Con người ngày càng tha hóa đạo đức

Bản thân tôn giáo đã có nhiều tha hoá và dị dạng nói chi đến chính trị hay loài người và họ lại đi đổ thừa cho sự mạt pháp. Đáng lẽ phải biết xấu hổ, họ lại sung sướng phát hiện ra nguyên nhân của sự suy đồi đạo đức.  Một cái bánh ngon vừa ra lò thơm  phức ai cũng muốn ăn nhưng bỗng có một con gián rớt vào, chẳng ai thèm dòm ngó nữa và có khi lại sợ không dám cầm quăng vào thùng rác. Loài người cũng vậy, nếu đã tha hoá đạo đức, ai cũng sợ và không dám gần gũi. Đạo đức đi đến tận cùng của sự tha hóa khi điều vô đạo đức được cho là có đạo đức. Giống như trường hợp một số chính phủ chấp thuận việc nạo phá thai và nghiên cứu tế bào gốc rồi xem đó là chuyện đúng đắn hay thoả mãn với chính sách của mình. Thật tội nghiệp cho sự sống, sự sống bị đẩy lùi đến tận cùng của tế bào.

Tôn giáo không nên hoặc không bao giờ nên tham gia vào hoạt động chính trị nhưng nhà chính trị phải lắng nghe tôn giáo và muốn hiểu được tôn giáo thì nên tham gia thực tập tôn giáo. Không nhất thiết phải trở thành một tín đồ nhưng nhà chính trị thừa hưởng nhiều từ lời dạy của tôn giáo, nhất là làm thế nào thực tập các hành vi hoà bình hợp đạo đức. Sự tha hóa của nhà chính trị kéo theo một xã hội èo uột và nếu xã hội đủ sức chống chọi, có thể thay đổi cả nền chính trị. Một con sâu làm rầu nồi canh, cả nồi canh phải đổ bỏ không thể dùng được nữa. Một viên chức nhà nước có tội, nguyên thủ quốc gia không thể  không có trách nhiệm.

Thực tập đạo đức gắn liền với tôn trọng sự thật vì sự thật chính là đạo đức. Một lời nói dối không được sửa đổi sẽ kéo theo một chuỗi nói dối và nếu như lịch sử nói dối, đạo đức chính trị không còn. Thật đáng tiếc và buồn bã cho những quốc gia có hiện tượng tham nhũng nằm trong danh sách các quốc gia tham nhũng nhiều nhất thế giới. Nước nào có tham nhũng dù nhiều hay ít cũng đều không có đạo đức. Không người dân nào tự hào về một quốc gia đầy dẫy tham nhũng và nếu tham nhũng còn, việc chấn hưng đạo đức khó lòng diễn ra tốt đẹp. Muốn chống tham nhũng trước tiên phải ủng hộ sự thật và chính sự thật mang lại sự rõ ràng hay minh bạch cho một chính phủ.

Cơ quan chống tham nhũng phải là cơ quan độc lập và không chỉ làm công việc phát hiện hay bắt bớ mà còn phải giáo dục, thực tập, giám sát và đánh giá. Người tham nhũng luôn sống trong hồi hộp, lo sợ, thậm chí khủng hoảng tinh thần và phát sinh nhiều bệnh tật. Nhìn nhà chính trị sức khỏe thế nào nhiều khi khám phá ra các dự án tham nhũng. Nói tưởng như đùa nhưng nếu làm được, xã hội mới mong tiến bộ. Sự tiến bộ về mặt đạo đức của con người dẫn đến sự tiến bộ của xã hội, không phải chỉ tiêu kinh tế hay các   giá   trị   tăng   trưởng   vật   chất.   Lực lượng sản xuất trong đó có những con người sản xuất có đạo đức, nguyên liệu sản xuất có đạo đức và phương thức sản xuất có đạo đức thì mới sản xuất ra những sản phẩm hợp đạo đức.

