với kế hoạch của các
nhà khoa học nữa. Anthony O’Hear, giáo sư Đại học Bradford, trong cuốn
“Beyond Evolution, Human Nature and The Limits of Evolutionary Explanation” đã
lý luận rằng thuyết tiến hoá có những hạn chế của nó. Nó không đưa
ra một lý lẽ thoả đáng để giải thích những khía cạnh đặc biệt của
đời sống con người như vấn đề hiểu biết, cảm xúc về đạo đức, và
sự ngưỡng mộ cái đẹp”.
Để thấy rõ hơn sự khác nhau giữa
tư tưởng tiến hoá của Darwin với tư tưởng Minh triết Đông phương cổ truyền, độc
giả có thể tham khảo cuốn “Hậu Hắc Học” của một học giả Trung Quốc đầu thế kỷ
20 (đã xuất bản bằng tiếng Việt), trong đó tác giả kịch liệt phê phán Học
thuyết Darwin đã thiên lệch quá đáng vào quy luật đấu tranh sinh tồn. Theo tác
giả này, sinh giới tồn tại và phát triển không chỉ dựa vào đấu tranh sinh tồn,
mà đồng thời còn dựa vào chung sống hoà bình, nương tựa lẫn nhau để cùng tồn
tại. Nhận định này thể hiện rõ ảnh hưởng tư tưởng Minh triết Đông phương cổ
truyền: Âm-Dương hoà hợp và bổ sung cho nhau thay vì xung khắc loại trừ lẫn
nhau.
“Mặt yếu” của Minh triết Đông
phương cổ truyền thì mọi người đã biết rõ: Nó không giúp ích trực tiếp trong
việc chế tạo ra súng ống, đạn dược, xe tăng, máy bay, tển lửa, bom nguyên tử,
v.v. Đó là lý do để chủ nghĩa thực dân làm vương làm bá trong vài thế kỷ qua,
mãi đến giữa thế kỷ 20 mới chấm dứt. Ngày nay Đông phương đã tiếp thu văn minh
Tây phương, và đã vươn lên ngang hàng với Tây Phương về văn minh vật chất.
Nhưng tiếc thay, dường như quá bận rộn với việc đuổi kịp Tây phương về văn minh
vật chất nên Đông phương lại đã và đang quên lãng nền văn minh cổ truyền của
chính mình.
Riêng Việt Nam, chúng ta đã “Tây
phương hoá” ngay từ ngôn ngữ: Chữ quốc ngữ là một thành tựu “Trời cho”, giúp
cho việc phổ cập văn hoá tới đại chúng một cách dễ dàng, đó là điều không ai có
thể phủ nhận. Nhưng nếu chúng ta không có chính sách thích hợp để bảo vệ và duy
trì vốn văn hoá Hán-Nôm mà cha ông ta đã dày công xây đắp qua hàng bao thế kỷ
thì đó sẽ là một mất mát văn hoá không gì có thể bù đắp nổi. Nhu cầu phục hưng
nền văn hoá cổ truyền là một nhu cầu bức thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện
nay, khi nền văn minh vật chất trên toàn thế giới dường như đang đạt tới thái
cực – khoa học đang tạo ra những sản phẩm “sánh ngang với kỳ công của Thượng
Đế” (!), tức là lúc nền văn minh vật chất đang bộc lộ nguyên hình mặt trái của
nó.
2. Mặt trái của tấm huân chương:
Nếu coi nền văn minh Tây phương
là một đống huân chương sáng chói thì có lẽ chiếc huân chương khoa học là to
nhất, lấp lánh nhất.
Nhưng chính các học giả Tây
phương ngày nay là những người thấy rõ mặt trái của tấm huân chương hạng nhất
đó hơn ai hết. Tạp chí SIGNS of the Times của Úc tháng 10-1999 viết: “Mọi tấm
huân chương đều có mặt trái, mọi đám mây đều có ánh bạc. Những ngạn ngữ này
luôn luôn đúng. Khoa học không phải là một ngoại lệ …”.
Vậy mặt trái của tấm huân chương
khoa học có hình thù ra sao?
