Người Việt tư duy bằng cái… bụng?!

Người Việt lạc quan nhất thế giới bởi vì họ không chỉ tư duy bằng cái đầu, mà còn có cái bụng tham gia vào quá trình suy nghĩ, cảm nhận. Người Việt nghĩ gì, cảm gì bằng… cái bụng của mình?

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Gallup International (GIA) về mức độ lạc quan của người dân 53 nước trên thế giới năm 2007, người Việt Nam được đánh giá là lạc quan và vô tư nhất thế giới. Họ dẫn đầu thế giới về mức độ tin tưởng vào tương lai tươi sáng (mặc cảnh báo về những đám mây lạm phát đã bắt đầu vần vũ trên bầu trời kinh tế đất nước từ năm 2007 và đã biến thành giông bão trong năm 2008).

Đầu năm 2009, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vị Đại sứ Nhật Bản tại Hà Nội cũng vẫn đưa ra nhận xét tương tự trên báo Đầu tư: "Người Việt Nam suy nghĩ rất tích cực về tương lai. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, tương lai sẽ tốt đẹp hơn hiện tại… Lạc quan có lẽ là một tố chất nằm trong "gene" của người Việt."

Ra nước ngoài, người Việt thường được đánh giá là trẻ hơn so với tuổị, được xếp vào những tộc người trẻ trung nhất thế giới. Người Việt luôn thường trực nụ cười trên môi, vui cũng cười, được khen cũng cười, bị phê phán cũng cười, theo đúng tinh thần "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" mà các cụ dặn.

Một dân tộc bị thử thách bởi một lịch sử bi tráng và một số phận nghiệt ngã, bao đời sống trong nghèo nàn và thiếu thốn, lại trải qua quá nhiều giai đoạn chiến tranh đầy mất mát, đau thương, vậy tại sao người Việt đứng đầu thế giới về tinh thần lạc quan như đánh giá của công luận quốc tế trong những năm vừa qua?

*****
Tôi cứ tự hỏi nên phải lý giải như thế nào về hiện tượng này và đem thắc mắc của mình trình bày với Giáo sư Trí Việt. Sau đây là trích từ khảo cứu và các kiến giải của vị giáo sư khả kính của chúng ta về vấn đề trên:

Người Việt tư duy và suy xét mọi vấn đề bằng bụng

Người Việt lạc quan nhất thế giới, thuộc loại trẻ trung nhất thế giới có lẽ là do người Việt biết giữ cho đầu óc mình luôn thảnh thơi, an nhàn, vô tư, chẳng phải tư duy, vô lo vô nghĩ.

Với người Việt, nhiệm vụ tư duy, suy xét và cảm nhận thay cho đầu óc và cả trái tim còn được giao cho cả… cái bụng. Thật vậy, người Việt thường "nghĩ bụng". Mọi suy xét và cảm nhận mọi vấn đề đều theo phương thức rất đơn giản, cứ "ưng cái bụng” là được. Cái bụng của người Việt có thể hoàn thành "xuất sắc" nhiều chức năng phong phú và đa dạng về cả vật chất lẫn tinh thần.

Người Việt có chỉ số thông minh riêng của mình để đánh giá con người, đó là sự “sáng dạ" hay "tối dạ" của người đó. Một chỉ số định tính (cũng lại liên quan tới cái bụng), không cần phải đo đạc phức tạp và tốn kém kiểu chỉ số IQ của phương Tây, và người ta có thể toàn quyền quyết định chỉ số đó âm hay dương mà chẳng cần hỏi ai.

Người Việt cũng có những phương pháp “suy diễn hữu hiệu” để nắm bắt sự thật khách quan bằng cách “suy bụng ta ra bụng người“. Chả thế mà người Việt nhận biết được ngay tính thích ganh đua của mình cả trong tiếng gáy của các chú gà: "Con gà tức nhau tiếng gáy”, có lẽ cũng từ phương pháp “Suy bụng ta ra bụng… gà" vậy!

Để xác định phẩm chất của con người, người ta dùng cặp phạm trù đối xứng kiểu âm – dương để đánh giá một con người là “Anh tốt bụng" hay “Anh xấu bụng”.