Học thuyết chính trị chỉ nên bàn về đạo đức mà thôi, nếu không đó chỉ là học thuyết xa vời. Con người thường hay ảo tưởng về đạo đức chính trị nên dùng để nói hơn để làm. Đạo đức gia đình là kính trên nhường dưới, đạo đức cá nhân là hành xử phù hợp Năm giới Cư sĩ, đạo đức dân tộc là hành xử hoà bình, … Đủ thứ loại đạo đức và ngày càng có thêm nhiều chủng loại đạo đức làm dày danh sách đạo đức nhưng số người thực hiện chúng chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế giới này sẽ bình đẳng nếu không còn phân biệt, mọi người đều có quyền lợi như nhau. Nếu còn phân biệt phe Công hoà hay Dân chủ, Hoa Kỳ chưa có đạo đức. Cũng vậy, phân biệt người đảng viên hay không đảng viên, Trung Quốc chưa có đạo đức. Tâm bình đẳng hay không phân biệt là nền tảng của mọi hành vi đạo đức. Gìn giữ đạo đức khiến con người ghê sợ tội lỗi, sống có trách nhiệm, dám buông bỏ, biết cắn rứt lương tâm và sống hướng thiện. Ngược lại, con người không có đạo đức đam mê tội lỗi, làm bạn với vô trách nhiệm, không muốn lắng nghe ai, tìm cách ngụy biện và sống xa rời điều thiện.

Liên Hiệp Quốc gìn giữ hòa bình phải gìn giữ cho được đạo đức, tuyên truyền, giáo dục, thực tập, hướng dẫn và vinh danh nhà chính trị đạo đức. Đạo đức không có nghĩa tuân thủ mọi qui tắc đề ra vì rất nhiều qui tắc không hề có đạo đức. Chính vì ảo tưởng về đạo đức nên lầm tưởng các qui tắc là đạo đức. Giống như người ta tranh nhau sản xuất thuốc diệt gián hơn là thực tập ăn ở sạch sẽ như thế nào để gián không xuất hiện. Cũng vậy một quốc gia chống tham nhũng lập ra một tổ chức tìm, bắt và điều tra tham nhũng, nhưng không dạy cho họ cách thức kiềm chế bản thân để không bị tà dục tham nhũng lôi kéo. Đạo đức là cái thực tập, không phải cái đem ra để trị hay thị uy, nếu không chỉ nói được mà không làm được.

Đạo đức chính trị không mang tính chất đặc thù vì nó bao hàm tất cả các loại đạo đức. Nhà chính trị có đạo đức hành xử với gia đình bạn bè một cách có đạo đức. Không thể nói vị tổng thống thành công trong khi gia đình không có hạnh phúc hay không hiếu thảo với cha mẹ.  Đạo đức được nuôi dưỡng từ gia đình. Tu sĩ lìa xa gia đình không phải bỏ cha bỏ mẹ mà vì thương gia đình nên mới đi tu. Khi đi tu, họ cam kết với gia đình bằng chính sách tình thương, từ bi và bao dung. Họ cống hiến cho thế giới hoà bình và giảm thiểu chiến tranh. Họ chính là các nhà chính trị có đạo đức đang làm nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận giải phóng mọi tham đắm, sân hận, si mê, bạo động và vũ khí của họ là từ bi.

Sách Hơi Thở Tinh Khôi của Minh Thạnh, nhà chính trị cần đi tu trước khi làm nguyên thủ hay nhà ngoại giao là vì vậy. Họ phải thực tập từ bi thì mới thành công vì từ bi là nền tảng của hoà bình. Khi là quan chức, nhà chính trị biết mình là một quan chức và biết mình phải làm thế nào để xứng đáng là một quan chức. Có đạo đức hay không là do dân đánh giá, tự mình đánh giá chỉ đúng một phần nhưng hoàn toàn dựa vào sự đánh giá của bản thân e rằng không đủ thấy mình có đạo đức hay chưa. Đạo đức là rường cột dân chủ. Dân chủ không đơn thuần là đòi hỏi về quyền lợi hay tự do, dân chủ là sự thực tập đạo đức cao đẹp nhất. Tư sản hay cộng sản có đạo đức là có dân chủ, nên đi theo đường hướng nào không quan trọng, quan trọng là đường hướng đó có tạo cơ hội cho việc thực thi đạo đức hay không.

