Nỗi thao thức trong mỗi chúng ta
là làm sao giải quyết được sinh tử bởi vì còn sinh tử thì chúng ta cứ mãi trôi
lăn trong vòng luân hồi của lục đạo hết sức khổ sở. Vì sinh tử, chúng ta cứ mãi
vô ra trong bào thai đầy hôi tanh máu mủ, nhơ nhớp của người mẹ, có khi nằm
trong bào thai của con chó, con heo, con cá v.v… cứ mãi quay đi lộn lại trong
vô lượng kiếp như vậy, thật là ghê rợn. Vì sinh tử mà làm đảo lộn luân thường
đạo lý, ví dụ như cha lấy con, con lấy cha, mẹ lấy con, con lấy mẹ, chị lấy em,
cầm dao giết con vật để ăn, không ngờ ta giết cha mẹ, anh, chị, em, thân bằng
quyến thuộc của ta nhiều đời nhiều kiếp mà không hay không biết.
Vì sinh tử, chúng ta không chỉ
làm khổ cho mình mà còn làm khổ đến cho tất cả mọi người như là làm khổ vợ, khổ
chồng, khổ con, khổ cha mẹ v.v… trong vô lượng kiếp như vậy.
Ôi! Nghĩ đến sinh tử thật là kinh
hoàng, mà chúng ta không giác ngộ tu hành hay sao, chúng ta không gấp rút hay
sao, đợi đến chừng nào đây?
Thật là may mắn thay, chúng ta
được làm thân người, sớm lại được gặp Phật pháp. Đặc biệt, chúng ta lại gặp
được Pháp môn Tịnh độ, nhờ tha lực bản nguyện của Phật A Di Đà mà chúng ta được
liễu sinh thoát tử vãng sinh về thế giới Cực lạc.
Để cho chúng ta luôn thức tỉnh,
tu hành một cách nghiêm mật, thì chúng ta phải luôn nghĩ đến sự vô thường, sự
trống vắng, ngắn ngủi của kiếp người.
Khi đề cập đến việc được làm thân
người, được gặp Phật pháp là khó hay dễ, thật là khó vô cùng. Như chúng ta
thường nghe: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn”, nghĩa là: thân người khó
được, Phật pháp khó nghe.
Thật là khó được gặp mà hôm nay
chúng ta đều gặp được cả.
Chúng tôi thầm nghĩ, chắc có lẽ
chúng ta từ vô lượng kiếp đã từng tu tạo phước đức cho nên hôm nay mới gặp được
quả tốt như thế này, bằng ngược lại thì chúng ta không dễ gì mà gặp được đâu.
Vì vậy, chúng ta phải luôn thường
xuyên nghĩ đến sự vô thường, trống vắng, mỏng manh của cuộc đời mà tinh tấn tu
hành, chứ trong thời gian ngắn ngủi này, chúng ta không chịu tu sửa thì thật
uổng phí cả một kiếp người.
Đức Phật đã dạy: “Mỗi khi chúng
ta đánh mất thân này, thì trăm nghìn muôn kiếp khó mà kiếm lại được”. Cũng
giống như đức Phật ví con rùa mù hai mắt, sống tận dưới đáy biển, cứ một nghìn
năm khúc gỗ trôi qua biển thì con rùa mù hai mắt nổi lên liền chui vào đúng
bọng cây. Phật mới bảo các vị Tỳ Kheo, các thầy thấy con rùa mù hai mắt chui
được vào bọng cây khó hay là dễ? Các thầy Tỳ kheo trả lời: “Kính bạch Thế Tôn,
thật là khó vô cùng”. “Cũng vậy, được làm thân người lại là khó gấp mấy lần con
rùa mù hai mắt chui vào bọng cây”.
Có vị Tổ dạy rất độc đáo: “Thiên
niên thiết thọ khai hoa dị, nhất thất nhân thân vạn kiếp nan”, nghĩa là: nghìn
năm cây sắt nở hoa còn dễ hơn, mỗi khi chúng ta đánh mất thân người thì trăm
nghìn muôn kiếp khó mà kiếm lại được.
Như chúng ta đã biết, có khi nào
cây sắt nở hoa không? Không bao giờ có chuyện đó, khó như vậy đó, được làm thân
người còn khó hơn cây sắt nở hoa nữa.
