Thời trang

Nhu cầu hàng đầu của con người là ăn - mặc. Ở người tu thì nhu cầu ấy chuyển thành Luật Nghi và sự hoằng hóa là y Bát. Con làm thế nào để có được sự chuyển đổi ấy?

Bao giờ con cũng bị cái mới lạ thu hút. Đó là vì tâm chưa an trụ được vào chốn bình an, nên bất cứ cái động nào bên ngoài cũng khiến con tự nhiên, đương nhiên bị cuốn theo. Nếu không sớm định tâm rồi từ đó đi tới Đại Ðịnh, không còn thấy tâm có Ðịnh con sẽ gia nhập số người kia, săn chờ mới lạ nên tâm trạng lúc nào cũng bất an, dù đang vui vẫn khổ, một nỗi khổ mơ hồ đọng lại trong tiềm thức và bùng lên khi cuộc vui đã tàn, vì điều mới lạ nhất vẫn còn ở phía trước. Nỗi khổ ấy trì kéo, chứ không mở một cánh cửa vào không gian của nội quán, dẫn con đi lên.

Tìm vui để chạy trốn, để quên nỗi khắc khoải nhuốm màu tuyệt vọng của một sinh linh tìm kiếm tuyệt đối, thường hằng trong nẽo vô thường, con người thay đổi, tham gia mọi cái mới và một trong những giải khuây ấy là Thời Trang. Con thích ở trong dám đông, nên chú ý đến thời trang, đó cũng là một tướng của Ngã. Không ai vận y phục “đẹp” vào mà không có cái thích thú dù chỉ nằm trong tiềm thức là được kẻ khác chú ý. Chú ý đến tức có phê phán. Sợ sự phê phán nên càng thuận theo sự phê phán, tức đã vướng vào Danh Sắc và đánh mất chính mình.

Thời trang không có nghĩa đơn thuần là y phục. Ðó còn có nghĩa là sự ấu trĩ của tâm linh. Một người thật sự, mang nỗi hoài nghi về nguồn gốc, thân phận của mình sẽ không thể nào có thời gian để tâm đến vấn đề nào khác ngoài vấn đề lớn nhất của con người là sự hiện hữu của mình. Cái chết của vạn vật hữu thể và phía sau cái chết.

Quyết định dành cuộc sống hiện tại để giải quyết những vấn đề ấy bằng cách thực nghiệm lời của Người đã tự giải thoát khỏi những hoài nghi này, là hành pháp Phật, là mặc áo Tăng già. Như thế, cái y chính của cuộc đời là giải thoát. Nói cách khác, đó là Giới, là Huệ và ngược lại, Thời trang hàm nghĩa vô thường, phù du, nông nổi. Nên con thấy những người say mê thời trang là những người chỉ biết tiêu chuẩn giá trị ở bộ trang phục, không còn biết đến một giá trị nào khác. Họ là những cái mắc áo đúng nghĩa.

Mỹ (cái đẹp) không nằm trong dục lạc, nên những y phục lấy dục làm kim chỉ nam không đạt đến nghệ thuật, không phản ảnh được trí tuệ của một thời đại, một dân tộc mà chỉ là những mảnh vụn của cả đại dương. Dục vọng bắt nguồn từ thuở có con người. Như thế, những y phục phải phép được Ðức Phật ngợi khen mang sắc thái nào? Ðó là những y phục lấy công đức làm vải, lấy từ bi làm kiểu cách, lấy trí tuệ làm phương tiện may thành. Hãy lấy những y phục ấy mà trang nghiêm thân tướng. Chính thế, mặc y phục chẳng vì xấu hổ, chẳng vì khoe khoang, chẳng vì thời tiết, mà chỉ vì trang nghiêm thân tướng. Thân tướng đây chẳng phải xương thịt, máu mủ mà gọi là thân tướng. Ðó là oai nghi, là vô dục, là vô ngã, là đồng thể tánh với y phục.

Thân không lìa, không khác y, y cũng không lìa, không khác thân. Ðó là chẳng phải thân tướng mà gọi thân tướng. Chẳng phải y phục mà gọi y phục, chẳng nghĩa trang nghiêm mà thật trang nghiêm. Và như thế, chính là đắp y, thọ giới. Và như thế là chân thật đắp y. Cho nên, chiếc y là pháp bảo, là dấu vết của Đức Phật tại thế gian. Tôn trọng chiếc y chính là tôn trọng Phật. Ðó không chỉ là vải vóc, đó là sự giải thoát hiện thành tướng. Con đừng như những người kia, trụ vào quả báo lành của mình, sự tu học của mình, phê phán những đệ tử đắp y trì bát của Phật – chẳng nên nhìn lỗi người bằng đôi mắt của quan toà, huống nữa là phải tỏ thái độ khiêm cung. Bất cứ một ai còn vướng mắc đều chịu một lực phản hồi. Nếu con không tó thái độ, thì chẳng phải vì thế mà luật Nhân Quả không thấy lỗi lầm của họ, nên vẫn cung kính chiếc y, vẫn phải cung kính các vị ấy.

Nếu con là Tỳ Kheo không mang y bát, có thể vì lòng từ mà độ được vướng mắc của người phạm giới kia, con hãy độ – Nếu con không phải là vị Ðại Bồ Tát mà pháp âm cất lên, xua được vô minh phiền não, bạt được nghiệp chướng sâu dày, đem người phạm giới trở về nẻo chánh thì con đừng luận đến “tội” của họ. Nếu vị hành đạo đó không thích hợp với con, con phải xa trong sự kính trọng. Tại sao? Những người phá hoại chánh pháp là kẻ không tôn trọng chiếc y mà họ đang đắp, con không thể vì họ không tự tôn trọng mà sanh bất kính với Tăng già, tượng trưng bởi chiếc y ấy. Hơn nữa y là giới, họ đã phạm giới thì con đừng phạm giới theo, là hành động không tôn kính y giới. Hành xử như thế mới đúng là Phật tử.

Những người đắp y trong lòng, thân xác phàm phu mà thực hành Phật đạo – vì hiểu nghĩa muôn pháp không tự tánh mà bỏ tướng đắp y để gần gũi chúng sanh, làm vạn điều lợi ích, là Ðạo sư mà không trụ tướng Ðạo sư, là Bồ Tát mà không trụ tướng Bồ Tát, thị hiện bệnh tật mà cứu khổ người khác, thị hiện xa hoa mà lòng lìa tiền bạc, tâm trí không rời kẻ khó nghèo... những người vô tướng đắp y như thế là những người thật hiểu nghĩa của y.

Chỉ có mỗi việc “nhỏ nhặt” là việc "mặc" mà có thể phơi bày tất cả tâm tư trí tuệ, tình cảm của con như thế, nên hãy cẩn thận trong việc mặc. Cẩn thận không có nghĩa chải chuốt, mà là con đang vận y phục với Tâm nào? Hay không có ý niệm nào hết? Nếu được tâm không trụ thì thật đã bỏ qua được Tướng.

Previous Post
Next Post