Căng thẳng (Stress) - Chứng bệnh của nền văn minh

Hãy hiểu và chế ngự căng thẳng. Căng thẳng là một từ mà ngành tâm lý và y khoa chọn từ cơ khí học. Định nghĩa đơn giản, căng thẳng trong cơ khí có nghĩa là áp lực trên một vùng nào đó. Do có quá nhiều áp lực tác động trên chúng ta trong thời hiện đại, và chúng ta thấy làm việc dưới quá nhiều sức ép như vậy là cực kỳ khó. Cho nên căng thẳng được gọi là ‘chứng bệnh của nền văn minh.’ Philip Zimbardo trong cuốn Tâm Lý Học và Cuộc Sống (Psychology and Life) đã truy nguyên bốn mức tương quan trong đó chúng ta phản ứng với sức ép tác động trên chúng ta từ môi trường chung quanh.

Bốn mức đó là: mức cảm xúc, mức ứng xử, mức sinh lý và mức nhận thức. Những phản ứng của cảm xúc đối với tình trạng căng thẳng là buồn rầu, chán nản, tức giận, cáu kỉnh, và thất vọng. Những phản ứng của hành vi cư xử là sức tập trung yếu, hay quên, những quan hệ cá nhân xuống cấp, và sức sản xuất thấp.

Phản ứng của sinh lý bao gồm những căng thẳng trên cơ thể, có thể dẫn đến các chứng bệnh đau đầu, đau lưng, loét dạ dày, huyết áp cao, và thậm chí cả những bệnh giết người. Ở mức nhận thức người ta có thể mất lòng tự trọng, và tự tin, dẫn đến những cảm giác bất lực và tuyệt vọng. Tệ hại nhất là người bị stress như vậy ngay cả có thể tự sát để kết liễu cuộc đời mình.

Để hiểu được tình trạng căng thẳng hay stress, chúng ta hãy xét đến các yếu tố ngoại cảnh khác tác động sức ép lên con người hiện đại. Trong thời đại nguyên tử này ngay sự sống của muôn loài cũng bị đe doạ. Chiến tranh hạt nhân đe doạ đến từng con người sống trên trái đất này, bất kể họ ở một quốc gia nào và có vũ khí hạt nhân hay không. Sự bùng nổ dân số đe doạ con người với nguy cơ thiếu hụt lương thực trầm trọng; hiện nay một phần lớn dân số thế giới trong tình trạng thiếu ăn trong khi số khác đang phải chết đói và suy dinh dưỡng. Sự ô nhiễm môi trường gây ra những nguy hiểm trầm trọng cho sức khoẻ, làm chậm sự phát triển cả về thể xác lẫn tinh thần. Tình trạng thất nghiệp trong số những người có tay nghề là một vấn đề toàn cầu đang có chiều hướng gia tăng. Nhịp độ của cuộc sống đã trở nên bề bộn đến nỗi con người cứ phải vội vã hết công việc này đến công việc khác không có lúc nào được thư giãn. Đây thực sự là nghịch lý trong một thời đại mà những dụng cụ tiết kiệm lao động có được một cách tự do và được sử dụng tới một mức mà chúng ta chưa từng thấy trước đây.

Sự cạnh tranh để có được những cơ hội kiếm việc làm và giáo dục gay gắt đến độ nó đã góp phần làm tăng nhanh tỷ lệ tự tử. Tình trạng hưởng thụ các dục lạc cũng phát triển mạnh đến nỗi nó trở thành giống như uống nước muối để dập tắt cơn khát vậy. Ngày nay sự kích thích không ngừng của các giác quan được con người xem như một nhu cầu cần thiết, vì thế mà các loại máy hát bỏ túi có gắn tai nghe cũng như các loại mỹ phẩm được mua bán ở khắp mọi nơi. Tất nhiên, kích thích giác quan cứ tiếp tục phát triển song sự thoả mãn thì chẳng bao giờ đạt đến được. Thảo nào mà con người, bị cuốn hút trong những thứ này, đã trở nên cực kỳ rối ren và thất vọng, và cuộc sống của họ căng thẳng tới mức không còn có thể chịu nổi. Đây là tình trạng mà Đức Phật mô tả như nội triền và ngoại triền (rối ren bên trong và rối ren bên ngoài), con người bị vướng mắc trong những rối ren này.’