Nói về sự giả dối, âm mưu và dã tâm, người Việt cũng vận dụng tới cái bụng: “Miệng Nam mô, bụng một bồ dao găm”!

Người Việt thể hiện tình cảm và tình yêu cũng bằng bụng!

Những tình cảm hỉ nộ ái ố với rất nhiều cung bậc tình cảm của con người, người Việt cũng thường biểu đạt tập trung nơi bụng dạ của họ.

Để miêu tả sự bực tức đã có: "Tức lộn ruột lộn gan", "Giận bầm gan tím ruột". Để biểu đạt sự "hài lòng", thỏa mãn: "Mát ruột mát gan" hay "Mát lòng mát dạ"!

Khi đạt được độ tin cậy, thân thiện, người Việt có thể: "Cởi lòng cởi dạ", hay chừng mực hơn: "Được lời như cởi tấm lòng"!

Để diễn tả sự nhất trí hay chưa tán thành, người Việt biểu đạt như sau: "Họ bằng lòng với đề xuất này" hay: "Họ bằng mặt nhưng không bằng lòng"!

Ngay cả trong tình yêu, thay vì sự rung động và thổn thức của trái tim yêu đương, người Việt lại thể hiện tình yêu thông qua cái bụng như sau: "Họ phải lòng nhau", "Anh ta phải lòng cô ấy" hoặc ngược lại.

Bàn về thức tư duy duy cảm của người Việt

Khi người Việt nghĩ bụng (thay bằng nghĩ bằng đầu) thì trên trái đất này, họ là đại diện gần như duy nhất cho một thức tư duy duy cảm, khác hẳn với trường phái tư duy duy lý ở phương Tây, duy tâm linh lấy tinh thần làm trọng ở Ấn Độ hay trường phái Trung Hoa với thức tư duy trung quân và tư tưởng Khổng Tử lấy vua, cha làm trọng.

Người Việt đặc biệt biết cách chuyển giao các chức năng của bộ óc cho cái bụng, dùng bụng để tư duy và suy xét hầu hết mọi công việc. Bộ não bị kẹt cứng trong hộp sọ nên các hoạt động của nó dễ bị cứng nhắc. Cái bụng ngược lại không bị giới hạn đó nên nó có thể co giãn, năng động hơn, dễ xoay xỏa ứng phó hơn.

Trong quá khứ, điều này có thể đã rất cần thiết cho cuộc đấu tranh vì sự sinh tồn đầy cam go và đôi khi bế tắc của người Việt tại đồng bằng sông Hồng, mảnh đất có quá nhiều biến động bất trắc, thường xuyên bị thiên tai, thiếu đói và giặc giã. Trong điều kiện "sống bữa nay, lo bữa mai", để tồn tại, người Việt không thể cứng nhắc, cần ứng phó nhanh và thực dụng trước mắt! Người Việt không thể và cũng không lo lắng xa vời, họ luôn thích ứng với hoàn cảnh, đôi khi bằng cách “Nước đến chân mới nhảy”.

Với thức tư duy này, người Việt nhận thức thế giới xung quanh chủ yếu bằng trực giác và cảm nhận chủ quan của mình (như thế tốn ít năng lượng và sức lực hơn nhiều so với những trường phái tư duy khác). Yếu tố logic ở đây trở nên không quan trọng vì họ quan niệm "Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình!"

Nghiên cứu "Bụng người Việt nghĩ gì, cảm gì?" cùng với thức tư duy duy cảm của họ không chỉ nhằm lý giải vì sao người Việt lạc quan, vô tư và trẻ trung nhất thế giới. Cách lập luận như đã trình bày ở trên đối với nhiều người có thể hơi ngụy biện, nhưng cũng cần thấy rằng còn có những cách kiến giải khác không lấy gì làm tế nhị lắm, như "Điếc không sợ súng" chẳng hạn!

