Từ ngày người ta bày ra thứ chớp bóng có tiếng (cinéma parlant), rồi trong nghề chớp bóng cũng cần đến sự thâu tiếng như máy lưu thanh. Chẳng những tiếng người, họ thâu đến tiếng các giống thú vật nữa.
Con gà gáy, con ngựa hí, con chó sủa, những tiếng ấy muốn thâu cũng không khó. Duy có những tiếng như cọp gầm, sư tử rống, mà muốn thâu cho được, thật là gay go biết bao.
Người ta là giống tọc mạch vô chừng, dù khó tới mấy cũng cố làm cho được. Thấy cái sự những người đi thâu tiếng cọp trong núi mà mình dởn ốc.
Muốn thâu được tiếng cọp gầm ít nữa phải mất công đôi ba tuần lễ mà chưa chắc đã thâu được. Bên Tây, những người chuyên làm nghề ấy, họ vào trong núi sâu rừng rậm, tìm những nơi có cọp thường đi qua đi lại mà lén núp ở đó. Nhứt chỗ nào cọp hay ra uống nước và mài răng luôn thể, thì dễ thâu được tiếng gầm của nó hơn. Khi họ núp vào chỗ nào rồi, thì bọc kín cả mình hết, chỉ lòi cái máy thâu thanh ra; nếu hớ ra cha nó thấy thì có chết với nó.
Vì cách ấy nguy hiểm quá, nhiều người đã vì cớ đi thâu thanh mà chôn mình trong bụng cọp, cho nên người ta lại bày ra cách khác. Cách ấy là thâu tiếng những cọp bị nhốt trong các sở thú.
Thâu tiếng của cọp nhốt ở sở thú như sở thú Sài Gòn ta đây thì hẳn không có nguy hiểm gì. Nhưng phàm vật đã vào trong lung lạc rồi thì có hề biết mở miệng mà nói câu nào đâu! Cho nên thâu tiếng cọp trong vườn thú thì lại chỉ khó có một chút đó, khó vì nó ít hay bật ra tiếng.
Những người làm nghề ấy họ bèn bày mưu ra làm cho cọp gầm. Họ chực sẵn máy thâu thanh ngoài song sắt. Rồi lấy sợi dây đồng thiệt chắc cột miếng thịt lớn thả vào cho cọp ăn. Khi nó ăn đương ngon lành, mới nửa chừng, chưa hết khúc thịt, họ dựt dây một cái nó mất ăn, tức giận mà rống lên, họ liền vặn máy thâu lấy.
Chỉ có làm như vậy, cọp mới chịu rống lên, người ta mới thâu lấy tiếng nó được; thế kể cũng như nó mất tiếng, mà sự mất ấy là vì miếng ăn mà mất.
Ta có câu phong dao rằng: Được ăn một miếng, tồi tàn; mất ăn một miếng, lộn gan lên đầu! Nghĩa nó như vầy: Miếng ăn vẫn không báu xót chi thật, nhưng mất ăn thì ai cũng tức. Có điều người ta tức thì bấm bụng làm thinh, còn con cọp nó tức nó gầm hét lên, cho nên nó phải mất tiếng.
Tuy vậy, người ta hễ mắc phải cái mồi bằng miếng ăn thì tức nhiên mất tiếng rồi, chớ không cần gì phải có gầm thét hay là rống lên. Huống gì con người mà đã bị nhử bởi cái mồi bằng miếng ăn ấy, thì duy có cúi mặt xuống mà khóc, chớ còn gầm thét gì được nữa? Còn to tiếng rộng họng với ai được nữa? Người ta đã nói ăn xôi chùa thì ngọng miệng mà.
Chẳng tin, lấy ba tờ giấy xăng làm dấu đi, biên số của nó đi, rồi đút vào trong ngăn kéo của mấy con cọp người kia; khi dùng quyền phép đến soát thấy quả tang, là tự nhiên con cọp người ấy phải mất tiếng, nghĩa là danh dự nó đổ xuống đất, chớ không cần nó phải gầm thét, mà nó cũng không còn dám gầm thét.
Trung lập, Sài Gòn, s.6554 (1.10.1931)
Xem thêm: Tác phẩm đăng báo 1931: Những điều nghe thấy do tác giả Lai Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn