
Như chúng ta biết con người có
thể sinh vào một trong 6 cõi, tuỳ thuộc vào những nghiệp chúng ta tạo. Được
sinh làm thân người chúng ta có cơ hội thọ hưởng nhiều lợi thế. Nếu chú ý đến
những ưu điểm này, chúng ta sẽ nhận thấy rằng cuộc sống rất quý báu vì nó cho
chúng ta cơ hội để phát triển tâm linh. Ví dụ, nếu so sánh với thú vật, con
người có nhiều lợi thế hơn như: thức ăn, nơi ở tốt hơn và thoát khỏi sự săn
bắt; nhưng ưu điểm cao hơn hết của con người là cơ hội phát triển tâm. Nhờ tâm
phát triển chúng ta giải thoát, giải thoát người khác khỏi khổ đau.
Con người có một tiềm năng vô
hạn. Tiềm năng này có thể được nhận rõ chỉ khi chúng ta biết đánh giá nó đúng.
Do vậy, chúng ta cần thường suy ngẫm cơ hội đặc biệt mà chúng ta có. Nếu chúng
ta đánh giá cao giá trị cuộc sống này, nhất định chúng ta sử dụng nó một cách
sáng suốt. Và chúng ta sẽ cảm thấy rằng cuộc sống trở nên đầy ý nghĩa.
Trong tâm của chúng ta có 84 ngàn
loại phiền não khác nhau, chúng tạo ra khổ đau tinh thần hay bệnh nội tâm. Bệnh
này có từ vô thỉ và tồn tại đến vô chung. Chúng chấm dứt khi chúng ta diệt trừ
tâm cấu nhiễm. Ví dụ, nếu chúng ta không vượt qua những tham đắm, căn bệnh tồn
tại trong tâm chúng ta như một cơ khát không bao giờ thoả mãn. Cảm giác không
thoả mãn và thất vọng liên tục khởi lên. Cũng vậy, các loại phiền não khác như
giận dữ, ghen ghét, ích kỷ sẽ tiếp tục làm cho tinh thần chúng ta khổ đau khi
chúng khởi lên trong tâm của chúng ta.
Tuy bị khổ đau từ vô thỉ do những
cơn bệnh này gây nên, chúng ta có một cơ hội để diệt trừ chúng hoàn toàn. Đức
Phật đưa ra 84 ngàn pháp môn tu tập khác nhau để đối trị những căn bệnh này,
không giống như các loài chúng sanh khác, con người có cơ hội tiếp thu những
phương pháp này và áp dụng một cách thực tiễn. Như vậy y cứ vào lời dạy của đức
Phật chúng ta có thể từ từ chế ngự và cuối cùng loại trừ tất cả phiền não, và
khổ đau.
Nói chung, có 3 cách chúng ta có
thể sử dụng cuộc sống này để nhận rõ được tiềm năng của nó. (1) Chúng ta có thể
sử dụng nó để bảo đảm rằng trong những kiếp vị lai chúng ta sẽ sanh làm người,
có đủ những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa. (2)
Chúng ta có thể sử dụng nó để thoát khỏi khổ đau. (3) Chúng ta có thể sử dụng
nó để chứng đạt giác ngộ hoàn toàn, vì mục đích cứu độ chúng sanh.
Với nhân tâm, chúng ta có thể
hiểu các sự hiện hữu trong quá khứ và vị lai. Sự hiểu biết này giúp chúng ta
suy nghĩ vượt khỏi thiên kiến của cuộc sống ngắn ngủi này và quan tâm đến lợi
ích của các cuộc sống trong tương lai. Có thể kết luận rằng trong tương lai nếu
muốn sinh về thiện xứ, chúng ta phải tạo nhân ngay từ bây giờ, trong cuộc sống
này.
Làm sao chúng ta có thể làm được
điều này? Chúng ta có thể tạo nhân cho sự tái sinh làm người trong kiếp vị lai
bằng lối sống đạo đức trong đời này. Chúng ta có thể tạo ra một thân hình đẹp
đẽ bằng cách thực hành kiên nhẫn. Chúng ta có thể tạo ra cuộc sống giàu sang
bằng cách thực hành bố thí. Chúng ta có thể tạo nhân cho những gì chúng ta ước
muốn hoàn thành bằng lối sống đạo đức với tâm an lạc. Chúng ta có thể tạo ra
nhân để có một tâm an bình thông qua thực hành thiền định và chúng ta có thể
diệt trừ vô minh và giải quyết mọi vấn đề nội tại bằng cách phát triển trí tuệ.