Trong dịp chuẩn bị bước vào thiên
niên kỷ thứ 3 và thế kỷ 21, nhà xuất bản Marshall Editions của Anh đã cho xuất
bản một cuốn sách đồ sộ nhan đề “Ideas that shaped our world” (Những tư tưởng
định hình thế giới của chúng ta), nhằm tổng kết thành tựu của nhân loại từ thời
thượng cổ cho đến tận ngày nay trên mọi phương diện, từ chính trị xã hội đến
văn hoá, nghệ thuật, từ khoa học đến triết học, v.v… Đó là một cuốn sách quý mà
mọi tủ sách nên có.
Mở đầu phần khoa học, cuốn sách
viết:
“Ngay từ cuối thế kỷ 19, người ta
đã sớm tưởng rằng, với sự kỳ diệu của khoa học, con người có thể sẽ biết được
mọi thứ và sẽ củng cố vị trí của mình như những chủ nhân ông thực sự của Vũ
Trụ. Một kỷ nguyên hoàn toàn mới của công nghiệp đã ra đời, dựa trên các khám
phá khoa học – động cơ đốt trong, đường sắt, điện,… Nhưng hai trái bom nguyên
tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 đã đánh dấu một cột mốc đen
tối với chủ nghĩa lạc quan đó. Chúng ta đã thực sự trở thành chủ nhân ông của
hành tinh, nhưng cũng là chủ nhân của sự tàn phá – sử dụng các hạt nhỏ nhất mà
khoa học đã biết, chúng ta đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng
thấy.
Ngày nay chúng ta đang phải chứng
kiến một xu thế chống đối lại khoa học. Xu thế này kết tội rằng chúng ta đang
lao xuống vực thẳm trong một tương lai chỉ toàn lặp lại những vấn nạn cố hữu
của bệnh tật, đói nghèo và chiến tranh. Việc đốt nóng bầu khí quyển, vũ khí hoá
học, nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân, bệnh dịch như ebola, AIDS, … tất cả
những điều này đều là sản phẩm song hành (byproducts) của khoa học trên con
đường phát triển”[3].
Dường như cảm thấy viết như thế
chưa đủ, cuốn sách đó đã giáng một đòn chí tử vào những người vẫn đang bị loá
mắt bởi ánh hào quang khoa học bằng cách dẫn ra lời của Albert Einstein, mà bài
viết này đã lấy làm đề từ ở trên: “Hãy thận trọng đừng biến trí tuệ thành chúa
của chúng ta; nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính”[4].
Chữ “trí tuệ” trong di huấn của
Einstein nên được hiểu đó là khoa học, là tấm huân chương lớn nhất trong nền
văn minh Tây Phương.
Đọc giả hẳn đã biết rằng với việc
khám phá ra công thức E = mc2, Einstein được coi là cha đẻ của khoa học nguyên
tử. Với tư cách đó, ông đã được tín nhiệm để thay mặt cho giới khoa học gửi thư
cho tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt, khuyên chính phủ Mỹ nên nhanh chóng giành
“thế thượng phong” trong cuộc chạy đua chế tạo bom nguyên tử ở Mỹ.
Nhưng than ôi, hai trái bom
nguyên tử đầu tiên – tác phẩm của những nhà vật lý tài năng nhất tại Trung Tâm
Los Alamos của Mỹ – đã rơi xuống đất Nhật, giết hại hàng vạn dân lành chỉ trong
chớp mắt, để lại một đám mây đen vĩnh viễn trong lịch sử nhân loại. Einstein đã
rơi vào nỗi ám ảnh của tội ác mà dường như ông đã dự phần quan trọng. Đó là bi
kịch lương tâm trong suốt phần đời còn lại của ông.
Những năm cuối đời, Einstein đã
hoạt động rất tích cực trong phong trào chống phổ biến vũ khí hạt nhân, đến nỗi
FBI đã lập hồ sơ theo dõi (hồ sơ này gần đây đã được bạch hoá).
Dường như Einstein muốn hoạt động
xã hội để chuộc lại nỗi đau lương tâm mà ông phải ráng chịu. Có lẽ chính trong
hoàn cảnh đó mà Einstein đã đưa ra lời cảnh tỉnh bất hủ nói trên, nhằm vạch rõ
mặt trái của tấm huân chương khoa học. Ngắm nhìn chân dung ông những năm cuối
đời, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy dưới mái tóc trắng “phi-lô-dốp” (Philosophe)
là đôi mắt sáng tinh anh nhưng luôn luôn buồn và trầm tư. Bên cạnh các phương
trình, chắc chắn đó là những trầm tư về thân phận con người.
Nhiều sách tiểu sử đều viết rằng
ông không thích người đời gọi mình là nhà vật lý. Ông tự coi mình là nhà tư
tưởng. Cuối năm 1999, tạp chí TIME bầu Einstein là “nhân vật thế kỷ” (person of
the century), vì ảnh hưởng quá lớn của ông đối với nền văn minh hiện đại. Điều
này hoàn toàn xứng đáng. Nhưng TIME ít nói đến ý nghĩa bi kịch trong đời
Einstein. Có lẽ đó là một thiếu sót lớn, bởi vì thực ra bi kịch đó cũng là bi
kịch của nhân loại và đặc biệt, đó là bi kịch của nền văn minh vật chất.
Bi kịch của Einstein đâu phải duy
nhất. Giải thưởng Nobel ra đời cũng chính là một phương cách để Alfred Nobel
cứu chữa cho nỗi đau lương tâm của ông khi phải chứng kiến phát minh của mình
bị sử dụng vào mục đích chống nhân loại đó thôi.
Dường như nhậy cảm với nỗi bất
trắc của tương lai, năm 1903, Pierre Curie đã lên tiếng khẩn thiết kêu gọi nhân
loại hãy nhớ đến tư tưởng của Nobel: “Tôi thuộc trong số những người noi gương
Nobel, mong ước khám phá của mình không bao giờ bị sử dụng vào mục đích chống
nhân loại”[5]. Nhưng thật đau lòng, lời khẩn thiết của Curie đã bị phản bội:
khám phá của vợ chồng Curie là một trong những khám phá mở màn của khoa học
nguyên tử, nhưng năng lượng nguyên tử đã được sử dụng lần đầu tiên vào mục đích
chống nhân loại. Trước Curie vài thế kỷ, Francois Rabelais đã từng cảnh báo:
“Khoa học vô lương chỉ là sự hư nát của linh hồn!”[6]. Khó có thể tưởng tượng
ngay từ thế kỷ 16, khi khoa học chưa lộ diện mặt trái của nó rõ rệt như hiện
nay, Rabelais đã có thể đưa ra những lời cảnh báo tiên tri như vậy.
Nhưng dường như hậu thế không đếm
xỉa tới lời tiên tri đó. Khi bị chất vấn về tác hại của trò chơi điện tử đối
với trẻ em, một ông chủ hãng điện tử Nhật Bản trả lời: “Nó cũng như con dao nhà
bếp thôi, có thể rất tiện lợi, mà cũng có thể rất có hại. Con dao không có lỗi.
Lỗi là ở người dùng nó”. Câu trả lời phỉ phủi trách nhiệm này thực ra đã phơi
bầy bản chất của khoa học: Khoa học chỉ là một phương tiện, một công cụ, nó
không chịu trách nhiệm về nhân tính như Einstein đã nói. Đây chính là đặc điểm
nổi bật của nền văn minh vật chất Tây phương. Nhưng thật là bi kịch khi con
người ngày nay lại thoả mãn với cái vốn hiểu biết khoa học đó, với nền văn minh
Tây phương đó, và coi thế là đủ! Đó là thói tự phụ nguy hiểm dẫn tới sự suy
thoái văn hoá.
Tạp chí SIGNS of the Times bình
luận: “Mối nguy hiểm lớn nhất của tấm huân chương khoa học có lẽ không phải là
vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, sự huỷ hoại môi trường, mà ở chỗ nó mang lại
thói tự cao tự đại quá đáng của con người”[7]. Cái tự phụ vênh vang của một vài
cá nhân các vị học giả nào đó có lẽ không đáng nói, điều đáng nói là khi cái tự
phụ biến thành một ý thức hệ của một đám đông, của một tầng lớp có nhiều ảnh
hưởng trong xã hội thì nó sẽ trở nên hết sức nguy hiểm, bởi vì nó dám bất chấp
mọi quy luật của tạo hoá, tức là bất chấp Đạo Càn Khôn.
Trong bài “Đâu là lời giải của
bài toán đạo đức?” trên KH&TQ số 3+4 tháng 02-2008, tôi đã đặt những dấu
hỏi lớn đối với lương tri khoa học trong thời đại của chúng ta:
Nếu khoa học được coi là một bộ
phận của văn hoá thì tại sao một nhà khoa học như Werner Heisenberg, một trong
những cha đẻ của Cơ Học Lượng Tử, lại có thể cam tâm làm tay sai trung thành
cho chủ nghĩa phát xít?[8] Chính Heisenberg chứ không phải ai khác, là người
lãnh đạo chương trình chế tạo bom nguyên tử của Hitler. Rất may là nghiên cứu
của Heisenberg bị thất bại, nếu không thì thế giới sẽ ra sao? Ai sẽ phải trả
giá nếu chương trình nghiên cứu của Heisenberg thành công? Lúc đó nhân loại sẽ
đánh giá Heisenberg ra sao? Khi đó ông sẽ là một quỷ dữ hay một thiên thần?.
