Những vấn đề cá nhân

Ngày nay không có gì ngạc nhiên khi thấy rằng trong những xã hội được gọi là cực kỳ tiến bộ, cả ở phương Tây lẫn phương Đông, vốn bị ngự trị bởi tham lam, sợ hãi, và sân hận, con số những người gặp phải tình trạng bất an, thất vọng, ganh tỵ. và thù hằn đang gia tăng.

Đối với nhiều người, đặc biệt là những thanh niên sinh ra và lớn lên trong môi trường giàu có và xa hoa, cuộc sống thật là vô nghĩa. Trong cơn tức giận do thất vọng một điều gì, họ gia nhập các phong trào phản kháng chống lại mọi thứ. Họ thách thức các cách làm việc theo truyền thống bởi ‘Giới Quyền Uy’ và cổ vũ tiến trình đưa đến sự băng hoại các tiêu chuẩn đạo đức, phân rã cuộc sống gia đình, đưa những sự sùng bái cuồng nhiệt vào nghệ thuật, khiêu vũ và thời trang.

Giữa những thay đổi và sung túc ấy, con người cảm thấy cô đơn và chán chường. Chẳng phải là một nghịch lý sao khi nói rằng trong cái thế gian đầy cứng với sáu tỷ cư dân, con người có thể vẫn cảm thấy cô đơn? Ở một mức nào đó, điều này là sự thực. Nhưng cô đơn ở đây không nhất thiết là người ta sẽ cảm thấy đơn độc một mình trong cái thế gian này. Một người hành thiền có thể sống một mình trong rừng sâu, song người ấy lúc nào cũng bận rộn với việc tu tập tâm. Trong khi người khác có thể sống giữa chốn đông người, nhưng vẫn bị đánh bại hoàn toàn bởi một cảm giác căng thẳng của sự cô đơn, dù rất đông người.

Như có người nào đó đã viết: ‘Khi sống một mình, tôi không cảm thấy cô đơn, bởi vì tôi được tự do hành động theo ý mình muốn. Chính khi sống với những người khác trong xã hội tôi lại cảm thấy cô đơn, lạc lõng và nghi ngờ về tính phân biệt, những nghi thức, những kiểu cách và truyền thống vốn đầy ắp trong xã hội ấy.’

Con số những người thấy cuộc sống của mình như thể rỗng không, quanh đi quẩn lại với những công việc hàng ngày và không có một ý thức về mục đích (sống) đang gia tăng. Họ cố gắng vượt qua cảm giác cô đơn của mình bằng cách làm những điều khác thường — ăn mặc những loại quần áo lôi cuốn sự chú ý hay làm những kiểu tóc gây sửng sốt cho mọi người. Họ lao vào bài bạc, can dự vào những vụ trộm cắp vặt vãnh hay đánh chửi nhau — nói chung bất cứ việc gì, chỉ để tạo ra một sự náo động nào đó trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên bao lâu họ còn giành hết thì giờ cho bản thân mình và cho những ước muốn không bao giờ thoả mãn của mình thay vì chuyển những nỗ lực ấy sang việc cải thiện đời sống cho những người chung quanh mình, cảm giác cô đơn của họ vẫn sẽ mãi còn đó.

Do hoàn toàn cô đơn, người ta xoay qua uống rượu hoặc như một phương tiện để hoà nhập với xã hội, hoặc như một cách để tiêu sầu và xoá nhoà nỗi cô đơn của họ. Nhưng rượu chẳng thể nào xoá được những phiền muộn của con người: nó chỉ làm cho họ sầu muộn hơn, giống như đổ thêm dầu vào lửa vậy.

Tác giả: Dr. K. Sri Dhammananda
Dịch giả: Pháp Thông
Previous Post
Next Post