Tôi không dám chắc liệu có phải
mọi “bản năng gốc” đều tốt, kiểu nhân chi sơ tính bản thiện không, hay tùy
người mà thiện hay bất thiện. Nếu vậy, bản năng cũng sẽ thiện hoặc ác, tùy
người. Trong hai giới, phụ nữ cực đoan hơn đàn ông, đã tốt thì cực kỳ tốt, tốt
như một bà tiên; còn đã ác thì cùng hung cực ác như một nhân vật trong chưởng
Kim Dung. Mà bản tính lại là thứ bất biến, non sông dễ đổi bản tính khó dời,
người ta có thể phát triển trí tuệ, kinh nghiệm, nghề nghiệp, chứ không hoán
chuyển phần bản năng cho một kẻ khác được, cũng chẳng thể nhận về bản tính
không thuộc về mình. Đến đây, ta cùng xem thử phần bản năng sẽ đem lại gì, lấy
mất gì trong đời sống một con người…
Bản năng thì tự nhiên và thành
thật, như Đức Huy viết trong một bài hát. Chính vì vậy, nó không che giấu được,
tâm tính thế nào thì bộc lộ thế ấy, kẻ khôn cố giấu trong lớp mặt nạ thì cũng
chỉ che được phần nào, cái phần “vốn sẵn tính Trời” thì làm sao mà giấu. Người
sống mạnh về bản năng lại càng không để ý đến chuyện giấu, họ cứ vô tư phơi
bày, đói ăn khát uống, kẻ thiện chí ban cho họ lời khen “sống hết mình”, “dám
sống”, người khó tính lắc đầu, “tự nhiên như ruồi”, “kiểu gì mà bản năng gốc
thế không biết”. Nhưng bản năng, như ta đã thấy ở trên, có phần tốt phần xấu,
nào phải chỉ đáng chê!
Thành kiến xã hội về người sống
bản năng khá nghiêm khắc, chúng ta đã quen với việc đồng nhất người “tự nhiên
chủ nghĩa” với nhóm cá nhân sống không có lý trí, không biết kiểm soát hành vi,
không tế nhị, ích kỷ, chỉ chăm chăm thỏa mãn nhu cầu bản thân. Ai chỉ cho ta,
con bé A. ấy sống bản năng lắm, là ta nghĩ ngay rằng A. quan hệ trai gái bừa
bãi, tình một đêm, trà đình tửu quán lu bù, ăn như hạm uống như rồng, nạo thai
nhiều đến mức tử cung mỏng như tờ giấy quyến (ý trong truyện ngắn “Những Con
Búp Bê Của Bà Cụ” của Phạm Thị Hoài), nhà cửa bê bối, phòng ốc dơ bẩn, đầu tóc
rũ rượi quần áo nhăn nhúm. Ơ hay, bản năng đâu có đồng nhất với thú tính, ta
đang nói bản năng con người cơ mà, ta đang bàn về nhân tính cơ mà.
Nhân tính đâu có tồi tệ thế.
Bản năng mạnh nhất của con người
là yêu thương. Yêu chính mình, rồi yêu người khác, yêu thế giới xung quanh, yêu
đời sống hiện có. Người nữ có bản năng yêu thương lớn hơn đàn ông rất nhiều,
bởi người nữ được sinh ra là để làm mẹ. Dù có bị hoàn cảnh đẩy đưa, bị tha hóa
bởi môi trường văn hóa ô nhiễm, bị lừa mị bởi chủ trương bình quyền, thì người
nữ vẫn cứ còn nguyên bản-năng-mẹ. Tính nữ = tình yêu. Vì yêu nên phải lụy, đôi
khi. Nàng Kiều thương cha mẹ, phải bán mình. Thương Kim Trọng, phải giằng xé
hiếu tình. Thương Từ Hải, phải truân chuyên thêm mấy lượt. Thương nên mới thế,
bản năng nữ tính mạnh quá nên mới thế. Chứ tính toán một chút, khôn ngoan một
chút, đừng có nghệ sĩ tính gảy đàn ngâm thơ, mà học quản trị kinh doanh chẳng
hạn, thì đâu đến nỗi…
Bản năng yêu có mặt trái của nó:
đẩy người nữ vào vùng tối của lý trí. Vâng, khi cảm xúc lớn thì lý trí phải
nhỏ, phải mờ. Chưa kịp toan tính thì đã hành động. Chưa kịp hối hận thì lại…
hành động tiếp. Không biết rút kinh nghiệm. Là bởi hay thương quá, gặp gì cũng
thương, gặp ai cũng thương! Cho bản thân được tự do tuyệt đối. Bởi vậy người
đời gọi là buông thả. Thì buông, thì thả, trái tim có lý lẽ của riêng nó; người
buông thả phạm sai lầm là tại xã hội tại môi trường, có phải tại người ấy không
đâu. Môi trường mà tốt, thì thả mình vào môi trường ấy cũng vẫn tốt hay là càng
tốt hơn chứ sao. Suy ra: đây là lỗi của môi trường. Quít Giang Nam ngọt mà đem
trồng Giang Bắc thành chua, là tại đất Giang Bắc.
Tiếc thay, người ta đâu chọn được
đất mà gieo mình vào. Phần lý trí, trong việc này đóng vai trò một cái phanh
hãm, một thứ thuốc thử độc chất. Lý trí chọn lựa tốt xấu và ra tín hiệu cảnh
báo: đừng làm thế, phải trả giá đấy; đừng yêu, phải chịu hậu quá đấy. Lý trí
lên tiếng ở mọi nơi mọi lúc, tiếc là tiếng nó nhỏ, nó thỏ thẻ thì thầm quá, bản
năng không nghe thấy.
Khuếch đại tiếng nói lý trí là
điều quan yếu giúp cho những người bản năng mạnh sống cân bằng. Họ đã sẵn bản
năng mạnh, đừng sợ lý trí khuếch đại sẽ lấn át nổi, đừng sợ họ trở nên khô khan
tính toán. Lý trí can thiệp vừa phải, thì người ta đỡ phải khóc thầm, đỡ phải
ôm hận. Chứ nói đi cũng phải nói lại, chẳng phải tính toán nào cũng đúng, cũng
hợp lý, cũng thành công. Tính nhiều mà thất bại thì vẫn khóc vẫn ôm hận như
thường.
Soi kính lúp nhìn thật kỹ vào bản
năng, thấy vậy đó. Bản năng đâu có xấu xa, đâu có đáng trách. Ngay cả cái gọi
là “bản năng ác” mà tôi nhắc ở đầu bài, cũng đâu ghê gớm gì lắm: nó chỉ thể
hiện sự vùng dậy của các mặc cảm, xưa nay phụ nữ cứ bị coi là yếu, là phụ
thuộc, thì em đây phất cờ khởi nghĩa một phen xem các anh có sợ xanh mặt không.
Chỉ vậy là cùng, chứ người nữ nào chẳng sẵn trắc ẩn, giàu bao dung.
Thế đấy, tôi chẳng ác cảm gì
những người nữ bản năng. Chỉ thấy tội cho họ, thấy thương. Đời có mấy tí, sa
chân vài bận là hết đời, uổng. Còn làm nạn nhân của họ, thì… rằng thì là… cũng
vui chứ, hay chứ.