Trong thâm tâm rất nhiều nhà khoa
học hiện nay, Heisenberg vẫn là một “ông thánh khoa học số 2” sau Einstein. Tại
sao một tên cai tù trong các trại giam của Hitler bị coi là một tội phạm chiến
tranh, còn những nhà bác học cung cúc tận tụy trong việc nghiên cứu chế tạo
những công cụ giết người khủng khiếp nhất cho Hitler lại vẫn được ngự trên ban
thờ của khoa học? Sự phán xử của khoa học không đếm xỉa tới lương tri hay sao?
Phải chăng đó chính là cái mà Vương Sóc, tác giả cuốn “Người đẹp tặng ta thuốc
bùa mê”[9] đã phải dằn giọng mà nói rằng “Sự tàn nhẫn vô liêm sỉ nhất thế giới
này đều do trí lực gây nên. Con người có thể dùng trí tuệ đi làm những việc vô
liêm sỉ”?
Nhưng trước cám dỗ vật chất,
lương tri khoa học có vẻ như ngày càng trở thành món hàng xa xỉ! Một trong
những lĩnh vực bị cám dỗ mạnh nhất hiện nay là nghiên cứu tế bào gốc
(stemcells), vì tế bào gốc sẽ cho phép tạo ra các mô dùng trong y học phẫu
thuật lắp ghép các cơ phận của con người, phục vụ cho những bệnh nhân tỷ phú
trên thế giới.
Tại một công ty nghiên cứu tế bào
gốc (stemcells) ở California, sau khi thành công trong thí nghiệm cấy não người
vào não chuột, chuẩn bị thí nghiệm ngược lại là cấy não chuột vào não người,
người chủ trì đề tài là Irving Weissman, giáo sư Đại học Stanford, bị báo chí
chất vấn về nguy cơ thí nghiệm này sẽ xoá nhoà ranh giới giữa động vật và con
người, Irving trả lời gọn lỏn: “Vấn đề bạn lo lắng thuộc phạm trù của các nhà
đạo đức học, còn giới khoa học chúng tôi không thể quy định đâu là giới hạn
nghiên cứu”[10].
Tế bào gốc tốt nhất là tế bào bào
thai. Vì thế, ngoài các bào thai có thể có bằng những con đường mà luật pháp
không cấm, các trung tâm tế bào gốc đều nghĩ tới mọi phương pháp khả dĩ miễn là
đạt được mục đích, trong đó có một phương pháp hữu hiệu là nhân bản vô tính để
tạo ra bào thai người – nguồn tế bào gốc vô tận! Các bào thai này không cần để
cho sống sót thành con người đàng hoàng như chúng ta, mà chỉ cần ngâm trong các
bình thí nghiệm để lấy tế bào (!). Vì nhân bản vô tính người thể hiện tính vô
luân đến mức trầm trọng nên hiện nay nó vẫn bị cấm tại nhiều nước. Nhưng một số
nhóm nghiên cứu, chẳng hạn như nhóm Antinori ở Ý, đã tuyên bố rằng sẽ tạo ra
con người bằng nhân bản vô tính tại những nơi không bị luật pháp cấm, bất chấp
sự nguyền rủa của dư luận.