Trong kinh Đại Bát Niết Bàn, có
đoạn ghi: “Đức Phật lấy ít đất để lên móng tay, rồi bảo Ca Diếp Bồ Tát rằng:
- Đất ở mười phương thế giới
nhiều hay đất ở móng tay ta nhiều?
- Bạch Thế Tôn, đất ở móng tay
không thể nào sánh bằng đất ở mười phương thế giới.
- Đúng thế, này thiện nam tử! Có
người đã chết trở lại được thân người, bỏ thân trong ba đường ác mà được thân
người, căn thân đầy đủ, được sinh nơi trung quốc, có đủ chánh tín, có thể tu
tập đạo hạnh, có thể tu tập chánh đạo, có thể được giải thoát, có thể nhập Niết
bàn, được như trên đây thật là hy hữu, như số lượng đất trên móng tay”.
Qua những dẫn chứng trên, chư Phật,
chư Tổ thường nhắc nhở chúng ta có được thân người thật là khó vô cùng. Khi đã
có rồi thì chúng ta phải biết quý trọng, bảo vệ nó, mượn nó để tu hành, chớ
không nên buông lung, để rồi chúng ta đánh mất nó, trăm nghìn muôn kiếp khó mà
kiếm lại được.
Chúng ta phải luôn thức tỉnh cái
chết đến cận kề bên ta. Thân này thật là mỏng manh, giả hợp, chỉ cần chúng ta
hít vào mà không thở ra thì ta đã qua đời khác rồi, như bông hoa sớm nở tối
tàn, có gì mà vui đâu. Cho nên, vào một hôm, đức Phật hỏi các vị Tỳ kheo rằng:
“Mạng người sống trong bao lâu?”.
- Có vị trả lời là mạng sống con
người trong khoảng vài ngày, bị đức Phật chê trách, ông chưa hiểu đạo, ông chỉ
hiểu cái da của Phật pháp.
- Có vị trả lời: Mạng sống con
người trong khoảng bữa ăn, bị đức Phật chê trách, ông mới hiểu được cái xương
của Phật pháp.
- Có vị trả lời: Mạng sống con
người trong một hơi thở. Vị này được đức Phật ca ngợi và tán thán là ông đã
hiểu tận xương tủy của Phật pháp.
Vì thế đức Phật thường dạy: “Tất
cả vạn vật hiện hữu trên vũ trụ này đều là giả tạm vô thường, không có gì là
bền chắc đâu, chỉ có tu nhân tích đức mới là cái thật để cho chúng ta mang
theo”.
Khổng Tử cũng nói: “Thế thượng
vạn ban đô thị giả, nhân sinh đạo đức quả duy chân”, nghĩa là: tất cả vạn vật hiện
hữu trên thế gian này đều là vô thường, duy chỉ có đạo đức mới trường tồn vĩnh
cửu.
Chúng ta thường biết được thân
này là vô thường, là giả tạm, không có cái gì là ta cả, nghĩ như thế chúng ta
mới quên mình tu được, còn ngược lại chúng ta không hay không biết, cứ cho cái
thân này là thường còn, cuộc đời này là đẹp đẽ, chấp cái ta này là thật có thì
quý vị cứ mãi tham đắm bả ngũ dục giả tạm ở thế gian, suốt cả cuộc đời làm nô
lệ cho cái giả, suốt cả cuộc đời làm nô lệ cho ăn, uống, ngủ nghỉ, mà không hay
không biết, thật là khổ đau vô cùng.
Để đối trị lại những dục vọng
tham muốn ở đời, đức Phật đã chỉ dạy chúng ta trong “Tứ niệm xứ” là phải luôn
quán thân này là bất tịnh, là hôi thối.
Kinh Trung Bộ I có đoạn ghi: “Này
các vị Tỳ kheo, hãy quán thân này từ gót chân cho đến đỉnh đầu là một bọc da
chứa đựng toàn là những đồ bất tịnh hôi thối như là: tóc, lông, móng, máu, mủ,
đờm, nước miếng, nước tiểu, phân v.v…”.
