Phú quý sinh lễ nghĩa

Ngày nay tuy có nhiều thay đổi về quan niệm xã hội, phong tục, lối sống, văn hóa nhưng “Lễ nghĩa” vẫn là một thứ công cụ duy trì trật tự xã hội một cách tự giác, vì con người sống trong xã hội văn minh hiện đại vẫn phải gìn giữ truyền thống xưa. “Phú quý sinh lễ nghĩa” là khi giàu có hay đẻ ra các nghi thức không cần thiết. Khi mức sống vật chất đã tạm đủ, người ta quan hệ rộng hơn, thủ tục, nghi thức trong cuộc sống cần thiết hơn.

Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế thì cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao. Thu nhập của con người tăng lên kéo theo nhu cầu hưởng thụ ngày càng lớn. Bây giờ chúng ta không chỉ có nhu cầu “ăn no, mặc ấm” mà còn hướng tới nhu cầu “ăn ngon, mặc đẹp”.

Mọi người đã biết hưởng thụ những thú vui của cuộc sống, biết làm phong phú đời sống tinh thần của mình bằng những hoạt động giải trí phi vật chất. Như một quy luật của xã hội, cuộc sống giàu có với những giá trị mới đã làm phát sinh nhiều nghi lễ, nhiều nhu cầu giải trí mới.

Bên cạnh đó, sự giàu có, sung túc cũng gây ra nhiều “phiền toái” cho cuộc sống của con người. Cơ chế thị trường làm cho tính thực dụng tăng lên trong các mối quan hệ, trong mọi hoạt động. Con người chú ý nhiều hơn đến những nghi thức, “lễ nghĩa” mới. Hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo cũng nảy sinh từ cuộc sống vật chất khấm khá của con người.

Tuy nhiên, có lúc, có nơi, lễ nghĩa hình như đã đi “quá đà”. Bây giờ ở nông thôn, nhiều nơi tổ chức đình đám: Đám cưới, đám ma, cúng 50 ngày, 100 ngày, đám bốc mộ, mừng nhà mới, mừng con đi học đại học, mừng trẻ đầy cữ, đầy năm, mừng khánh thành lăng mộ, nhà thờ...

Nhiều đám, trước đây chỉ trà nước thì nay cũng cỗ bàn. Đám cưới có nơi đến hàng trăm mâm, các đám khác cũng hàng chục mâm có lẻ. Nhà này làm được, nhà kia không làm cũng thấy áy náy, nhà sau lại muốn làm to hơn nhà trước, sang hơn. Họ này xây lăng, làm nhà thờ, họ kia cũng phải theo, có khi làm sau lại lớn hơn, “con gà tức nhau tiếng gáy”, cứ thế đua nhau. Tổ chức các việc ấy, nhiều khi thuần túy chỉ là ăn uống, khách đến, được mời vào mâm, ăn rồi tặng phong bì. Đi dự đám cưới mà nhiều người không biết cô dâu, chú rể là ai.

Ngoài ra còn rất nhiều hiện tượng “lễ nghĩa” khác xuất phát từ cuộc sống “phú quý” của con người. Rõ ràng, khi cuộc sống được cải thiện, con người càng chú trọng đến đời sống văn hóa, tinh thần. Nhiều nghi thức, lễ nghĩa được con người đưa ra để làm phong phú đời sống của họ.

Vì vậy, chúng ta nên hướng đến việc tạo ra những giá trị văn hóa, tinh thần mới, có tác dụng xây dựng nếp sống đẹp, giá trị chuẩn mực đạo đức, hạn chế những “lễ nghĩa” rườm rà, đang trực tiếp làm xói mòn truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Previous Post
Next Post