- Cậu đó hả? sao lâu nay hổng
chịu ghé thăm tui?
- Dạ, con mới thăm bà hôm Chủ
nhật tuần trước mà!
- Dzậy hả! mới có một tuần thôi
hả? Dzậy mà tui tưởng là lâu lắm chứ! Tui mù lòa có biết gì đâu, buồn lắm cậu
ơi! Có cậu dzô đây tui mừng lắm, thỉnh thoảng nhớ ghé thăm tui nghen cậu!...
Muốn cho bà vui, tôi đùa:
- Dạ, bây giờ thì thỉnh thoảng
chứ ít bữa nữa con cũng già, rồi con vô đây ở chung với bà luôn cho vui nghen!
Thoáng mỉm cười hiện lên trên
khuôn mặt nhăn nheo của bà, nhưng sau đó là tiếng thở dài não ruột:
- Thôi đi cậu ơi! Cậu còn trẻ mà
đã biết lo mần dziệc phước đức, thì cầu Trời Phật độ trì cho cậu, để cậu khỏi
phải lâm vào cảnh như tui…
Rồi bà tiếp với cái giọng đều đều
nhưng sao nghe nghèn nghẹn và đầy bi phẫn:
- Sao trên đời này lại có những
kẻ bất nhân như thế chứ! Khi chúng nó còn nhỏ, mồ côi bố mẹ, tui đem dzề nuôi,
lo lắng chăm sóc cho tụi nó đầy đủ, tui có tiếc gì cho tụi nó đâu. Dzậy mà khi
tui già, tui mù mần hổng ra tiền nữa thì bị tụi nó hắt hủi… Cậu biết không, nó
đem chén cơm dằn xuống bàn trước mặt tui “Nè, ăn đi bà già mù. Đồ cái thứ báo
đời!”. Bao nhiêu năm được tui nuôi dưỡng, cuối cùng tụi nó trả ơn bằng cách kêu
xe xích lô tới chở tui đem đổ xuống trước cổng chùa này, như người ta trút một
cái bọc rác dzậy!...
Tôi biết kí ức đang sống lại
trong bà, miền kí ức đau thương và cay đắng không thể nào phai dù đã hơn hai
năm trôi qua. Bà đã đi sắp hết cuộc đời làm người. Dấu ấn thời gian lưu lại
trên khuôn mặt bà những nét nhăn nheo khắc khổ. Còn dấu ấn cuộc đời, lại nghiệt
ngã hơn, hằn sâu trong lòng bà những vết thương không thể nào chữa lành được.
Từ hai hốc mắt sâu hoắm không còn chút tinh anh của bà, đôi dòng lệ cuộn tròn,
trào ra rồi chảy thành dòng qua những nếp nhăn nheo của đôi gò má xương xẩu.
Vài tia nắng hắt từ khung cửa sổ, đậu lại trên khuôn mặt bà làm ánh lên hai
hàng nước mắt long lanh. Mỗi lần kể chuyện cho tôi nghe bà đều ngồi yên bất
động, chỉ có đôi môi mấp máy và cặp mắt nheo nheo như đang hướng về một vùng
trời vô định.
Ngoài xa kia, dòng sông Sài Gòn
vẫn bình yên trôi lờ lững, lác đác vài bụi lục bình đang dập dềnh trôi trên
sóng nước. Cánh lục bình làm tôi liên tưởng đến một kiếp người. Người ta không
biết lục bình trôi từ đâu đến, và cũng chẳng ai biết rồi cánh hoa kia sẽ dạt về
đâu giữa biển trời mênh mông!
Có một thời gian tôi ở trong tình
trạng lao đao, khi muốn đi tìm cho tương lai của mình một lối đi. Chiều chiều,
tôi hay ra đứng bên dòng sông Đồng Nai, ngắm những cánh hoa trôi nổi bồng bềnh.
Đem so sánh tương lai đời mình với cánh hoa lục bình, tôi thấy có cái gì đó na
ná: mong manh phiêu bạt, rồi sẽ chẳng biết về đâu? Nhưng rồi cũng đến giai đoạn
tôi quyết định hướng đi cho tương lai đời mình. Cánh lục bình cho tôi một bài
học quý giá: cuộc đời mong manh và vắn vỏi là thế, nên tôi cần tìm cho mình một
Bến Đỗ an toàn và bền vững hơn. Tìm về với Đấng là Cội Nguồn và Cùng Đích của
đời tôi. Đó là căn nguyên đức tin của tôi.
Giờ đây, ngồi đối diện với bà –
cánh lục bình già cỗi – tôi bỗng nhận ra Đức Tin của mình quý giá biết bao.
Vâng, tôi là cánh lục bình giữa cuộc đời mênh mông, bé nhỏ và long đong nhưng
không chập chờn vô định. Tôi biết được ý nghĩa cuộc đời mình. Tôi biết mình từ
đâu tới và sẽ về đâu. Lúc này đây, tôi thấy lòng mình bừng lên ước ao muốn được
chia sẻ cho bà niềm tin của tôi về Đấng Tuyệt Đối là cội nguồn và cùng đích của
mọi loài. Tôi muốn dùng Lời Ngài để tâm sự với bà rằng:
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
Vì anh em sẽ được vui cười”.
