“Không nên giết hại chúng sinh” là lời dạy chí nghĩa chí tình của đức Phật Thích Ca khuyên bảo loài người. Người không giết hại chúng sinh là người có đạo đức hiếu sinh. Đạo đức hiếu sinh chính là lòng thương yêu sự sống của con người và muôn loài trên hành tinh này.
Đạo đức hiếu sinh chỉ có con người mới thực hiện được. Vì thế đạo Phật ra đời mới đem chỉ dạy cho nhân loại, để chúng ta xây dựng cho mình có một tâm hồn hiếu sinh. Nhờ tâm hồn hiếu sinh, con người mới sống không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, để biến cảnh sống trên hành tinh này thành cảnh sống an lạc cho mọi sự sống của muôn loài.
Hành tinh của chúng ta đang sống là một hành tinh có nhiều duyên hợp để sống và nảy sinh ra sự sống khác nhau. Có trùng trùng duyên hợp thì phải có trùng trùng duyên sinh. Sinh diệt là một thể tự nhiên của hành tinh sống.
Hành tinh sống là một hành tinh có nhiều duyên hợp lại để tạo thành một sự sống mới. Tạo thành sự sống mới có nghĩa là do các duyên hợp lại tạo ra một loài vật mới như: thực vật hay động vật mới.
Tại sao lại gọi hành tinh của chúng ta là hành sống.
Trong vũ trụ có nhiều thái dương hệ, trong mỗi thái dương hệ có nhiều hành tinh, trong các hành tinh phần nhiều là hành tinh chết vì nơi đó không có sự sống. Trong không gian vũ trụ có rất ít hành tinh sống so với hành tinh chết.
Hành tinh sống có nghĩa là nơi đó có môi trường sống phù hợp cho vạn vật sinh sôi, nảy nở, sống và lớn lên: Bắt đầu từ loài rong rêu, thảo mộc rồi đến các loài vi khuẩn, côn trùng và cầm thú sinh ra. Cuối cùng là loài người.
Cho nên vạn vật sinh ra không phải là do Đấng Tạo Hóa mà do các Duyên Hợp.
Chúng ta và vạn sinh vật do từ các duyên hợp lại sinh ra, cho nên chúng ta phải thương yêu nhau và thương tất cả chúng sanh, vì có thương yêu chúng sanh thì chúng ta mới bảo vệ sự sống của muôn loài và của chính chúng ta. Nếu vô tình chúng ta hủy hoại sự sống của chúng sanh (sự sống của loài vật) là chúng ta tự huỷ hoại sự sống của chính mình.
Loài người là một loài động vật cao cấp thông minh nhất trong các loài vật.
Nhờ có bộ óc thông minh nên loài người được xem là chúa tể của muôn loài.
Loài động vật trên hành tinh sống này thường giết hại lẫn nhau, ăn thịt nhau mà chẳng chút thương nhau. Loài người cũng chỉ là một loài động vật nên vẫn nằm trong bản chất hung ác của loài động vật. Vì thế nên vẫn giết hại và ăn thịt lẫn nhau. Hiện giờ loài người tự cho mình là văn minh, nhưng bản chất hung ác vẫn còn mang nặng trong tâm hồn.
Loài người vượt hơn muôn loài là nhờ có bộ óc thông minh, là nhờ có tình cảm sâu sắc, nên từ đó xuất hiện những con người thoát ra khỏi bản chất hung ác của loài động vật, tuyên dương lòng thương yêu sự sống của muôn loài. Đó là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã xây dựng cho loài người một nền đạo đức nhân bản – nhân quả, và kêu gọi mọi người mọi loài vật hãy thực hiện lòng hiếu sinh (tâm từ bi), lòng yêu thương nhau một cách chân thật.
Lòng thương yêu sự sống của muôn loài xuất hiện theo từng cấp độ:
- Cấp độ thứ nhất: con người biết thương con người.
- Cấp độ thứ hai: con người biết thương các loài động vật khác.
- Cấp độ thứ ba: con người biết thương cây cỏ và thảo mộc.
