Chết rồi thì đi về đâu?

Có người hỏi rằng: Chết rồi thì đi về đâu? Đây là câu hỏi có ẩn chứa ý nghĩa có một cái gì đó đi về  tương lai khi cái thân này chết. Thân này chết thì tôi đi về đâu? Cái tôi có còn thì mới có đi về phía tương lai. Vậy tôi đi đâu sau khi thân tôi chết. Trong câu hỏi đã nằm sẳn niềm tin tôi không chỉ là cái thân này.

Dĩ nhiên có ai lại không biết rằng cái thân này có sanh thì phải có tử. Nhưng nếu lấy cái chết mà làm "ông kẹ" để hù cái sống thì thật là điên rồ! Nhưng cho rằng chết là chấm dứt hết vì đã vào Niết Bàn thì lạị càng rồ dại hơn.

Tất cả các bậc hiền thánh khi thành Phật thì không còn ai trông thấy nữa, bởi vì đã vào vô dư niết-bàn. Nhưng đâu phải vì vậy mà cho rằng các đức Phật đã ra khỏi vũ trụ, ra tất cả thực tại để trở thành hư không như lông rùa và sừng thỏ. Cái không tưởng như vậy đã không có trong niềm tin của câu hỏi, bởi vì đây là câu hỏi có ngủ ngầm một niềm tin và hy vọng cho một sự sống sau cái thân xác chết.

Mỗi vị Phật thì giáo hóa một cõi Phật. Mỗi Phật -sát (thế giới của mỗi Đức Phật) có một Phật giáo hóa. Cõi chúng ta đang sống đây chính là cõi Ta Bà (Sa-Bà). Thế giới của Đức Thích Ca Mầu Ni Phật là tại đây và bây giờ. Trái đất này gọi là Diêm Phù Đề theo cách gọi tên của kinh Phật. Theo kinh thì trái đất này đã có 7 Đức Phật được ghi nhận là đã và đang giáo hóa. Sau khi giáo pháp của Đức Thích Ca diệt tận thì sẽ đến thời kỳ Đức Phật tiếp theo là Di-Lặc Tôn Phật ra đời. Đức Phật ra đời là thời chánh pháp sẽ trở lại.

Do huyền ký này mà có nhiều vị thiên ma mạo danh xưng là Đức Phật Di Lạc ra đời để chấm dứt giáo pháp của Phật Thích Ca vì đã vào thời mạt pháp, để bịp thiên hạ chơi. Bởi vì giáo pháp cũng theo chu kỳ chánh Pháp, tượng Pháp và mạt Pháp. Thành ra chúng ta thấy rằng cái chu kỳ "thành trụ hoại không" hay "sanh lão bệnh tử" là bất tận, cái ngày quả địa cầu bị "hoại không" cũng còn khá lâu, vì ít nhất chúng ta còn được thấy một Đức Phật nữa là Đức Di Lạc. Đây là  dựa vào kinh điển Phật giáo mà nói. Nói theo niềm tin của tôn giáo của Đạo Phật. Như vậy theo niềm tin này thì cái thân của mình chết nhưng thế giới này vẫn còn.

Cũng dựa vào kinh thì chúng ta cũng biết rằng các thế giới của các Đức Phật thì nhiều vô số. Kinh Đại Bảo Tích có giới thiệu một số cõi Phật trong vô số cõi Phật để chúng ta chọn lựa và cúng dường. Cõi Tịnh-Độ của Đức Phật A-Di-Đà là một cõi mà kinh Đại Bảo Tích giới thiệu cho chúng sanh Ta-Bà ác trược này sanh về để An-Dưỡng cho đến ngày thành Phật. Vì vậy Cõi Cực Lạc còn gọi là An Dưỡng Địa. Bởi vì khi sanh về đây thì chắc chắn sẽ thành Phật. Cứ an dưỡng ở cõi an lành như thế giới của Đức A-Di Đà thì sẽ chắc chắn thành Phật. Người ở cõi này thì ít nhất cũng hạnh phúc an lạc như một vị lậu tận tỳ kheo của cõi Ta bà này. Một vị đã là lậu tận tỳ kheo thì mới sánh được với Thượng thiện nhơn của An Dưỡng Địa Tây Phương.

Do đó ai ngán sợ cõi này thì hãy phát nguyện vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ,  do đó mà có Tịnh Độ Tông là Pháp Môn cầu vãng sanhTây Phương. Nếu tu theo pháp môn tịnh độ mà khi chết không về cõi Phật A-Di -Đà thì là thất bại. Có thất bại thì cũng vẫn còn trong cõi Phật của Đức Thích Ca chứ có đi đâu ra khỏi Phật quốc đâu mà sợ? Ở cõi Ta Bà nếu có rớt xuống Địa Ngục thì cũng có Ngài ĐịaTạng Bồ Tát đợi sẳn ở đó để cứu hộ chứ đâu phải địa ngục là tuyệt lộ đâu mà gọi rằng cõi này không phải là cõi Phật? Ở trong 6 cõi phàm đều có Đức Quán Thế Âm cầm sẳn bình tịnh thủy để rưới cam lồ làm sống dậy "từ tâm" cho chúng sanh, do đó ở mọi lúc mọi nơi đều có bồ tát mà mình có hay biết gì đâu!