Tôi muốn nói cùng bà về sự sống
đời sau, về lòng thương xót của Đấng là Tình Yêu… nhưng buồn làm sao, những
điều ấy chỉ có thể là ý tưởng! Bà đang ở trong chùa, là tín đồ của Phật giáo!
Cái ranh giới Phật giáo – Công giáo tuy mong manh nhưng vẫn là cái ranh giới!
Hơn nữa, nhiệm vụ của tôi lúc này, nơi này là làm chứng tá bằng chính hành động
chứ không phải là bằng lời nói hay thuyết giảng… Chợt nhớ tới lời của Mẹ Têrêxa
Calculta: “Truyền giáo là giúp cho người ta sống tốt với đạo của mình”, tôi
buột miệng tính hỏi xem bà có tin vào Phật không, nhưng nhận ra cái vô duyên
trong câu hỏi ấy, tôi kịp hỏi trớ đi:
- Bà ơi, ở đây bà có hay cầu kinh
khấn Phật không?
- Có chứ, tôi ăn chay niệm Phật
suốt cả đời mà. Ở trong này mỗi ngày tôi còn được nghe thuyết pháp và giảng
giải kinh Phật nữa.
- Vậy sao bà không dâng hết mọi
chuyện vui buồn lên cho Đức Phật?...
- Ừ thì tui buồn tui tâm sự với
cậu vậy chứ, không dâng hết cho Phật thì dâng cho ai bây giờ? Có như vậy thì
cái tâm mình mới tĩnh được để mà cầu kinh chứ! À, mà cậu có hay cầu kinh không?
- Dạ, con … không biết, bà chỉ
cho con đi!
- Cậu cầu như thế này nè: “Nam mô
a di đà Phật, Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, Nam mô Thích Ca Mâu Ni đại từ đại bi
cứu khổ cứu nạn… A di đà Phật”
- Bà ơi, vậy thì thỉnh thoảng bà
nhớ cầu Phật cho con với nghen!
- Ừ,.. Nam mô a di đà Phật, cầu cho cậu An
được bình an may mắn tai qua nạn khỏi, cầu cho cậu có được người vợ đẹp, sinh
cho cậu bảy tám thằng con trai để sau này có chỗ cậy nhờ… a di đà Phật!
Bỗng dưng lúc này tôi cảm thấy
mình bé nhỏ vô cùng. Tôi, bà, và mọi người… tất cả đều là những sinh linh bé
nhỏ tội nghiệp, ai cũng cần được Ơn Trên độ trì cứu vớt. Bà cầu Phật cho tôi,
còn tôi, tôi sẽ cầu nguyện cùng Chúa cho bà. Đạo là đường. Chúng tôi đi theo
hai con đường khác nhau, nhưng dường như đang nhắm về cùng một đích.
* * * * *
Từ hồi còn nhỏ tôi vốn đã không
thích chùa lắm. Ở quê tôi, người ta luôn phân định rạch ròi ranh giới giữa Công
giáo và Phật giáo, luôn có những cái ranh giới bất khả xâm phạm giữa xóm đạo và
xóm chùa, giữa nghĩa trang của Phật giáo và nghĩa trang Công giáo. Trong tâm
tưởng của tôi thời thơ ấu, các ngôi chùa với những hàng cột đen bóng, những
hình bát quái với mùi nhang khói nghi ngút… dường như luôn mang cái vẻ ảm đạm
và u ám. Bây giờ thì tôi mới biết cái u ám đó nằm ngay trong chính cái thành
kiến của tôi.
Tôi đến thăm ngôi chùa này chỉ
được vài lần. Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để chúng tôi làm quen và
được nhiều người quý mến. Cửa chùa thì luôn rộng mở đối với mọi người! Từ sự
rộng mở ấy, tôi có cái nhìn đẹp hơn về một tôn giáo bạn.
Ngôi chùa tọa lạc ngay bên cạnh
bờ sông, êm đềm và tĩnh lặng. Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là pho
tương phật bà Quan Âm uy nghi đứng giữa sân, pho tượng quay mặt nhìn về phía
dòng sông đang hiền hòa gợn sóng. Chạy song song với bờ sông là con đường nhỏ
phủ đầy bóng trúc được lát gạch tàu phẳng phiu dẫn vào ngôi chánh điện. Vòng
sang phía sau ngôi điện thờ là hai dãy nhà nhỏ đơn sơ, đó là nhà dưỡng lão của chùa,
là mái ấm dành cho những người già cả cô đơn không nơi nương tựa.
