Người nông dân gieo hạt trên cánh đồng, ai cũng muốn những hạt giống
vừa gieo sẽ nảy mầm thành một mùa bội thu trong những tháng ngày sau đó, nhưng
chẳng ai biết trước được tương lai nó sẽ thế nào, nhưng dù gì thì cũng cứ phải
gieo hạt đã.
Phật giáo dạy rằng: Hãy nhìn sự
vật đúng bản chất của nó, để sự vật ấy tồn tại như chính nó đang tồn tại mà
không bị nhuộm thêm những màu sắc khác mang tính chủ quan. Triết lý này tuy đơn
giản nhưng thật khó để thực hành trong đời sống. Mỗi người đều có những thái độ
và hành xử khác nhau trên cùng một sự việc. Cùng sự việc một cô hoa hậu đi thăm trại nuôi trẻ
mồ côi, người nghĩ xấu bảo rằng cô mua danh, người nghĩ tốt cho rằng cô nhân
ái. Cùng một hành động, với hai cách nhìn khác nhau, kết luận cũng trái ngược
nhau.
Mọi người thường có thói quen
nhìn nhận vấn đề theo kiểu riêng của mình và rất khó để thay đổi cách nhìn đó.
Thái độ sống của từng người được hình thành theo những năm tháng họ sống. Sẽ
khó lòng bảo rằng cuộc sống sẽ luôn tươi đẹp hơn đối với những người vốn hay
sống bi quan và đố kỵ. Với họ, tất cả những sự việc đang diễn ra xung quanh
dường như chỉ chực chờ lôi tuột họ xuống, trong khi những người sống lạc quan
lại luôn thấy những khó khăn đang gặp phải như một dịp thử thách lòng can đảm,
nghị lực vượt lên chính mình.
Nhìn nhận vấn đề một cách mạch
lạc, không chủ quan, không suy diễn không phải là một điều khó, nhưng thường
thì chả ai làm thế, vì sống ở đời thường phải có chính kiến chứ. Cũng chính vì
chính kiến cá nhân kiểu ấy mà nhiều khi ta không thấy được những chiều khác của
cuộc sống, những mặt khác, đôi khi tốt đẹp hơn của cùng một hành động.
Ta thử gieo hạt nhân ái vào đời,
nhìn những khúc mắc trong đời sống ta đây bằng con mắt khác xem sao? Nhìn những
khó khăn đang gặp kia, sâu tận trong bản chất của nó, tìm những gút thắt và dần
gỡ chúng ra, xem ta sẽ học được gì từ những gút thắt ấy? Thử thay cách nhìn khó
đăm đăm, đổi thái độ mà ta đang hằn học nhìn vào đời sống kia xem, ta sẽ nhận
được những gì?
Khoa học chứng minh rằng, người
ta sẽ hồi phục vết thương nhanh hơn, nếu ta tin tưởng rằng vết thương đang mang
kia sẽ sớm lành. Mỗi sáng thức dậy, chính mình thử tặng mình một nụ cười xem,
cuộc sống có vui hơn không? Chắc chắn ta sẽ được vui ít nhất là trong giây phút
ấy. Không ai có đủ khả năng mang đến niềm vui cho ta bằng chính chúng ta, người
ta mang đến hạnh phúc cho ta đấy, nhưng ta không thấy hạnh phúc thì điều đó có
thể được gọi là hạnh phúc không?
Ta vui bởi vì ta thấy vui, ta
hạnh phúc bởi đang hạnh phúc, điều đó phụ thuộc vào cảm giác bên trong của
chính mình nhiều hơn là do người khác mang đến. Nếu ta nghĩ cuộc đời ta thật
tươi, thì chẳng có nỗi buồn nào làm cuộc đời đang tươi kia héo hon được. Và hơn
nữa khi niềm vui được nhân lên, lan toả, có ai đứng giữa đám đông mà không cười
khi thấy người bên cạnh mình, người xung quanh mình đang cười vui vì sung
sướng? Cái đó nhân gian gọi là “vui lây”.
Như những hạt mầm kia, gieo xuống
hạt tiếng cười, ta sẽ được niềm vui, ta sẽ thấy cuộc đời đáng sống bởi vì ta
đang sống. Cứ gieo hạt đi, vì nếu không gieo, sẽ chẳng có gì để nảy mầm cả.