Đạo đức trầm lặng

Là đạo đức thích sống ở nơi yên lặng, yên vắng, tôn trọng sự yên lặng và đem lại sự yên lặng cho mọi người.

Người có đạo đức trầm lặng này thường thích sống một mình, sống một mình là sống cho mình, có thời gian nhìn lại tâm mình, phân tích từng tâm niệm, thấy được những nhược điểm mà sửa sai. Nhược điểm ở đây được nhắc tới là ác pháp chứ không phải là sai là đúng. Vì nếu ta nhìn sự việc dưới con mắt đúng sai, thì ta rất dễ và coi chừng đang chạy theo dục vọng mà không biết.

Có sống một mình thì luôn muốn tìm hiểu những cái hay của đời và thích thân cận các bậc trí thức giải thoát, giúp ta khai mở, hiểu rõ những chân lý của cuộc đời. Có sống đúng đạo đức trầm lặng thì tâm luôn quán xét những hành động hằng ngày xảy ra với mình và xả bỏ những ác pháp, đem lại sự thanh thản an vui và vô sự cho thân tâm.

Người không thích sống trầm lặng thì luôn bị đời sống vật chất, tiền bạc, của cải, ăn, uống, sắc, danh và lợi lôi cuốn chạy theo hết ngày này qua ngày khác cho tới hơi thở cuối cùng. Họ chỉ là những người đóng tuồng trên sân khấu, hết kịch bản này đến kịch bản khác. Họ bị nhân quả xỏ mũi dẫn đi mà không biết, đang làm nô lệ cho nhân quả sai sử mà không biết. Rồi bao nhiêu ác pháp xuất hiện, trùng trùng sanh khởi liên tục. Rồi hằng giây hằng phút họ tạo thêm bao nhiêu nghiệp mà không biết, trừ những phút ngủ nghỉ mà thôi. Thật là đáng thương cho những người như vậy!

Về phần con, muốn có được đời sống trầm lặng thì con suy tư quán xét và từ bỏ các duyên ác như không xem TV, không nghe radio, không xem phim ảnh, xem báo chí, đọc truyện, đọc sách các giáo phái khác, không đi mua sắm, tránh các duyên tiếp xúc với bạn bè như không đi chơi viếng thăm ai cả, không gọi điện thoại hẹn hò ra ngoài, rất sợ người khác kiếm mình hoặc họ gọi điện thoại cho mình vì con thấy rằng các đề tài nói chuyện toàn là những vấn đề hạ liệt không à. Và con chỉ thích ở nhà một mình, khi đó dù cho ai có gọi điện thoại đến thì cũng không muốn nghe, trừ những lúc xả nghỉ.

Bởi vì đó là các nguồn kích dục, cám dỗ tâm tham, sân, si của con người. Người mà thích coi TV là người dễ bị ô nhiễm, cám dỗ bởi đủ loại quảng cáo, tranh ảnh, tuyên truyền, làm cho tâm dục chạy theo những cái đó, khởi tâm tham sân si lên mà không biết.

Biết được những nguy hiểm này mà ngày xưa đức Phật đã đề ra giới cấm xem, nghe ca hát hay tự hát. Do đó cuộc sống sẽ trở nên trầm lặng, không bị ai quấy rầy.

Có sống như vậy và thấy lợi ích của đạo đức trầm lặng thì con cũng tôn trọng sự trầm lặng và đời sống của người khác. Sống trong xã hội thì con có ý thức không làm phiền hàng xóm. Còn trong tu viện con nhớ lại lúc sau này con về tu tập không giữ đúng hạnh độc cư, thích nói chuyện với mọi người. Con xin sám hối với Thầy về chuyện này và hứa rằng sau này sẽ không còn tái phạm nữa.

Con nghĩ người có đạo đức trầm lặng thì không thể nào sống tại trung tâm thành phố được vì trong thành phố quá là ồn ào, có nhà bật xem phim cả ngày, có nhà thì nghe nhạc, có nhà thì hát karaoke, có nhà thì là nơi sản xuất, có nhà thì tiếng trẻ con đùa vui, có nhà thì bán buôn ồn ào người ra vô, cộng với những người bán rong rao bán cả ngày, tiếng xe máy chạy ra vô qua lại cộng vời tiếng còi của xe nữa, v.v.. Do đó những người sống tại thành phố và các khu đông dân cư sẽ không có đạo đức trầm lặng. Tâm họ luôn luôn phóng dật suy nghĩ hết cái này đến cái khác và chạy theo những suy nghĩ đó, không lúc nào nằm yên một chỗ.

Có bao giờ con người nghĩ là tại sao tâm luôn luôn suy nghĩ, luôn luôn muốn làm một cái gì, còn bình thường không muốn làm cái gì thì tâm có yên không? Và tại sao cái tâm nó thích động thế? Nguyên nhân do cái gì?

Tất cả đều do cái dục, lòng ham muốn của con người. Nếu diệt trừ được dục thì chắc chắn tâm sẽ yên lặng thôi các bạn à. Đó là sự thanh thản, an lạc và vô sự mà mọi người đều hướng tới, nhưng có ai đạt được đâu vì không ai chỉ dạy cho.

Nhưng mọi người không ngờ cách đây hơn 2500 năm đức Phật đã nói lên điều này qua bài Tứ Diệu Đế là bốn chân lý của loài người. Vậy mà suốt từ đó đến nay không ai biết triển khai nó vào cuộc sống, thật là tiếc cho con người.

Người có Đạo đức trầm lặng là người sẽ không làm khổ mình và không làm khổ người. Vậy ta hãy cố gắng đạt được như vậy để đem lại hạnh phúc cho mình và cho người.


* Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.

* Đạo đức nhân bản – nhân quả: Sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

* Đừng nhìn đời bằng những sự việc đúng sai phải trái, mà hãy thấy mọi việc xảy ra đều là nhân quả thiện ác.

* Danh làm chi, lợi làm chi? Đời người còn có gì đâu, chỉ là một tuồng kịch trên sân khấu nhân quả. Những người còn vô minh không thấu suốt nhân quả mới đắm chìm trong danh lợi mà thôi.

* Những người vô minh không thấy luật nhân quả đang chi phối diễn biến từng phút giây trong mỗi con người, luật nhân quả sẽ không tha thứ một ai, nếu ai đã làm điều ác thì phải hứng lấy hậu quả khổ đau.

* Tin hay không tin đó là quyền của các bạn, các bạn đang bị luật nhân quả điều khiển, nói cách khác các bạn là những người nô lệ của nhân quả. Nếu các bạn không chịu cởi bỏ ách nô lệ thì muôn đời ngàn kiếp phải làm thân nô lệ cho nhân quả mãi mãi.

Trưởng lão Thích Thông Lạc
Previous Post
Next Post