Đức Phật muốn cho chúng ta thấy
được thật tướng của thân thể này, để chúng ta khỏi phải mê lầm về nó. Như quý
vị thường thấy, hằng ngày trong thân thể của chúng ta có chín cái lỗ thường
chảy ra những đồ bất tịnh hôi tanh. Vì thế, các vị Tổ ví chín cái lỗ này chảy
ra những đồ bất tịnh hôi thối gấp mấy lần mùi hôi ở những cống rãnh của thành
phố chảy ra. Chín lỗ đó là gì? Hai tai chảy ra ráy, hai mũi chảy ra nước mũi,
miệng chảy ra nước miếng, hai mắt chảy ra ghèn, đường tiểu tiện chảy ra nước
tiểu, đường đại tiện thải phân.
Khi chúng ta đi ngang qua những
cống rãnh ở thành phố, thì chúng ta cảm thấy thế nào? Thối hay thơm? Thật là
thối vô cùng, các cống rãnh đã thối như thế, chư Tổ ví thường ngày thân thể
chúng ta chảy ra những đồ bất tịnh hôi thối gấp mấy lần mùi hôi ở cống rãnh.
Chúng ta tu hành thì phải thấy
được thật tướng của thân thể này là vô thường, là giả tạm, là bất tịnh. Khi
chúng ta nhận chân được thực tướng rồi, chúng ta không dại gì làm nô lệ cho nó
nữa, mà chúng ta chỉ biết mượn nó làm phương tiện để tu tập. Cho nên chúng ta
không khổ vì nó. Còn ngược lại, đối với những người không nhận chân được thực
tướng của thân thể này là bất tịnh, là vô thường, là giả có, thì người ta cứ
mải mê làm nô lệ cho cái thân này hoài. Cứ cho thân này là có thật, là trong sạch,
người ta cứ vỗ béo, ăn cho ngon, mặc cho đẹp, đánh phấn son cho cái thân này,
chải chuốt cho cái thân này, không ngờ họ đã đánh phấn son, vỗ béo, chải chuốt
cho bọc da hôi thối mà họ không hay không biết, thật là đáng thương tâm cho họ.
Trong cuốn Sa Di Luật Giải, đức
Phật dạy: “Cái khổ của con lừa, con lạc đà chở nặng, cái khổ của những kẻ trôi
lăn trong sinh tử luân hồi chưa gọi là khổ. Ngu si không nhận chân được thực
tướng, không biết được hướng đi ấy mới gọi là khổ”.
Tại sao đức Phật nói cái chở nặng
của con lừa, con lạc đà và những kẻ trôi lăn trong sinh tử chưa gọi là khổ? Là
bởi vì con lừa, con lạc đà và những kẻ trôi lăn trong sinh tử chỉ khổ một đời
thôi, còn đối với những người ngu si không nhận chân được thực tướng, không
biết được hướng đi thì họ sẽ bị trôi lăn mãi mãi trong vòng sinh tử luân hồi mà
không khi nào ra khỏi.
Đạo Phật chúng ta cho thân này là
vô thường, là giả hợp, là bất tịnh, hiểu như vậy có phải một cách yếm thế hay
không? Thưa là không phải. Nhờ chúng ta biết được thân này là vô thường, là bất
tịnh, là giả có cho nên ngày nào còn sống thì ngày đó ta nên sống đẹp và sống
tốt, làm lợi ích cho mọi người.
Chúng ta không nên hiểu một cách
yếm thế, cho thân này là vô thường, là bất tịnh, là giả có rồi chúng ta chán
đời, ưng làm gì thì làm, bỏ bê thân này, chích xì ke, ma túy, quấy phá xã hội.
Những ai mà hiểu như vậy hoàn toàn sai lệch với ý của chư Phật dạy. Chúng ta là
những Phật tử đã hiểu đạo, thì phải luôn tỉnh thức sự sống chết đến với chúng
ta rất mau, cái chết nó không hẹn một ai hết, nó đến với chúng ta một cách bất
đắc kỳ tử.
Có khi nào cái chết đến với chúng
ta mà ta hẹn là cho tôi sống thêm khoảng 5, 6 ngày nữa rồi tôi chết, không bao
giờ có hẹn như vậy được.
Bình nhật thường ngày chúng ta
cũng đã từng chứng kiến biết bao nhiêu là sự chết chóc của mọi người, có người
thì chết trẻ, có người thì chết già v.v…, đã từng chứng kiến như vậy mà tại sao
chúng ta không chịu giác ngộ để sớm tu hành, còn đợi đến chừng nào nữa đây.