Tại sao lại gọi là từ tâm sống dậy? Phải! Bởi vì chỉ có nuớc cam lồ của Đức Quán Thế Âm mới làm cho tâm từ của chúng sanh sống lại. Người bị lửa phiền não đốt chết nếu không có sống lại thì coi như đã là Ma. Nhưng làm sao sống lại? Cái gì Sống lại? "Từ tâm", chính lòng từ là sự sống, từ đau khổ mà chết đi, từ lòng từ mà sống lại. Người được nghe. được uống, được ăn, được nếm, được xúc chạm với bình tịnh thủy của Đức Quán Thế Âm thì có từ tâm sống lại!!! Thường đối người đời sanh lòng từ, ngày đêm tự mình nương PHÁP ở!!!

Lúc nào đức Quán Thế Âm cũng có đó cho chúng sanh, nhưng chúng sanh không hay không biết và không nghe được gì cả là vì chúng sanh bị hai cái chướng che mất tánh linh của mình. Hai cái chướng đó là gì? 1/ Chính là Phiền Não Chướng. 2/ Chính là Sở Tri Chướng.--Hai cái chướng này còn được gọi là Ngã chấp và Pháp chấp. Chính vì vậy mà đang sống trong cõi uế độ ngũ trược này mà không thấy được giáo chủ là Đức Phật Thích Ca và giáo pháp cùa Ngài đang vận chuyển, bánh xe pháp vẫn xoay mà chúng ta còn mê mãi không hay biết gì

Bởi vì quá ngán sợ cái thế giới này, sợ mình không giữ vững được bồ đề tâm nên phải nguyện sanh về Tây Phương để thấy Phật thường xuyên và nghe Pháp thường xuyên cho đến ngày thành Phật thì mới đủ sức độ chúng sanh đau khổ.  Do đó mà tịnh đô tông có tông chỉ là phải vãng sanh là mục đích cứu cánh, không chủ trương  làm phước để hưởng phước nhân thiên, mà hồi hướng tất cả cho chúng sanh, chỉ hết lòng nưong vào TIN HẠNH NGUYỆN để cầu sanh Phật quốc. Tuy nhiên nếu đức tin mù quáng thì cũng có thể vương vào những điều thái quá hay bất cập.

Ví dụ như hồi trước thời kỳ đệ nhất thế chiến, có ngừơi du học Phật Pháp ở Nhật kể lại rằng: Ở bên Nhật có một số người tu theo tịnh độ tông đã quá tín ngưỡng vào pháp môn niệm Phật nên họ đã kết hợp lại để chuyên tụng kinh cầu về Phật độ của Đức A-Di-Đà cho những người chết. Họ quá tin là cứ niệm Phật thì sẽ về nước Phật, vì vậy họ đi đến những người bệnh để niệm Phật, rồi ra tay giết luôn những người già yếu và bệnh nặng mà họ cho rằng không qua khỏi, nên giết cho nhanh để tránh đau đớn kéo dài. Họ tin rằng với lòng tốt của họ và sức mạnh của niềm tin tập thể thì người già và người bệnh sẽ được vãng sanh, khỏi phải chịu sự khổ nhọc kéo dài. Vậy là oái oăm cho những người bị giết, họ chẳng biết gì và hiểu gì về cái thế giới mà người ta muốn họ đi, vậy mà cũng phải đi.

Còn người cuồng tín thì cho rằng họ đã độ được người sang cái thế giới mà chính họ chưa từng đi qua bao giờ. Họ tin rằng họ sẽ sanh về thế giới mà họ cho người bệnh đi trước còn họ sẽ đi sau! Nhưng dù sẽ đi sau thì cũng rõ ràng là họ chưa đi bao giờ, bởi vì chưa đi mà lại đưa người đi trước nên đã mắc tội sát sanh mà không hề hay biết. Mặc dù nói là do thương người mà hành động, nhưng cũng không thể tránh được tội cố sát, giống như các bác sỹ trợ tử cho các bệnh nhân nan y mà bệnh nhân chưa đồng ý. Còn về phần nạn nhân, nếu họ tin và họ biết cái thế giới mà họ sẽ đến thì họ đâu cần đến những người giết họ. Họ sẽ tự biết đường đi chứ đâu phải nhờ ai xô đẩy.

Nếu là thiện tri thức thì khi còn sống phải biết đường của mình đi, còn chết rồi thì cái đời sống như thế nào thì nhân quả đã sẳn sàng rồi đâu phải đợi ai kéo níu. Mình phải biết nơi mình đi, nơi mình tới thì mới hướng dẫn cho người ta để họ đi, để cho họ tới, mà do họ và của họ chứ đâu phải mình cho người ta đâu. Đèn nhà ai nấy rạng! Của nhà ai nấy hưởng! Mình làm sao lại có thể ép người ta đi theo cái mà mình vẽ ra cho họ được. Nếu thật sự đã biết đường sao không cùng nắm tay người ta mà đi luôn cho rồi. Mình làm cho người ta vãng sanh thì tại sao  mình lại không tự ngồi kiết già để cùng đi với họ luôn đi! Mình đập cho người ta một búa để họ vãng sanh, vậy tại sao mình không đập cho mình một búa để vãng sanh luôn cho rồi, cùng đi với nhau mới là đúng là có tình nghĩa thương nhau chứ.

