Nói đến Nhân Quả người ta thường nghĩ ngay đến Đức Thích Ca, đến Đạo Phật, thậm chí Đạo Phật còn được mệnh danh là Đạo Nhân Quả. Thật ra Đức Thích Ca không phải là người sáng tạo ra Luật Nhân Quả mà chỉ là người quan sát các pháp, thấy những diễn tiến của nó luôn theo một quy luật nhất định nên cảnh báo, để chúng ta đừng làm những việc mang lại hậu quả đáng tiếc cho bản thân, vì mọi người đang sống trong hiện tướng, mà tướng là nơi cho Nhân Quả thể hiện. Khi đã gieo Nhân, thì sớm hay muộn chắc chắn Quả cũng sẽ đến.
NHÂN là sự gieo trồng, Quả là sự thu về những gì do việc gieo trồng đem lại. Không giống như người đời gieo trồng rồi mang Quả đi bán. Người gieo Nhân phải hưởng hay phải chịu những gì mình đã gieo, không thể tránh né hay đổi chọn gì được. Do đó, đã có Luật Nhân Quả thì buộc phải có Luân Hồi để cho Nhân Quả thi hành án một cách công minh, bởi vì nếu cứ làm ác rồi chỉ cần "chết là hết" thì người lương thiện ắt phải chịu thiệt thòi.
Tất nhiên ta không thể quay về nguồn để tìm lại xuất xứ của con người, xem ngay từ buổi đầu tiên đã xuất hiện với hình dáng ra sao, từng giai đoạn tiến hóa ra sao? Nhưng chắc chắn không thể vô cớ mà kẻ đẹp, người xấu, kẻ giàu, người nghèo, kẻ thọ, người yểu... như ta thấy diễn ra trước mắt trong cuộc đời. Nếu chúng ta chấp nhận lý thuyết con người đồng là con của Thượng Đế, Ngài đã tạo ra giống hình ảnh của Ngài, thì càng thấy rõ tác động của Nhân Quả. Thật vậy, nếu con người đồng là con của Thượng Đế, đồng do Ngài tạo dựng hẳn là buổi đầu phải tốt đẹp, phải đồng nhất, vì Thượng Đế là đấng toàn năng, đâu thể có những "sự cố" để có nhiều phiên bản xấu xí, lem ố được. Vậy thì đâu là lý do làm ra những dị biệt đó, nếu không phải là sau những hình ảnh đó làm tự làm cho ô nhiễm? Như đám con đồng do cha mẹ sinh ra, tất cả đều xinh đẹp, nhưng sau đó đứa thì nghịch với sình bùn làm cho mặt mày lem luốc, đứa thì tham gia những trò chơi nguy hiểm để tự gây thương tật, nên không còn giống hình ảnh đẹp đẽ lành lặn mà cha mẹ đã tạo dựng ban đầu nữa.
Càng cho rằng Thương Đế "công bình vô cùng" ta càng thấm thía Luật Nhân Quả, bởi không thể vô cớ mà con người lại phải cúi đầu chấp nhận số phận của mình không chút phản kháng, vì tại sao điều xấu lại không đến với người này mà lại đến với người kia? Tại sao người này được hưởng phước trong khi kẻ khác lại bị vùi dập, lẽ nào do may rủi tình cờ? Nếu cho rằng đó là do bàn tay của Thượng Đế, thì lại mâu thuẫn với thuyết Ngài "công bình vô cùng"! Nếu trước kia mọi thứ đều đổ cho Thượng Đế, cho Thần Linh, thì từ khi có ánh sáng khoa học soi rọi người ta bắt đầu có một cái nhìn đúng đắn và hợp lý hơn. Thật vậy, nhìn cuộc đời mà ta suy ra: phải chăng những người giàu là những người chịu khó làm ăn, tích góp, trong khi người nghèo là những người hoặc không có cơ hội, hoặc không thích làm ăn, hoặc hoang phí? Không thể đổ cho Thượng Đế sắp xếp số phận cho ta, bởi rõ ràng, dù không thấy được kiếp trước, nhưng từ khi ra đời thì mỗi người hoàn toàn tự do định hướng cho cuộc đời của mình. Muốn học, muốn làm, muốn ăn, uống, vui chơi, ngủ, nghỉ .. mỗi người đều tự quyết định lấy, đâu có sự can thiệp của đấng bề trên nào? Muốn làm giàu thì chịu khó nghiên cứu, học hỏi, đầu tư. Muốn sạt nghiệp thì cờ bạc, cá độ, nhậu nhẹt, đề đóm... Điều đó cho thấy Nhân Quả thể hiện trong từng việc từ lớn đến nhỏ của mỗi chúng ta và luôn luôn sòng phẳng: Làm ác, gặp ác là điều không ai có thể phủ nhận.
