Đời phi lý, vậy có đáng sống không?

Mở đầu Huyền Thoại Sisyphe, Camus nói ngay:

“Chỉ có một vấn đề triết lý thực sự nghiêm chỉnh, đó là tự tử. Xét xem đời đáng sống hay không đáng sống, là trả lời cho câu hỏi cơ bản của triết học.” (trang 17, Folio Essais, 1998). Và tác giả đã trả lời câu hỏi này bằng biện chứng phân tâm đối tượng.

Sisyphe là một nhân vật huyền thoại Hy Lạp, được Homère coi như kẻ minh mẫn nhất và cẩn trọng nhất trong bọn nhân sinh. Nhưng lại có những ý kiến khác rất tiêu cực về Sisyphe. Và đó là lý do khiến các vị thần thánh đã đầy đọa Sisyphe xuống địa ngục, bắt phải triền miên lấy hết sức bình sinh lăn một hòn đá lớn từ chân núi lên trên đỉnh núi, nhìn nó rơi xuống. Rồi lại từ từ xuống núi, và cố gắng lăn nó trở lên đỉnh…

Sisyphe là biểu tượng của người phi lý: Hình ảnh Sisyphe không xa với hình ảnh một người thợ, một người lao động tay chân hay trí óc: suốt ngày làm một công việc, suốt đời làm một công việc, hoàn tất rồi, lại quay trở lại bắt đầu một công trình khác cũng y như trước. Thân phận con người nào cũng có một chút Sisyphe ở trong: sáng vác ô đi, tối vác ô về. Ðiều đáng chú ý nhất là lúc Sisyphe xuống núi, ý thức được những cố gắng mình vừa hoàn thành, ý thức được tính phi lý của đời mình mà còn có can đảm bắt đầu lại: Lúc đó Sisyphe lớn lao hơn định mệnh và ngoan cường hơn đá tảng: Ðó là giá trị, đó là hạnh phúc của con người. Camus kết luận: “Sự tranh đấu để đạt tới những đỉnh đủ để lấp đầy trái tim con người. Phải mường tượng là Sisyphe sung sướng.” (trang 168)

Tất cả biện chứng trong huyền thoại Sisyphe quay quanh vấn đề: Ðời phi lý, vậy có đáng sống không? Và kết luận lô-gích nhất trong sự khám phá tính chất phi lý phổ quát của cuộc đời, đó là tự tử. Tại sao Sisyphe không tự tử để chấm dứt thân phận nghiệt ngã của mình? Camus từ chối lô-gích tự tử. Bởi cuộc đời dù phi lý, dù vô nghĩa, không có nghĩa là đời không đáng sống. Ngược lại, trong cái vô nghĩa ấy, con người tồn tại, Sisyphe chấp nhận tính vô nghĩa của cuộc đời và tìm thấy hạnh phúc trong thân phận phi lý.

Previous Post
Next Post