Tại Úc, một công ty stemcells đã
bị phát giác làm thí nghiệm cấy tế bào người vào nhân trứng lợn, và đã tạo ra
một tế bào sống được 42 ngày. Thực ra tế bào này không tự chết, mà đã bị giết
chết, vì khi kiểm tra, các nhà nghiên cứu phát hiện thấy “cơ thể” của nó chứa
cả ADN của người lẫn ADN của lợn. Nếu để nguyên cho nó sinh thành thì sẽ có một
sinh vật mới ra đời, đó là một người-lợn hoặc lợn-người, một “tác phẩm khoa học
trứ danh” không có gì có thể so sánh được (!). Ai dám khẳng định rằng hiện nay
một bào thai quái vật như thế không ngấm ngầm tồn tại trong một phòng thí
nghiệm nào đó trên thế giới? Khi câu chuyện tế bào người-lợn ở Australia bị báo chí đưa ra ánh sáng, xã hội Australia đã
thật sự rùng mình. Các em nhỏ đã lên tivi phát biểu rằng các em thấy sợ hãi. Tờ
Daily Telegraph đã lên án gay gắt việc làm bất lương này, nhưng sau đó không
nghe thấy ồn ào gì tiếp. Việc tầy trời như thế có vẻ như đã bị ỉm đi, không hề
thấy xét xử giống như bao nhiêu vụ tội phạm khác. Phải chăng đồng tiền đã thống
trị lương tri?
Thực ra không cần phải đợi đến
cuối thế kỷ 20 nhân loại mới giật mình nhận ra tính chất vô đạo đức của nền văn
hoá thực dụng vật chất. Ngay sau thảm hoạ nguyên tử 1945 đã xuất hiện rất nhiều
cảnh báo của những nhân vật được coi là thông thái bậc nhất:
Đó là cảnh báo của Max Born, một
nhà vật lý xuất sắc từng đoạt Giải Nobel vật lý năm 1954: “Khoa học và kỹ thuật
phá hoại nền tảng đạo đức của văn minh, và sự phá hoại đó là vô phương cứu
chữa”[11]!
Đó cũng là cảnh báo của
Jawaharlal Nerhu: “Con người về phương diện kỹ thuật đã vươn tới những vì sao,
nhưng lại không hề được trau dồi một tí gì về quan hệ giữa người và người. Và
chính vì lẽ đó mà nền văn hoá đạo đức xã hội tụt lại xa đằng sau kỹ thuật”[12].
Đó chính là lý do để “ông thánh
khoa học” Albert Einstein cũng phải buồn rầu thốt lên rằng trí tuệ chỉ có sức
mạnh cơ bắp nhưng phi nhân tính.
Tại sao khoa học “cơ bắp” được
tôn sùng như chúa? Vì nó tạo ra của cải vật chất, tức là mang lại tiền bạc và
sức mạnh. Tại sao khoa học nhân văn ngày càng bị lép vế? Vì nó lo chăm sóc phần
hồn của con người, do đó không trực tiếp tạo ra tiền bạc và sức mạnh “cơ bắp”.
Một khi bị loá mắt trước tiền bạc, con người sẽ tôn sùng cái làm ra tiền và
khinh thường cái không làm ra tiền. Đó là lúc bản năng vô thức – cái mà Sigmund
Freud gọi là Eros và Thanatos – trỗi dạy một cách mạnh mẽ, hối thúc con người
chạy ùa theo cái thấp hèn. Đó là lúc con người hành động thuần tuý như một sinh
vật, cho dù là một sinh vật tiến hoá bậc nhất. Đây là một bước thụt lùi nghiêm
trọng của nền văn minh – một nền văn minh trong đó con người tư tưởng của
Pascal phải nhường chỗ cho con người sinh vật của Darwin .
Để kết phần này, xin dẫn lời Lý
Tường Hải, một nhà nghiên cứu Trung Quốc, trong một cuốn sách của ông đã được
dịch ra tiếng Việt gần đây: “Thế kỷ XX là thời đại nhân loại thu được những
thành tựu to lớn, đồng thời cũng là thời đại bộc lộ những tệ hại của văn minh
hiện đại. Một mặt, nhu cầu vật chất của nhân loại được thoả mãn ở mức trước đây
chưa từng có, mặt khác, tinh thần và tâm linh của nhân loại lại bị tổn thương ở
mức trước đây chưa từng có …
Sự phân hoá lưỡng cực cao độ đưa
ra trước mắt mọi người một bức tranh về sự rất mất nhân đạo của nhân loại. Sự
phát triển cao độ của kỹ thuật … cũng thành ra một vũ khí sắc bén để nhân loại
tàn hại lẫn nhau … người ta vốn là đứa con của tự nhiên, giờ đây họ muốn lấy
trí thức và kỹ thuật làm chỗ tựa, hy vọng trở thành chủ nhân của tự nhiên. Thế
rồi họ làm những việc lay trời chuyển đất, tát đầm bắt cá, kết quả là phá vỡ sự
cân bằng sinh thái vốn có của giới tự nhiên, từ đó mà khiến nhân loại gặp phải
nguy cơ là mất đi chỗ dựa sinh tồn.