Những Chướng Ngại Đối Với Chân Hạnh Phúc. Trong khi những quan sát trên được thực hiện từ quan điểm của những nghiên cứu hiện đại và từ những điều kiện tạm thời, đạo Phật cũng thực hiện những quan sát tương tự nhưng từ một viễn cảnh tâm lý. Sở dĩ con người bị căng thẳng và đau khổ là vì năm trạng thái tâm lý vốn bao trùm toàn bộ cá tính của anh ta.

Năm trạng thái đó được gọi là năm triền cái (nivarana) trong ngôn ngữ Pāḷi. Chúng ngăn trở hạnh phúc và che phủ cái nhìn của con người về chính anh ta, môi trường chung quanh anh ta, và sự tác động qua lại giữa anh ta và ngoại cảnh. Những chướng ngại hay triền cái này càng dày và càng bền chắc bao nhiêu, khổ đau và căng thẳng mà con người thọ lãnh sẽ càng lớn hơn bấy nhiêu. Những triền cái này càng mỏng và càng thưa, thì khổ đau của họ sẽ càng ít đồng thời hạnh phúc sẽ gia tăng thêm.

Năm triền cái đó là mong muốn các dục lạc hay tham dục, sân hận, lười nhác (uể oải), lo lắng và hoài nghi. Kinh Điển Pāḷi minh hoạ hệ quả của năm triền cái này với sự trợ giúp của năm ẩn dụ. Tâm bị tham dục áp đảo được so sánh với nước có pha màu ngăn sự phản ánh trung thực của đối tượng trên nước ấy.

Như vậy một người bị tham dục ám ảnh thì không thể nào có được một cái nhìn trung thực về chính bản thân họ hay về những người khác hoặc về môi trường chung quanh anh ta. Tâm bị ám ảnh bởi sân hận được so sánh với nước sôi không thể đưa ra một sự phản ánh chính xác. Vì thế khi một người đã bị sân hận ám ảnh sẽ không thể nào nhận ra đúng thực chất của vấn đề.

Khi tâm bị lười nhác, uể oải bám chặt nó cũng giống như nước bị phủ rêu: ánh sáng thậm chí không thể xuyên qua nước và sự phản chiếu lại càng không thể. Người lười nhác ngay cả không buồn cố gắng để hiểu đúng một vấn đề gì. Khi lo lắng tâm chẳng khác nước bị nhồi lao xao, cũng không phản chiếu trung thực được.

Người lo lắng, muôn đời bất an, không thể nào đưa ra một đánh giá đúng về một vấn đề gì. Khi tâm trong tình trạng hoài nghi nó được so sánh với nước bùn đặt trong chỗ tối không thể phản chiếu rõ một hình ảnh. Như vậy cả năm triền cái tước mất của tâm sự hiểu biết đúng và hạnh phúc đồng thời còn gây ra nhiều căng thẳng và khổ đau.

Hạnh Phúc Nhờ Phát Triển Đạo Đức. Đạo Phật đề xuất một đường lối tu tập có phương pháp nhằm loại trừ dần các căng thẳng và gia tăng hạnh phúc cũng như trí tuệ. Bước đầu tiên được giới thiệu trong trình tự tu tập này là giữ Ngũ Giới, bao gồm không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống các chất gây say. Sở dĩ căng thẳng tăng lên cao độ là do lầm lỗi, và việc giữ giới giúp cho lương tâm con người không bị mặc cảm tội lỗi ấy. Kinh Pháp Cú nói người làm điều ác đời này khổ, đời sau khổ, trái lại, người làm điều thiện đời này vui, đời sau cũng an vui.

Đạo Phật tin chắc rằng điều ác làm gia tăng tình trạng căng thẳng (stress) trong khi điều thiện giúp tăng trưởng hạnh phúc. Ngoài việc giữ Ngũ Giới suốt cuộc đời, Đaọ Phật còn giới thiệu Bát Quan Trai Giới định kỳ cho người tại gia cư sĩ. Ba giới thêm vào sau này nhằm rèn luyện cho người ta sống một cuộc sống giản dị chỉ sử dụng những nhu cầu cần thiết thay vì thoả mãn lòng tham của họ. Đạo Phật rất tán dương cuộc sống giản dị ở đây những thứ cần thiết chỉ vừa đủ và dễ dàng thoả mãn. Chính tâm lý tham đắm và thích tích chứa chịu trách nhiệm cho rất nhiều những căng thẳng (stress) mà chúng ta mắc phải trong cuộc sống này.

Tác giả: Dr. K. Sri Dhammananda
Dịch giả: Pháp Thông
Previous Post
Next Post