Chúng ta có thể tạo ra nhân đầy đủ sức khoẻ và thọ mạng bằng cách bảo hộ cuộc
sống và giúp người bệnh. Chúng ta cũng có thể phòng hộ mình khỏi sinh vào các
loài thấp hèn vào bảo đảm rằng chúng ta sinh làm người hay trời qua việc cúng
dường, quy y, lễ bái Phật, Bồ tát, Thánh. Nói tóm lại chúng ta có thể sử dụng
cuộc sống này để tạo ra nhân cho những điều kiện tốt mà chúng ta ước muốn có
được trong tương lai.
Chúng sinh không phải là người
như thú không có cơ hội này, dù chúng có được những khả năng đặc biệt. Ví dụ
một số thú vật rất khôn ngoan trong các việc săn mồi, tìm thức ăn, bay cao,
nhưng chúng không thể tu tập đạo đức, ngay cả chúng không có khái niệm này. Tất
cả chúng sinh, kể cả côn trùng, có thể phạm ác nghiệp, nhưng chỉ có con người
có cơ hội thanh tịnh hoá ác nghiệp. Chúng ta có thể thanh tịnh hoá nghiệp cực
ác qua việc trì tụng một số danh hiệu Phật.
Tuy nhiên, được sinh làm người
trong kiếp vị lai, chúng ta không thoát khỏi khổ đau. Tất cả chúng sinh trong 6
cõi luôn gặp chướng ngại. Họ phải chịu khổ đau của sinh, già, bệnh, chết, bất
toại ý, chướng ngại…trong nhiều kiếp. Vòng sinh tử khổ đau này gọi là luân hồi.
Được làm người chúng ta có thể hiểu được tại sao chúng ta bị vướng mắc trong
vòng luân hồi và những gì gây nên sự sinh tử, và làm thế nào để thoát khỏi luân
hồi. Hiểu biết như vậy chúng ta sẽ ước nguyện thoát khỏi luân hồi và chứng đạt
sự giải thoát vĩnh viễn. Sự ước nguyện này gọi là xuất ly. Nếu, với động cơ
này, chúng ta tu tập đạo đức, thiền định và trí tuệ, cuối cùng chúng ta diệt
trừ tất cả phiền não và thoát khỏi luân hồi và mọi khổ đau.
Tuy nhiên, sự giải thoát hoàn
toàn khỏi phiền não và khổ đau không phải mục đích lớn nhất của chúng ta trong
cuộc sống con người. Nếu chúng ta quán sát khổ đau của người khác chúng ta sẽ
thấy rằng tất cả chúng sinh đều bị vướng mắc trong luân hồi, chịu nhiều khổ
đau, và nếu chúng ta nương vào giáo lý Đại thừa, chúng ta có thể phát triển
lòng từ vĩ đại đối với tất cả chúng sinh đang khổ đau. Chúng ta thấy rằng cách
duy nhất chúng ta có thể bảo vệ họ thoát khỏi khổ đau là phát triển mọi khả
năng và tính chất của một vị Phật. Chúng ta sẽ quyết định dõng mãnh để trở
thành Phật vì mục đích cứu độ chúng sinh. Tâm đặc biệt này gọi là tâm bồ đề,
hay tâm giác ngộ. Một khi chúng ta phát triển tâm bồ đề chúng ta trở thành một
vị Bồ tát và sống lối sống bồ tát. Chuẩn mực của lối sống của một vị bồ tát là
thực hành 6 điều hoàn thiện: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định,
trí tuệ. Nếu chúng ta tinh thành thực hành 6 điều hoàn thiện này, cuối cùng
chúng ta chứng đạt giác ngộ hoàn toàn và trở thành một vị Phật.
Như thái tử Tất-đạt-đa sử dụng
cuộc sống con người để tu tập chánh pháp và chứng đạt giác ngộ. Chúng ta cũng
có thể sử dụng cuộc sống quý báu này để hoàn thiện việc Phật đã làm. Nếu chúng
ta nhận thấy rằng cuộc sống này có một tiềm năng vĩ đại như vậy, chúng ta sẽ
cảm thấy may mắn vô cùng, và chúng ta sẽ quyết định không lãng phí thời gian
trong những hoạt động vô nghĩa. Chúng ta sử dụng thời gian cho việc tu tập
chánh pháp.
dịch từ (Gyatso, Geshe Kelsang,
Introduction to Buddhism: An Explanation of the Buddhist Way of Life, New Delhi : New Age Books, 2002:31-34.)