Chúng ta nên biết rằng: mỗi khi đánh mất thân người thì trăm nghìn muôn kiếp
khó mà kiếm lại được. Cho nên chúng ta phải thương mình lo tu hành đi, đừng có
ham gì bả danh lợi giả tạm của thế gian.
Kinh Tạp A Hàm, đức Phật đưa ra
bốn hình ảnh con ngựa để ví dụ bốn hạng người như sau:
- Con ngựa thứ nhất chỉ thấy bóng
roi đã chạy.
- Con ngựa thứ hai, nhịp roi lên
lưng mới chạy.
- Con ngựa thứ ba, đánh cho thật
đau mới chạy.
- Con ngựa thứ tư, đánh chết bỏ,
lúc lắc chớ không chịu chạy.
Qua hình ảnh bốn con ngựa, đức
Phật chỉ rõ cho chúng ta thấy được bốn hạng người:
- Hạng người thứ nhất, chỉ nghe
tiếng đồn có người chết là giác ngộ tu ngay.
- Hạng người thứ hai, chỉ chứng
kiến một người chết thôi là giác ngộ tu liền.
- Hạng người thứ ba, đã chứng
kiến khoảng 1, 2, 3 người chết, lúc đó mới chịu tu.
- Hạng người thứ tư, tuy đã chứng
kiến vô số người chết mà không hề nhúc nhích, họ cứ cho là cái chết của người
ta chớ đâu phải cái chết của mình.
Qua bốn con ngựa trên, đa số
chúng ta rơi vào con ngựa thứ tư, ít có ai mà rơi vào con ngựa thứ nhất, hai,
ba.
Vậy, chúng ta sớm tỉnh giác, thân
mạng của chúng ta vô thường, ngắn ngủi, thật chi là trống vắng không có gì là
chắc đâu.
Cho dù làm vua, làm quan đi nữa,
khi chết cũng để lại đống tro nhơ mà thôi. Như chúng ta đã biết, sống lâu như
ông Bành Tổ là 800 năm, nay đâu còn, giàu sang như Vương Khải, Thạch Sùng rồi
cũng xuôi tay mà thôi.
“Bao bì cốt nhục nung huân huyết
Cưỡng tác kiều yêu cuống hoặc nhân,
Thiên cổ anh hùng giai nhân tận
Bách niên đồng tác nhất khanh trần”.
Nghĩa là:
“Máu mủ thịt xương một túi nhơ
Tô điểm chi mong gạt tình hờ
Vạn thuở anh hùng giai nhân tận
Trăm năm để lại đống tro nhơ”.
Chúng ta đã hiểu rõ được thật
tướng của thân thể mình rồi. Ngày nào còn sống thì chúng ta phải tinh tấn tu
hành ngày đó, chớ đừng hẹn lần hẹn lữa. Chớ để cơn vô thường đến cướp ta đi thì
trăm nghìn muôn kiếp không có cơ hội để tu.
Ngày xưa các vị Tổ trong lúc tu
hành các Ngài thường luôn để ý đến sự vô thường và luôn xem sinh tử là sự đại.
Khi một ngày trôi qua, các vị Tổ thường than rằng: “Ôi! Một ngày đã trôi qua
rồi mà ta chưa làm được gì cả!”. Quý Ngài rất quý thời gian tu vô cùng. Để cho
sự tu tập một cách nghiêm mật, các vị Tổ làm một cái hòm nhỏ để bên gối nằm.
Khi nào các Ngài cũng liếc mắt nhìn cái hòm, ám chỉ là cái chết kề cạnh bên ta,
chỉ cần sơ suất một chút thôi là ta nhảy vào đó liền. Chính cái hòm nhỏ này có
một tác dụng lớn lao, nhờ nó mà giúp cho các vị Tổ tinh tấn tu hành một cách
nghiêm mật, không bao giờ xao lãng.
Như chúng ta đã biết, trong kinh
công phu chiều có đoạn:
“Thị nhật dĩ quá,
Mạng diệc tùy giảm
Như thiểu thủy ngư
Tư hữu hà lạc
Đại chúng đương cần tinh tấn
Như cứu đầu nhiên
Đản niệm vô thường
Thận vật phóng dật”.
Nghĩa:
“Ôi! Một ngày đã trôi qua rồi,
Mạng sống theo đó mà giảm dần
Như cá ở ao cạn nước
Có gì vui đâu
Đại chúng nên cần tinh tấn
Như cứu lửa cháy trên đầu
Luôn nhớ nghĩ vô thường
Chớ nên phóng dật”.
