Bị cầm tù trong những khái niệm

Cần phải có gì để thức tỉnh?

Không cần phải trẻ - sức mạnh thể chất hay tinh thần đều vô ích - cũng không cần phải thông thái.

Chỉ cần một điều căn bản: có đôi mắt mới.

Nhất thiết phải nhìn và suy nghĩ một cách mới để khám phá cái mình chưa biết mà thực tại trình ra: có được khả năng di chuyển độc lập ra ngoài những khuôn sáo đang nhốt kín chúng ta; nhìn bên kia cái phù vân và định chế để đối diện với thực chất cuộc sống.

Ai suy nghĩ với tư cách là người Mác-xít, người đó không suy nghĩ;

ai suy nghĩ với tư cách là người phật giáo, người đó không suy nghĩ;

 ai suy nghĩ với tư cách là người hồi giáo, người đó không suy nghĩ...

và ai suy nghĩ với tư cách là người công giáo, người đó cũng không suy nghĩ.

Tất cả những người ấy đều bị điều kiện hóa bởi một ý thức hệ.

Bạn vẫn còn là một nô lệ ngày nào bạn không thể suy nghĩ độc lập đối với một ý thức hệ.

Bạn sống như thế, trong tình trạng ngủ say và bị cầm tù trong những khái niệm.

Một ngôn sứ thì không để cho một ý thức hệ nào giật dây mình, đó là lý do vì sao ngôn sứ bị đối xử tồi tệ.

Ngôn sứ là người tiên phong cho ánh sáng, người chấp nhận nguy hiểm để vượt lên trên các ý thức hệ và những công thức lập sẵn hầu mở ra những con đường dẫn đến tự do.

Chắc chắn là xã hội đã được tổ chức để cho bạn không thể tự ý mình suy nghĩ. Nếu tất cả chúng ta suy nghĩ một cách tự do, và hành động theo cách mình suy nghĩ, thì xã hội sẽ bị phá hủy.

Đấy là lý do vì sao những người đạo đức, từng bị điều kiện hóa bởi ý thức hệ của họ, đã giết các ngôn sứ, cũng như đã giết Đức Giêsu, Đấng loan báo Tin Mừng Giải Phóng con người. Xã hội, vì được định chế và muốn thao túng, nên không ưa những con người tự do. Vì thế, nó lập trình cho chúng ta để dễ bề giật dây.

Ở mọi thời, con người vẫn thích làm nô lệ cho quán tính và cho mộng tưởng hơn là trở nên tự do và có trách nhiệm, họ muốn có một nhà lãnh đạo hướng dẫn mình và giao cho người ấy mọi vấn đề hơn là tự mình gánh lấy.

Ta sợ sự cô tịch, sợ nguy cơ phải tự mình vỗ cánh mà bay.

Ta muốn bị trói buộc, rồi sau đó lại phàn nàn rằng mình không tự do.

Ai sẽ giải thoát bạn được nếu bạn không ý thức về xiềng xích của mình?

Các bà vợ buộc mình vào chồng, vào con, vào nhà cửa của mình. Các ông chồng buộc mình vào vợ, vào công ăn việc làm. Tất cả chúng ta đều buộc mình vào ham muốn và sợ hãi không được chấp nhận, yêu thương, và để biện minh cho thái độ này, ta lập luận rằng đó là tình yêu.

Yêu cái gì?

Thực ra, ta tự yêu thương bản thân mình, nhưng với một tình yêu ti tiện, đầy sợ hãi và bất an. Loại tình yêu đó xuất phát từ cái ngã. Thậm chí ta không đủ khả năng yêu thương một cách tự do, không đòi hỏi và không điều kiện.

Vì xét cho cùng, ta muốn rằng mình khác với con người thật của mình;

Ta muốn đứng hàng thứ nhất, lớn nhất, đẹp nhất. Ta muốn sở hữu nhiều hơn, chiến thắng thêm nữa, được khâm phục và được chú ý khắp nơi.

Tóm lại, ta không yêu thương chính mình. Trong điều kiện đó, làm sao ta có thể yêu thương người khác?

Nếu bạn muốn học cách yêu thương đích thực, vô điều kiện, trước tiên bạn phải tự giải thoát mình khỏi những ham muốn, vì chính chúng đặt điều kiện cho bạn. Khi bị cầm tù trong thói quen, ta thích ngủ hơn là khám phá sự tự do, nghĩa là cái mới.

Ta phải thức giấc, rửa mắt cho sạch những điều cũ, giải thoát mình khỏi chương trình lập sẵn và khỏi tất cả những gì kìm kẹp và ngăn cản mình đi vào chân lý của sự sống.

Giác ngộ là chuyện của một khoảnh khắc... hay của cả một đời người; nó có thể xảy ra nhanh như chớp, như trường hợp của thánh Phaolô: chân lý chóa lên làm ông ngã ngựa.

Trước đó ông cũng ngủ say, bị giữ chặt trong sự cuồng tín vì một ý thức hệ, và không có khả năng nhìn ra chân lý.

Vị chủ tể Sự Sống dùng cuộc sống để mở mắt chúng ta đối với chân lý. Ta cần phải rất chú tâm và thức tỉnh để phát hiện cuộc sống đích thực, một cuộc sống trôi theo dòng chảy của riêng nó. Đừng để cuộc sống ấy bỏ rơi chúng ta dọc đường. Đừng lạc mất sự sống đó.

Previous Post
Next Post