Con người hiện đại sau khi thoát
khỏi gông cùm của “chủ nghĩa cấm dục” truyền thống, đi đến chỗ phóng túng không
biết đến kiêng kị là gì, cuối cùng đau đớn cảm thấy rằng cuộc sống chẳng còn gì
đáng gọi là hứng thú nữa. Ngoài ra bởi sự chủ tể của kỹ thuật đối với con
người, tác động vạn năng của đồng tiền, sự tha hoá nhân tính và sự lầm lẫn ngọn
nguồn của giá trị … không thể không khiến người ta đau đớn cảm thấy sự chìm lấp
ý nghĩa nhân sinh: Người ta ở đời, vội vã tất tả, cũng có không ít sự lạnh
nhạt, phiền muộn, hèn kém, dối trá, thống khổ, kinh hãi, vậy ý nghĩa rốt cuộc
là ở đâu nhỉ?”.
3. Kết:
Cách đây đã lâu, Đài truyền hình
Việt Nam
có lần chiếu một cuốn phim về tiểu sử bà Indira Ghandi. Tôi có ấn tượng mạnh về
một câu nói của bà: “Ngày nay, dường như khoa học thì tiến lên, nhưng văn hoá
thì thụt lùi”. Từ bấy đến nay tôi để ý kiểm chứng điều bà nói, càng ngày tôi
càng thấy bà đúng. Nhiều năm sau này tôi mới được biết chính cố thủ tướng
Jawaharlal Nehru, thân phụ của bà, cũng đã từng nói điều đó với Albert Einstein
khi hai vị gặp nhau. Trong câu chuyện với Einstein, Nehru phàn nàn rằng nền văn
minh Tây Phương chỉ bận tâm với việc sản xuất ra máy móc, rất vô trách nhiệm
với vấn đề luân lý đạo đức, Einstein đáp: “Chính nền văn minh Đông Phương cổ
truyền của các ông đã lo việc đó”.
Hình ảnh bà Indhira trong phim
trông buồn, đăm chiêu, tư lự. Cái buồn ấy truyền sang khán giả, làm tôi nhớ đến
câu hỏi lớn đã trở thành tựa đề cho tác phẩm văn học bất hủ “Quo Vadis?” (Đi về
đâu?) của nhà văn BaLan Henryk Sienkiewicz, người từng đoạt Giải Nobel văn
chương năm 1905. Câu hỏi ấy được “chiết xuất” từ một tích trong Kinh Thánh:
Trong lúc bối rối chạy loạn tránh khỏi sự khủng bố đàn áp của chính quyền La Mã
đối với những theo Đạo Kitô, thánh Peter bỗng thấy Chúa Jesus hiện ra. Peter
hỏi: “Con biết đi đâu bây giờ?”. Chúa phán: “Hãy đi về phía có ánh sáng trên
trời”.
Nhân loại ngày nay cũng đang bối
rối đặt câu hỏi: Nền văn minh hiện đại sẽ đưa loài người đi về đâu?
Trong cuộc hành trình đi tìm một
nền văn minh đích thực, thiết nghĩ đã đến lúc phải bổ sung vào hành trang của
nhân loại hiện đại nền Minh triết Đông phương truyền thống.
Hai nền văn minh Đông – Tây dẫu
rằng có những điểm trái ngược, nhưng không mâu thuẫn, mà bổ sung cho nhau. Đó
là vận dụng một nhận định của Niels Bohr, một nhà vật lý thiên tài người Đan
Mạch, khi ông diễn giải tinh thần của Nguyên Lý Bất Định trong Cơ Học Lượng Tử
dưới dạng gần giống như một nguyên lý kinh điển của Minh triết Đông Phương:
“Trái ngược không phải là mâu thuẫn, mà chúng bổ sung cho nhau”.
Viết đến đây, tôi bỗng giật mình
nghe thấy một lời thoại trong cuốn phim “The Ruins” (Đổ nát) của Mỹ chiếu trên
kênh truyền hình cáp HBO: “Cái ác nằm trong bản chất của con người!”. Tôi không
theo dõi cuốn phim từ đầu nên không rõ lời thoại đó muốn nói gì, nhưng dù thế
nào chăng nữa, tôi cảm thấy tác giả kịch bản muốn dùng miệng các nhân vật để
báo động cho chúng ta thấy rằng nhân loại đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng
đạo lý. Điều này nhắc tôi nhớ lại tư tưởng của Khổng-Mạnh, rằng “Nhân chi sơ
tính bản Thiện”. Vậy Khổng-Mạnh đúng hay sai?