Chúng ta sống cao nhất là khoảng
50 tuổi đến 100 tuổi, đây là số tượng trưng thôi, cũng có người 1 tuổi chết, có
người sống đến 10 tuổi chết, có người sống 20, 30 tuổi… là chết.
Ví dụ tuổi thọ của chúng ta là 50
tuổi, cứ một ngày trôi qua thì tuổi thọ giảm còn lại 49 tuổi, cứ như thế mà
giảm dần, cho đến khi ta mất mạng. Tục ngữ có câu: “Nước chảy đá mòn”, cũng
giống như cá ở ao mà cạn nước, như chúng ta đã từng thấy trong các ao hồ, cứ
mỗi ngày mặt trời lên, thì nước trong ao hồ đều bốc hơi, nước cứ mỗi lần bốc
hơi như vậy làm cho nước ở ao hồ cạn dần, thì mạng sống của những con cá ở
trong đó cũng theo đó mà giảm dần.
Qua bài thơ trên đây, cho chúng
ta thấy được mạng sống của kiếp người thật là ngắn ngủi, thật là trống vắng vô
cùng. Vì vậy, chúng ta nên sớm tỉnh ngộ đến sự vô thường, xem sinh tử là việc
lớn mà một lòng siêng năng, tinh tấn, gấp rút tu hành, chớ nên buông lung giải
đãi mà bỏ phí qua một kiếp người thật là oan uổng vô cùng.
Chúng ta phải luôn tỉnh giác, gấp
rút tu hành như hình ảnh cứu lửa cháy trên đầu.
Có khi nào lửa đang cháy trên đầu
mà chúng ta hẹn là hãy đợi tôi một hai phút rồi tôi dập tắt sau. Không bao giờ
hẹn được, lửa vừa cháy là chúng ta nhanh chóng dập tắt liền, còn nếu chậm trễ
một chút thôi thì nó thiêu đốt chúng ta ngay. Cũng vậy, qua hình ảnh này ngụ ý
cho ta thấy được: nếu chúng ta không chịu gấp rút tu hành thì quỷ vô thường đến
cướp ta ngay. Lúc này, cho dù chúng ta than van, kêu trời kêu đất, cầu khẩn một
cách tha thiết đi nữa thì cũng đã muộn màng lắm rồi.
Cổ đức dạy rằng: “Khuyên niệm
Phật than rằng chưa rảnh, quỷ sứ đòi khóc một khóc hai”, hay là: “Mạc đãi lão
lai phương niệm Phật, cô phần đa thị thiếu niên nhân”, nghĩa là: chớ để tuổi
già mới niệm Phật, mồ hoang lắm kẻ tuổi còn xanh. Vì vậy, chúng ta nên sớm giác
ngộ vô thường mà gấp rút tu hành, chớ đừng để luống qua một kiếp người thì trăm
nghìn muôn kiếp khó mà kiếm lại được. Chúng ta đã hiểu như thế nào là vô
thường, cũng đã thấy rõ được thật tướng của thân thể mình, thì chúng ta phải
sống như thế nào đây, để chuẩn bị cho ngày ra đi của mình một cách êm đẹp. Phải
hiểu rằng, chúng ta sống hôm nay là để chuẩn bị cho ngày ra đi, chớ ta không
nên ham sống mà bỏ quên đi ngày nhắm mắt xuôi tay, đây là điều tối quan trọng,
chúng ta nên nhớ mãi.
Sống như thế nào để trở thành một
người lương thiện có đạo đức, có tu tập. Trước hết, chúng ta phải nên quy y Tam
bảo.
Theo tư tưởng của kinh Quán Vô
Lượng Thọ nói: “Muốn sinh về Cực lạc, phải tu ba phước:
- Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng thờ sư
trưởng, tâm từ bi không giết hại, tu mười nghiệp lành.
- Thọ trì Tam quy, giữ kỹ các
giới, không phạm oai nghi.
- Phát lòng Bồ-đề, tin lý nhân
quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyến tấn người tu hành”.
Ba thứ phước này là chánh nhân
Tịnh nghiệp của chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Đây là nói về dùng phước
lực để vãng sinh.
Tác giả: Thích Tâm
Hải