Cũng có người nhìn thấy có kẻ làm ác, sát sinh, hại vật mà vẫn ung dung giàu sang, hưởng phước, có người hiền lương, không thấy hại ai bao giờ mà vẫn lao đao hết tai nọ, sang nạn kia thì cho rằng Nhân Quả không công bằng. Đó là vì họ chưa rõ diễn tiến của Nhân Quả. Theo Đạo Phật, Nhân Quả có ba thời: Nhân Quả đồng thời, như cho tay vào lửa là bỏng ngay. Nhân quá khứ, Quả hiện tại và Nhân hiện tại nhưng Quả tương lai mới đến. Cũng giống như người gieo trồng các giống cây. Có giống chỉ vài tháng là đã cho quả. Có giống phải mất nhiều năm. Hiện tại họ đang ăn quả của những mùa trước, đang gieo trồng cho những vụ sau, nên dù không thấy tận mắt một người đã sống ra sao, đã gieo những gì? Nhưng qua những gì họ đang hưởng hay chịu, thì ta biết chắc quá khứ họ đã làm điều tốt hay xấu, và cũng theo cách thức đó mà thấy được những gì sẽ diễn ra với họ ở kiếp tới, không cần phải là người có thần thông hay thiên nhãn gì hết!
Cũng vì Nhân Quả chuyền níu với nhau, nên Đạo Phật nói rằng tất cả không chấm dứt theo cái chết, mà kiếp sống chỉ kết thúc với cái Thân giả tạm này mà thôi, và bắt buộc phải có Luân Hồi để Nhân Quả thể hiện. Như con bò phải kéo cái xe, bò chết thì chủ sẽ thay con khác vô để kéo. Có người sẽ cho rằng cái xe vốn của con bò trước, mắc gì bắt con bò sau phải kéo? Nhưng theo Đạo Phật, con bò tức là tất cả những cái thân Tứ Đại giả hợp. Nó đã là Tứ Đại giả hợp thì nó không có chủ thể, vô tri, vô giác, mà chỉ là công cụ để cho CÁI BIẾT nương vào đó để trả hay hưởng những gì nó đã gây tạo mà thôi. Chính CÁI BIẾT - mà khi chưa sáng suốt thì Đạo Phật gọi là CÁI BIẾT MÊ LẦM - đã mượn cái Thân tứ đại rồi ở trong đó mà hành động, mà hại người, hại vật, nên khi cái thân Tứ Đại hết Duyên, hết Nghiệp, nó lại phải nhận một cái thân Tứ Đại khác để Trả những gì nó đã gieo! Chính nó mới BIẾT VUI, BIẾT KHỔ, BIẾT ĐAU, BIẾT CẢM XÚC. Chính nó đã điều khiển cho cái Thân HÀNH ĐỘNG nên khi trả Quả thì chính nó phải đau khổ chớ không phải là cái Thân.
Thật vậy, thử quan sát một xác chết, ta sẽ thấy: thân thể, tay chân, mắt mũi vẫn còn nguyên vẹn nhưng đâu còn nói năng đi đứng nằm ngồi, đâu còn biết gì, thậm chí mang đi chôn hay đốt cũng không có phản ứng, vì CÁI BIẾT đã rời khỏi nó rồi, cái thân chỉ còn là đống xương thịt chờ giờ tan rã mà thôi. Khi chưa rõ Luật Nhân Quả, có người dùng thủ đoạn lấy về được chút vật chất thì vui sướng, hả hê. Khi phải trả thì lại cho rằng Trời Phật bất công với mình nên oán trời, trách đất, không biết rằng không hề có việc người này làm mà người khác phải chịu. Luật đời còn như thế huống là Luật Nhân Quả!
