Đối với một số bác sĩ, bệnh tật là một vấn đề sinh lý. Ta bệnh khi cấu trúc hay sinh hoạt của cơ thể hay một phần của cơ thể không bình thường, … Bệnh tật trong chiều hướng đó là một vấn đề thuần y khoa. Yếu tố xã hội không quan trọng.
Thế nhưng từ gần một thế kỷ nay, ngay đến các bác sĩ đầu đàn trên thế giới cũng tự hỏi thế nào là bình thường và thế nào là bất bình thường. Có bác sĩ còn đi đến định nghĩa rằng có bệnh khi bệnh nhân có than, khi ông hay bà ấy khai rằng khó ở. Ranh giới giữa hai khái niệm khỏe và bệnh này thay đổi tùy theo người làm nghề trị bệnh và tùy theo bệnh nhân.
Ngoài ra xã hội cũng góp phần vào các định nghĩa này. Thí dụ điển hình nhất là chứng ngủ nhiều không bị xã hội xem là bệnh dù trên bình diện y khoa, nó nguy hiểm hơn chứng mất ngủ.
Đó là chưa nói tới vai trò của xã hội trong cấu thành của bệnh tật.
Durkheim, được xem như cha đẻ của xã hội học Pháp, từ đầu thế kỷ thứ XX đã giải thích rằng tình trạng thiếu cấu trúc – anomie – là một trong những nguyên nhân của hiện tượng tự tử. Tức là xã hội là nguồn của bệnh tật.
Việc làm và bệnh tật
Người đi làm là thêm vào hiểm nguy của nghề nghiệp, tai nạn trong lúc làm việc hay bị ảnh hưởng của độc hại nghề nghiệp. Thí dụ điển hình nhất là công việc của thợ mõ tai nạn tại mỏ than và bị bụi của than đá vào phổi, …
Thế nhưng, cả đến khi ta loại trừ các cấu thành bệnh tật kể trên, đi làm một công việc văn phòng, không hiểm nguy gì hết cũng là có thể cho ta nhiều bệnh tật, nhất là bệnh về tâm thàn.
Môi trường làm việc, công việc có thể là nguồn gốc của stress, kiệt sức, thất vọng : những vấn đề về sức khỏe tâm lý và tâm thần. Nhiều khi những đòi hỏi của việc làm và đồng thời lo lắng gia đình không hòa hợp được giằng con tâm lý nhiều khi không lối thoát. Tổ chức và sinh hoạt của công việc, thí dụ như hiện tượng phải đối diện với những quyền lực của lảnh đạo, trưởng phòng, .. cũng có thể làm phát sinh bệnh tật.
Không nói đến những lo lắng thái quá hay trầm cảm, người đi làm, khác với người ở nhà, thường bị các chứng như bị các bệnh về đường tiêu hóa hay đau lưng, nhức đầu, mất ngủ, xuống cân, … dẫn đến tình trạng không thể tiếp tục đi làm nữa. Đó là chưa nói đến những biểu hiệu nhẹ hơn như như giảm trí nhớ, không biết tự đánh giá mình, …
Tổ chức của các nhà máy, các công tư sở thường là những tổ chức thuần duy ý chí, chú trọng đến hiệu quả của sản xuất chứ ít khi chú trọng đến những nhu cầu của người làm việc trong môi trường đó. Ta gọi đó là hiện tượng khổ sở ở nơi làm việc.
Từ từ, các nhà tâm lý xã hội vào cuộc. Họ gợi ý những thay đổi để không những công nhân viên thoải mái hơn, điều kiện sinh sống tốt hơn mà hiệu quả của công việc lên cao hơn nữa.
Trong các việc làm, tùy theo nghề nghiệp có những nghề gây nhiều bệnh hơn một số nghề khác. Có những nghề lại là nguyên nhân của vài bệnh đặc thù.
Một thí dụ sắc lệnh Hoàng gia tại Bỉ ngày 22 tháng giêng năm 2013 cho thêm bệnh lao phổi vào danh sách các bệnh nghề nghiệp của nhân viên cảnh sát, người phục vụ tại các cảng hàng không và hàng hải, nhân viên các trung tâm đón dân di cư bất hợp pháp và người nghèo không chỗ ở, … vì người làm những nghề kể trên phải tiếp xúc với nguồn bệnh lao nhiều hơn.
Những người làm việc theo ca cũng phải đối mặt với nhiều bệnh tật hơn những người chỉ làm việc ban ngày theo một thời dụng biểu bất di bất dịch.