Nơi đây, tôi đã học được nhiều
điều và đọc thấy nhiều giá trị Tin Mừng. Đó là tấm lòng quảng đại từ bi của nhà
chùa và các Phật tử hảo tâm, họ sẵn lòng mở rộng vòng tay để tiếp nhận những
người già nua cô độc. Đó là gương phục vụ vô vị lợi của các cô, các dì ở chùa
đối với những người già. Họ phục vụ tận tâm từ những người bại liệt, mù loà đến
những người già khó tính hay giận hay hờn…
Đặc biệt hơn, nơi những người già
bị bỏ rơi, tôi tìm thấy hình ảnh của Đức Kitô nghèo hèn và cô độc, nhưng vẫn
đẹp đẽ lạ thường. Họ dẫn tôi đi vào trong một thế giới khác hẳn thế giới mà tôi
đang sống. Thế giới của người già chẳng chút ồn ào, phức tạp nhưng giản đơn và
chân tình. Mỗi khi hết buổi làm việc, chúng tôi chào tạm biệt các bà để ra về.
Tình cảm quý mến của các bà được thể hiện bằng cách giấm giúi gởi cho chúng tôi
những gói quà nho nhỏ, những bọc kẹo, vài trái chuối... Mỗi khi từ chối, dù có
khéo léo cách nào đi nữa, tôi vẫn nhìn thấy dường như có nỗi buồn đang phảng
phất trong mắt các bà. Một lần, khi tôi dắt xe ra đến cổng chùa thì có một bà
chạy theo, trên tay bà là vài gói mì tôm và một nải chuối. Bỗng nhiên lúc này
tôi phát hiện ra một điều thật tế nhị: Ở đây, các bà là những người cô đơn và
thiếu tình cảm. Các bà không chỉ cần được yêu thương, mà còn cần có người để
yêu thương nữa. Đó là điều hết sức tự nhiên của một người làm bà, làm mẹ. Thật
nhẫn tâm nếu tôi lại từ chối tấm lòng của các bà!
Cũng nơi những người già này, tôi
học được cái nhìn về cuộc đời đầy kinh nghiệm và đầy triết lý nhân sinh. Một
lần nọ, khi đang lom khom cắt móng chân cho một bà cụ thì bà hỏi tôi “Con đạo
Phật hay đạo Công giáo?”. Tôi ngước lên nhìn bà và chỉ mỉm cười. Như hiểu ý
tôi, bà tiếp: “Ừ, thì bà hỏi thế thôi! đạo nào cũng tốt hết con à! Đạo nào
cũng dạy mình lo làm việc lành để tích đức cho kiếp sau. Ham hố gì đâu trong
cái cuộc đời phù sinh này chứ!”…Rồi bà cho tôi xem mấy tấm hình của bà chụp hồi
còn trẻ “Con thấy không, hồi đó là cô thiếu nữ, bây giờ là bà già xương bọc da.
Cứ tưởng như mới ngày hôm qua, vậy mà… đúng là kiếp phù sinh”. Rồi bà lên giọng
ngâm nga:
Kiếp phù sinh như hình như ảnh;
Có chữ rằng vạn cảnh giai không.
Ai ơi lấy Phật làm lòng,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi.
Vâng, nơi đây tôi nhìn thấy cái
mong manh, phù sinh của cuộc đời. Tâm sự với nhiều người, tôi thấy các bà ai
cũng đã có một quá khứ với nhiều ước vọng cao xa, từng vật lộn với cuộc sống,
từng muốn thu gom tích góp cho mình… nhưng rồi cũng đến thời gối mỏi lưng còng,
đành buông xuôi tất cả, trả lại cho cuộc đời tất cả.
Họ lấy Phật làm lòng, tu thân
tích đức để mong thoát khỏi luân hồi số kiếp. Còn tôi, tôi có Chúa là Nguồn Ơn
Cứu Thoát. Thái độ cung kính và thành tâm của họ dành cho Đức Phật khiến tôi
phải chạnh lòng khi đặt lại tương quan giữa mình và Chúa. Chúa của tôi đáng yêu
và gần gũi biết bao! Chúa biết rõ những yếu đuối của kiếp người, biết tôi không
thể tự mình vươn lên để thoát khỏi vòng tục luỵ. Chúa không để tôi phải một
mình đối chọi với cuộc đời, cũng không tính sổ với tôi sòng phẳng theo kiểu trả
công cho tôi dựa vào những “công đức” tôi làm được. Mọi sự có là gì đâu trước
mặt Chúa! Chúa cúi xuống nâng tôi lên. Tất cả là hồng ân. Tất cả là ơn nhưng
không của Chúa… Vậy mà đã bao lần tôi thờ ơ lãnh đạm. Tôi thả hồn theo những mơ
mộng phù du của cuộc đời. Thậm chí, tôi còn muốn dựa vào sức mình để bơi lái
chèo chống nữa.
Cám ơn nhà chùa đã rộng tay đón
tiếp chúng tôi. Cám ơn các bà đã tin tưởng và yêu mến chúng tôi. Cám ơn Chúa đã
cho con một môi trường tông đồ tuyệt vời để nhìn ra Chúa nơi mọi sự, mọi người.
Tác giả: Lưu
Minh Gian