Vì ý thức như vậy, nên Đạo Phật khuyên con người nên tu hành. Trước hết là Cải Ác, Hành Thiện. Sau đó Quán Sát, Tư Duy để thấy cái thân mà chúng ta đang mang, cảnh mà chúng ta đang sống cũng chỉ tạm thời chừng trăm năm là kết thúc, để đừng bám vào cái thân, vào cuộc đời rồi tạo ác nghiệp để cho cuộc sống của ta, người và mọi vật được an ổn hơn. Nếu có sang kiếp khác cũng sẽ không gặp phải những cảnh bất như ý.
Phải chăng, nếu không vì để cho cái thân được thụ hưởng, thì ta chỉ cần cơm ngày hai bữa, quần áo, vật dụng đủ dùng, có mái nhà để che nắng mưa là được rồi, đâu cần quá bon chen vất vả. Giả sử có nhờ vào khả năng mà kiếm được nhiều tiền một cách lương thiện thì cũng đâu có bo bo giữ cho riêng mình, mà có thể san sẻ, giúp đỡ ai đó khi họ lâm cảnh khó khăn, bởi ý thức đồng tiền chỉ là phương tiện để sống, cảnh trần là cõi tạm mà thôi. Nếu Ý thức được việc xấu, tốt đều không mất, chính ta phải chịu hậu quả những điều mình làm, không kiếp này thì cũng kiếp sau hẳn ta đâu có tìm cách làm tổn hại người khác? Nếu biết rằng thân này, cha mẹ, vợ chồng, bà con, dòng họ, bạn bè... này cũng chỉ là bèo mây, tạm hợp nhau trong kiếp sống ngắn ngủi này rồi sau đó là mỗi người sẽ theo Duyên Nghiệp riêng biệt, không biết về phương nào, không hẹn ngày gặp lại, ắt mọi người sẽ đối xử với nhau một cách tốt đẹp hơn khi còn ở bên nhau, không đợi người thân chết đi mới nhỏ những giọt nước mắt hối hận muộn màng!
Lý do mà Đạo Phật đưa các pháp Vô Thường, Nhân Quả ra giữa đời là để nhắc nhở con người rằng kiếp sống này tuy ngắn ngủi nhưng rất đáng quý, vì dù cái Thân là giả tạm, nhưng con người có thể dùng nó để làm những điều tốt đẹp cho mình, cho người. Nếu biết tu hành, mở được "CÁI BIẾT GIÁC NGỘ" thì còn có thể nương vào đó để bơi qua sông sinh tử. Cái Thân tuy là tứ đại giả hợp, nhưng Phật dạy đó là "một trong năm điều khó được", vì biết sống ngay thật để kiếp sau nếu có, còn được làm người, có được cái Thân đầy đủ thì Phật ví như chút đất dính ở đầu móng tay so với đất trên trái đất! Ý thức được NHÂN QUẢ, LUÂN HỒI để sống cho tốt đẹp là mục đích của Đạo Phật để cho trần gian được an lành, hạnh phúc, vì không còn cảnh bức hiếp, tàn sát lẩn nhau để dành nhau chút vật chất phù du nhằm phục vụ cho tấm thân hư dối, cuối cùng rồi cũng chết, bỏ lại tất cả, chỉ mang theo Nghiệp Quả! Một số người không hiểu hết mục đích của Đạo Phật nên chê cuộc đời là giả tạm, phù du, rồi đứng bên lề cuộc đời, mặc cho người khác tàn phá hay xây dựng, chỉ mong về Đông Phương, Tây Phương, quên rằng sở dĩ Đạo Phật xuất hiện giữa đời vì muốn cho mọi người được an lành, hạnh phúc trong kiếp sống như lời Kệ trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: "Ta là đấng pháp vương. Tự tại nơi các pháp. Vì an ổn chúng sanh. Nên hiện ra nơi đời. Xá Lợi Phất phải biết. Pháp ấn của ta đây. Vì muốn làm lợi ích. Cho thế gian nên nói". DPLH tr.139 Phẩm Thí Dụ).