Đối ngược lại, thất nghiệp cũng có thể là nguồn của bệnh tật vì người thất nghiệp mất cấu trúc thời gian, mất lợi tức nên lòng tự tin sẽ giảm đi, dễ mắc bệnh trầm cảm hơn, …
Nghèo khổ gây bệnh tật?
Đó gần như là một sự thật hiển nhiên . Điều kiện sống khổ sở, thiếu ăn thiếu mặc, không được xã hội trọng nễ, …là những nguyên nhân vừa vật chất vừa tăm lý xã hội gây ra bệnh tật. Lại thiếu kiến thức và thiếu phương tiện để trị bệnh khi bị bệnh làm cho tình trạng còn trầm trọng hơn.
Chẳng những thế, đa số người nghèo tự cho là tình trạng sức khỏe của họ không tốt. Về mặt chủ quan.
Khách quan mà nói, khi mức lợi tức thấp, những tiêu xài cho sức khỏe dễ bị hi sinh, sự phòng bệnh kém hơn và kiến thức về y khoa cũng kém
Rốt cuộc, thực trạng cho thấy, và đây chỉ là vài con số minh họa :
Bệnh răng : 11 % người nghèo có vấn đề về răng miệng trong khi con số này nơi các tầng lớp khác chỉ là 6%
Bệnh đường tiêu hóa: 20 % người nghèo mang bệnh đường tiêu hóa thay vì 17 % cho dân các tầng lớp không nghèo
Thấp khớp đau lưng (43 % dân nghèo – 40% người các tầng lớp khác).
Ta có thể kể bất cứ bệnh nào, tỉ lệ người nghèo nhiều hơn tỉ lệ của dân tình nói chung.
Ngừa bệnh và khám kiểm tra phòng bệnh nơi người nghèo cũng ít hơn vì họ không có kiến thức, vì không được thông tin đầy đủ, vì điều kiện sống quá chật vật, vì thiếu cái lý luận theo khoa học mà chỉ theo bản năng hay theo các tập quán xưa cũ và không còn giá trị, …
Sự cô đơn ở tuổi già là nguồn gốc của bệnh tật?
Tuổi già là một nguyên nhân khiến các cụ nhiều bệnh hoạn hơn, như một cỗ máy đã cũ, phải chăm sửa thường hơn.
Đồng thời, ít nhất là ở Tây phương, tuỗi già đi đôi với hiện tượng cô đơn : cô đơn vì góa bụa hay vì các con đã trưởng thành và đã ra riêng. Sự cô đơn chính là nguồn của bệnh tật : trầm cảm và tự tử của người lớn tuổi thường gặp hơn ở các độ tuổi khác.
Gia đình và bệnh tật?
Ở đây, y xã hội học gia không nói tới những bệnh di truyền.
Cấu trúc và sinh hoạt của gia đình, nhất là các gia đình truyền thống có thể là nguồn của bệnh tật.
Cho tới những năm 1980, phụ nữ có gia đình tự tử nhiều hơn phụ nữ độc thân mà một trong những nguyên nhân chính là gánh nặng của công việc nội trợ (hiện tượng làm việc gấp đôi – double journée de travail – vì vừa làm việc nghề nghiệp vừa lo cho con cái và gia đình).
Những biến cố gia đình như ly dị, có tang, … là những nguyên nhân có thể của bệnh trầm cảm.
Đó là chưa nói đến những hiện tượng bạo lực gia đình, một trong những nguyên nhân gây xâm phạm thân thể và sức khỏe tinh thần của phụ nữ và trẻ em là chính.
Kiệt sức là một bệnh do xã hội gây ra
Theo thống kê của OMS, hiện có khoản 400 triệu người bệnh tâm thần trên thế giới, tới năm 2020 bệnh tâm thần sẽ là nguyên nhân tử vong đầu tiên.
Bên cạnh đó, hiện mỗi năm có khoản 1 triệu người tự tử chết – số người tìm đến cái chết nhưng không thành công cao hơn đến 10 lần.
Chưa đến nổi tâm thần hay tự tử, hiện tượng kiệt sức đe dọa càng ngày càng nhiều người. Mà kiệt sức đại đa phần là vì nguyên do xã hội.
Ở những nước giàu, dân tình kiệt sức vì áp lực của công việc. Ở các nước đang phát triển, người lao động, vì phải làm thêm để tăng thu nhập, cuộc sống lại khắc khổ, thiếu thốn, họ thành kiệt sức dù đang tuổi thanh niên.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ AN