Cụ thể, thức tư duy duy cảm và phương thức nghĩ và cảm bằng bụng có thể là nền tảng, khởi nguồn cho các hiện tượng, các tố chất sau ở người Việt:

a – Hiện tượng hành động bầy đàn mang tính vô thức bản năng, thiếu sự chọn lọc, phê phán, giảm thiểu tối đa các khác biệt về cá tính và cái tôi cá nhân nhưng dễ tự phát, hình thành các phong trào hành động cộng đồng, tạo nên sức mạnh trên diện rộng.

b – Phát triển các tư duy ứng phó trước mắt, có khả năng giải quyết tình huống nhanh, có hiệu quả, nhưng thiếu tư duy phát triển logic dài lâu.

c – Tính thực dụng đôi khi ấu trĩ vì thiếu tầm nhìn (tham bát bỏ mâm), có xu hướng thích đầu cơ, đánh quả nhanh, thích ứng nhanh với hoàn cảnh, nhưng không bền vững.

d – Tính chủ quan và năng lực tự huyễn hoặc bản thân. Điều này cũng giúp con người dễ cả tin và lạc quan trong các hoàn cảnh khó khăn…

Về những vấn đề vừa nêu ở trên, cần phải có những khảo cứu riêng rẽ sâu hơn mới có thể làm rõ những mặt mạnh và yếu khi vận dụng chúng vào thực tiễn đã thay đổi rất căn bản hiện nay trong thời toàn cầu hóa..

Việc hình thành và truyền bá lại cho đời sau các hình thái tư duy khác nhau, các nền văn hóa khác nhau không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Nó được quy định bởi điều kiện sống, hoàn cảnh địa lý, lịch sử, kinh tế xã hội của con người và quốc gia đó.

Đó cũng là các kinh nghiệm, phương pháp đã giúp cho con người vượt lên trên số phận và thử thách của thiên nhiên trong suốt chiều dài lịch sử đã qua, khẳng định sự tồn tại và phát triển của họ với tư cách là một dân tộc, một quốc gia độc lập. Nghiên cứu hay đọc về những vấn đề này đều không nhằm mục đích khen chê, phân định đúng, sai. Chúng ta chắc không muốn sau này bị con cháu đời sau đem ra phán xử, vậy chúng ta không nên cho mình quyền làm điều đó với các thế hệ lịch sử đã qua.

Chỉ khi hiểu được xuất xứ và bản chất của vấn đề, ta mới có thể vận dụng chúng ở thế mạnh và khắc phục chúng ở các khiếm khuyết một cách có lợi cho công cuộc phát triển của đất nước trong hoàn cảnh đã đổi thay căn bản của ngày hôm nay.

Tài liệu khảo cứu sơ bộ viết tại Hà Nội 12/2008 và chỉ nên công bố vào năm 2109, GS Trí Việt.

*****
Thay cho lời kết

Tất nhiên, trước một hiện tượng văn hóa xã hội có thể có nhiều cách nhìn nhận từ các góc độ khác nhau và từ đó có cách lý giải khác nhau. Bài viết được trích đăng trước hết chỉ nêu quan điểm riêng của tác giả để chúng ta cùng suy ngẫm và tiếp tục xem xét.

Nhận thức bao giờ cũng là một quá trình tốn kém, gian khó và hoạt động tư duy vì vậy rất cần một bầu không khí dân chủ thật sự với tinh thần tự giác tuân thủ các luật chơi của mỗi chúng ta .

Ông cha mình thường dặn: "Tốt đẹp phô ra, xấu xa đậy lại" và chẳng ai dại gì "Vạch áo cho người xem lưng". Cũng có thể vì lý do truyền thống đó, cho nên vị giáo sư khả kính ghi rõ khảo cứu trên chỉ nên công bố sau 100 năm nữa, tức là năm 2109. Khi đó người Việt mình có thể đã không còn mặc cảm về các điều được nêu ra vì chúng có thể đã trở nên xưa cũ, không còn đáng chấp nữa và đất nước có thể đã trưởng thành và phát triển rực rỡ nhiều rồi.

Nhưng liệu lúc ấy có ai cần những khảo cứu kiểu này nữa không? Ở vào cái thời buổi của Internet và toàn cầu hóa rồi mà vị giáo sư già vẫn còn cẩn thận kiểu cũ quá! Tôi mạn phép cứ xin công bố ở đây, gửi tới ông lời xin lỗi trước và hy vọng ông sẽ thể tình cho tôi và các bạn.

Nguyễn Hoàng
Previous Post
Next Post