Tôi cho rằng nếu chúng ta nhìn
con người dưới góc độ của Học thuyết Darwin
thì có lẽ Khổng-Mạnh sai. Nhưng nếu nhìn con người dưới góc độ của Pascal – góc
độ con người tư tưởng – thì Khổng-Mạnh đúng.
Dường như Darwin chỉ nhìn thấy con người dưới góc độ
hình hài thể xác thô thiển mà không thấy cái phần vô hình cao cả trong đó,
trong khi Pascal mới thật sự hiểu được giá trị của con người nằm trong tư
tưởng.
Khi Khổng-Mạnh nhấn mạnh tới bản
chất Thiện, không phải các ngài không thấy thói hư tật xấu của con người. Ngược
lại, chính vì thấy thói hư tật xấu làm hỏng con người, làm rối loạn xã hội nên
các ngài mới nhấn mạnh đến bản chất Thiện, để dạy con người từ bỏ cái xấu và
hướng tới cái Thiện, nhằm làm cho con người trở nên NGƯỜI hơn, xã hội mới có
thể tốt đẹp hơn.
Đó là một phần trong những giá
trị cao cả thuộc về TÂM của Minh triết Đông phương cổ truyền. Có lẽ chính vì nhận
thấy những giá trị cao cả đó có thể trở thành cứu cánh đối với nền văn minh vật
chất, nên các bậc thức giả Tây phương hiện đại đã hướng tư duy chủ đạo vào Minh
triết, như tác giả Nguyễn Khắc Mai loan báo trên KH&TQ tháng 08-2009: “Sau
những chối bỏ với nhiều triết thuyết, ngày nay Minh triết đang là chủ đề chính
trong tư duy đương đại”. Theo Nguyễn Khắc Mai, đây là một trào lưu văn hoá mới
đã hình thành từ 3-4 thập niên trở lại đây, và là một “Trào lưu khai sáng lần
thứ II”.
[1] Xem “Pythagoras’ Trousers”,
Margaret Wertheim, Fourth Estate, London ,
1997, trang 17
[2] Grenville Kent hoàn thành
luận án tiến sĩ triết học và thần học tại Đại Học Manchester, sau đó là một
giáo sư triết học và thần học tại một số đại học ở Úc, kiêm đạo diễn điện ảnh
và tác giả của nhiều cuốn sách về triết học và thần học.
[3] Xem “Ideas that shaped our
world”, Robert Stewart, Marshall Editions, London 1997, trang 179.
[4] Xem tài liệu ghi chú (2)
trang bìa.
[5] SIGNS of The Times, tháng
10-1999. Pierre Curie (1859-1906): “I belong to the ones who follow Nobel in
wishing my discovery will never be used for purposes against humanity”.
[6] Francois Rabelais
(1494-1553): “Science sans conscience n’est que ruine de l’âme!”.
[7] SIGNS of The Times, tháng
10-1999: “The greatest dangers of science and technology may not be the risks
of environmental destruction, global warming, or nuclear, chemical or
biological weaponry, but the way in which its achievements feed our smug
self-sufficiency and arrogance, …”.
[8] Xem “Chương trình chế tạo bom
nguyên tử của Hitler” của Phạm Việt Hưng trên Khoa Học & Đời Sống từ số 51
ngày 27-06-2005 đến số 56 ngày 15-07-2005 và trên Vietsciences:
http://vietsciences.free.fr/ hoặc trên PhamVietHung’s Home:
http://viethungpham.wordpress.com/
[9] “Người đẹp tặng ta thuốc bùa
mê”, Vương Sóc, Bản dịch tiếng Việt của Vũ Công Hoan, NXB Văn Hoá Dân Tộc xuất
bản năm 2000.
[10] Xem bài “Chuột có não người”
trong “Những câu chuyện khoa học kỹ thuật hiện đại”, Phạm Việt Hưng, NXB Trẻ
năm 2003 Trang 239.
[11] Trích theo “Cảm nhận gia
đình” của Tương Lai trên Tia Sáng số 12/Tháng 7-2003.
[12] Trích theo “Cảm nhận gia
đình” của Tương Lai trên Tia Sáng số 12/Tháng 7-2003.