Gồm ba cấp độ này lại mới được gọi là “Lòng Hiếu Sinh”. Lòng hiếu sinh xuất phát từ tâm từ, bi, hỷ, xả. Trong đạo Phật tâm từ, bi, hỷ, xả còn có tên là Bốn Vô Lượng Tâm. Bốn Vô Lượng Tâm là một pháp môn tu tập để thực hiện “Đạo đức hiếu sinh”.
Một người sống có lòng hiếu sinh là người biết thương sự sống của muôn loài. Người nào sống được như vậy mới thật sự là bậc Thánh nhân. Vì chỉ có bậc Thánh nhân mới sống được như vậy, sống mà không nỡ giết hại và ăn thịt lẫn nhau, đó là một hành động không còn mang bản chất hung ác của loài động vật; đó là một hành động không thể loài cầm thú mà làm được, chỉ có con người mới thực hiện được mà thôi.
Bởi vậy Thánh nhân không phải từ trên trời rơi xuống hay dưới đất chui lên, mà từ con người, con người biết thương yêu sự sống của muôn loài.
Chỉ có con người biết tu sửa thân tâm, biết ngăn và diệt ác pháp, biết làm điều lành, biết không làm khổ mình, khổ người, khổ muôn loài. Người biết làm như vậy, đó là Thánh nhân.
Do biết khổ nên cố gắng khắc phục mình không làm điều ác, luôn sống làm điều lành, đó là tu tập để làm Người thật là Người, để làm Thánh thật là Thánh.
Lòng hiếu sinh là một Thánh Đức của người tu sĩ đạo Phật. Nhưng dù là tu sĩ hay cư sĩ cũng đều phải thực hiện cho bằng được, nếu không thì phải trả nợ máu xương rất nặng trong nhiều kiếp.
Người tu sĩ nào đi ngược lại giới đức Thánh Hiếu Sinh này thì không phải là tu sĩ của đạo Phật, nếu chỉ biết nuôi thân mình bằng xương máu của chúng sanh thì sao gọi là Thánh Tăng và Thánh Ni được,.
Trong Bát Chánh Đạo, xin hỏi quý bạn Chánh Mạng là gì?
Có phải chăng nuôi mạng sống của mình bằng máu, xương của chúng sanh là Chánh Mạng ư?
Nuôi Chánh Mạng sao lại nỡ nhẫn tâm ăn thịt chúng sanh? Nuôi mạng sống của mình như vậy là chánh mạng ư?
Nuôi mạng sống của mình không có sự đau khổ của chúng sanh mới gọi là chánh mạng. Người ta nói và thuyết giảng về Chánh Mạng, nhưng người ta không sống đúng Chánh Mạng.
Sống không đúng chánh mạng mà làm đệ tử của Phật để làm gì? Thà đừng theo đạo Phật, mà đã theo đạo Phật thì phải sống cho đúng lời dạy của đức Phật. Sống không đúng lời dạy của đức Phật là phỉ báng đạo Phật.
Cho nên sống trong tà mạng sao lại gọi là đệ tử của Phật được. Đi ngược lại chân lý của đạo Phật (Đạo Đế), mà muốn làm đệ tử Phật thì có ích lợi gì. Phải không các bạn?
Bát Chánh Đạo là con đường tám Chánh chỉ cho ta có một cuộc sống chánh hạnh, đó là đức hạnh làm Người, làm Thánh.
Giới đức Thánh Hiếu Sinh là những hành động sống đối xử với muôn loài bằng lòng yêu thương cao quý tuyệt vời mà mọi người ai ai cũng đều phải học tập và trau dồi không riêng những đệ tử của đức Phật.
Muốn bảo vệ sự sống của muôn loài trên hành tinh này thì chúng ta phải cố gắng khắc phục mình để sống trọn vẹn Đạo Đức Hiếu Sinh này. Bởi vì giới đức Thánh Hiếu Sinh là những hành động cao quý tuyệt vời mà mọi người cần phải sống đúng như vậy để chan hòa lòng yêu thương với muôn loài; vì loài nào cũng muốn sống như loài nào. Có loài nào muốn chết bao giờ đâu? Phải không các bạn?