Tây Phương, Đông Phương mà Phật đưa ra cũng nhằm để khuyên mọi nguời nên sống đạo đức để cuộc sống được an lạc, có kiếp sau cũng không bị đọa vào đường dữ. Hơn nữa, thực tế là chúng ta đang sống, đang trú ngụ tại cõi trần, tại sao không tiếp tay xây dựng cho mọi thứ thêm tốt đẹp, lại ngồi mơ màng một cảnh giới nào khác bên kia kiếp sống, trong khi hàng ngày vẫn hưởng dụng thành quả của đời? Điều đó xem ra hết sức nghịch lý, bởi Nhân Quả không chỉ dành khuyên con người làm tốt để kiếp sau được hưởng, mà dạy rằng Nhân Thiện thì Quả Lành sẽ đến ngay trong hiện kiếp. Thật thế, không hại người thì không bị người hại. Không làm ác thì không bao giờ bị pháp luật truy nã. Một cuộc sống bình thường, không có kẻ thù rình rập, cơm áo, vật dụng đủ dùng, mọi người không xâm phạm của nhau, ngược lại quan tâm yêu thương chăm sóc, chia sẻ với nhau. Không gây hấn, tranh dành thì không còn chiến tranh gieo đau thương, tang tóc, tất cả sẽ được an lành, hạnh phúc trên mặt đất đầy hoa trái bốn mùa xanh tốt. Như thế chẳng phải quá tốt đẹp rồi sao, cần gì mơ màng cõi nào ở đâu xa vời?
"Âm phủ, dương gian đồng nhất lý". Thiên đàng, Địa ngục cũng đang hình thành trong mỗi người khi đang còn ở tại cõi thế. Tâm thanh tịnh là cõi Phật đã hình thành. Tâm địa xấu xa là địa ngục cũng đang thể hiện! Sống không làm ác, không gây nghiệp thì Địa ngục nào lôi ta vào sau khi chết được? Nếu luận Thanh, Trược, thì không phải do ăn chay mà Thanh, vì những gì thuộc về cái Thân sẽ theo nó mà trở về với cát bụi, nhưng một cuộc sống hiền lương tâm địa ngay ngắn, là ta đã hình thành dòng pháp Thanh ngay khi còn sống, đương nhiên khi bỏ xác thân thì pháp Thanh sẽ tìm về với pháp Thanh. Không thể đột nhiên cả đời sống hiền lương, chết lại sa địa ngục và ngược lại, cần gì phải cầu an, cầu siêu, vì có cầu cũng có được đâu! Người tin vào lời cầu xin tức không tin vào Nhân Quả thì đó không phải là đệ tử của Phật, vì Đạo Phật dạy "Cầu mà không cầu" tức là cứ gây Nhân Thiện, tự nhiên sẽ gặt Quả Lành, không thần linh nào có quyền chấp nhận lễ vật hay lời cầu để ban phước, giáng họa cho ai!
Cho nên, ý thức Nhân Quả để không hại người trở thành tự hại. Làm tốt không phải để cho Trời Phật chấm công, để được ban thưởng, mà chính là để không phải lãnh hậu quả. Nếu hiểu được như vậy thì không cần công phu sớm tối, giữ hàng mấy trăm Giới, làm gì cũng sợ đụng Giới, sợ thất niệm, mà chỉ cần biết rằng những gì mọi người đang làm tại kiếp sống là đang "gởi tiết kiệm" cho kiếp sau. Mọi việc lành, dữ đều không mất. Nếu ở trong Vô Tướng thì thôi, một khi mang thân tứ đại thì chắc chắn Nhân Quả sẽ có dịp để thể hiện. Cũng không phải Nhân Quả chỉ ràng buộc đối với những người theo Đạo Phật, những người theo tôn giáo khác thì không bị ảnh hưởng, mà tất cả những gì có tướng đều không ra khỏi quy luật này. Vì vậy, một nguyên tắc để sống, tuy là của Đức Thích Ca đặt ra, nhưng có thể áp dụng cho tất cả là: "Những gì mình không muốn người khác làm cho mình đừng làm cho người". Chỉ cần mọi người hiểu và áp dụng được như thế thì cõi trần gian sẽ trở thành cõi an vui, muốn nói Thiên Đàng hay Niết Bàn tại thế cũng không khác. Ngay khi còn sống đã biết sẽ về cõi nào, và kiếp sau nếu có, cũng được thanh thản, nhẹ nhàng, vì đã tự định hướng ngay tại hiện kiếp vậy.