Người chưa thực tập đầy đủ về đạo đức không nên làm chính trị mà dành thời gian thêm cho mình thực tập đạo đức. Xin đừng thần tượng những vị anh hùng không có đạo đức, những người sử dụng bạo động đấu tranh và những người nói lời ác ngữ. Một số người được vinh danh vì hành động bất bạo động nhưng lời nói của họ lại đầy dẫy bạo động như chỉ trích và lên án, họ cũng không xứng đáng là anh hùng. Người anh hùng phải chiến thắng mọi cám dỗ của bạo động để chỉ suy nghĩ, hành động và lời nói bất bạo động. Hành động bất bạo động nhưng lời nói và suy nghĩ bạo động thì cũng như không.

Ảo tưởng về hình tượng người anh hùng khiến con người đi vào thế giới bạo động. Một người giết được nhiều kẻ thù, bắn hạ nhiều máy bay, chế tạo bom mới hủy diệt với sức tàn phá mạnh, đứng hàng đầu trong danh sách những người giàu nhất, làm nguyên thủ quốc gia… được cho là anh hùng thì hết sức nguy hiểm. Việc này dạy cho trẻ em những hình tượng anh hùng sai lạc và người trẻ sẽ có khuynh hướng tôn thờ sai lạc. Mọi việc làm của người anh hùng đều nhằm phục vụ cho sự an vui, hạnh phúc và hoà bình của bản thân và dân tộc bằng các phương tiện của hoà bình, bất bạo động. Thật vô lý nếu tôn vinh anh hùng dân tộc vì họ đã sử dụng các phương tiện của chiến tranh và ngập tràn bạo động.

Nhà chính trị có đạo đức sống bằng lý tưởng chân thật, đồng thời hướng xã hội và người trẻ đi theo lý tưởng chân thật. Lý tưởng chân thật là gì? Là hoà bình trong phút giây hiện tại, là hành xử có đạo đức trong hiện tại, là đối xử bất bạo động trong hiện tại và hiểu rõ được ý nghĩa của hoà bình là chấm dứt mọi sự tham đắm. Người anh hùng cầm súng giết chết quân địch là phục vụ ý đồ chiến tranh, không phục vụ cho hoà bình. Nếu như người bị ép buộc phải cầm khí giới nhưng có thể buông bỏ được khí giới hoặc sử dụng khí giới bằng tâm từ bi thì người này đã đến gần hoà bình. Còn ngược lại, người này bị ép buộc cầm khí giới nhưng bỏ mặc cho khí giới điều khiển mình, sát phạt sinh mạng vô tội vạ hoặc sử dụng khí giới bằng tâm cuồng loạn thì người này chỉ đến gần sản phẩm hoà bình mà thôi, không thể đạt được trạng thái hoà bình.

Nhà chính trị trẻ hãy thực tập đạo đức không ngừng nghỉ vì càng đạo đức bao nhiêu vẫn chưa bao giờ đủ và càng đạo đức thì càng tiến gần đến dân chủ. Nhà chính trị không phải là người lớn, nên không có quyền áp đặt người trẻ mà chỉ hướng người trẻ và người trẻ sẽ nhận ra được con đường họ phải đi. Áp đặt chỉ mang tính bạo động còn định hướng mang tính bất bạo động. Nhà chính trị cũng là người trẻ nên thực tập đạo đức trước khi muốn người khác hành xử bất bạo động. Xã hội bạo động là kết quả của một chính phủ bạo động. Xã hội hoà bình là kết quả của một chính phủ hoà bình. Đạo đức phải trở thành thói quen, nếu không tha hóa đạo đức sẽ chiếm hữu con người và con người sẽ bị khô héo như một cành hoa khô. Nhưng thà làm một cành hoa khô vẫn tạo cho đất màu mỡ còn hơn làm một trái tim khô, vô cảm trước nỗi đau nhân loại.

Nguồn: damlinhthat.net
Previous Post
Next Post