Suy ra việc này của những người Nhật thời đó là quá khích và cuồng tín. Có lẽ họ muốn cho những người già yếu và bệnh tật chết đi cho rộng đất và hữu ích cho kinh tế,  nên mượn cớ tu tịnh độ mà giết người cho hợp pháp. Ngày nay cái luật trợ tử để giảm đau nếu được ban hành thì có nhiều người sẽ bị chết theo kiểu Nhật thời đó. Mà cái thời đó xảy ra cái nạn cuồng tín này là thời đói kém khó khăn nên tệ nạn tất nhiên phải theo đó phát sanh. Cũng giống như bên Tứ Xuyên cúả Trung quốc có một thời đói kém phải ăn thịt người! Khi chôn người chết thì họ chôn rất cạn, để đêm đến thì ra lôi  xác chết lên ăn thịt, hoặc róc hết thịt để dành ăn, còn chỉ chôn cái xương. Nhà nào tàn nhẩn thì giết con để ăn thịt, trẻ nhỏ và người già yếu tàn tật là miếng mồi để ăn trước tiên. Nhà nào còn thương tâm thì đem con của mình đổi con của người khác để hai bên cùng ăn thịt con người khác cho đỡ đau lòng. Khi cùng khổ thì cái tín ngưỡng cũng bị làm bình phong che đậy cho tội lỗi, chứ thật sự ra tịnh độ tông là đạo của từ bi thì không bao giờ chấp nhận cái cuồng tín sai quấy như vậy.

Không ai không chết, nhưng sống cũng chính là chết nếu lòng từ không còn. Còn đạo từ bi thì không bao giờ có cái chết. Người có lòng từ thì có từ nhãn là con mắt của tình thương, lấy con mắt của tình thương mà nhìn chúng sanh thì sống chết nào sá gì đâu..... Phải sống thì  sống, phải bỏ xác thân thì bỏ xác thân, chứ cái chơn tâm làm sao mà có chết sống gì đâu. Người chưa biết Tâm - Phật và Chúng sanh đồng một thể nhiệm mầu thì phải bị vọng tưởng đảo điên mà chấp mắc rối mù không thấy đường đi nẻo bước, người biết mình thì lúc nào cũng du hí thần thông tam muội trong ba cõi, nào có gì là sống chết hù dọa được đâu, Biết như vậy mới là Thiện Tri Thức. Thiện tri thức thì không bao giờ đem cái chết để hù dọa cho người ta sống bằng cái sợ.

Truyền giáo bằng cách gây sợ hãi là điều được cấm từ khi Phật còn tại thế. Không khuyến dụ và không đe dọa nên Phật cấm các đệ tử không được cho người chưa thọ đại giới biết mình có thần thông, không đựợc thi thố thần thông khi còn sống trong thân xác của phàm phu để đồng sự nhiếp cùng chúng sanh. Không dùng giọng nói âm thanh để tác tướng cho oai mà thuyết pháp. Không được làm cho người khác sợ hãi hay mê hoặc các phép ngũ thông mà tin theo mình. Bởi vì đạo Phật là đạo không sợ hãi nên cũng không bao giờ làm cho người sợ uy quyền hay phép thuật mà theo Phật pháp. Vì làm như vậy thì không có Phật Pháp mà chỉ có Ma thuật như ngoại đạo mà thôi. Tất cả các vị bồ tát đều nhập diệt khi để lộ mật nhân cho chúng sanh thấy mình là thánh bồ tát. Vì vậy không thể nào lầm lẫn được khi có kẻ xưng hùng xưng bá là ta đây là đạo sư, là thầy đời hay là vô thượng sư hoặc là thánh nhân gì đó. Đến như Đức Đạt Lai Lạt Ma mà cũng không nhận mình là Bồ tát Quán Thế Âm theo hóa thân của truyền thống Tây Tạng.

Tóm lại, Không nên lấy cái chết hù cái sống như ông kẹ, cũng không nên coi cái sống này là bất diệt sau khi chết. Nếu quả đạo có nơi người chết thì đó là ảo tưởng mơ mộng. Hộ niệm là cần thiết khi chưa tắt thở, còn chết rồi thì theo nghiệp mà tái sanh hay vãng sanh. Ai là người giữ được giới đức thì đã siêu độ ngay khi còn sống, sống như thế nào thì chết như thế đó vì Nghiệp theo thần thức như bóng theo hình vậy thôi. Nếu đã biết hỏi chết rồi đi về đâu thì đã tin rằng có cái trong đời sống này sẽ đi về tương lai, cái tương lai đó là nghiệp của hiện tại đang đi tới. Nếu không có hiện tại thì tương lai cũng vậy thôi. Cái tôi đi về tương lai chính là cái Nghiệp của hiện tại vì nhân quả là luật tất nhiên như thị.

Previous Post
Next Post